Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Hương


HƯƠNG TRỜI đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình!

HƯƠNG TRỜI chữ Nho là Thiên Hương 天香, nằm trong nhóm từ THIÊN HƯƠNG QUỐC SẮC 天香國色 hay QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香 gì cũng thế. Ta nói là Hương Trời Sắc Mước hay Sắc Nước Hương Trời. Thường dùng để chỉ những người đẹp tuyệt trần, những tuyệt thế giai nhân, có cái hương của trời và cái sắc của nước, là người đẹp nhất nước mà bây giờ ta thường gọi là HOA HẬU toàn quốc, Hoa Hậu Thế Giới, Hoa Hậu Hoàn Vũ.... Trong Truyện Kiều Mã Giám Sinh đã ngầm đánh gía Thúy Kiều là :

Đã nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG,
Một cười này hẵn nghìn vàng chẳng ngoa.
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn qúy khách ắt là đua nhau !... 

Thật ra QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香 là tên riêng để gọi Hoa MẪU ĐƠN, có điển tích như sau:

Theo Lý Tuấn"Tùng Viên Tạp lục 李濬.松窗雜錄 đời Đường : Nhà vua hỏi kẻ thị thần (người hầu cận) :"Nay trong kinh thành rất nhiều người ngâm vịnh hoa Mẫu Đơn, vậy ai là người vịnh hay nhất ?". Người thị thần đáp :"Thần nghe mọi người ngâm vịnh thường khen là thơ của Lưu Chính Phong là hay nhất với hai câu : Quốc sắc triêu hàm tửu, Thiên hương dạ nhiễm y 國色朝酣酒,天香夜染衣." Có nghĩa : Vẻ QUỐC SẮC ửng như say rượu (chỉ màu hoa đỏ thắm), Mùi THIÊN HƯƠNG đêm đến ngát y thường (chỉ mùi hương thơm ngát). Hai câu thơ trên ca ngợi hoa Mẫu Đơn là hoa đẹp nhất thơm nhất. Trong ba bài Thanh Bình Điệu thi tiên lý Bạch đã so sánh sắc đẹp của Dương Qúy Phi như là hoa Mẫu Đơn, nên sau dùng rộng ra QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG chỉ những giai nhân đẹp nhất nước, nói chung là để chỉ người đẹp có sắc đẹp vượt trội hơn những ngưòi khác. 

Khi nói về cặp đôi Kim Trọng và Thúy Kiều cụ Nguyễn Du đã viết:

Người QUỐC SẮC, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.

Còn khi Vương Quan kể về người đẹp Đạm Tiên "Nổi danh tài sắc một thì, Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh", nhưng: 

Phận hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG!


Thiên Hương là Hương Trời, HƯƠNG của TRỜI ở trên cao chất ngất mà người thường khó bề với tới, như nàng cung nữ kiêu kỳ của Ôn Như Hầu trong Cung Oán:

HƯƠNG TRỜI sá động trần ai,
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

Nhưng, có khi cũng dùng để chỉ thuần túy là mùi hương hoa thơm ngát mà thôi, như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng:

Dặm hoa lừng lẫy HƯƠNG TRỜI,
Phút giây hiện đã đến nơi cửa thiền. 

HƯƠNG ở đây thuần túy là mùi thơm của hoa, là hương hoa kêu gọi bướm ong cũng trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều:

Vườn xuân bướm hãy còn rào,
Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm HƯƠNG.

HƯƠNG còn là HƯƠNG HỎA 香火, là Nhang Đèn (Hỏa 火 là Lửa, mà cũng là đèn đóm nữa). Nhưng từ HƯƠNG HỎA ta quen hiểu là Nhang Khói, như Đất Hương Hỏa, Ruộng Hương Hỏa... là những miếng đất miếng ruộng dùng để canh tác cho sanh hoa lợi để thờ cúng ông bà, để có Nhang Khói cho Tổ Tiên. Nhưng trong văn học cổ Hương Hỏa còn đi với Ba Sinh thành "Hương Hỏa Ba Sinh" mà ta quen nói là : HƯƠNG LỬA BA SINH hay BA SINH HƯƠNG LỬA (là TAM SANH HƯƠNG HỎA 三生香火) theo tích sau đây :

Cao tăng Viên Trạch 圓澤 đời Đường, có một người bạn thân tên là Lý Nguyên Thiện 李源善. Hai người cùng ước hẹn nhau đi về vùng Trường Giang Tam Hiệp. Sư muốn đi bằng đường thủy, nhưng Lý Nguyên Thiện lại muốn đi bằng đường bộ. Sư đành chìu bạn. Trên đường đi, họ gặp một người đàn bà mang thai bụng rất to đang lấy nước ở bờ sông. Sư bèn nói với Nguyên Thiện rằng :"Ta muốn tránh mà cũng không khỏi, người đàn bà đó mang thai đã ba năm rồi, đợi ta đi đầu thai mà ta cứ tránh mãi. Bây giờ gặp gỡ nơi đây thì hết tránh được rồi. Ba ngày nữa, khi anh đến nhà người đàn bà đó thấy đứa bé mới sinh mĩm cười với anh, thì chính là ta đang chào anh đó. Đến đêm Trung Thu mười ba năm sau, ta lại chờ anh ở Thiên Trúc Tự của đất Hàng Châu. Chừng đó ta sẽ lại gặp nhau.
Đêm đó, qủa nhiên sư Viên Trạch viên tịch, và người đàn bà kia cũng chuyển dạ sanh ra một đứa bé trai. Sáng hôm sau, Lý Nguyên Thiện đến thăm thì đứa bé qủa nhiên đã mĩm cười với chàng. Thắm thoát mười ba năm sau, khi chàng tìm đến Thiên Trúc Tự của Hàng Châu. Khi vừa bước đến cửa chùa đã trông thấy một mục đồng ngồi trên lưng trâu bên phiến đá trước chùa mà ngâm rằng :

三生石上舊精魂, Tam sanh thạch thượng cựu tinh hồn,
賞月吟風不要論。 Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân.
慚愧情人遠相訪, Tàm qũy tình nhân viễn tương phỏng,
此身雖異性常存。 Thử thân tuy dị tính thường tồn.
Có nghĩa:
Ba sinh trên đá ấy hồn xưa,
Phong nguyệt ngâm nga chẳng hỏi thưa.
Thẹn bởi người xưa nay đến viếng,
Thân tuy khác lạ tính như xưa. 

Mục đồng ngâm xong, đến dắt tay Lý Nguyên Thiện cùng ngồi trên tảng đá để hàn huyên. Hiện nay trước chùa Thiên Trúc ở Tây Hồ của đất Hàng Châu vẫn còn tồn tại tảng đá nầy, tục gọi là TAM SANH THẠCH 三生石, lấy ý ở tiền thân của Viên Trạch là NHẤT SINH, đứa bé sơ sinh mĩm cười với Nguyên Thiện là NHỊ SINH và đứa trẻ mục đồng ở trước chùa Thiên Trúc là TAM SINH. Hình Thành Thành ngữ TAM SINH HỮU HẠNH 三生有幸. Có nghĩa là : Có được cái may mắn của ba đời mới gặp được nhau đây.

Còn HƯƠNG LỬA thì theo như tài liệu "Văn Hóa Phật Giáo của hoavouu.com" trên mạng thì kể là:

Trong sách "Quần ngọc chú" có ghi lại chuyện Tỉnh Lang đi chơi chùa Nam Huệ Tự. Ở chùa, Tỉnh Lang nằm chơi một lúc đã ngủ thiếp đi không hay biết gì. Trong giấc ngủ, Tỉnh Lang mơ thấy mình đi chơi Non Bồng. Ở chốn ấy, Tỉnh Lang gặp một ông thầy ngồi niệm kinh, trước mặt có một cây hương đang cháỵ Do tò mò, Tỉnh Lang bèn hỏi về nguyên do cây hương nàỵ Thầy tăng đáp lại rằng, trước đó đã có một người lên chùa và thắp cây hương này để khấn nguyện, cầu phúc. Nay cây hương vẫn còn cháy mà người ấy đã sinh được ba kiếp rồị. Kiếp đầu tiên là vua Huyền Tôn, kiếp thứ hai là vua Hiến Tôn ở đời Đường, và kiếp thứ ba là Tỉnh Lang. Nghe đến tên mình, Tỉnh Lang giật mình tỉnh giấc, lòng nửa tin nửa ngờ. Về sau, điển tích này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và dần dà đã hình thành nên thành ngữ "Tam sinh hương hỏa" hay "hương lửa ba sinh" để chỉ lời nguyện có hiệu lực đến ba đời người.

Dù kể theo tích nào thì BA SINH HƯƠNG LỬA hay HƯƠNG LỬA BA SINH trong văn học cổ đều dùng để chỉ TÌNH DUYÊN giữa gái trai đã được định sẵn từ ba kiếp trước, như khi lở "Hạ công chén đã qúa say" với Thúy Kiều rồi, đến rạng ngày Hồ Tôn Hiến tỉnh rượu lại lo lắng " Nghĩ mình phương diện quốc gia, Quan trên ngó xuống người ta trông vào", nên mới ép Thúy Kiều lấy Thổ Quan với cái cớ:

Dạy rằng: HƯƠNG LỬA BA SINH,
Dây loan xin nối cầm lành cho ai.

HƯƠNG LỬA còn để chỉ duyên nợ hay tình nghĩa vợ chồng, như trong truyện Nôm Nữ Tú Tài:

May mà HƯƠNG LỬA bén duyên,
Cũng vì mấy chữ trúc tiên thơ đồ.

Khi chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, để "Phỉ nguyền sánh Phượng đẹp duyên cởi rồng" rồi, thì Từ Hải lại dứt áo ra đi làm việc lớn trong khi:

Nửa năm HƯƠNG LỬA đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

Khi trở lại vườn Thúy để tìm Thúy Kiều không gặp, đến khi thi đậu làm quan vẫn không tìm gặp được Thúy Kiều. Kim Trọng những tưởng kiếp nầy đã hết trông mong gì gặp lại người xưa, nên khi "Thề xưa giở đến kim hoàn, Của xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG" để dạo lại khúc đàn xưa, thì cảm thấy:

Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
LỬA HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi ?

Chung tình như Kim Trọng, cũng qủa thật hiếm thấy ở ngày hôm nay!

Đỗ Chiêu Đức
        


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét