Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Tưởng Nhớ Anh Tô Đồng


Vợ chồng tôi ngồi trong nhà quàn Pacific View Memorial Park&Mortuary thuộc thành phố Corona Del Mar nghe tiếng đàn dương cầm êm dịu, nếu không có mùi hương thơm ngạt ngào thì tưởng như đang dự buổi nhạc thính phòng tại nhà một thân hữu nào đó. Nhưng chung quanh chúng tôi quy tụ toàn giới khoa bảng y nha dược sĩ với những câu nói rầm rì nhắc đến tên vị giáo sư khả kính : Anh Tô Đồng. Chiều nay, chủ nhật 26 tháng 8 năm 2012, là buổi lễ phát tang Anh và cũng là buổi thăm viếng đầu tiên dành cho thân hữu, môn sinh của Anh đến tiễn chào Anh lần cuối, trước khi Anh qua thế giới bên kia.
Giáo sư Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài-Gòn (1974-1975), đã tạ thế vào ngày 23 tháng 8 năm 2012 tại Newport Coast, California.Hưởng thọ 80 tuổi.

Tôi biết tiếng chị Nguyễn Loan, hiền thê của Anh, khi chị học trường Chu Văn An năm đệ nhất niên khóa 55-56 cùng với các người đẹp khác như PM Linh, HC Qui, CXC Phố…Thuở ấy, bài Sớ Táo Quân trong tờ báo Xuân có nhắc đến Chị:

Trước hết, xin kể
Cô Yến Madame
Rồi đến Nguyễn Loan
Trọng tâm của lớp
Mắt luôn luôn chớp
Dáng điệu thướt tha
Áo tím áo hoa
Tiếng cười son trẻ
………

Sau Chu Văn An chị lên học dược và nhanh chóng nổi tiếng là hoa khôi của trường. Có rất nhiều chàng dòm ngó, những bó hoa tươi đẹp treo trước cửa nhà chị trong hẻm Cao Thắng đều khô héo, không ai ngó ngàng. Bất thình lình, một chàng trai trẻ tốt nghiệp tiến sĩ từ trời Âu trở về nước và rước chị về dinh, trước những cặp mắt ngỡ ngàng của những người ái mộ vô danh khác. Người trẻ tuổi tài hoa đó là Anh Tô Đồng, và tên Tô Đồng được gắn liền với tên Nguyễn Loan từ đó. Mọi người đã quen với tên mới: bà Tô Đồng.

Tôi nghe tiếng sang sảng của cựu nghị sĩ Hoàng Xuân Hào ngỏ lời cám ơn giáo sư Tô Đồng, người đã đào tạo 3 người dược sĩ trong gia đình Anh, nhất là đã làm chủ hôn cho người em trai dược sĩ của Anh kết duyên cùng một dược sĩ. Chính hiền thê của Anh cũng là môn sinh của giáo sư Tô Đồng. Rồi dược sĩ Vương Lan Hương, quả phụ cựu đại tá Hoàng Đạo Thế Kiệt vừa từ Dallas bay về, để phụ lo tang lễ lên đọc bài viết sẵn của dược sĩ Phạm Ngọc Lân, sinh viên lớp dược niên khóa đầu tiên giáo sư Tô Đồng diễn giảng tại trường Dược Khoa từ Trần Quý Cáp mới dọn về trụ sở mới vào năm 1963. Với giọng trầm ấm, dược sĩ Hương đã đọc bài viết ngắn gọn mô tả tình thầy trò, chí khí và viễn kiến của người thầy từ đào tạo môn sinh ở Việt Nam cho tới tái huấn luyện hành nghề dược sĩ tại Hoa Kỳ.

Tôi hồi tưởng mấy chục năm về trước khi cùng Anh Tô Đồng tham dự Đại Hội Cộng Đồng người Việt vùng Bắc Mỹ/Canada do Anh Nguyễn Huy Hân, cựu Tổng Giám Đốc Thuế Vụ dưới thời Tổng trưởng Tài Chánh Châu Kim Nhân, tổ chức tại Michigan. Những buổi tham luận kéo dài không dứt để bàn về những phương thức giải phóng Việt Nam, phát triển kinh tế cho người tỵ nạn và những chương trình văn hóa xã hội cho Cộng đồng son trẻ người Việt trên đất tạm dung…. Anh Tô Đồng được Đại hội đề cử làm Trưởng Ban Văn Hóa Xã Hội. Xong Đại Hội Anh Tô Đồng, Nguyễn Sĩ Anh, Đoàn Danh Tài và tôi, trở về San Diego. Chúng tôi đã không hẹn mà gặp lại Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh tại phòng đợi của phi trường. Giáo sư Vinh cho chúng tôi coi cuốn sách giáo khoa do Giáo sư viết được một nhà xuất bản ở Đài Bắc in để dùng làm sách giảng dạy cho các trường Đại học ở Đài Loan. Giáo sư Vinh cũng kể những giai thoại vui khi tham dự các buổi hội nghị quốc tế về không gian tại Mỹ và Âu châu. Anh Tô Đồng tâm sự, thủa nhỏ Anh rất thích toán nhưng Anh vô tình chọn học một ngành liên quan đến y, mà sau này Anh mới biết hợp với môn theo lá số tử vi cụ thân sinh đã lấy cho Anh. Nhưng Anh vẫn tiếc nuối không có duyên nợ với môn toán. Đoàn Danh Tài kể hồi đi học ở hậu phương Anh Tô Đồng đã nổi tiếng là thần đồng, thầy giáo thường dùng câu “Đi xách dép cho Tô Đồng” để mắng các học sinh kém không giải nổi đề toán. Nhân vui câu chuyện, Anh Tô Đồng thuật lại hồi mới định cư tại Mỹ, Anh ra bưu điện mua mấy con tem, trong lúc anh bưu tá đang dùng máy để tính số tiền thối lại thì Anh đã nói ngay số tiền làm cho anh bưu tá ngạc nhiên ngắm nhìn người tỵ nạn trung niên có tài làm tính nhẩm nhanh hơn máy. Về đến phi trường San Diego gặp hai dược sĩ Nguyễn Loan và Tố Minh (vợ Nguyễn Sĩ Anh) rủ nhau đi cắt tóc ra đón hai vị phu quân đi họp xa về. Khi bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy nghe được chuyện này thì bà nói: ”Cái bà Loan này làm hỏng Ông chồng”. Tôi không dám hỏi lại, vì thật ra tôi cũng thầm mong ước được như vậy. Giáo sư thạc sĩ y khoa Nguyễn Ngọc Huy, Viện trưởng Viện Đại học Sài-Gòn, đã bổ nhiệm giáo sư Tô Đồng giữ chức vụ Khoa trưởng Đại học Dược Khoa.

Tôi lại nghe thấy giọng nói cao vút của dược sĩ Trần Thị Danh, góa phụ bác sĩ Bùi Xuân Mẫn, thông gia của Anh Chị Tô Đồng, đọc một bài viết sẵn với tư cách một môn sinh. Bài viết đã tóm gọn cuộc đời, sự nghiệp công cũng như tư của giáo sư Tô Đồng, trong đó có nhắc tới vai trò của chị Nguyễn Loan, “Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng người đàn bà”, và nhất là Quỹ học bổng “The Dr. Dong To Scholarship Fund” thiết lập tại trường dược khoa Skaggs thuộc đại học UCSD. Học bổng này do chính trường UCSD tự thiết lập vì danh tiếng của giáo sư Tô Đồng với môn sinh và với Cộng Đồng người Việt trên toàn thế giới.

Nhớ lại ngày đầu tiên, vợ chồng tôi tới thăm nhà Anh Chị trong khu Parkdale thuộc vùng Mira Mesa thành phố San Diego, tôi thật choáng váng về hòn non bộ và vườn cây cảnh do chính Anh Tô Đồng xây dựng và chăm sóc. Anh nói: ”Tôi xây hồ bán nguyệt này cho nàng rửa chân ”: có cả hoa sen, có cây quỳnh và cây dao trồng chung quanh. Anh Chị có cho vợ chồng tôi vài cành dao mang về trồng tại vườn của chúng tôi. Mối thâm tình của hai gia đình ngày càng thắm thiết khi tôi có dịp làm chung sở với Chị Nguyễn Loan trong một thời gian. Khi Anh Chị Tô Đồng có cháu ngoại lớn, Anh Chị đã dọn lên khu Newport Coast để tiện trông nom và gần gũi con cháu nhất là vui tuổi già với khí hậu trong lành của biển cả. Cũng tại địa chỉ mới này, Anh Chị hâm nóng lại tình bạn cũ với Anh Chị Hoàng Đạo Thế Kiệt. Mà cũng chỉ vài năm sau, Anh Kiệt ra đi vĩnh viễn và dược sĩ Hương phải dọn sang Dallas sống gần con cháu.

Các chị: Chân, Nguyễn Loan, Trung, Thu, Châu. Các anh: Bảo, TÔ ĐỒNG, Điều
(Hình do anh Tô Đồng chụp ngày 21 tháng 4 năm 2012)

Trong một ngày của cuối tháng 4, 2012 một số bạn từ San Diego có hẹn trước để lên thăm Anh Chị vì từ ngày Anh Chị bỏ San Diego chưa một lần hàn huyên thỏa chí vì chỉ gặp trong những buổi tiệc tùng ngắn ngủi. Vui chuyện, Anh nhắc những mộng ước dang dở của Anh Nguyễn Huy Hân mà nay chỉ còn lại bút hiệu Toàn Không.Tôi nói, không ai hiểu rõ Nguyễn Huy Hân bằng Đỗ Tiến Đức vì Anh Hân đã giao cho Đức thi hành chúc thư của Anh. Tiện thể, tôi gọi Đỗ Tiến Đức để Anh nghe tiếp chuyện Nguyễn Huy Hân mà tôi không biết rõ. Anh cho biết đang viết một đoạn đời của Anh Hân và Anh hỏi tôi về ngày tháng chính xác giải báo chí học đường. Anh tỏ ra rất thận trọng về những chi tiết trong bài viết. Không nhớ rõ thì hỏi đúng người, đúng việc. Đây là một đặc tính làm việc của một giáo sư đại học. Tôi phải thú nhận với Anh, hồi đó tôi có ký tên thay thế Anh Hân những bằng giải thưởng báo chí, đặc san xuất bản tại các trường UCLA, LBSU, UCSD và SDSU cho Ban Đại diện sinh viên của các trường đó do chính Anh Đỗ Tiến Đức tích cực đứng ra tổ chức, mà tôi chỉ là một thành viên thụ động. Tôi chỉ nhớ có 2 sinh viên lên lãnh bằng do tôi phát là Lưu D Sĩ và Hồ VX Nhi, vì một anh là con người bạn ở San Diego và một anh sau này hoạt động năng nổ trong cộng đồng người Việt ở Orange County.

Sau bao năm xa vắng, tôi thấy Anh vẫn vậy, vui vẻ với bạn bè với những câu chuyện về mọi lãnh vực, chuyện Anh Chị họp y nha dược sĩ tại Canada và được tác giả Trà Lũ tặng cuốn “400 chuyện cười” mà Anh kiếm trong tủ sách gia đình để tặng lại tôi vì tôi vừa tặng Anh cuốn “Nụ cười xã hội chủ nghĩa” của Tâm Thanh. Anh cũng lục ra bằng được cái tripod để chụp chung một tấm ảnh có đầy đủ mọi người. Vì không quen dùng tripod để chụp tự động nên Anh loay hoay mãi mới chụp xong. Chụp xong, Anh cười nói ”Mình độ này không quen dùng 3 chân nên cứ lấn cấn. May mần mò ra xài, cũng tạm dùng được”. Đây cũng là một đặc tính của Anh : không làm thì thôi, nhưng khi đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn.

Nhân dịp này, Anh cho biết để khuyến khích môn sinh Anh cũng dự thi lấy bằng hành nghề dược sĩ tại Hoa Kỳ.

Trong một lần đến chơi nhà Anh Chị tại San Diego, tôi có nghe Anh nói chuyện qua điện thoại với một bạn dược sĩ hiện đang làm chủ nhân ông một Viện Bào Chế dược phẩm ở Việt Nam, cố nài kéo Anh về trông coi lại Viện Bào Chế như trước năm 1975. Tôi nghe giọng Anh nhẹ nhàng nhưng cương quyết từ chối lời mời gọi cộng tác của một người bạn chí cốt đã từng gắn bó từ thời Đại học xá sinh viên Minh Mạng.

Rồi Anh lái xe dẫn đường từ nhà Anh ra khu chợ thuộc thành phố Irvine để đãi chúng tôi một chầu phở. Tôi hứa lần tới, tôi sẽ trổ tài nấu cơm tây mời Anh Chị ăn tại nhà để khỏi phải đi đâu xa, hơn nữa ăn cơm tây và được nghe tiếng đàn dương cầm của Chị hoặc của các cháu ngoại của Anh Chị mới đúng điệu Tản Đà. Anh Chị gật gù tán đồng.

Bẵng đi hơn một tháng, Chị điện thoại cho tôi nhờ hỏi cách trị bệnh ung thư gan của Từ Công Phụng. Tôi hơi ngại vì có quen thân vợ chồng Từ Công Phụng nhưng nghe rồi thuật lại sợ không chính xác. Cũng may, một tuần trước khi làm show “50 năm Tình Ca TCP”, Phụng có về Little Sài-Gòn dự đám cưới người cháu, tôi giới thiệu Từ Công Phụng nói chuyện trực tiếp với Chị Loan trong vòng hơn một giờ. Tôi vẫn đinh ninh Anh Tô Đồng đã chữa khỏi bệnh rồi vì trong lần lên thăm thấy Anh an nhiên tự tại và rất khỏe. Có thể, Chị Loan muốn chữa thêm ngoại khoa theo cách của TCP cho chắc ăn mà thôi. Vì vậy tôi không theo dõi nữa, và cũng không còn nhớ đến lời hứa nấu cơm tây ăn theo phong cách Tản Đà.

Cho đến khi nhận được tin Anh Tô Đồng đã mất, thật đúng như lời Lê tất Điều viết trong Email “Tin sét đánh” và rất tiếc “Lúc cụ Tô Đồng đau nặng, tôi không biết gì để thăm hỏi. Tệ quá”. Tôi trả lời “Cụ không biết tin tức ốm đau nên sửng sốt là phải, chứ tôi mới lên thăm trong tháng 4 đây còn sét đánh gấp trăm lần Cụ”.

Khi vợ chồng tôi đến chia buồn, Chị Loan cho biết thêm khi Chị nói chuyện với Từ Công Phụng cũng là lúc Anh Tô Đồng đang phát bệnh trở lại, nhưng Anh từ chối chữa ngoại khoa theo cách chỉ dẫn của TCP.

Tiến sĩ Lê Phục Thủy, người điều khiển chương trình tang lễ, với lọn tóc bạc buộc sau lưng, dáng dấp như một đạo sĩ cho biết giáo sư Tô Đồng, người am hiểu rất tường tận các đạo giáo phương Đông nhưng trong lễ phát tang hôm nay không có tăng ni Phật tử tụng kinh. Anh yêu cầu các thân hữu, môn sinh lễ bàn thờ Phật trước khi lễ vong giáo sư. Vợ chồng tôi lên lễ Phật rồi đứng bên Anh. Tôi nhớ câu kinh Bát Nhã “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tất thị không, không tất thị sắc”. Mới ngày nào trông thấy Anh, mà nay không còn thấy nữa. Bây giờ trông thấy Anh đây, mà như không thấy Anh đâu cả. Tôi niệm câu chú Bát Nhã để tiễn đưa Anh: “Yết đế, yết đế/Bala yết đế/Bala tăng yết đế/Bồ Đề, Tát bà ha.”(Arrive, arrive/Tout arrive/Tout arrive sur l’autre rive/Glorieux Bodhi).

Theo Phật giáo bờ bên kia là bờ Giác ngộ, là Niết Bàn.
Thông thường chúng ta sống theo hai phần đời. Phần đầu chúng ta sống theo Bám/Buộc. Cố giữ lấy những gì ta có bằng mọi giá, nhưng phần sau của cuộc đời chúng ta phải biết Buông/Bỏ để người thân của chúng ta thanh thản ra đi và cũng để chúng ta thanh thản sống nốt quãng đời còn lại.

“Người trước kẻ sau không phân biệt tuổi tác sẽ cùng nhau trải nghiệm được 4B của cuộc đời: Bám/Buộc-Buông/Bỏ”.

KHOẢNH KHẮC 10 NĂM SAU:


Tuần đầu tiên của tháng 4-2022, tôi nhận điện thoại của chị Tô Đồng-Nguyễn Loan mời lên chơi cùng với một nhóm thân hữu San Diego.

Sáng ngày mùng 10 tháng 4-2022, anh chị Phùng Quốc Bảo-Lê Minh Châu cùng chị Lương Chân ghé nhà tôi để vợ chồng tôi lái xe lên Newport Coast thăm chị Tô Đồng.
Vừa vào đến nhà chưa kịp chào hỏi, chị Tô Đồng đã thốt lên: “Đã 10 năm rồi đó, nhanh không?”. Và, chúng tôi cũng chợt nhận ra ngày chúng tôi lên thăm anh chị Tô Đồng lần trước cũng vào tháng 4 năm 2012. Ngày đó anh Tô Đồng đã chụp kỷ niệm với chúng tôi một bức ảnh nhưng chỉ vài tháng sau anh đã đi về miền Viên Miễn.

-“Các anh chị vào đây coi tấm poster tôi treo trong phòng ăn”, giọng ấm áp trong trẻo của chị kéo chúng tôi về hiện tại và chúng tôi líu díu theo chân chị. Tấm poster khổ lớn lay-out bài viết “Tưởng Nhớ Anh Tô Đồng” đăng trên báo Thời Luận của anh Đỗ Tiến Đức được trịnh trọng treo trước bàn ăn.
-“Tôi treo tại đây để hàng ngày được nhìn thấy nhà tôi mỗi bữa ăn”, tiếng chị Tô Đồng nhẹ nhàng như cơn gió lướt qua.
Tôi lặng người, ngắm bài viết của mình được in cách đây 10 năm và cũng đã được trân trọng treo tại đây 10 năm rồi.

Tôi mời chị Tô Đồng đứng cùng tôi để nhà tôi chụp một tấm hình ghi lại lòng trân quí của chị với anh.
Xong, chị kéo chúng tôi ra ngồi tại phòng khách: những kỷ niệm xưa lại ùa về. Cũng tại chỗ này, anh Tô Đồng đã chụp một tấm hình cho cả nhóm, nay thấy vắng anh và cô Thu, em ruột tôi cũng là vợ Đoàn danh Tài đã mất năm 2020. Chị Tô Đồng nhờ thứ nam chụp tấm ảnh thiếu vắng 2 người thân.

(Chân, Châu, chị Tô Đồng,Trung, Điều, Bảo).

Chuyện vãn một hồi, chị mời chúng tôi đi ăn tại một nhà hàng Việt Nam gần khu chị cư ngụ và cũng là nhà hàng chị thường ăn với bạn hữu của chị mỗi khi họ ghé thăm chị, nhưng chị nói “đặc biệt hôm nay tôi tự lái xe dẫn đường đưa quí vị đi ăn, chứ mọi lần tôi được đưa đi”. Nhà tôi được ngồi cùng xe với chị, còn tôi lái xe đi theo sau. Khi vào đến nhà hàng, nhà tôi la lên:
-Xe chị Loan đi hơn 10 năm mà mới có 29 ngàn miles. Đạt kỷ lục xe chạy ít nhất của nước Mỹ.
Điều đó nói lên chị Loan quí mến chúng tôi đến chừng nào vì nếu chị đi với nhóm bạn khác chị đâu có phải vất vả lái xe đi lòng vòng trong thành phố du lịch biển Corona Del Mar đông nghẹt xe cộ của du khách rất khó tìm một chỗ đậu xe.

(Vợ chồng Trung-Điều trước cửa nhà hàng Bamboo Bistro-Corona Del Mar).

Chị tỏ tiếc đã quên không mời vợ chồng Lê Tất Điều lên chơi. Tôi chữa cháy bằng câu “Chị ơi! cụ Điều Lê độ này mãi mê tranh luận với các khoa học gia về thuyết tương đối của Einstein nên ít ra khỏi nhà, để lần sau tôi cố kéo lên”. Trong câu chuyện xưa chị có nhắc đến bà giáo sư bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, cựu Viện trưởng viện Đại học Sài Gòn và anh Nguyễn Huy Hân, cựu Tổng giám đốc Thuế vụ.

Sau nhà hàng, chị dẫn chúng tôi về lại nhà để ăn tráng miệng đồng thời nghe tiếng đàn piano của cháu ngoại và tâm sự thêm đến tận 4 giờ chiều mới vãn chuyện. Và, để dễ dàng giã từ, chúng tôi phải khất lại những chuyện dang dở đó cho lần…họp mặt sau.

Những khoảnh khắc như chụp hình hay nói chuyện với anh chị Tô Đồng-Nguyễn Loan chỉ xẩy ra một thoáng trong cuộc đời nhưng đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai lạt, để mỗi khi nghĩ đến, lòng không khỏi bùi ngùi với những nỗi buồn nuối tiếc khôn nguôi như thi sĩ Khánh Hà cư ngụ tại Na-Uy, một đồng Môn QGHC, từng viết “Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu”.

Nguyễn đắc Điều
Ghi lại khoảnh khắc ngày mùng 10 tháng 4 năm 2022 tại Corona Del Mar.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét