Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Những Kỷ Niệm Không Tên

Những kỷ niệm thời tuổi thơ thật êm đềm và đẹp. Với tôi ấn tượng nhất, nhớ thương chất ngất vẫn là những kỷ niệm về Tết dính liền với ông bà ngoại. Gia đình tôi vốn xuất thân từ ngoài Bắc, lại có ông bà ngoại ở cùng, nên chúng tôi mang rất nhiều những tập quán phong tục ngoài Bắc, tạm gọi là thói lề quê cũ, theo vào trong nam, nói theo ngôn ngữ văn vẻ của người Việt ở Cali bên Mỹ là “chúng ta đi mang theo quê hương”.  

Bà ngoại tôi, đảm đang tháo vát, buôn bán tính toán rất giỏi, dù không được học qua 1 trường lớp kinh tế nào cả. Thậm chí bà còn tạm gọi là mù chữ nữa, vì thời bà con gái mấy ai được đi học, bà chỉ biết chữ nho cổ xưa.  

Khi vào nam định cư, bà ngoại tôi đã khéo léo xoay sở buôn bán. Miền nam mưa nắng 2 mùa, khi mùa mưa bà bán áo mưa. Đến tết Trung Thu thì bà bán lồng đèn, con giống và bánh trung thu, bánh dẻo bánh nướng. Đến gần tết thì bà bán bánh mứt, rượu và nhất là pháo. Những phong pháo toan hồng khi nổ lên tỏa ra những xác pháo màu hồng tươi như những cánh hoa đào. Theo thông lệ hàng năm, khoảng tháng 9, khi thương vụ bánh trung thu chưa hoàn tất, bà đã lo liên hệ với những nhà làm pháo ở khu Xóm Củi Gò Vấp đặt mua pháo. Bà chỉ muốn buôn tận gốc, bán tận ngọn cơ. Chẳng hạn những cái lồng đèn quai nón bà bày bán dịp trung thu là do ông ngoại và cậu tôi vẽ kiểu, bà ngoại xếp, cắt, dán, thủ công hoàn toàn bằng tay rất đặc sắc nên đắt giá. Tôi nhớ các ông người Mỹ đặt mua rất nhiều, phân phát cho các cô nhi viện VN. Có nhiều người đặt mua đặc biệt để đem về Mỹ nữa. Những lồng đèn bán không hết, bà để đến Tết Nguyên Đán, bày treo lên chung với bánh pháo, mặc cho các con các cháu cằn nhằn, bảo bà kỳ quá, Tết ai lại bán lồng đèn, nhưng bà bảo, cứ treo đèn lên cho tiệm đẹp mắt, tươi vui.

Thành ra cửa tiệm bán pháo của bà tôi, thật “không giống ai“, nhưng nhờ đó lại đông khách vì đầy vẻ nghệ sĩ. Tuy bán pháo nhưng ai hỏi thăm lồng đèn bà không ngại quảng cáo và sẵn sàng bán luôn lồng đèn. Khách hàng mua đèn lúc đó đa phần là ngoại quốc Mỹ, Anh, Pháp, Úc và cả Phi Luật Tân, Đại Hàn nữa chứ! Họ mua để đem về nước làm kỷ niệm. Tôi nhớ mãi có ông Mỹ hỏi mua đèn, bà không nói được tiếng Mỹ, bà vẫn tỉnh bơ giải thích bằng tiếng Việt và bằng động từ “to quơ” với 2 tay. Khi hiểu ra được đèn này làm bằng tay và do chính bà làm ra, ông ta nhất định trả tiền gấp đôi là 200 đồng.

Thời 1964, 65 số tiền đó rất lớn. Một tô hủ tiếu bình dân giá chỉ có 10 đồng thôi mà. Dù bận buôn bán, bà vẫn chỉ đạo cho con cháu gói bánh chưng để biếu bà con họ hàng và dành ăn trong mấy ngày Tết, vì chỉ bánh chưng nhà gói mới hợp khẩu vị của ông ngoại tôi! Bà chìu ông ngoại tôi lắm. Bà từng kể tôi nghe, ông thì thích ăn cơm nhão, bà lại thích cơm khô. Tôi hỏi, vậy bà phải nấu cơm chìu theo ý ông? Bà bảo có khó gì, cứ canh lúc cơm sôi thì kênh nồi cơm nghiêng về 1 phía thì sẽ có 1 bên cơm khô một bên cơm nhão! Thật tôi phải bái phục bà đầy sáng kiến! Để gói được những chiếc bánh chưng “giống như ngày xưa ở ngoài Bắc”, từ hôm 23 tết (tức 23 tháng Chạp), sau khi cúng ông Táo về trời xong, mẹ tôi đã phải lùng các chợ mua cho được những chiếc lá dong to bản và xanh mướt.

Nhà tôi gần chợ An Đông, nhưng chợ này đa số là người Hoa và người Nam Kỳ buôn bán, nên không có lá dong, chỉ toàn bán lá chuối. Theo ông ngoại bánh chưng mà gói bằng lá chuối thì không còn là bánh chưng. Rồi cả nhà phải lo rửa từng chiếc lá và lau khô thật kỹ, nếu không bánh sẽ chóng bị mốc. Đậu xanh và nếp thì chẳng biết mẹ đã phải đong từ lúc nào rồi. Tối hôm 25 mẹ phải đồ mấy chõ đậu xanh, giã nhuyễn, rồi nắm lại thành từng nắm khoảng to hơn quả banh Tennis một chút. Những công đoạn này năm nào cũng như năm nấy, cũng lặp đi lặp lại để “giống như ngoài Bắc”, chẳng canh tân cơ giới hoá gì cả, bất chấp con cháu đề nghị cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, vừa nhanh gọn vệ sinh.

Các cụ nhất định bảo phải giã bằng cối đá, giống như giò lụa vậy, phải giã bằng tay mới ngon, “cho vào máy xay, ăn chẳng ra cái gì”! Sáng sớm 26 tết, mẹ tôi mới đi chợ mua thịt heo ba chỉ nửa nạc nửa mỡ để gói cho tươi ngon. Cả nhà nhộn nhịp lo gói bánh. Bà và mẹ, lại cứ thích “giống như ngày xưa ngoài Bắc”, không chịu gói bằng khuôn, mà chỉ thích gói “tay” nên 2, 3 chiếc đầu méo mó ọp ẹp, theo thẩm mỹ của tôi thì … không đẹp bằng tiệm họ gọi khuôn. Nhưng ông bênh bà, khen gói tay ăn mới thấy ngon, nhìn chiếc bánh biết ngay ai gói. Quả thật tính tình ai đều lộ qua hình thù chiếc bánh gói! Ông ngoại là nhà giáo lại rất nghiêm khắc, nên chiếc bánh nào cũng như nhau, vuông vành vạnh. Cậu tôi là sinh viên, tính tình lãng mạn mơ mộng, nên gói chiếc to chiếc nhỏ, chiếc thì hình thang, chiếc thì hình bình hành, hiếm có chiếc nào vuông vắn. Bọn con nít tụi tôi cứ len lén, lấy mấy chiếc lá nhỏ, lá rách, gói những chiếc bánh nhỏ xíu, chiếc thì thiếu thịt, chiếc thì thiếu đỗ, lại lỏng lẻo, mẹ tôi cứ phải gói lại! Ông ngoại trừng mắt thì mẹ lại đỡ, “thôi cho chúng nó tập gói cho quen, ông ạ!”.


Đến khoảng 3 giờ chiều cả nhà phải gói xong để còn luộc bánh khoảng 10 tiếng đồng hồ. Bà lại chép miệng nhớ lại “hồi xưa ngoài Bắc, nhà ta nấu trên 12 tiếng đồng hồ, bánh nó mới dền ngon”. Cái thùng phi to 100 lít cất xó nhà lại được đem ra trước cửa để luộc bánh, dưới đáy nồi phải chêm những cuống lá dong cho khỏi cháy. Từng chiếc bánh được xếp ngay ngắn vào thùng nước. Mấy chiếc nhỏ xíu của tụi tôi được mẹ chêm vào những khe trống trong nồi luộc bánh. Cũng giống như món chè trôi nước, lũ trẻ con chúng tôi chỉ thích ăn mấy viên bột nho nhỏ không nhân. 

Khi trời sập tối, tụi tôi thích ngồi quanh nồi bánh chưng nghe ông bà, ba mẹ kể chuyện và lúc nào cũng bắt đầu câu chuyện bằng điệp khúc “ngày xưa ở ngoài Bắc”! Thế là tui tôi lại được tha hồ thả hồn đến thế giới ngày xưa ngoài Bắc của ông bà, bố mẹ rất hoang vu nhưng đầy thơ mộng lãng mạn, nào là những mưa phùn gió bấc, nào là trường Bưởi và hồ Hoàn Kiếm với bánh tôm Cổ Ngư, chả cá Lã Vọng, và tưởng tượng về Hà Nội 36 phố phường với phố Hàng Ngang, Hàng Đào trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam …  thời Tự Lực Văn Đoàn mà đứa nào cũng từng đọc và phải làm trần thuyết trong những năm trung học ở miền Nam. Thường thì lũ trẻ con chúng tôi không còn sức thức đến lúc bánh chín để được thưởng thức cái bánh đầu tiên nóng hổi vừa vớt từ nồi ra mà theo mẹ tôi diễn tả luôn là chiếc bánh ngon nhất!

Đến trưa 30 tết pháo đã bán hết, bà phải giữ để dành vài phong pháo cho gia đình đốt ngày mùng một. Buổi chiều tụi tôi lo chà sân trước cửa nhà sạch sẽ, trong khi bà và mẹ nấu nướng cúng cho đêm giao thừa. Tôi nhớ mấy mâm cỗ cúng giao thừa bao giờ cũng có 1 con gà luộc còn nguyên cả đầu và chân (các bạn ở ngoại quốc nhìn con gà chắc lạ lắm)! Cỗ bàn cúng luôn có 4 món canh: canh gà nấu bóng với su hào, cà rốt thái hoa, canh miến gà, rồi canh măng và canh mọc. Ngoài món xôi gấc, xôi vò còn có gỏi gà, lòng gà xào dứa, thịt heo xào đậu, rồi chả giò tức nem rán, chả lụa thái hình quả trám. Ăn với bánh chưng thì phải có dưa hành muối. Theo ông bà thì cỗ bàn Việt Nam luôn phải có 4 món chủ yếu là giò, nem, ninh, mọc!


17847043663-mam-co


Những năm 65, 66 … là thời hoàng kim của bà ngoại tôi, bà bán pháo rất phát đạt, lời kinh khủng thành ra bà để dành 1 nồi pháo đại lớn nhất để dành đốt ăn mừng lấy hên hôm mùng một Tết. Đó là 1 chùm pháo dài gắn thêm rất nhiều những quả pháo đại to. Có ai ngờ vì nồi pháo đó mà đem đến tai họa phiền phức cho gia đình? Như thường lệ sáng mồng một ba tôi trèo phong pháo đại từ trên lầu cao nhất thòng xuống trước sân nhà. Khi đốt thỉnh thoảng có những cây pháo đại (pháo đùng) to đặc biệt và nổ cũng rất đặc biệt. Ông bà bắt chúng tôi đứng thật xa, thậm chí phải đứng bên sân nhà hàng xóm để tránh nguy hiểm, nhưng lũ trẻ con gần nhà thì chẳng biết sợ là gì, cứ lăn xả vào cướp pháo. Một cậu bé con khoảng 12 tuổi đã lao vào chùm pháo đang đốt để cố gắng cướp quả pháo đại to nhất. Đúng lúc thằng nhỏ đưa tay ra dứt thì quả pháo đại nổ tung, cắt đứt nó mất 3 ngón tay. “May” là cậu ta chỉ bị đứt 3 ngón giữa, áp út và út. Nhà tôi Tết năm đó đang vui vẻ vì bán pháo rất phát đạt, bỗng dưng biến thành sầu thảm chỉ vì chuyện không may này xảy ra. Mẹ thằng nhỏ đòi nhà tôi phải bồi thường 10.000 đồng với lý do pháo đó của nhà tôi. Bố tôi nhất định không chịu vì pháo cả ngàn nhà đốt có sao đâu, tại thằng nhỏ tham pháo nhảy vào giành giật nên mới bị thương tật. Cãi qua cãi lại, rốt cuộc thì bố mẹ tôi cũng đành chịu bồi thường 7.000 đồng cho gia đình họ vì không muốn “vô phúc đáo tụng đình”! Thế là bao nhiêu tiền lời bán pháo của bà ngoại tiêu tùng theo cái tai nạn bất ngờ này! Tết năm đó, nhà như có đám tang, chẳng ai thiết ăn uống, đi chơi thăm họ hàng như thông lệ nữa. Lũ con nít chúng tôi buồn nhất vì chẳng được tiền lì xì nhiều như mọi năm. 

Bẵng đi mấy năm, khoảng năm 1974 cũng vào dịp Tết, bỗng dưng bà hàng xóm đó đến thăm gia đình chúng tôi dẫn theo 1 cậu thanh niên cao lớn, đem bao nhiêu là quà quý giá đến biếu bà và bố mẹ tôi và không hết lời cảm ơn, vì nhờ bị … đứt 3 ngón tay mà anh chàng ta không bị động viên đi lính. Theo bà ta kể bao nhiêu bạn của anh ta bị đi lính chết “hết trơn”, thành ra họ nhớ đến nhà tôi và xin “đền ơn cứu mạng”! Thiệt đúng là “tái ông thất mã”, chuyện nghe thật khôi hài nhưng có thật “chăm phần chăm” đấy các bạn! Đúng là trong cái may có cái rủi mà trong cái rủi lại ẩn nấp đâu đó cái may, mấy ai biết trước. Họa và phúc tương sinh với nhau và sự chuyển hóa này khó lường được. Bởi vậy năm mới tết đến để kết thúc bài này tôi xin chúc các bạn dồi dào sức khỏe và xin không chúc may mắn gì nhé. Hy vọng các bạn “mua vui cũng được vài … phút giây” đón mừng Tết!!!

Châu Liên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét