Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Hành Trình Đến Thi Văn Của Cô Bé Quê Xứ Long Hồ

 


1*. Mở bài

Tình cờ vào được trang web Lê Thị Kim Oanh, vô cùng ngạc nhiên, tôi thấy mình như lạc vào mê hồn trận. Hấp dẫn, lôi cuốn, đọc mãi không chán.

Hàng trăm bài thơ dàn trải qua những mục như: Cổ Thi, Thơ Ảnh, Thơ Ba Má, Thơ Cảm Tác, Thơ Dịch, Thơ Diễn Ngâm, Thơ Lính, Thơ Mùa Đông, Thơ Mùa Hạ, Thơ Mùa Lễ, Thơ Mùa Xuân,Thơ Tình, Thơ Phổ Nhạc, Thơ Tranh, Thơ Xướng Họa. Văn, với trên 60 chuyện ngắn.

Nghệ thuật diễn đạt đầy ấn tượng, cách dùng chữ rất tài tình.

Chưa thấy có một nhà thơ nào dùng ý thơ bao trùm lên mọi sinh hoạt cuộc sống, mọi khung cảnh chung quanh cuộc đời, và mọi quan hệ xã hội, như Kim Oanh cả.

Trong gia đình, lời thơ nêu bật lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Ở trường học ý thơ của Kim Oanh thể hiện người học sinh đạo đức về hạnh kiểm, gương mẫu về học hành.

Là công dân tốt, lời và ý thơ tha thiết nặng tình với quê hương, dân tộc.

Chị luôn luôn tỏ lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô giáo, người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, và đối với người Úc, nước Úc (Australia) đã mở rộng vòng tay nhân ái, đón nhận và cưu mang những người Việt Nam mất quê hương, xứ sở. Và cũng tỏ lòng biết ơn đối với những thiên thần áo trắng, là bác sĩ và y tá, đã và đang đương đầu với nguy hiểm, nổ lực cứu người trong đại dịch Covid-19.

Có thể nói thơ của Kim Oanh là một gương mẫu về đạo đức, là truyền thống của dân tộc Việt Nam. “Văn dĩ tải đạo”, là nhà thơ dùng văn chương để nói lên đạo lý.

Nhà thơ nữ Kim Oanh là thành viên của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. (Vietnamese Abroad Pen Centre), trực thuộc Văn Bút Quốc Tế. (International PEN. PEN=Poets, Essayists and Novelists). Mà thơ chị cũng góp mặt trên văn đàn của tổ chức Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Hoa Kỳ. (VBVNHNVĐBHK)

2*. Hành trình thi văn xuất sắc của cô bé quê xứ Long Hồ.

Tiểu sử

Học Sinh Trường Tiểu Học Trung Ngãi, Quận Vũng Liêm, Trường Tiểu Học Long Hồ, Vĩnh Long. Trường Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long. Niên khóa (1969-1976)

Năm 1979 vượt biển đến trại tị nạn Cherating, Mã Lai. Hiện định cư tại Melbourne, Úc Châu.

Kim Oanh không phải là người thành thị, vì thơ của chị thường mang cái khung cảnh như: vườn trăng, cầu tre, dòng sông cũ, con chim chìa vôi, rặng trâm bầu, cánh đồng thả diều, con sông nước lớn, nước ròng, lục bình trôi, lũy tre, đường làng, tàu dừa, cánh đồng lúa…

Thật sự chị ở xứ Long Hồ, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Lời văn mộc mạc của người dân quê miền Nam. Dòng thơ trải dài theo ngày tháng trưởng thành của chị. Từ gia đình đến trường học, đến tuổi chập chững vào đời chớm nở nụ tình yêu, đến trưởng thành.

Có thể nói: “Hành trình đến thi ca độc đáo của cô bé quê xứ Long Hồ”.

3*. Thơ Ba Má

Trong gia đình, Kim Oanh là người con hiếu thảo. Dù hoàn cảnh nào chị cũng thương nhớ về cha mẹ, lúc còn sống cũng như khi đã về nước Chúa.

Mừng Ngày Nhớ Ơn Má 2021!
Happy Mother's Day 2021!
Má thương yêu ơi!
Những cánh hoa tha thiết yêu thương, từ hai đứa con của con tặng Mừng Ngày Nhớ Ơn Mẹ.
Con kính dâng lên Má với tất cả ấm nồng và hạnh phúc của con. Để Mừng Ngày Nhớ Ơn Má
Con cùng hai cháu mong, nơi Thiên Đường Ba Má cũng thật vui và hạnh phúc như con nha Ba Má.
Happy Mother's Day 2021!
Con gái của Ba Má
Kim Oanh

 
Một Cành Mai Kính Dâng Ba Má
Melbourne Xuân đến rực màu hoa
Một đóa Mai tươi trổ cạnh nhà
Kính tặng Má Ba vui đón Tết
Gom thương yêu đến tận trời xa....
Ba Má bình yên nơi Nước Trời
Vẹn tình vẹn nghĩa chẳng hề vơi
Hương đưa nhờ gió Xuân ngày mới
Hạnh phúc thật nhiều Ba Má ơi!

Kim Oanh (12-2-2021)

Từ ngữ tuyệt vời với chữ “Ơi”. Má thương yêu ơi!, Hạnh phúc thật nhiều Ba Má ơi!. Chữ “Ơi” diễn tả sự thương mến chân thành, gần gũi, như tiếng gọi thân thương nhấn mạnh trong gia đình, rất tự nhiên của người miền Nam, nhất là trong giới bình dân ở nông thôn.

Kim Oanh tâm sự với Ba.

Dù đi bất cứ đâu, hoàn cảnh nào. Ba vẫn luôn luôn cứng cõi, chịu đựng, đùm bọc, chở che cho những đứa con mỏng manh yếu đưối, giúp sức cho các con vươn lên trong cuộc sống, sống vui, sống đẹp, tính tình giản dị, đơn sơ hòa mình với mọi người trong xã hội.

Con hy vọng nơi Thiên Đàng ba má mỉm cười hạnh phúc, nhưng ba ơi xin hãy tiếp tục giúp sức cho chúng con giữ vững ý chí và niềm tin như Nhụy và Hoa “nha” ba má của con.

Thương yêu con gửi về Ba Má trong ngày kỷ niệm Giỗ 23 năm của Ba!
Kim Oanh (30/10/1997-30/10/2020)

Ngay trong giấc ngủ cũng mơ về hình bóng má ba. Trong bài “Mơ Bóng Má Ba”, Kim Oanh ghi lại:
 
Yêu quá Má Ba sầu chất ngất
Trùng trùng nỗi nhớ vượt non đồi
Muốn kéo thời gian nhưng chẳng thể
Ngậm ngùi thui thủi khóc mà thôi
Con bơ vơ lạc giữa ngã đường
Giật mình nước mắt chực tuôn trào
Kinh nguyện đèn trời lấp lánh sao
Nước Chúa Song Thân ân phước hưởng
Hương yêu hạnh phúc mãi ngọt ngào!

Kim Oanh (Tháng 4/2021)

Hướng về phần mộ Mẹ Cha
Côn trùng tấu khúc .. lệ sa nhạt nhoà
Bao giờ hết những can qua
Để người viễn xứ phương xa trở về.

4*. Tình thầy trò

Người học trò gương mẫu

Dưới mái trường trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, Kim Oanh là một học sinh ngoan, hạnh kiểm tốt, học giỏi, giỏi nhất là môn Việt Văn, đó là bước đầu đưa chị tới thơ văn.

Nhà trường đầy ấp những kỷ niệm mộng mơ của một thời áo trắng. Tình thầy trò được Kim Oanh ghi lại như những lời cám ơn chân thành.

Trước kia nhiều thầy cô giáo than phiền nghề giáo là nghề bạc bẽo. Là những người đã đem tâm huyết và lương tâm nghề nghiệp góp phần vào việc đào tạo công danh và sự nghiệp cho từng thế hệ. Ví như người lái đò trên bến sông, vượt sóng nước, đưa người đi tìm tương lai xán lạn (Từ gốc Hán). Nhiều nhà giáo kết thúc cuộc đời bởi bịnh lao phổi.

Thế nhưng, khi đã công thành, danh toại, có địa vị trong xã hội, nhưng ít có học trò trở lại bến đò xưa, tìm gặp thầy giáo cũ để thăm thầy, và nói đôi lời bày tỏ lòng biết ơn.

Theo tập tục và văn hóa xưa, thầy giáo chiếm địa vị thứ hai sau các bậc vua chúa. “Quân, Sư, Phụ”. Gia đình rất tôn trọng thầy, cô giáo của con mình. “Không thầy đố mầy làm nên”.
"Muốn sang phải bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy".

Nữ sinh Kim Oanh thì khác, chị đã có nhiều bài thơ nói lên tình nghĩa thầy trò dưới mái trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long. Năm 2014, dù định cư ở Úc, chị cũng nhớ về bến đò xưa qua bài thơ “Thầy, Chuyến Đò Xưa” tỏ lòng nhớ công ơn của thầy dạy môn toán, thể hiện bằng mấy câu thơ:
Khắc tên nỗi nhớ lên tường.
Thầy Huỳnh Hữu Trí, chẳng dường phôi phai

Thầy, Chuyến Đò Xưa

( Kính Thầy Huỳnh Hữu Trí )
 
Chuyến đò chở khách sang sông
Đò Thầy chở những đóa hồng học sinh
Nụ cười sóng nước lung linh
Bao mùa mưa nắng đậm tình nghĩa xưa

Mặc bao gió táp sa mưa
Vượt gian nan vẫn đón đưa xuôi dòng
Mỏi mòn sức lực xa trông
Hỡi người xa bến có mong ngày về

Tình Thầy chân chất hồn quê
Con số, công thức, say mê giảng bài
Tiếng Thầy êm ái khoan thai
Trong em xếp chữ ... thương hoài đời sau

Bến xưa nắng đã phai màu
Đò Thầy vẫn mãi ngạt ngào đưa hương
Khắc tên nỗi nhớ lên tường..
Thầy Huỳnh Hữu Trí, chẳng dường phôi phai.
Học trò kính yêu mãi mãi!...!!

Lê Thị Kim Oanh (5-10-2014)
(Niên khoá 1969-1976)

Tiễn Đưa Thầy Võ Văn Vạn

Chiều nay đã xa thật rồi
Không còn nét bút bồi hồi mộng mơ.
Long Hồ héo hắt tình thơ,
Vườn Thơ Thẩn úa chơ vơ vắng thầy.
Học trò nhỏ giọt lệ cay
Tiễn đưa thầy chốn tuyền đài tịnh yên.
Vĩnh Hằng hạnh phúc cõi riêng
Thầy vui an hưởng lụy phiền xóa tan.

Kim Oanh (24-4-2021)

Đọc Thơ Nhớ Thầy

(Tiếc thương thầy Chân Diện Mục vĩnh viễn ra đi)

Thôi thế từ nay hết nhận bài
Thầy đâu còn viết để chuyền tay
Bao năm cặm cụi gom thơ, chuyện
Gởi đến khắp nơi để tỏ bày

Từng câu từng chữ rất thâm sâu
Nhắn nhủ bao điều thế hệ sau
Vĩnh viễn tiễn Thầy về Tiên Cảnh
Vườn Thơ Thẩn biệt nổi niềm đau.

Kim Oanh

Nhớ lại một thời áo trắng thơ ngây, Kim Oanh ghi lại:

Trường xưa áo trắng thơ ngây
Tung tăng đùa giỡn lòng đầy mộng mơ.
Học trò tình đẹp như thơ
Bao mùa mưa nắng dệt tơ tuổi hồng.

Kim Oanh

Kim Oanh không chỉ ghi nhớ những thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ mình, mà tình thầy trò bao la phủ lên tất cả những thầy cô giáo của Tống Phước Hiệp Vĩnh Long, nhất là hiệu trưởng Đào Khánh Thọ.

Sau đây là những tâm tình trong “Lời cuối” của những thầy cô giáo:

a). Thầy hiệu trưởng Đào Khánh Thọ.
 
“Sáng nay, em nhận được hung tin Thầy Đào Khánh Thọ - Pháp Danh Tuệ Khánh đã miên viễn ra đi ngày 20/4/2013 về bên kia Cõi Phật. Hưởng thọ 77 tuổi.
Em buồn lắm. Hình ảnh của vị Hiệu trưởng khả kính sẽ luôn in đậm trong tâm trí của đứa học trò Tống Phước Hiệp.
Em kính nguyện cầu cho Hương Linh Thầy Đào Khánh Thọ được an nghỉ và sớm về cõi Niết Bàn.

Thành Kính
Học trò Lê Thị Kim Oanh
Niên khóa 1969-1976.

b). Tưởng nhớ cô Trần Thị Mỹ Trang
 
Em chưa bao giờ học với cô một giờ nào, nhưng cô đã để lại trong em những nét khó quên.
Nụ cười cô rạng rỡ, ánh mắt thiết tha, mái tóc chấm vai quớt ra, cài chiếc kẹp hoa mai
Dáng cô đài các trong những chiếc áo dài hoa to, màu nổi bật. Đấy là hình ảnh của cô Trần Thị Mỹ Trang dạy môn Vạn vật.
Cô là thần tượng không chỉ riêng em mà là của các nam sinh nữa kia.
Một ngày tin từ phương xa mang đến, ngày 1/3/2007 cô đã ra đi.
Nguyện cầu, xin cô an nghỉ, một giấc ngủ êm đềm, như tình cô cũng êm đềm thắm sâu vào lòng của mỗi chúng em cô nhé!

Kính Cô!
Học trò của cô
Kim Oanh
Úc Châu 1/3/2007

c). Lời cho thầy Châu Văn Kiêm

Thầy rất khả kính, lời nói nhẹ nhàng, tính tình vui vẻ. Nhìn Thầy như phản ảnh của một tấm gương trong sáng.
Dáng dấp thanh cao, đeo kính cận, mặc áo sơ mi trắng. Đấy là hình ảnh của thầy Châu Văn Kiêm còn ghi lại trong trí của em, khi lần đầu thầy bước chân vào lớp Đệ Lục, dạy Pháp Văn.
Em đã rơi nước mắt viết thêm lời tiễn đưa thầy ra đi. Em xin kính lời chia buồn đến gia đình thầy và cầu nguyện hương linh Thầy an lạc và sớm về cõi vĩnh hằng.
Lê Thị Kim Oanh * Úc Châu 19/6/ 2007

Phai Tuổi Ngọc

Trở về trường xoáy rơi vào cơn lốc
Trên vôi tường rêu mốc bám xanh xao,
Hàng Phượng xưa đang rỉ máu hận trào
Rơi vung vãi trên vai người năm cũ.
Giờ ra chơi ủ rủ áo ngà phai
Gió gục đầu tóc chết lịm đôi vai
Lười tung nhảy vờn lay trong nắng sớm
Mắt chợt hằn rươm rướm nét mi cay.
Bước chân âm thầm trên hành lang vắng
Bảng đen nào cay đắng phủ phấn tang
Bàn ghế xiêu che giấu nỗi hoang tàn?
Dung nhan lớp ngỡ ngàng phai tuổi ngọc

Kim Oanh (2-5-2021)

Tống Phước Hiệp - Trước 75 Sau 75

             (Tống Phước Hiệp trước 1975)                              (Tống Phước Hiệp sau 1975)

Tâm sự của Kim Oanh khi về thăm lại trường xưa, trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long.

Tuổi ngọc là tuổi ngây thơ quý như ngọc, như ngà vì chưa lấm bụi trần. Là thời kỳ rất đẹp của một thời áo trắng dưới mái trường. Đã vào lớp 6 mà còn buộc áo dài sau lưng chạy chơi 5 mười, trốn kiếm…

Trở về mái trường xưa, nhìn cảnh vật để hồi tưởng, mang ký ức về những kỷ niệm của một thời tươi đẹp xa xưa. Thế nhưng « Cảnh đấy người đây luống đoạn trường » Tường vôi bám rêu xanh. Hành lang vắng vẻ, tiêu điều…

Sau năm 1975, Tống Phước Hiệp chỉ còn là một cảnh điêu tàn. Phấn trắng bảng đen là sinh hoạt chính của nhà trường, của lớp học, là gạch nối gắn liền giữa học trò với sách vở, với thầy cô giáo thân yêu…Giờ đây, phấn trắng dường như màu khăn tang về cái chết của tên trường Tống Phước Hiệp.

"Bảng đen nào cay đắng phủ phấn tang
Trường cũ thân yêu giờ mất dấu
Ve sầu thương tiếc ngậm ngùi vang...”

Thơ của Kim Oanh không những nêu bật lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, mà còn thương kính, biết ơn thầy cô giáo, thương mến cả cái nôi ấp ủ sự trưởng thành của những thế hệ học sinh Vĩnh Long. Trường Tống Phước Hiệp.

Tóm lại, Kim Oanh đã thực hiện đúng phương châm Tôn Sư Trọng Đạo, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Dùng phép nhân cách hóa thật tài tình. Ve sầu biết “thương tiếc” với tiếng kêu ngậm ngùi. “Gió gục đầu”, “tóc chết” lịm trên đôi bờ vai.

5*. Tình yêu lứa đôi

Tâm trạng buồn, nhớ thương trong ngăn cách

Cuộc tình của cô học trò một thời áo trắng Vĩnh Long, có một cái gì ngăn cách, đưa đến tình trạng buồn, nhớ thương vì xa nhau, trông ngóng, đợi chờ. Ngay cả trong giấc mộng cũng nhớ cảnh vườn trăng hai đứa yêu nhau.

Trong bài thơ “Melbourne Cuối Đông” có những câu:

Hiu hắt hàng cây trơ trụi lá
Một mình lặng lẽ chỉ hoài trông
Yarra con nước lửng lờ trôi
Có thấu tình riêng những ngậm ngùi
Cảnh vật lặng im lòng dậy sóng
Nhớ người biết đến thuở nào nguôi.
Kim Oanh. Đông Melbourne 2020

Trong thơ, Kim Oanh thường nhắc đến hai chữ “Vườn trăng” là cảnh rất thơ mộng. Ở đó hai người yêu nhau, vai bên vai, ngỏ lời yêu thương được xem như những lời thề thốt, với hy vọng cùng sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Nhưng mộng ước không thành, phải xa nhau vì vận nước đảo điên, chiến tranh bùng nổ. Rồi thương, rồi nhớ.

Cảnh xa nhau thương nhớ được mọi người biết đến qua bài thơ của thi sĩ thời nhà Đường bên Trung Hoa. 

Bài thơ Sông Tương.

Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
Mộng hồn phi bất đáo
Sở khiếm duy nhất tử.

Dịch nghĩa.

Chàng ở đầu sông Tương. Thiếp ở cuối sông Tương. Tương tư không gặp mặt. Cùng uống nước sông Tương. Hồn mơ bay chẳng tới. Chỉ thiếu một điều chết.

Bài hát “Ai về sông Tương” của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Lời ca:

“Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương.
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương”.

NHỚ

Nhớ! Cớ vì sao phải nhớ nhiều
Vờ trách ai nói mãi tiếng yêu
Thế đây ngơ ngẩn lòng xao động
Vắng tiếng cười trời cũng buồn thiu
Nhớ! Nhớ những điều phút xa nhau
Lưu luyến vườn trăng thuở ban đầu
Nhớ! Quái lạ cuồng quay ai hiểu
Đất trời đảo lộn…thế là yêu.
Kim Oanh

Nhận xét bài thơ “NHỚ”

Kim Oanh định nghĩa tình yêu qua bài thơ “Nhớ”.

Tình yêu bắt đầu bằng chữ NHỚ. Đôi khi Kim Oanh tự hỏi vì sao phải Nhớ?. Hối tiếc, vì đã có lúc trách người cứ nói mãi tiếng Yêu. Nghĩ lại, thì thực tế là lòng đã xao động, ngẩn ngơ.

Nhớ. Thương. Buồn. Làm tắt tiếng cười, khiến cho cảnh vật ủ rũ cho đến nổi ông trời cũng buồn thiu. Cuối bài thơ, kết luận, định nghĩa hai chữ tình yêu. Bài thơ có năm chữ “Nhớ” nhấn mạnh sự nhớ thương. Có thương yêu mới nhớ. Càng mong nhớ lại càng thương yêu. Thương yêu đến nổi trời nghiêng đất lở.

“Trời đất đảo lộn… thế là yêu”.

Trong bài Nhớ trên có câu: “Lưu luyến vườn trăng thuở ban đầu” . Vườn trăng xưa có hai mái đầu tràn ngập tình yêu đầu đời, nhưng ngày nay chỉ còn một bóng đơn côi tràn ngập nổi buồn. Bài thơ “Lặng Lẽ” ghi lại tâm trạng của cô đơn như sau:

Hiu hắt vườn trăng một bóng côi
Sầu dâng loang tím hắt hiu đời.

Mãi Còn Thương
Bên song héo hắt lạnh hơi sương
Quạnh vắng mênh mông lặng lẽ buồn
Tiễn biệt người đi hồn mộng tưởng
Vấn vương kẻ ở dạ hoài vương
Từng đêm ôm bóng hương mùi nhớ
Mỗi khắc mơ hình… ảo ảnh suông
Dẫu biết gặp nhau lòng rất ngượng
Nhưng tim in mãi dáng người thương.
Kim Oanh*Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Nhận xét bài Mãi Còn Thương

Khung cảnh: Bên song cửa vắng vẻ, lạnh hơi sương.
Câu chuyện: Tiễn biệt người yêu ra đi mà hồn kẻ ở lại mãi còn vương vấn.
Tâm trạng kẻ ở lại: Từng đêm, từng khắc hình ảnh người đi tràn ngập bóng hương mùi nhớ. Có một cái gì đó bất ổn?” Dẫu biết gặp nhau lòng rất ngượng”.
Nhưng bóng dáng người thương đã ra đi, vẫn mãi mãi trong tim người ở lại.
Bài thơ nêu bật nổi niềm thương nhớ một chiều của Kim Oanh.
Không biết người ra đi khi tiễn biệt, có mang theo dư âm của cuộc tình hay không?.

Nhắc lại những kỷ niệm

Ký ức in sâu tháng ngày xưa
Hình ảnh hai đứa đục mưa chung mái
Anh ngu ngơ còn em khờ dại
Hứng nước tay chạm phải tay không gỡ
Để ra về chẳng nỡ cứ mộng mơ
Cũng từ ấy vờ nủng nịu giận hờn
Anh nâng niu lau khô đôi mắt ngọc
Ghét anh ghê chọc chi người ta khóc
Rồi ví giọt lệ tình làm mực viết thành thơ
Bài thơ không đoạn kết buồn muôn thuở.
*
“Người đi một nửa hồn tôi chết
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ” (Hàn Mặc Tử)

“Bài thơ anh viết tặng người
Nửa đời vương vấn, nửa đời tương tư
Nửa nào chất chứa tâm thư
Nửa nào che phủ sương mù chưa tan” (Kim Oanh)

6*. Thơ lính

Tình lính, thơ lính và muôn đời ghi ơn người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

6.1. Tình lính

Tình yêu đầu đời của cô học trò áo trắng trường Tống Phước Hiệp, như nụ hoa chớm nở với anh lính. Áo trắng “bối rối”, áo xanh rừng “bồi hồi”. Anh lính bồi hồi, cô bé bối rối, thật là một cặp đôi rất dễ thương. Không phải là những kẻ lịch lãm trong tình trường. Rõ ràng là “màu trắng đẹp tinh khôi”.

“ Lần về phép anh bồi hồi đứng đón
Tan trường…em bối rối bước song đôi
Anh khoác áo xanh rừng ôm hy vọng
Mộng đầu đời ngát ý…ướp hương môi”

Áo trắng ngây thơ vụng dại, bỡ ngỡ khi nhận được những cánh thơ tưởng chừng như chúng đã rót thi vị mới lạ, hứng thú vào tâm hồn trong trắng, thơ ngây của cô gái ở tuổi dậy thì.

Nghệ thuật dùng chữ của Kim Oanh thật là quá tuyệt. Để diễn tả niềm nhung nhớ bao la như rừng, như ấm áp trong nắng, Kim Oanh cho rằng, dường như người tình đầu đời đã pha tím hoa sim. Gợi nhớ « Màu Tím Hoa Sim » một tuyệt tác của nhà thơ Hữu Loan, trở thành biểu tượng thương nhớ. Thương nhớ bao la như tím cả chiều hoang, gồm không gian và thời gian. Thời gian của chiều tà sắp sửa hoàng hôn, như chìm vào nổi buồn u ám của nhớ thương.

“ Áo học trò màu trắng đẹp tinh khôi
Anh pha tím hoa sim rừng nhung nhớ
Em ngây thơ vương nắng tình bỡ ngỡ
Tóc mây dài vụng dại kẽ lệch ngôi”
(Bài Vì Sao Sáng )


Yêu nước. Biết đặt nhiệm vụ cao cả của người trai trong thời loạn lên trên tình riêng. Những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa được vinh danh như những ngôi sao sáng trong đêm. Nên Kim Oanh không trách:
“Em không trách vì sao anh lỗi hẹn
Vì anh không hổ thẹn với non sông
Đêm đêm em nhìn lên khoảng trời không
Anh là vì sao trong đêm ngời sáng”.

Khi người yêu trên đường ra chiến trận, tâm trạng người yêu ở lại được Kim Oanh cực tả bằng hai câu thơ thật hay vô cùng.

“Anh đi tắt nắng bình minh
Rêu phong chôn kín một linh hồn gầy”

Mỹ từ pháp nhân cách hóa “Rêu phong” biết chôn một linh hồn gầy. Hết chỗ chê 3 chữ “Linh hồn gầy”.

Theo Kim Oanh thì người chiến sĩ có hình và bóng. Thân người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa xông pha trên các mặt trận, là một không gian địa lý bao la, được diễn tả như “ Đồi núi chập chùng”

Rừng sâu đồi núi chập chùng
Bóng ai ẩn khuất trong khung cửa lòng

Bóng người chiến sĩ tiềm ẩn trong lòng người yêu ở hậu phương, được mô tả là một không gian hẹp là tấm lòng của người yêu mong chờ nơi khung cửa phòng loan.

6.2. Biết ơn người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa

Kim Oanh nhớ ơn cha mẹ, cám ơn thầy, cô giáo, và đây Kim Oanh ghi ơn người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.


Anh! Người Lính Không Bao Giờ Chết
Anh! Người lính trẻ không bao giờ chết
Anh! Người lính già chưa hết niềm tin
Anh là vì Bắc Đẩu tỏa lung linh
Trên bầu trời bóng hình Anh ngời sáng
Anh ngạo nghễ khúc hùng tráng ca vang
Hy sinh cho Quốc kỳ vàng uy dũng
Đã nhiều phen làm kẻ thù rơi rụng
Mãi muôn đời Anh không chết đâu anh!
Kim Oanh

Người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn mãi mãi sống trong lòng người dân miền Nam Việt Nam và cả Kim Oanh nữa. Vì Kim Oanh là người yêu của lính.
“Vì nước quên mình hùng bất tử
Yêu chàng vẹn thủy nghĩa tình chan”

7*. Tình yêu quê hương trong thơ Kim Oanh

Níu Ánh Dương

Chạng vạng sầu lòng níu ánh dương
Niềm đau khắc khoải những vô thường
Trùng khơi vạn lý thân lưu lạc
Biệt xứ bạc ngàn khách viễn phương
Đất Mẹ ngạt ngào tình lúa mới
Quê cha đậm thấm mối tình vương
Một trời hy vọng còn đâu nữa
Chạng vạng sầu lòng níu ánh dương.
Kim Oanh

Quê hương của Kim Oanh là vùng quê, đồng bằng sông Cửu Long miền Tây Nam Bộ, ở đó:

“Đất Mẹ ngạt ngào tình lúa mới
Quê cha đậm thấm mối tình vương”

Đất mẹ, quê cha cũng là đất nước Việt Nam Cộng Hòa mà Kim Oanh luôn luôn vương vấn mối tình đậm đà, tình yêu Tổ quốc.

Sầu Ly Quốc

Lìa quê lưu lạc nơi này
Ngậm ngùi cố quốc đêm ngày sầu tơi
Đắng cay uất nghẹn sao nguôi
Bao người dìm xác tiếc lời oán không?

Tương lai tuổi trẻ diệt vong
Nhân quyền chà đạp còn mong chi về
Tự do đàn áp nặng nề
Mong người yêu nước thương về cố hương
Kim Oanh 04/2020

Lặng về cố quốc thở than dài
Dân tộc đắm chìm bởi tại ai
Gắng dạy cháu con gìn giữ lấy
Non sông đất Việt khắc tâm hoài.
(Bài Hồng Ân Thiên Chúa * Kim Oanh 30-4-2018)

Dù ai xa xứ khắp nơi
Vẫn là con cháu của trời nước Nam
Kim Oanh * 6/9/2019

8*. Cám ơn nước Úc

Tình thương mở rộng vòng tay ấm
Nhân đạo xứ người cảm lệ rơi

9*. “Tri ân bác sĩ, y tá, thiện nguyện viên đang chiến đấu với Covid-19”

Thương quá Thiên thần áo trắng ơi!
Cứu tử tuyến đầu trong đại dịch
Hy sinh mạng sống giúp cho đời
Tấm lòng cao cả rạng ngời
Nguyện cầu ân phước trên Trời chở che
Kim Oanh. Melbourne 28-3-2020


10*. Thơ xướng họa

Xướng họa thơ là thú vui của các nhà thơ. Vừa bắt nhịp cầu liên lạc, làm quen, trở thành bạn thơ, đồng cảm, đồng quan điểm với nhau. Giao lưu thơ văn là thú vui tao nhã của các nhà thơ.

10.1. Thơ xướng họa của nhà thơ Kim Oanh

Trang web Lê Thị Kim Oanh đã có 460 bài thơ của Kim Oanh trong thể xướng hoặc họa. Còn nhiều hơn con số 460, vì đếm không xuể.

Kim Oanh xướng và họa với những nhà thơ nổi tiếng thời hiện đại. Có thể nêu ra một số như sau: Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát, Kiều Mộng Hà, Trịnh Cơ, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Kinh Bắc, Cao Mỵ Nhân, Tưởng Dung, Bát Sách Nguyễn Thanh Bình, Phong Tâm, Yên Dạ Thảo, Quên Đi, Mailoc, Songquang, Kim Phượng, Mai Xuân Thanh, Mai Thắng, Đỗ Chiêu Đức, Sao Khuê, Đỗ Bình, Hương Thềm Mây, Kim Dung, Lộc Bắc, Tha Nhân, Lâm Hoài Vũ, Duy Anh, Hà Quế Linh, Phan Thanh Xuân, Thái Huy, Mặc Phương Tử, Hồ Khiên, Phương Hoa, Minh Thúy, Tuyết Phan, Trầm Vân, Lê Xuân Cảnh, Nguyễn Gia Khanh, Đức Hạnh, Ngô Quang Diệp, Thanh Vân, Hoàng Xuân Thảo, Thanh Hòa, Hồ Nguyễn, Phan Tự Trí,LýĐứcQuỳnh,Cao LinhTử, PhanLương, Locphuc, Như Thu, dovanden(DVD), Minh Lương, Thiện Tâm, Lạc Thủy Đỗ Quý Bái, Đồ cóc, Như Thị, Hồ Công Tâm, Bùi Quý Bồng, Phí Minh Tâm, Lê Xuân Cảnh, Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập, …

10.2. Xướng, họa thơ

Họa thơ là dựa vào một bài thơ có sẳn, được gọi là bài xướng. Những quy tắc căn bản của việc họa thơ là họa thể thơ, họa vần, họa ý…

Họa thể thơ. Là bài xướng thuộc thể thơ gì thì bài họa cũng phải theo thể thơ đó. Bài xướng thuộc thể lục bát, thì bài họa cũng phải lục bát. Bài xướng thuộc thể thất ngôn bát cú Đường luật, thì bài họa cũng phải theo thể thơ đó.

Họa vần. Trong bài xướng, những chữ bắt buộc phải theo vần là chữ gì, thì bài họa cũng phải theo những chữ đó. Không được dùng chữ khác.

Ví dụ. Họa vần trong bài Tôn Phu Nhân Qui Thục của Tôn Thọ Tường và bài họa của Phan Văn Trị.

Bài xướng của Tôn Thọ Tường.
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
….
Bài họa của Phan Văn Trị

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông

10.3. Hai bài xướng họa của Kim Oanh và Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát.

Hương Tàn Mùa Cũ

Cành hoa tan tác kém màu tươi
Cố nén đau thương giấu nụ cười
Men rượu thấm môi sao chẳng ấm
Loan phòng tựa cửa dạ nào vui.

Xuân đến xuân đi xuân mất rồi
Hương tình trôi biệt tận xa xôi
Mùa yêu lặng lẽ tan theo sóng
Dìm chết tim yêu trọn cả đời!
Kim Oanh - Melbourne, 14/2/2015

Bài thơ “Hương Tàn Mùa Cũ” của Kim Oanh nói lên “Hương yêu” của một thời quá khứ, (mùa cũ) xa xưa, đã tàn phai theo thời gian. Kim Oanh thả hồn về miền quá khứ, ký ức trở về, hương tình nhè nhẹ len vào tâm tư, làm con tim đau nhói, như tật nguyền.

“Cố nén đau thương giấu nụ cười” để chứng tỏ bề ngoài giống như người bình thường, thế nhưng bên trong giá buốt, cho dù có rượu vào cũng không ấm được lòng.
"Men rượu thấm môi sao chẳng ấm"
Câu"Loan phòng tựa cửa dạ nào vui". Loan phòng là phòng có bức màng thêu hình con chim loan."Tựa cửa" chỉ hành động đứng chờ một cái gì đó.

Cùng một loài chim mà con trống được đặt tên là Phượng (Phụng), con mái gọi là Loan. Trong thiệp cưới trước kia, người ta thường chúc cô dâu, chú rể « Loan phượng hòa minh-Sắt cầm hảo hợp » (Loan phượng hòa minh là Chim loan và phượng hòa tiếng hót).
“Sắt cầm hảo hợp” đàn sắt và đàn cầm hòa âm với nhau tốt đẹp, nghe rất êm tai. Ý nói đôi vợ chồng hòa hợp nhau trong hạnh phúc)
"Xuân đến xuân đi xuân mất rồi". Thời gian trôi qua, hết mùa Xuân nầy đến mùa Xuân khác, nhưng mùa xuân của cuộc đời không còn nữa, vì "xuân" đã mất rồi.

Kim Oanh ví thời gian như con sóng vô tình lặng lẽ dìm chết tình yêu, làm đau thương suốt cả đời. Có thể nói khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Bài thơ bắt đầu từ câu"Cành hoa tan tác kém màu tươi", kết thúc bằng câu "Dìm chết tim yêu trọn cả đời!" đã gói ghém cơn đau của mối tình tươi đẹp của một thời xa xưa cho đến nay vẫn còn gây đau thương qua thời gian.

Bài họa của nhà thơ Nguyên Trần, Nguyễn Tấn Phát.

Còn Thương Người Cũ

Hoa tím bằng lăng tím sắc tươi
Như em duyên dáng nét môi cười
Anh đi mà thấy lòng ngơ ngẩn
Mây trắng lững lờ tiếng gọi vui

Nhìn em anh đã thấy vấn vương rồi
Như bác nông dân yêu nếp xôi
Con sóng tình long lanh ánh bạc
Màu trăng tiền sử sáng muôn đời.
Nguyên Trần*Toronto Song Thất 7/7/2021

Nhận xét về xướng họa thơ của hai tác giả.

Về vần thơ.
Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát, đã họa theo đúng qui luật về vần của bài họa. Đó là chữ cuối cùng của những câu 1, 2, 4 của khổ đầu đều đúng bằng những chữ: Tươi, Cười, Vui.
Những chữ cuối câu ở khổ hai cũng giống nhau, là: Rồi, Xôi, Đời.

Về ý thơ. Thì bài họa của Nguyên Trần đối lại ý thơ trong bài xướng của Kim Oanh. Bài xướng mang tính bi quan, tiêu cực. Bài họa của Nguyên Trần mang tính lạc quan, yêu đời.

Nói chung về ý thơ của những bài xướng, họa có thể cùng một ý, thông cảm, chia xẻ nhau. Mà cũng có thể chỉ trích, phản đối, hoặc phân trần, bào chữa…

11*. Thơ cổ và thơ dịch

11.1. Thi sĩ và Đường Thi

Trong mục Cổ Thi của trang mạng Lê Thị Kim Oanh, chị đã chọn và dịch 64 bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ Trung Hoa thời nhà Đường, mà các nhà thơ tài danh Việt Nam của nhiều thế hệ trước đã ngưỡng mộ. Và từ đó những bài thơ văn nôm được sáng tác theo luật thơ của Đường Thi. Điển hình là các nhà thơ: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương…

Trong mục Cổ Thi gồm có thơ của các thi sĩ thời Đường như : Vương Hàn (Bài Lương Châu Từ), Lý Bạch có 5 bài: Xuân Tứ, Tống Hữu Nhân, Thu Phong Từ, Oán Tình, Ức Đông Sơn Kỳ.Lý Thương Ẩn với 3 bài: Thiên Nha, Dạ Vũ Ký Bắc, Vô Đề. Bạch Cư Dị, Đỗ Mục, Hàn Ốc, Trịnh Cố, Trần Nhân Tông, Cao Bá Quát.

11.2. Nghệ thuật dịch thơ cổ Đường thi của Kim Oanh

Dịch thơ bằng văn xuôi đã khó, mà dịch bằng thơ từ chữ Hán lại càng khó hơn. Trước hết phải thấu triệt về nghĩa của chữ Hán, phải hiểu rõ hoàn cảnh sống của tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, đồng thời cũng phải hiểu những điển tích trong thơ.

Trong 64 bài ở mục Cổ Thi, Kim Oanh đã có 35 bài dịch bằng thơ của các thi sĩ thời nhà Đường. Số còn lại là dịch các bài thơ của người Việt Nam như: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Lê Cảnh Tuân, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương…

Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng của Vương Hàn mà nhiều người Việt Nam biết đến, đó là bài Lương Châu Từ mà Kim Oanh đã dùng thơ để dịch thơ như sau.

Lương Châu Từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi ? (Vương Hàn)

Kim Oanh dịch
Khúc Hát Lương Châu

Quan hà cạn chén bồ đào
Chưa vơi đàn giục ngựa mau lên đường
Trách chi say chốn sa trường
Binh đao chinh chiến có nhường mấy ai?
Kim Oanh 26/4/2015

11.3. Dịch thơ bằng thơ của các thi hào Pháp, Mỹ và Nhật Bản.

Ngoài những bài thơ Hán văn, Kim Oanh còn dịch những bài thơ tiếng Pháp, tiếng Anh của những thi hào nổi tiếng của Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Trước kia những nhà thơ nổi tiếng của Pháp được gỉảng dạy ở chương trình trung học Việt Nam. Những nhà thơ như: Victor Hugo, Alphonse de Lamartine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, bà George Sand, Paul Verlaine, Arthur Rimbaud…

Trong mục "Thơ Dịch", Kim Oanh đã dùng 28 bài thơ để dịch những bài nổi tiếng của những thi hào Pháp, Mỹ và Nhật Bản, gồm có:

1). Victor Hugo. 2 bài: La Tombe d’Amante (Mộ người yêu), Puisque J'ai Mis Ma Lèvre À Ta Coupe Encor Pleine. (Cũng tại vì môi anh trên ly em chưa vơi)
2). Alphonse De Lamartine. Với 2 bài La Terre Natale (Quê Hương) và Le Lac (Cái Hồ).
3). Paul Verlaine với 2 bài: La Chanson d’Automne (Thu Ca) và Il Pleure Dans Mon Cœur (Mưa Trong Lòng).
4). J. Fred Coots với bài Love Letters In The Sand (Thơ tình trên cát).
5). Maurice Maeterlinks với bài Come Back To Sorrento, Phạm Duy phổ nhạc (Trở Về Mái Nhà Xưa)

6). Thi sĩ Nhật Bản Ki no Tsurayuki với bài Sazanka no Yado (Quán Trọ Sơn Trà). Và còn nhiều nhà thơ khác

Những câu đắc ý

Objets inanimés!Avez-vous donc une âme?
Qui s ‘attache à mon âme, Et la force d’ aimer.
(Trích 2 câu cuối của bài thơ Milly Ou La Terre Natale)
Alphonse De Lamartine

Có hồn chăng vật vô tri kia hỡi?
Tâm linh này lụy bởi tình yêu mi!
Kim Oanh-Melbourne23-10-2015

Trích trong bài của Alfred De Vigny

“Gémir, pleurer, prier est également lâche.
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le Sort a voulu t'appeler,
Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler.”

Lời thơ dịch

Khóc than, rên xiết là hèn
Hãy vì nhiệm vụ vượt lên đau buồn
Quản chi số phận gọi tên
Nghiến răng rồi chút hơi tàn như không.
(Alfred De Vigny)

12*. Nhà thơ Kim Oanh trên thi đàn quốc tế

12.1. Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại


Lê Thị Kim Oanh là thành viên của tổ chức Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại

Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại là tiếng nói lương tâm của người cầm bút Việt Nam trên toàn thế giới. (The voices of conscience of Vietnamese writers across the globe). Chúng tôi sáng tác và phổ biến văn học, nghệ thuật nhầm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam.

Đây là diễn đàn chính thức của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, tổ chức duy nhất của Việt Nam Cộng Hòa còn hiện hữu.

12.2. Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ

Thơ Kim Oanh cũng góp mặt trên diễn đàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, là nơi hội tụ những văn thi nhân yêu hòa bình và mưu cầu tự do cho quê hương Việt Nam. Hội VBVNHNVĐBHK chủ trương sinh hoạt cộng đồng, cùng nhau sáng tác và phổ biến văn học nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt ở hải ngoại.

Kim Oanh là một cây bút có tầm mức trên văn đàn quốc tế.

13* Kết luận

Thật hiếm thấy có một nhà thơ nào sở hữu một gia tài thi văn đồ sộ như Kim Oanh cả.

Nghệ thuật diễn đạt của chị rất điêu luyện. Chị xử dụng tối đa mỹ từ pháp như: ẩn dụ, đảo ngữ, điệp ngữ, nhân cách hóa, so sánh, tượng thanh, tượng hình…làm cho câu văn sống động, gợi cảm, gợi tình…lôi cuốn người đọc.

Lời thơ mộc mạc, giản dị, ngôn từ mang âm hưởng của người dân quê miền Tây Nam Bộ, để diễn tả cảm xúc, tư duy gắn kết với con người, với sinh hoạt xã hội và thiên nhiên, để phát huy cái hay, cái đẹp truyền thống của Việt Nam.

Ý thơ mang tính xây dựng, thể hiện gương mẫu đạo đức qua những bài học làm người. Người tốt, theo quan niệm “Trung, hiếu, tiết, nghĩa” của người xưa.

Một điều may mắn cho thi văn Việt Nam là có một thế hệ gồm những nhà thơ trẻ với nhiều triển vọng và khả năng tiếp bước những thế hệ cha, anh. Đúng là sóng sau dồn sóng trước. Tre tàn măng mọc.

Xã hội tự do là mảnh đất màu mỡ để vườn cây văn nghệ đơm hoa kết quả, thành màu sắc rực rỡ. Chế độ độc tài đã bóp chết sự sáng tạo tự do của văn nghệ sĩ.

Kim Oanh thật sự là một nhà thơ có tài, có nhiều nét độc đáo.

Trúc Giang MN
Minnesota ngày 12-9-2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét