Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Bài Trường Thi Đoạn Trường Ngâm Khúc Của Đỗ Quý Bái


Nhà thơ Đỗ Quý Bái là đàn chủ Diễn đàn “ Một Lối Vào Đường Thi” kỳ 22 này. Anh mời ta đi dạo vườn thơ với bốn bài thơ: Thanh Bình Điệu kỳ I của Lý Bạch, Tương Tiến Tửu cũng cuả Lý Bạch, Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị và bài Đoạn Trường Ngâm Khúc mà anh là tác giả. Anh chỉ dịch hai bài thơ đầu, bài thứ ba anh giới thiệu bản dịch của Phan Huy Thực còn bài cuối anh nói bị ảnh hưởng của Tỳ Bà Hành, bài thơ anh “chỉ đọc qua một lần mà thuộc nằm lòng ngay như biết từ kiếp xa xưa nào đó.” 

Cấu trúc bài thơ của anh cũng na ná như Tỳ Bà Hành, một đêm trên bến Thủ Thiêm một du tử đang ngồi câu, chẳng thấy cá ngậm mồi mà cảm thấy mình đang ngậm mối sầu xa quê và thời thế, chợt nghe tiếng sáo vẳng tới, nghe như bày tỏ giúp tấm lòng của mình nên tìm tới người thổi sáo và được người này kể chuyện đời của người này cùng bảy người chiến hữu: 

Bến Thủ Thiêm đêm trường bó gối 
Gác cần câu ngậm mối sầu miên 
Buồn cho thế cuộc đảo điên 
Biết cùng ai tỏ nỗi phiền xa quê... 

còn trong bài thơ của Bạch Cư Dị thì cũng là một đêm khuya trên bến Tầm Dương, một ông quan bị biếm tiễn đưa khách, chợt nghe vẳng lại tiếng tỳ bà nên cũng tìm lại và được người gảy đàn, một thiếu phụ kể lại cuộc đời hồng nhan đa truân của mình: 

Nội dung của hai bài thơ cũng quy về một vấn đề mà chính nhà thơ ĐQBái cũng tự chú giải là Tài mệnh tương đố hay Chữ tài liền với chữ tai một vần.Cuộc đời của người ca nương khi còn trẻ đã huy hoàng một thời, được bao khách hào hoa theo đuổi tới khi hoa tàn, đành phải kết duyên với một lái buôn trọng tiền bạc hơn tình nghĩa, nên dùng tiếng đàn thay cho lời than thở, ngờ đâu lại cũng là hoàn cảnh của khách tri âm, một Giang châu Tư mã bị biếm trích, cho nên đồng thanh tương ứng, đồng cảm tương cầu, vừa thương cảm cho số phận của kẻ đàn, vừa buồn tủi cho thân phận mình mà lệ rơi đẫm tà áo xanh. 

Trong bài thơ Đoạn Trường Ngâm Khúc thì người đàn là một thương phế binh trong một trận pháo kích khiến bảy chiến hữu đều tử thương chỉ còn mình sống sót nhưng lại bị cụt giò. Thế là bao nhiêu chí lớn, đội trời đạp đất, trả nợ núi sông đều tan tành ra mây khói và đêm nay thương nhớ bằng hữu mà dùng tiếng sáo bày tỏ nỗi lòng. Trong các bằng hữu anh kể rõ tên bác sĩ Phạm Văn Bách đã hi sinh tại mặt trận Tây Uyên và để lại biết bao thương nhớ cho một người yêu đã từng cùng nhau thề non hẹn biển. 

Bạch Cư Dị tả tiếng đàn cũng là tiếng lòng của ca nương, ĐQBái tả tiếng sáo để nói lên nỗi lòng của người thương phế binh, hai hoàn cảnh, hai số phận nhưng chung một nỗi niềm buồn tủi cho thân phận kiếp người. Xin mời nghe Tiếng đàn tỳ bà: 

Nghe não nuột mấy dây bứt rứt 
Dường than niềm tấm tức bấy lâu 
Chau mày tay gẩy khúc sầu 
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn 

Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt 
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu 
Dây to nhường đổ mưa rào 
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng 

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy 
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu 
Trong hoa oanh ríu rít nhau 
Suối tuôn róc rách chảu mau xuống ghềnh 

Tiếng sáo: 
Nghe chua xót bầm gan tím ruột 
Nghe thảm sầu tê buốt óc tim 
Nước cau mày lệ im lìm 
Trăng tà ảm đạm khuất chìm trời tây 

Gió gây gấy chở đầy nuối tiếc 
Mây bàng hoàng đặc sệt hờn căm 
Trầm như ma rú cõi âm 
Cao như trời thẳm bặt tăm phi thuyền 

Giốc trủy vũ ré lên nức nở 
Đồ rê mi rung vỡ sao khuya 
Trắng sông sương muối ủ ê 
Hàng dừa hiu quạnh lê thê dâng sầu... 

Hai bài thơ, bài Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị và bài Đoạn Trường Ngâm Khúc của Đỗ Quý Bái cách nhau cả một ngàn mấy trăm năm mà tưởng như cùng đồng thời, cùng một nhân sinh quan, cùng một triết thuyết và cùng gây cho người đọc một cảm xúc “ Buồn ơi xa vắng mông mênh là buồn”. 
Bạch Cư Dị khi nghe đàn tỳ bà khúc cuối: 

Nghe não nuột khác tay đàn trước 
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi 
Lệ ai chan chứa hơn người? 
Giang châu Tư mã đượm mùi áo xanh. 

Người nghe thổi sáo trong thơ Đỗ Qúy Bái: 

Tiêu âm đã xót xa não nuột 
Tâm sự thêm tê buốt khối sầu 
Anh hùng vận bĩ càng đau 
Thương ai lã chã lệ châu hai hàng. 

Tuy nhiên hai nhà thơ cách nhau cả trên ngàn năm này chỉ đồng hành tới đây thôi còn cái nguyên nhân của nỗi buồn vạn cổ rất khác nhau. Cái buồn của Bạch Cư Dị chỉ giới hạn cho một cá nhân dù cá nhân đó là ca nương kia hay chính ông còn nỗi buồn của Đỗ Qúy Bái thì lớn rộng hơn nhiều, anh buồn không những chỉ riêng cho cá nhân người thương phế binh, cá nhân PVBách mà còn buồn cho cả một thế hệ trai trẻ chưa trả được nợ cho núi sông, anh buồn cho cả một đất nước đã trải qua nhiều cảnh tượng tang thương mà nước mắt anh lã chã cũng là để khóc cho cả một cõi người lẫn cõi đời. 

Về hình thức hay thể thơ, Phan Huy Thực dùng thể song thất lục bát để diễn dịch và Đỗ Qúy Bái cũng dùng thể thơ này. Tôi đã đọc nhiều thơ của anh và thấy thể thơ song thất lục bát là sở trường của anh. 

Về lời thơ, anh viết ra như tự cõi lòng nên đọc lên nghe thấm thía, buốt óc, nhức tim chứ không phải là những lời lẻ hời hợt, gọt dũa tầm thường. 

Bài thơ Tỳ Bà hành có tất cả 22x4=88 câu kể là đã khá dài, bài Đoạn Trường Ngâm Khúc còn dài hơn gấp đôi, gồm 54x4=216 câu mà tài tình ở chỗ các đoạn nối nhau rất mạch lạc, gắn bó như thể một hơi dài chứ không rời rạc, đứt quãng hay chắp nối. Tôi thực phục tài anh Bái đã cả tiếng lại dài hơi. Anh xứng đáng là một mõ trong làng thơ. 

Anh Bái không dịch bài Tỳ Bà Hành cho nên tôi xin giới thiệu bản dịch của BS Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò. BS Bảo rất mãn nguyện với bài thơ dịch Tỳ Bà Hành này và nêu ra những chỗ đắc ý mà tôi thấy rất xác đáng, còn BS Nguyễn Thượng Vũ đã hạ bút là bài thơ dịch hay không kém gì những bài từng được công nhận là tuyệt tác. Phần tôi rất thích thú, xem đi đọc lại nhiều lần, khi so sánh với nguyên bản, lúc đối chiếu với các bản dịch khác và rất khâm phục thi tài của người bạn tuy chỉ mới kiến kỳ danh bất kiến kỳ hình nhưng kiến thi như kiến nhân, đồng thời cũng nhận thấy nhận định của BS Vũ là rất chuẩn xác. 


Khúc Ca Tì Bà 

Bến Tầm Dương đêm đưa chân khách 
Ngàn phong lau luồn lạch gió thu 
Ta xuống ngựa khách ngừng đò 
Tiệc không đàn sáo rượu hờ trên môi 
Giờ phân ly sao vui để uống? 
Lúc chia tay trăng sáng đầy sông 
Tì bà văng vẳng giữa dòng 
Khách chưa vội trẩy ta không muốn rời 
Dò tiếng hỏi ai chơi đàn đó? 
Tì bà ngưng thuyền nọ ngại ngần 
Cho thuyền chèo sát lại gần 
Khêu đèn thêm rượu tiếp tân chào mời 
Mời mọc mãi khiến người chọn lựa 
Ôm tì bà che nửa mặt hoa 
Vặn đàn thử tám dây tơ 
Dẫu chưa nên khúc đã ưa lòng người 
Ý thanh tao nhạc thời ẩn ức 
Dường phô bày buồn bực bấy nay 
Vờn năm ngón nhíu chân mày 
Giãi bày tâm sự tám dây ngàn hàng 
Dây vuốt nhẹ tiếng đàn dìu dặt 
Thoạt Nghê Thường sau thoắt Lục yêu 
Dây to xầm xập mưa rào 
Nỉ non dây nhỏ thì thào niềm riêng 
Đang nỉ non hòa thêm xầm xập 
Như hạt châu rơi ngập mâm vàng 
Như oanh ríu rít cành lan 
Như ghềnh đá chảy suối tràn dòng xuôi 
Suối ngưng đọng đàn chơi ngừng bặt 
Đàn nghỉ ngơi tiếng nhạc cũng im 
Nỗi niềm u uất vươn lên 
Âm vang so với im lìm còn thua 
Bình bạc bể nước khua lai láng 
Vó câu ròn sang sảng gươm đao 
Bốn dây móng phẩy mạnh vào 
Tiếng như xé lụa. Dạt dào. Đàn xong. 
Thuyền tứ phía tuyệt không tiếng nói 
Giữa dòng sông trăng rọi trắng ngà 
Móng đàn cài lược dây tơ 
Chỉnh y. Khép nép. Đứng chờ nghiêm trang: 
“Xưa kinh đô vốn hàng dân nữ 
Cồn Hà mô cư ngụ cửa nhà 
Mười ba tuổi thạo tì bà 
Giáo phường đệ nhất tài ba hơn người 
Kẻ sành điệu hết lời thán phục 
Ả Thu Nương ghen tức điểm trang 
Ngũ Lăng trai trẻ trao khăn 
Mỗi khi tấu nhạc hồng khăn đầy nhà 
Lược trâm vàng gẫy pha nhịp gõ 
Rượu thưởng tài hoen ố quần hồng 
Tháng năm vui thú mặc lòng 
Trăng thu lần lữa xuân nồng trôi qua 
Em tòng quân dì đà khuất núi 
Nhan sắc theo sớm tối tàn phai 
Ngựa xe thưa thớt bên ngoài 
Tuổi già kết tóc với người thương nhân 
Chồng ham lợi khinh phần ly biệt 
Nẻo Phù Lương tháng trước buôn trà 
Thuyền không thiếp đậu ven bờ 
Quanh thuyền trăng giãi sông xưa lạnh lùng 
Đêm thanh vắng mộng vùng thơ ấu 
Lệ trong mơ lăn xấu má hồng” 
Tì bà nghe đã mủi lòng 
Lại thêm nàng kể sao không ngậm ngùi? 
Cùng một lứa chân trời lưu lạc 
Gặp nhau đâu cần trước quen nhau 
Rời kinh năm ngoái dãi dầu 
Tầm Dương dất trích bệnh lâu chưa lành 
Nẻo Tầm Dương vắng tanh âm nhạc 
Suốt quanh năm đàn hát chẳng nghe 
Bồn thành ẩm thấp nặng nề 
Quanh nhà mọc những lau tre cỗi cằn 
Từ sáng chiều nghe toàn âm lậu 
Vượn hú sầu rướm máu quốc kêu 
Sông xuân hoa sớm trăng chiều 
Một thân. Một hũ. Một điều:ta say. 
Rừng có nhạc thôn này cũng có 
Tiếng líu lo làm khó tai ta 
Đêm nay nghe khúc tì bà 
Tâm hồn sảng khoái tưởng là nhạc tiên 
Khoan từ giã đàn thêm khúc nữa 
Tì Bà Hành soạn sửa vì nàng 
Vâng lời. Do dự. Nhặt khoan 
Tám dây rung động tiếng đàn thăng hoa 
Nhạc sầu thảm không như khúc trước 
Khách trong thuyền sướt mướt lệ sa 
Lệ ai suối chảy chan hòa? 
Giang Châu tư mã đẫm tà áo xanh. 

Lời bàn của Con Cò: 

Để dễ biểu hiện nguồn thơ của nguyên bản tôi luôn luôn dùng nguyên thể thơ để dịch. Nhưng với bài này (và vài bài nữa như bài Trường Hận Ca), nếu dùng nguyên thể thất ngôn trường thiên thì rất khó mô tả cái réo rắt của tiếng đàn và nỗi lòng thầm kín của người trong cuộc. Thể song thất lục bát là thể lý tưởng để mô tả ngững khó khăn đó. Chỉ có một khó khăn nho nhỏ: tuy câu bát cho thêm một chữ (so với câu thất của nguyên bản), nhưng câu lục lại ít bớt một chữ. Tôi đã hết sức cố gắng để khắc phục trở ngại đó. Tỷ dụ câu “Thập tam học đắc tì bà thanh” nghĩa là mười ba tuổi đã học được trọn vẹn nghệ thuật tấu tiếng đàn tì bà. Tôi đã diễn tả ý đó̀ trong sáu chữ: Mười ba tuổi thạo tì bà. Một tiền bối lão thành đã dịch là: “Học đàn từ thuở mười ba”. Câu của ông phạm hai lỗi: 1/ dịch sai. Nghệ sĩ này đã học thành thạo (đắc) ở tuổi mười ba chứ không phải bắt đầu học ở tuổi đó. 2/ thiếu ý (không specific), cô học đàn tì bà chứ không học thứ đàn nào khác. 

Tôi đã tuyệt đối tránh được lỗi ngây ngô (giống như chữ mùi trong câu “Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh) của vị tiền bối lão thành đó. Thỉnh thoảng tôi cũng phạm vài lỗi ép vận nhưng không phạm lỗi lạc vận (rất kỵ trong song thất lục bát hoặc lục bát). 

Sau đây là dăm tiểu xảo đã được tôi xử dụng để tô điểm cho bài dịch: 

1/ Tám dây móng phẩy mạnh vào (rất gợi hình lúc nghệ nhân đánh cả 8 dây để chấm dứt bài nhạc) 
Tiếng như xé lụa. Dạt dào. Đàn xong.(dùng 3 dấu chấm, ngắt câu bát thành ba câu nhỏ để diễn đạt những biến chuyển dồn dập mà tác giả đưa ra trong một câu thất) 

2/ Vâng lời. Do dự. Nhặt khoan (cùng một dụng ý như trên) 

3/ Vượn hú sầu rướm máu cuốc kêu. (dịch trọn vẹn được nỗi cô đơn của Bạch Cư Dị lúc bị biếm) 

4/ Móng đàn cài lược dây tơ (động tác lúc nghệ nhân ngừng chơi) 

Tuy nhiên, cũng có một vài khuyết điểm khó tránh: dịch một bài gần một trăm câu mà trước đó đã có cả chục danh nhân dịch thì khó mà tránh được dăm chỗ giống nhau.. Xin được thông cảm. 

Bs Hoàng Xuân Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét