Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Dzũng Chinh Tác Giả “Những Đồi Hoa Sim”


Dzũng Chinh tác giả “Những đồi hoa sim” chết trên đồi hoa sim Bài viết nầy được xem như một hoài niệm mối giao duyên thơ nhạc kỳ thú vào đầu thập niên 60.  
Hoa sim càng tím anh càng yêu em 

Một thời nhan sắc cao sang 
Hoa sim càng tím mình càng yêu nhau 
Hương ân ái tỏa muôn màu 
Gối chăn xiêu lệch áo nhầu qua đêm 

Hoa sim tím em cài nghiêng mái tóc 
Mắt nai buồn em nhốt cả hồn anh 
Trời vào Thu gom sương khói xây thành 
Nghe hơi thở nhẹ nhàng nương theo gió 
Hương con gái thoảng bay ngoài đầu ngỏ 
Anh u mê ngồi đếm những sợi tình 
Sợi bay cao sợi trôi giạt lênh đênh 
Sợi chắt chiu sợi hẹn hò say đắm 
Rồi tương tư anh gối mộng âm thầm 
Chập chờn thấy em lên ngôi thần tượng 
Nghĩa gì đâu bã công hầu khanh tướng 
Nếu cả đời không kề cận dáng hoa 
Để ngất ngây hương tóc rối mượt mà 
Và mơn man e ấp màu sim tím 
Chiều buông nhẹ theo môi em ngọt lịm 
Anh mơ màng lấy giấy viết thành thơ
(Toronto 18/3/2017 Nguyên Trần)

Một chiều bâng khuâng nhớ lại những đồi hoa sim tím bạt ngàn tại quận Tuy Phong Bắc Bình Thuận của một thời hoa mộng.

Chuyện về Dzũng Chinh, người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh: 

Tôi được vinh hạnh quen biết rôi thân tình với nhạc sĩ Dzũng Chinh trong thời gian tùng sự tại Vĩnh Bình. Tôi còn nhớ rõ một ngày vào mùa Hè 1967, tôi và Nguyễn Phú Hùng thằng bạn cùng khóa QGHC rủ nhau vào nhà hàng Lạc Viên tọa lạc trên đường Gia Long ngay trung tâm thị xã Phú Vinh. Hai đứa còn đang lơ ngơ tìm ghể ngôi thì bỗng có tiếng gọi giật ngược :” Ê! Ê! Phát! Phải mầy hôn Phát?” Còn đang bực mình vì giọng gọi sách mé tên của một nhà tai mắt…trừu trong tỉnh, tôi quay người chiếu…tướng thẳng tới cái thằng dám…gọi tên tôi thì hóa ra là thằng Trần Quang Nhựt là anh của Phương Lan, bạn học Gia Long với Xuân Mơ vị hôn thê của tôi. 
Nhựt đang mặc quân phục và ngồi chung với ba quân nhân khác.Tôi mừng rỡ vì tha hương ngộ cố tri nên cũng la lên :” À! Thì ra là mầy, thằng Nhựt lựu đạn đây mà” Nhựt cười tươi :” Thì chính nó đây ”. 
Rồi mời Hùng và tôi tới bàn ăn chung cho vui. Trước hết theo thủ tục là màn giới thiệu nhau giữa tiếng ồn ào vui vẻ của những người mới gặp nhau. Qua đó tôi được biết ba người lính kia là: trung úy Phan Bình An, thiếu úy Nguyễn văn Nghi còn một người tương đối ít nói và với mái tóc bềnh bồng nghệ sĩ hiếm thấy ở nhà binh. Người đó là người mà từ lâu chẳng những tôi mà đa số người dân miền Nam đã từng”nghe truyền thanh hổng thấy truyền hình”. 


(Dzũng Chinh tức trung sĩ Nguyễn Bá Chính)

Đó là tác giả bản nhạc nổi tiếng “ Những đồi hoa sim”, nhạc sĩ Dzũng Chinh tức trung sĩ Nguyễn Bá Chính. Thật không ngờ một Dzũng Chinh bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt chúng tôi. Mặc dù là buổi sơ giao, nhưng là những ngưởi trẻ chân tình cởi mở nên câu chuyện trao đổi ròn tan như pháo nổ. 

Sau đó trong tinh thần tứ hải giai huynh đệ, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp lại nhau, khi thì̀ quán xá trong tỉnh khi thì ở nhà tôi và tình thân bè bạn thêm gắn bó đậm đà. Bốn anh chàng tứ quý nầy: Nhựt đại đội trưởng đại đội trinh sát Trung Đoàn 14 Sư Đoàn 9, An trung úy đại đội trưởng/TĐ2, Nghi đại ḍ̀ội phó còn Dzũng Chinh trung sĩ trung đội phó cùng chung đại đội. Họ là những người trai kiêu hùng, sống chết theo lằn tên mũi đạn, sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc nên những khi xong hành quân trở về hậu cứ, tất cả đều sống xả láng (sáng về sớm), sống rất thật như để tận dụng khoảng thời gian phù du còn sót lại trong cuộc đời chinh chiến của mình. Gặp tôi là thằng chịu chơi hổng run nên họ rất thích và xem như tri kỷ. Trong bốn“tứ hùng” nầy, An lớn nhất, kế đó là Nhựt, Nghi, Dzũng Chinh và tôi bằng tuổi nhau.


Dzũng Chinh là người ít nói trầm mặc nhất nhưng là con người nhạy cảm đa sầu. Những ngày tháng sau đóc, có dịp nhìn anh ôm đàn hát với cặp mắt mơ màng xa vắng tưởng như lạc lối vào cõi hồng hoang mịt mờ nào nhưng đó chính là lúc anh đặt hết tâm hồn vào lời ca điệu nḥac. Điều đáng nói là mặc dù là một nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng cộng với nhân dáng dễ coi và với tuổi hai mươi bốn hoa mộng nhưng anh vẫn còn “phòng không gối chiếc”. Tôi đem vấn đề nầy ra hỏi anh thì chàng nhạc sĩ rất thật lòng trả lời :” Anh xem đời lính rày đây mai đó, sống nay chết mai, nếu vướng bận thê nhi hay tình trường thỉ chỉ làm khổ người ta hơn là mang lại hạnh phúc. Tôi không muốn để lại một trời đau thương cho người góa phụ thơ ngây”. Nghe vậy tôi càng thầm phục người nhạc sĩ đã sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân,cả lứa đôi hạnh phúc cho quê hương dân tộc. 

Cũng cần nói thêm là Dzũng Chinh sáng tác không nhiều nhạc phẩm. Nếu như các người lính chiến khác thì “bận hành quân nên không ghé thăm em” (Sương trắng miền quê ngoại của Đinh Miên Vũ) còn với Dzũng Chinh thì “bận hành quân nên kh̀ông viết nhạc đâu” chớ chàng nhạc sĩ cứ sợ người ta trở thành góa phụ thơ ngây thì có ai đâu mà về thăm. Tính ra “tài sản” văn nghệ anh đếm được trên đầu ngón tay như: “Hai Màu Hoa”, “Lời Tạ Từ”, “Những Đồi Hoa Sim” (thơ Hữu Loan), “Tha La Xóm Đạo” (thơ Vũ Anh Khanh). Chỉ có ngần ấy thôi nhưng nói thật là chỉ với hai bài “Tha La Xóm Đạo” nhất là bài “Những Đồi Hoa Sim” cũng đủ để cho Dzũng Chinh có một ngôi vị đáng kể trên nền trời âm nhạc Việt Nam thời cận đại. 


Theo tôi được biết thì bài thơ “Những Đồi Hoa Sim” được tới bốn nhạc sĩ phổ nhạc là Phạm Duy, Anh Bằng, Duy Khánh và Dzũng Chinh. Nhưng có lẽ bản nhạc “Những đồi hoa sim” thể điệu Boléro cung Ré thứ của Dzũng Chinh là đi vào đại chúng nhất và cũng bài phổ nhạc mà nhà thơ Hữu Loan thích nhất. Dòng đời cho dù không an bình êm ả thì cũng vẫn tiếp tục trôi cho đến một khoãnh khắc nào đó thì nhóm bầu bạn chúng tôi cũng sẩy đàn tan nghé. Trước hế́t là Nhựt tông xe jeep vào gốc cây me ở đường số hai (Trần Quốc Tuấn) ngay trước nhà người yêu tôi và ra đi hai ngày sau đó, tôi có mặt bên cạnh khi anh trút hơi thở cuối cùng. Tiếp theo, An bị dẫm phải mìn cốc tại Càng Long phải cưa cả hai chân ra thân tàn phế. Còn Nghi thì hy sinh tại chiến trường Long Toàn. Thật đúng là:

"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
 Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" 
(Lương Châu từ-Vương Hàn) 

"Say khướt chiến trường xin nhớ nhạo 
 Xưa nay chinh chiến mấy ai về

Riêng Dzũng Chinh thì sau đó vào năm 1968, anh theo học khóa sĩ quan đặc biệt tạ̣i trường Đồng Đế Nha Trang và tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy phục vụ tại Tr. Đoàn 44 tỉnh Bình Thuận là quê nhà của anh và cũng hy sinh tại đó.. 

Toronto 19/3/2017 
 Nguyên Trần 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét