Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Những Câu Đối Thú Vị


Lang thang trên Internet, tình cờ bắt gặp trên http://vi.wikiquote.org đôi câu đối thật thú vị, của hai Nữ Sĩ đứng đầu trong thi ca Việt Nam.
Tôi xin giới thiệu ra đây cùng Các Vị giải trí trong những ngày đầu năm mới. 

1 - Hồ Xuân Hương với anh người Tàu

vế ra: Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố

Câu này do Hồ Xuân Hương ra cho 1 anh người Tàu sang An Nam bán bánh có ý trêu ghẹo bà, trong đó có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường, Lương, Ngô khiến chú khách kia tẽn tò chuồn thẳng
Vế đối này phải tới hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại giúp anh người Tàu, trong đó sử dụng tên 4 triều đại của Việt Nam là: Đinh, Triệu, Lý, Mạc rất chỉnh:

Tóc cắt đầu Đinh - vai nghinh lá Triệu - bụng liệu lẽ Lý - mộc Mạc mộc mà 

Nếu nói phải hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại! Như thế có cường điệu quá chăng?
Có thể do câu đối này của Hồ Xuân Hương ít được biết đến nên không có người đối.
Theo Tôi,
Vế Ra này được xướng theo lối Vè, Vế Ra ngoài chữ Hán gieo vần với chữ Bán, còn có chữ Đường gieo vần với chữ Lương. Nhưng vì lý do khách quan nên Vế Đối trên không thể rất chỉnh mà chỉ tương đối chỉnh mà thôi.

Nếu đối như trên, dầu biết không thể chỉnh, Tôi xin mạn phép đối cho vui:

Mình mặc áo Hồng - Nhà trống thôn Mạc - Lời khoát muôn Triệu - Nói Lý nói vè.

Tôi cũng dùng 4 triều đại của Việt Nam để đối lại: Hồng Bàng, Mạc, Triệu và Lý để đối. Đúng ra, chữ cuối của đoạn 3 là Triệu phải bắc vần với chữ cuối của đoạn 2 là Mạc. Nhưng vương triều Việt Nam quá ít nên đành chịu. 
(Huỳnh Hữu Đức)
***
Bấy Giờ ở kinh đô Thăng Long có bốn danh sĩ được gọi là "Trường An Tứ Hổ" gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái rủ nhau đến nhà bà Đoàn Thị Điểm để thử tài. Bà ra câu đối:

Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang

(Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu). Tân lang(*) là trầu cau, lại đồng âm (Hán) với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ đều chịu phục không nghĩ ra câu đối lại. Phải chờ đến gần 300 năm sau khi văn hóa phương Tây đã xâm nhập vào Việt Nam mới có người là Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại được câu trên như sau:

Các hậu trưởng nam hoài cựu ước

(Sau lầu, người con trai lớn nhớ lời nguyện ước cũ) (Cựu ước là lời ước nguyện cũ, cũng có nghĩa là Kinh Cựu Ước trong đạo Thiên Chúa)
Trường hợp Vế Ra này của Đoàn Thị Điểm cũng tương tự như Vế Ra ở bên trên của Hồ Xuân Hương. Nhưng đây là vế đối thơ, tôi cũng mạn phép đối:

Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ

(Từ trong sách cậu học trò tìm học nghề cho mai sau . Hậu nghệ ngoài nghĩa nghề nghiệp mai sau, còn là tên của chồng Hằng Nga: Hậu Nghệ).

(*) Tân Lang: ý chỉ cây cau không phải là trầu cau
     (Huỳnh Hữu Đức)

3 - Bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:

Trạng Quỳnh rất si mê Đoàn Thị Điểm… Một lần biết bà đang tắm, Quỳnh liền đến bên nhà tắm và đòi bà cho vào ‘xem’. Bà một mực từ chối, nhưng Quỳnh cứ nằng nặc, năn nỉ đòi vào. Nhanh trí bà nghĩ ra một cách đối phó, bà nói sẽ ra một vế đối, nếu Quỳnh đối được sẽ cho vào xem, không thì từ lần sau phải xách cho bà tắm. Quỳnh đồng ý.

Vế ra:
Da trắng vỗ bì bạch.

Từ ‘bì bạch’ theo nghĩa tiếng Hán cũng chính là ‘da trắng’, như vậy bản thân vế đối này đã chính là một câu đối. Từ ‘bì bạch’ còn là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu của tay vỗ vào mình khi có nước chảy. Vậy thì bì bạch ở đây vừa là tượng hình (da trắng) vừa là tượng thanh (tiếng động). Trạng Quỳnh nghĩ nát óc không tìm ra vế đối lại, cho đến lúc Đoàn Thị Điểm tắm xong bước ra ngoài vẫn còn thấy đang đứng nghĩ trán vã cả mồ hôi, từ đó mỗi lần cô Điểm tắm đều có mặt Trạng Quỳnh nhưng Quan Trạng chỉ đóng vai trò là người xách nước 

Trời xanh màu thiên thanh (tương truyền là của Trạng Quỳnh sau đó rất lâu mới nghĩ ra)

Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Tài Cẩn)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (khuyết danh)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (khuyết danh)
Đêm đen sờ dạ thâm (không rõ)
Đêm đen nhìn tối thui (chưa biết)
Mây đen quyện ô vân (Phạm Tuyên)
Gấu vàng ăn Hùng Hoàng (chưa rõ)
Tóc xanh thấy phát thương (chưa rõ)
Béo phù thở phì phò (Lê Anh Chí)
Áo xanh lay lục phục (Lê Anh Chí)
Quần áo vung phùng phục (Lê Anh Chí)
Đá chàm sờ lam nham (Lê Anh Chí)
Suối đỏ khoan thông hồng (khuyết danh)
Biển Tây có Hải Âu (khuyết danh)
Lên núi gặp thượng sơn (khuyết danh)
Bắp vàng đợi ngô huỳnh (khuyết danh)
Mực đen dính mặc huyền (khuyết danh)
Giấy đỏ viết chu da (khuyết danh)
Sen xấu mọc liên tục (khuyết danh)
Bẩy xanh la thất thanh (khuyết danh)
Lưỡi đỏ ngó thiệt hồng (khuyết danh)
Ra vào đòi giao hợp (khuyết danh)
Mũi thấp hun tị ti (khuyết danh)
Giếng nhỏ bé tỉnh tinh (khuyết danh)

"Da trắng vỗ bì bạch" Đây mới quả thật là Vế Ra hóc búa.

Nhìn lên trên, chúng ta thấy có mấy mươi Vế Đối. Tuy đã có nhiều Vế Đối như thế, nhưng Tôi cho rằng chưa có vế đối được.
Ngoài những ý nghĩa về tượng hình tượng thanh như ở trên đã nêu, còn một điều rất quan trọng mà bài viết bên trên chưa nêu ra.
Đó chính là:Vế Ra là Câu Đối Thơ.


Đây câu 5 chữ trong Đường Luật Thi. Khi ra Vế Đối, ta phải tuân thủ Luật Bằng Trắc.

- Chữ thứ hai (trắng), chữ thứ năm (bạch) cả hai là Vần Trắc, ta phải sử dụng vần Bằng để đối lại.
- Chữ thứ tư (bì) vần Bằng, ta phải đối lại là vần Trắc.

Chúng ta nhìn lại mấy mươi Vế đối trên, không có một vế nào hội đủ các điều kiện về tượng hình, tượng thanh, luật bằng trắc..để đối lại cả.

Như thế tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà Đoàn Thị Điểm vẫn chưa có ai đối được.

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét