Đứng trước một “igloo” (15/2/1984)
Quân đội muốn được hùng mạnh thì lúc nào cũng phải ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu (readiness). Nói cách khác thì quân đội phải được huấn luyện tập trận thường xuyên để đối phó với mọi chiến trường có thể xảy ra. Quân đội Hoa kỳ không những tập trận (và nhập trận) ở vùng sa mạc, vùng nhiệt đới mà cả ở vùng giá lạnh.
Là Quân Y thì phải bảo vệ tình trạng sức khỏe cho binh lính, nên các quân y sĩ cũng được “mời nếm” những môi trường khắc nghiệt kể trên. Với ý nghĩ là ngoài sự hiểu biết qua sách vở y khoa nếu được sống thực sự vào tình trạng nào đó thì sẽ có kinh nghiệm thực tế hơn. Cũng như y sĩ phi hành thì phải được học lái máy bay như phi công thì mới hiểu được từ sự lo âu khi cất cánh lần đầu tiên bay solo một mình cho đến khi vào phòng cao độ để thử nếm phản ứng thế nào là ở tình trạng thiếu dưỡng khí hay bị áp suất trong không khí xuống thấp. Như vậy thì y sĩ mới toàn diện hơn, có thể chữa trị và phòng ngừa bệnh cho binh lính ở trong mọi trường hợp.
N. nhận được lệnh đi tập trận Brim Frost ở Alaska vào tháng hai tức là tháng lạnh nhất để cho các binh lính có kinh nghiệm hành quân chiến trường vùng giá lạnh. Quân Y tất nhiên là phải lo bảo vệ sức khỏe cho binh lính nên tất nhiên N. có màn lục tài liệu quân y sẵn có về phòng ngừa và chữa trị các bệnh do nhiệt độ thấp từ độ một, độ hai và độ ba mô bao bì đông lạnh (frost bite) cho đến tình trạng giảm nhiệt (hypothermia), tình trạng mô bào bị sưng vì bị phơi bày ở môi trường nhiệt độ gần đông lạnh và ẩm thấp (chilblain), tình trạng chân bị thấm ướt nước lạnh (immersion foot), tình trạng chân bị ẩm lạnh mà không có nước như bít tất quá kín bị mồ hôi ẩm mà không khô được (trench foot). N. cũng không quên giảng dậy bảng gió lạnh (wind chill chart): gió có thể làm giảm nhiệt độ thấp nhiều hơn ở trạng thái không có gió.
Ngoài ra N. còn phải dậy phòng ngừa đông lạnh như bạn bè trông chừng cho nhau như thấy da tai trắng bệch hay ngất đi thì lo cứu cấp ngay. Quần áo thì phải để ý đến chữ C O L D: C = giữ quần áo sạch (C=clean), O = tránh quá nóng (O=overheating), L = mặc quần áo có nhiều lớp (L=layers) và D = giữ quần áo khô (D=dry). N. cũng dặn tránh đụng da hay cho ngón tay vào xăng vì độ đông lạnh của xăng rất thấp hơn nước (nước đá đông thành đá rồi nhưng xăng vẫn chưa đông) thành ra rất nguy hiểm.
Sau khi có đủ tài liệu, N. cho in các điều dặn chống bị lạnh trên thành một tờ giấy nhỏ có thể cất trong ví để dễ có tài liệu sẵn để tham khảo khi cần dùng. Ngoài lớp học về y khoa phòng ngừa, binh lính còn được học về cách sinh sống hay tìm cách sinh sống lấy ở miền tuyết lạnh nếu bị lạc hay bị cô lập mà không có tiếp tế như cách làm bẫy bắt thú rừng cho đến cách đào dưới tuyết để tìm kiếm các cây cỏ nào mà có thể ăn được. Lẽ dĩ nhiên ở xứ đông lạnh sẽ không sợ bị thiếu nước như ở sa mạc nhưng ngược lại nếu không biết cách làm tan tuyết thành nước thì cũng sẽ trở thành nạn nhân bị giảm nhiệt dễ như không (như ngậm tuyết trong miệng). Nên tránh dùng “tuyết vàng” vì đó là do nước tiểu của người hay thú vật.
N. cũng được phát hai ba lô đầy quần áo vùng cực lạnh từ áo choàng parka che kín ở ngoài cho tới quần áo len lót mình (long johns), đội lên chùm kín đầu chỉ hở khe mắt giống như gián điệp trong phim James Bond 007, găng tay bốt da dày chống lạnh. Ai nấy mặc xong thì giống nhau cả không nhận diện được nhau nữa ngoài tấm dác vọng to lớn hay nhỏ mà thôi.
Khi đặt chân xuống phi trường Alaska thì lúc đó mới có ba giờ chiều mà đã tối đen như ban đêm ở thềm lục địa Hoa Kỳ. Ở Alaska mùa đông chỉ có độ bốn năm giờ là có ánh sáng mặt trời nhưng ngược lại thì mùa hè đến gần nửa đêm mới tối mà độ hai ba giờ sáng trời đã mọc rồi. Ánh đèn tỏa ra như có hào quang chung quanh, mờ mờ ảo ảo vì không khí lạnh. Lẽ dĩ nhiên tuyết và đá phủ đầy đường và hàng đống tuyết cao như đồi nhỏ được cắt đẹp hai bên lề đường.
Vì quân y phải tới trước để tổ chức đón tiếp và huấn luyện y khoa phòng ngừa cho binh lính tới tập trận nên N. có được ba ngày sửa soạn trước khi thực sự tập trận. Lẽ dĩ nhiên N. bắt liên lạc với nhà thương quân y chỗ đồn trú đó và được may mắn có quen biết từ trước với một bác sĩ quân y bạn đang làm việc ở nhà thương đó. Tay bắt mặt mừng sau mấy năm không gặp bác sĩ C. mời N. về nhà hắn ta dùng bữa cơm và hàn huyên.
Sau giờ làm việc, C. chở N. về nhà, đang trên đường về nhà (nhà ở trong trại) bỗng nhiên C. ngừng xe lại hỏi một anh lính đang đứng ở lề đường. C. hỏi anh ta có cần chở đi đâu không, anh ta trả lời không vì có bạn sắp tới. N. ngạc nhiên là sao C. lại cho “hitch hiking” dễ dãi như vậy thì C. giảng nghĩa là ở xứ cực lạnh này họ khuyến khích nên giúp chuyên chở các lính đi bộ vì nếu không thì họ sẽ thành nạn nhân đông lạnh dễ như không. Thế cũng hay nhưng không sợ bị cướp bóc hay sao? C. trả lời ở xứ cực lạnh này binh lính phải hợp tác và tùy thuộc nhau để mà sống còn.
Tới nhà C. cho xe vào ga-ra (garage) nhưng trước khi vào nhà C. lấy một sợi dây điện cắm từ xe vào một chỗ cắm điện tại tường ga-ra. C. nói là điện đó sẽ làm ấm bình ắc quy khi qua đêm, nếu không thì sáng hôm sau không nổ máy được. Nhà nào cũng có chỗ cắm điện ngay ngoài nhà để xe khách tới có chỗ cắm điện. (Tối hôm sau, C. mời N. đi ra một quán uống rượu, khi xuống xe ai nấy đều đem sợi dây điện từ xe hơi ra gắn vào tường quán giống như thói cao bồi cưỡi ngựa ngày xưa khi xuống ngựa thì lấy dây yên cương của ngựa buộc lại cột gỗ rồi mới vào quán).
C. mở cửa nhà và mời N. vào nhà, khi mở cửa thì hơi khói lạnh tràn vào trong nhà như khi mở tủ lạnh thì hơi lạnh bay ra nhưng bây giờ thì ngược lại khi mở cửa nhà thì hơi lạnh bay vào nhà. Oái ăm thay!
Tay bắt mặt mừng với vợ C. mà N. cũng quen thân từ trước rồi, N. được mời ăn cá salmon hấp. N. ngạc nhiên khi thấy, đem ra cả một con cá lớn dài gần nửa thước. N. hỏi có mời ai ăn nữa không. C. nói là không có chỉ có ba người ăn mà thôi. Dù cả ba đang đói nhưng ai nấy đều đầu hàng sau khi, chỉ ăn vã nổi một nửa con cá. Ăn xong thì N. thấy vợ C. vứt chỗ cá còn lại vào thùng rác. Sao mà phí phạm như vậy? N. ngạc nhiên hỏi. C. nói là ở xứ Alaska này cá salmon ê hề mùa hè đi câu cá thì có đủ cá để ăn cả năm! C. còn nói là dân chúng Alaska còn được phép săn bắn con hươu moose to khoảng một tấn, mỗi người đi săn được bắn hai con mỗi năm. Cứ thử tưởng tượng mỗi con sẽ cho độ một ngàn pounds thịt steak moose thì cả năm không cần đi chợ mua thịt bò steak! (Ngày hôm sau N. cũng được mời ăn steak moose, ăn vào thì cũng thấy giống như ăn thịt bò chỉ hơi hăng thịt rừng một tí mà thôi. C. rất tiếc không đãi ăn mũi con moose vì đã ăn hết rồi – đối với thổ dân Alaska, mũi con moose là một delicacy). Thành ra nhà nào cũng có hai hay ba cái freezer to tổ bố chất đầy đống thịt cá.
Ăn xong C. đưa N. trở về khách sạn tạm trú của N., trên đường đi C. nói là ở đây vì rất lạnh nên hơi nước trong không khí đã đông lạnh thành tuyết đã rồi nên không khí rất khô. C. nói là nếu đem một tách nước tung lên trời thì sẽ có một tiếng bụp và nước sẽ biến mất vì không khí quá khô nên nước bị hấp thụ rất nhanh. N. nửa tin nửa ngờ nhưng tiếc là mấy ngày hôm sau vì bận nên quên thí nghiệm đó.
Vì ở đây gần như là mỗi năm có từ sáu tới chín tháng tuyết và đá phủ dày đầy đường nên thay vì chạy bộ tập thể thao thì binh lính có thể chạy trong sân nhà thể thao hoặc đi trượt tuyết ở giờ ăn trưa như là đi chạy bộ buổi trưa. Đúng là thiên đường của những người thích đi trượt tuyết!
Đang đi trên đường, C. chỉ cho N. thấy trên bầu trời như là có một tấm ri-đô (drape) trắng trải đứng trên trời. N. quê mùa hỏi cái gì vậy thì C. cười nói đó là ánh sáng bắc cực (aurora borealis).
Cũng trên đường đi N. thấy một đám đông người ta đang bu chung quanh xem một trò chơi thể thao. C. ngừng xe lại, và giảng nghĩa đó là chơi broom ball, gần giống như ice hockey, mỗi bên mười người dùng một chổi cứng để đẩy một “cục” bóng bẹt vào gôn bên địch. Tới nhà ngủ, trước khi chia tay C. nói là đừng dùng tay không mà mở cửa vì chỗ mở cửa bằng kim khí nên rất lạnh, cầm vào bằng tay trần thì da tay sẽ bị dính chặt vào cửa tay vặn không rút ra được.
Alaska đáng sợ thay! Alaska là nơi dân săn bắn thích tới bắn hươu nai hay câu cá ở băng đá. Chỉ cần đục một lỗ nhỏ độ hai mươi phân, thả một dây câu cá có gắn mồi là một ít lâu là có cá cắn ngay. Mùa hè thì câu cá salmon, còn mùa đông thì câu cá trout. Còn hươu nai hay chim trĩ thì đầy rẫy. Chỉ khổ là mùa hè có rất nhiều muỗi và con nào con nấy rất lớn và cắn rất đau. Thỉnh thoảng thì có thể gặp chú gấu: dân săn bắn phải học cách tránh bị gấu cắn và ở phòng cứu cấp nhà thương sự bị gấu cắn xảy ra nhiều hơn là chó cắn.
Tiểu bang Alaska có rất nhiều đặc điểm khác xa với các tiểu bang khác: đó là tiểu bang rộng lớn nhất. Đời sống ở đây thì đắt đỏ vì cái gì cũng phải nhập cảng cả (ngoại trừ nếu đi săn bắn câu cá thì khỏi cần mua cá thịt). Nhưng ngược lại vì Alaska có nhiều mỏ dầu nên ngân quỹ tiểu bang rất dồi dào: dân chúng tiểu bang không những không phải đóng thuế lợi tức hàng năm cho chính phủ tiểu bang mà lại còn được chia tiền lời bán dầu mỗi người mỗi năm có thể được lãnh cả vài ngàn đồng. Đúng là chuyện lạ: đã không phải đóng thuế mà lại còn được hưởng tiền lời.
Ngoài lợi tức về dầu hỏa, Alaska lại còn có nhiều mỏ bạc, du khách có thể tới mua thỏi bạc (lingot) rất dễ. Tiểu bang Alaska còn có vài đặc điểm khác là không có dân homeless vì các cơ quan xã hội sẵn có nhà trú ngụ nhưng lâu lâu vẫn có vài bợm rượu chết khô lạnh, chết vùi trong đống tuyết và được khám phá ra khi mùa xuân tuyết tan.
Ngoài vụ hàng năm chạy đua chó kéo Iditarod chín ngày từ tỉnh Anchorage cho tới tỉnh Nome, dân Alaska còn đánh cá độ Nenanal Ice Classic; nổi tiếng nhất ở Nome (trên sông Yukon). Người ta đóng một cọc giữa con sông đá đông đặc và dân cá độ đoán vào ngày nào, giờ nào đó đá sẽ tan hay cọc sẽ đổ xuống, người nào đoán trúng có thể lãnh tới cả mấy chục ngàn mỹ kim. . Xứ Mỹ là xứ kỹ thuật điện tử nên dân đánh cá độ cũng dùng thống kê điện tử để bao thầu đánh cá thành ra ít khi “ngựa về ngược” mà phần nhiều là có nhiều người đoán trúng ngày giờ đến nỗi phải dùng tới đúng phút mới trúng được độc đắc.
Những bạn đồng nghiệp của N. đều nói là binh lính bị đổi tới làm việc ở Alaska đều ghét lúc đầu nhưng sau đó quen rồi thì thích ở lại. Nhưng N. sau ba tuần tập trận xong, muốn trở về xứ ấm phía nam mà không luyến tiếc Alaska gì cả. Hay là dân Việt Nam không hợp với băng giá lạnh?
Đứng trước một “igloo” (15/2/1984)
“Ice fishing” (12/2/1984)
Nguyễn Dương
(Y Sĩ Đại Tá Lục Quân Hoa Kỳ 1992)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét