Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Dấu Yêu Xưa


Những cú phôn liên hồi kỳ trận cuối cùng cũng đem đến kết quả mỹ mãn. Chúng tôi, những đứa bạn thời Trung học đệ nhất cấp trường Bà Sơ ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé nhưng muôn vàn đáng yêu, tít tận cao nguyên Trung phần. Tỉnh lỵ của chúng tôi hiền hòa, sạch sẽ với cát trắng và giòng sông Dakbla thơ mộng. Mùa hè có hàng phượng vỹ trổ hoa đẹp rực rỡ soi bóng nước lung linh, đẹp như tranh vẽ. Chúng tôi sẽ họp mặt tại thành phố cờ bạc lừng danh Las Vegas và sẽ chiêm ngưỡng màn bắn pháo bông tuyệt đẹp của ngày July 4. Nghe Bạch Liên phát họa chương trình năm ngày ở đây rất hấp dẫn.

Vợ chồng Xuân Lan đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Vợ chồng Băng- Thu và anh chị Cẩn - Hà đến từ San Diago. Vợ chồng Sơn- Liên ở Nam Cali, Kim Mi từ San Jose và tôi từ thành phố Mộng Lệ An của xứ tủ lạnh Canada đất lạnh tình nồng. Riêng vợ chồng Yên-- Dũng cùng năm đứa con thì đã trụ tại Las Vegas hơn ba mươi năm có lẽ.

Lần đầu đi Mỹ một mình tôi rất lo lắng. Chỉ sợ đi lạc thì nguy to. Vì vốn liếng tiếng Mỹ của tôi thuộc loại Engish For Today! May quá có vé đi thẳng từ phi trường E. Trudeau đến Las Vegas mà không cần phải đổi máy bay ở thành phố nào cả. Ông xã tôi luôn miệng trấn an và chờ cho bà vợ thỏ đế đi qua khỏi quan thuế, vẫy tay làm hiệu mới an lòng ra về. Trong khi chờ đợi lên máy bay, hai mắt tôi cứ chực sụp xuống. Vì cố ý chọn chuyến đi sớm nhất, sang Las Vegas sẽ còn nhiều thì giờ chơi với bạn, nên tôi phải có mặt ở phi trường lúc năm giờ sáng, tuy bảy giờ rưỡi máy bay mới cất cánh. Mà cố tật của tôi là thức trắng đêm khi phải lên phi trường sớm như thế. Tưởng mình đến sớm, có ngờ đâu thiên hạ đã xếp hàng rồng rắn để qua máy kiểm soát hành lý và quan thuế Mỹ. Đây là điểm rất đặc biệt. Quan thuế Mỹ làm việc ngay tại phi trường Canada. Qua tới phi trường Mỹ, chúng tôi chỉ việc lấy hành lý và đi thẳng ra ngoài rất nhanh chóng.

Đi vỏn vẹn có năm ngày nên tôi chỉ đem một valy nhỏ và một túi xách tay. Yên- Dũng dặn Las Vegas mùa này nóng lắm, chỉ cần đem quần áo mỏng và một áo khoác. Ban đêm có thể hơi lạnh. Nhưng qua đó rồi mới thấy, cái hơi lạnh của L.V cũng chưa đủ mát cho người xứ lạnh như tôi và Xuân Lan. Trong valy và túi xách, tôi cố nhét nhiều nhất có thể nên cái nào cũng...nặng chình chịch. May quá, vì không gửi hành lý nơi quầy nên chẳng ai cân đo đong đếm hành lý của tôi. Nhưng trước khi lên máy bay, cô nhân viên khuyên mọi người nên gửi valy cho họ thay vì tự mình kéo lên máy bay. Thôi cũng được, vì với chiều cao khiêm tốn của tôi, đưa cái valy nặng chình chịch này lên khoang chứa hành lý trên đầu là cả một vấn đề chứ không phải chơi!

Phi cơ cất cánh rồi tôi chỉ muốn nhắm mắt đánh một giấc cho đã đời, nhưng cái bụng réo đói khiến tôi nhớ lại là từ sáng sớm tôi chỉ mới uống 1 ly cà phê để có thể tiếp tục mở mắt. Trước đây quan thuế Mỹ cấm ngặt không cho đem thức ăn qua khỏi trạm kiểm soát. Có một chị bạn đã phải vứt ổ bánh mỳ thịt vào thùng rác (hoặc phải ăn cho hết trước khi qua trạm, hoặc trả tiền phạt 500USD). Nhưng mới đây, một bà bạn đi đi về về Mỹ- Canada thường xuyên bảo cứ việc đem theo. Lúc này dễ lắm. Thế là ổ bánh mỳ gà rô ti thơm phứt đã lẳng lặng theo tôi lên máy bay ngon ơ. Sau khi thanh toán ổ bánh mỳ và 1 ly nước lọc, tôi nghẹo đầu ngủ một giấc say sưa đến khi phi cơ gần đáp xuống mới bừng mắt dậy.

Phi trường Las Vegas tương đối nhỏ, cách nhà vợ chồng Yên- Dũng khoảng 15 phút lái xe. Theo dòng người đi ra chỗ lấy hành lý, rồi theo hướng exit đi ra ngoài. Thì ra đây là trạm taxi. Tôi yên chí là bạn mình sẽ chờ ở cửa. Đâu biết rằng trừ Montreal, tất cả hành khách đến từ mọi nơi đều phải qua thủ tục quan thuế Mỹ. Mà cơ quan này nằm ở trên lầu. Các bạn tôi ngóng đến 45 phút vẫn không thấy bóng dáng tôi đâu cả thì cũng quýnh lên. Trong khi đó ở tầng dưới, tôi kéo va ly chạy ra, chạy vào như gà mắc đẻ, mặt mày tái mét vì sợ: tôi không có cell phone!!!! Thời may có một ông nhân viên phi trường đang ngồi nghỉ break, tôi chạy lại nhờ ổng phone dùm cho Liên. Có ngờ đâu nhỏ này ở nhà chứ không ra phi trường đón tôi như đã định trước. Nàng thấy số cell phone hiện lên lại tưởng là phone của tôi nên gọi ra phi trường báo tin cho vợ chồng Yên- Dũng, cùng Kim Mi đang kiếm tôi như điên ngoài đó. Họ gọi lại số phone của ông Mỹ (cứ đinh ninh là của tôi), không thấy trả lời, họ để lại message liên tiếp...Tội nghiệp ông Mỹ tốt bụng, có nghe cũng chả hiểu mô tê gì cả và chắc như đinh đóng cột là ổng có xổ nho chùm!

Cuối cùng thì Kim Mi và Yên-Dũng cũng "bắt" được tôi ở cửa đi ra bãi taxi. Khi biết tôi không có cell phone, hai nàng trợn tròn mắt "trời đất ơi, sao bà gan quá vậy. Dám đi một mình mà không có cell phone"! Tôi cũng đành cười trừ, giải thích "tớ có cellphone đó chớ. Nhưng là model thời còn mồ ma Tổng Thống ...Kennedy. Tớ chỉ mở khi cần gọi và sau đó thì tắt. Mà sang đây không dùng được." hihihi. Sự thật thì trước khi đi, ông xã có đem ra quầy điện thoại hỏi cách thức dùng bên Mỹ, thì một tên nhân viên cà chớn đã nói chắc mẻm: "Ông cứ việc đem qua Mỹ. Gọi thoải mái y chang như ở Canada". Lúc vừa xuống phi cơ, tôi mở điện thoại thì hỡi ơi không gọi được! Đúng là đồ cà chua. Trở về Montréal tôi phải ra đó mắng mỏ cho hắn một trận mới được. Dĩ nhiên là trước những cái Iphone6 và 6+ quá sức hiện đại của các bà bạn, tôi đâu dám "sô" cái cell phone cổ lỗ sĩ của mình ra! Đành phải xin gọi ké ! Ba ngày đầu chúng tôi ở khách sạn Harrods. Bốn cặp nên lấy hai phòng có 2 giường đôi và cửa thông qua. Nhờ anh chị Băng-Thu là VIP của sòng bài nên được ở khách sạn free và ăn buffet free, xem show free luôn. Quá vui!

Về tới khách sạn, check in xong chúng tôi kéo nhau đi ăn trưa. Buffet ở tầng trệt. Chao ơi, khắp nơi là máy đánh bạc. Hàng hàng lớp lớp. Đèn màu xanh đỏ tím vàng chớp lia lịa. Một cô mán rừng xuống đồng bằng lần đầu như tôi cảm thấy choáng váng mặt mày luôn! Thức ăn ê hề, nhưng tôi mê cua tuyết nên đã tận tình thưởng thức tới mấy đĩa. Gần 10 năm mới gặp lại anh chị Cẩn-Hà nên chúng tôi có rất nhiều chuyện kể cho nhau nghe. Nhất là chúng tôi mới khám phá ra chị Hà và tôi có bà con. Tôi đùa "Cùng là dân Cao Lãnh mà không có họ hàng mới là lạ nha!". Tha hương ngộ "bà con" cảm động lắm quý vị ơi. Cho nên mặc dù mới biết chị lần đầu, chúng tôi đã cảm thấy thân thương nhau vô cùng. Chưa chi đã có màn hẹn hò gặp nhau ở San Diego. Nghe Liên kể vườn hoa nhà anh chị Cẩn- Hà đẹp lộng lẫy. Có cả hồ cá và cây cầu nho nhỏ bắc ngang thơ mộng lắm. Gì chứ hoa lá cành là món ruột của tôi. Suốt mùa hè tôi hầu như sống ngoài vườn. Bò lê bò càng, tay lấm chân bùn chăm sóc hoa cỏ và vườn rau nho nhỏ. Mặt mày, tay chân đen thui như dân Haitien. Tôi tin rằng hoa trong vườn tôi rất hạnh phúc. Vì hết mùa đông, hạt rụng xuống từ mùa thu năm trước cứ thế mà nẩy mầm. Thành cây rồi trổ hoa bất cứ chỗ nào chúng thích. Không theo một quy tắc nào cả. Cho nên vườn hoa nhà tôi đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng chen lấn, lẫn lộn nhau một cách rất ư là ...tự do! Giống như một bức tranh của trường phái lập thể!

Ăn uống xong chúng tôi kéo hết lên phòng. Phe phụ nữ túm lại một chỗ để trao đổi quà. Thôi thì đủ thứ: son phấn, quần áo, nữ trang fancy...Tôi mắc trông cháu nên không đủ thì giờ đi lựa quà. Nhờ bà bạn đi mua dùm một lô son môi. Có một cây màu đỏ bordeaux ngả sang tím. Liên nước da ngăm ngăm nên chọn màu này. Kim Mi cười cười:"tao biết mày thích màu nho lắm mà". Mọi người cười phá lên. Liên ngơ ngác chả hiểu gì. Tôi ghé tai nói nhỏ: "Mày nói lái đi. Màu nho là mò... đó". Liên la lên "đồ con quỷ!" rồi cũng cười ngặt ngẽo. Liên mang cho tôi một bịch sen Huế. Loại thượng hạng bảo đảm nấu chè bùi số dách. Kim Mi tặng lại tôi một cây son. Đúng là chí ...mén gặp nhau.

Sau màn quà cáp, cả đám rủ nhau xuống kéo máy. Giờ này trời nắng đổ lửa nên chả ai đi ra ngoài. Tôi nói tụi bây xuống chơi đi, tao ngủ 1 chút. Suốt đêm qua thức, lên máy bay ngủ chập chờn nên hơi mệt. Mấy cái miệng la lên "trời ơi, tới đây mà ngủ hả? xuống kéo máy độ hai tiếng, vợ chồng Yên Dũng tới là tụi mình kéo đi ăn cơm tàu. Tiệm ngon nhất Las Vegas đó". Nhưng tôi lắc đầu quầy quậy "Hồi giờ tao hổng biết chơi đánh bài". Nhỏ Liên cố thuyết phục: " Kéo máy dễ lắm, mà vui nữa. Xuống dưới tao dạy cho". Nhưng tôi đã chui vào mền nhắm tịt mắt lại. Cứ như thế. Suốt mấy hôm ở Las Vegas, đám bạn đi kéo máy là tôi lại kéo...gỗ. Nhỏ Liên nói "Thiệt, tao phục mày sát đất. Tới vương quốc cờ bạc mà nhất định không thử thời vận!" Tôi cười " Có tụi bây đóng tiền điện, tiền bóng đèn đủ rồi, đâu cần tới tao đóng thêm nữa!". Mà thật vậy, tới ngày chia tay tổng kết lại, người thua vài chục, kẻ vài trăm đô. Nếu ngược lại chắc mấy cái casino này đã dẹp tiệm từ lâu. Mấy ai làm giàu nhờ cờ bạc, trừ phi là cờ gian bạc lận!

Đúng 6g, chúng tôi xuống lobby chờ vợ chồng Yên-Dũng tới đón đi ăn tối. Đây là một tiệm người Hoa, nằm trong khu phố Tàu. Sạch và đẹp. Sở làm của Dũng cách đây độ 5 phút lái xe nên anh chàng là khách ruột của nhà hàng này. Chúng tôi được ông chủ đón tiếp thật niềm nở. Đang là mùa tôm hùm, mua một tặng một nên tha hồ ăn. Chúng tôi bầu Kim Mi làm thủ quỷ. Cô nàng thanh toán mọi thứ trước, ngày cuối tổng cộng rồi chia đều. Như vậy không ai phiền ai. Vui vẻ cả làng. Trong khi ăn, phái nữ chúng tôi bắt đầu nhắc lại những kỷ niệm xưa. Ôi, những ngày xưa thân ái. Trừ tôi chỉ có 4 năm trung học Đệ nhất cấp chung, những nàng kia quen nhau từ hồi còn để chỏm. Biết nhau tới đời ông nội, ông ngoại...chưa kể còn là hàng xóm láng giềng. Nhà Kim Mi xéo cửa nhà nhỏ Liên, nhà Yên sát hàng rào nhà tôi vv...và vv...nên kỷ niệm dài dằng dặc, kể hoài không hết.
Những kỷ niệm từ năm đệ thất tới năm đệ tứ tuôn trào như suối. Nhiều chuyện mang lại tiếng cười dòn dã, nhưng cũng không thiếu chuyện khiến chúng tôi không nén được tiếng thở dài. Mỗi đứa là một mảnh đời khác biệt. Không ai giống ai. Chúng tôi nhắc đến từng đứa trong lớp mà ngậm ngùi. Thoắt một cái mà đứa nào cũng đầu hai thứ tóc. Tuổi đời xấp xỉ bảy mươi! Nhưng hề gì. Tuổi tác chỉ là một con số. Cười được cứ cười. Liên là một đứa can đảm đáng nể. Trong người cô nàng có đủ thứ bệnh. Nó kể : "ông Sơn nói chỉ trừ bệnh Sida là tao chưa có thôi. Chứ bệnh gì tao cũng có". Thế mà mặt mày nó lúc nào cũng tươi rói, miệng cười toe toét, khoe hai cái "đồng xu" bên khóe miệng. Hồi trẻ nó rất xinh, bây giờ cũng còn rất mặn mà và vẫn... điệu rơi điệu rụng! Cứ thấy mỹ phẩm là hai con mắt cô nàng sáng lên như đèn pha.

Vợ chồng Liên có 2 trai 2 gái. Đứa nào cũng đẹp. Nhất là con bé út, giống Liên hồi nhỏ như đúc. Khuôn mặt trái soan, cặp mắt to với hàng lông mi cong vút. Nụ cười tươi rói khoe hai hàm răng đều như hạt bắp. Nó là kết quả của thời "hậu học tập" của ông Sơn. Tụi tôi trêu "bao nhiêu tinh túy ông dồn vào cú chót nên nó mới hoàn hảo như thế!". Mấy đứa con của Sơn- Liên đều có công ăn việc làm tốt, nên khi nghe ông bà già đi Las Vegas cậu cả đã vội cầm tiền đến tặng "ổng bả" đi kéo máy cho vui!

Chuyện chồng con nó cũng khá ly kỳ. Số là Sơn gặp Liên ở nhà 1 đứa bạn cùng lớp. Bạn ông Sơn là người yêu của nhỏ này. Mấy người họ đang ngồi đấu láo râm ran thì nhỏ Liên tình cờ đi vào. Mới gặp nàng mà Sơn đã buông lời tán tỉnh có phần lả lơi, bị nhỏ Liên mắng cho một trận. Nhưng chính vì vậy mà anh chàng thiếu úy Chiến tranh Chính trị bị coup de foudre. Anh ta hỏi địa chỉ nhà nhỏ Liên và từ đó bám riết cho đến khi nhỏ chịu...gật đầu. Sinh quán Đà Lạt nên Sơn nói tiếng ... Đà lạt. Cho đến khi theo Sơn ra phi trường đón bà mẹ chồng tương lai lên làm lễ hỏi, nhỏ Liên mới tá hỏa khi thấy một bà Bắc Kỳ chính hiệu răng đen, tóc vấn khăn nhung từ trên phi cơ bước xuống! Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Con nhỏ khôn khéo, lanh lợi nên được nhà chồng rất quý. Khi xưa đi học, tụi tôi một nhóm bốn, năm đứa luôn luôn đứng đầu lớp, nhưng phá phách đến nỗi các soeur cũng chịu thua!
Sau 75, với cái mác Đại úy Chiến Tranh Chính trị, ông Sơn đi tù 7 năm. Tội nhất là khi bị đưa đi cải tạo, bạn tôi vừa mới sinh đứa con thứ ba được hai tháng. Ban đầu những người ra trình diện bị đưa tới giam sát biên giới Lào,
Liên phải cùng một nhóm các bà lần mò đi bộ từ thị xã lên tới trại giam để thăm và tiếp tế cho chồng. Họ phải đi từng đoàn vì lúc đó rừng còn nhiều cọp beo. Đi lẻ tẻ bị cọp vồ như chơi! Vài tháng sau Sơn bị đưa đi Tiên Lãnh và ở đó suốt 7 năm dài.

Phần Kim Mi sang Mỹ năm 75 một nách bốn con còn bé tí. Mi là đứa lên xe hoa sớm nhất trong đám bạn cùng trang lứa. Mới năm đệ lục, đệ ngũ tụi tôi còn ngu ngơ khờ khạo, nàng đã biết chưng diện với mái tóc đánh rối, áo chít eo, đi guốc cao gót...Kết quả là một anh Thiếu úy Biệt Động Quân đã vội vàng rước nàng dìa dinh từ năm Đệ Tứ! Do đó con của Mi lớn tuổi hơn con của bạn bè đồng trang lứa. Năm 74, ông xã Kim Mi đóng lon Trung tá tử trận để lại vợ và bốn đứa con còn quá nhỏ. Mi may mắn qua được xứ Cờ Hoa. Những năm đầu nơi xứ lạ quê người Kim Mi rất vất vả, vừa đi học vừa đi làm để nuôi bốn đứa con thơ dại. Nhưng Mi là một người đàn bà có đầu óc bén nhạy trong lãnh vực kinh doanh, nên sau này nàng ta làm chủ một hãng Địa ốc có tiếng ở San Jose và các con cũng đều thành tài. Mỗi năm vào ngày July 4 là cậu con trai nha sĩ lại mua vé, book hotel ở Las Vegas cho mẹ đi giải trí. Tuy công danh, sự nghiệp thành công rực rỡ nhưng đường tình duyên có phần lận đận. Ngoài người chồng tử trận ở Việt Nam, sang Mỹ một thời gian Kim Mi tái giá với một anh cựu sĩ quan QLVNCH. Anh Thức cao lớn, đẹp trai lại trí thức. Hai người yêu nhau say đắm. Hạnh phúc tưởng bền vững đến cuối đời, ngờ đâu bệnh ung thư đã mang anh đi quá sớm. Cho tới giờ Kim Mi vẫn ở vậy vì chưa tìm ra một người giống như anh Thức! Tụi tôi đứa nào cũng cầu mong cho Mi sớm tìm được người trong mộng để cùng nhau chia xẻ nốt những ngày còn lại. Cuộc đời vốn ngắn ngủi Kim Mi ơi!

Ở Hotel được hai hôm, vì anh chị Băng-Thu và Can-Hà phải về Santa Ana ăn cưới, tụi tôi lóc cóc thu dọn hành lý ra đóng đô nhà cặp Yên- Dũng. Căn nhà hai tầng rộng mênh mông với năm phòng ngủ, tọa lạc trong khu riêng biệt rất sang trọng. Chỉ cách khu sòng bạc mười lăm phút lái xe. Lần đầu ngủ một mình một phòng, tôi sợ ma phải để đèn sáng đêm mới dám nhắm mắt. Dĩ nhiên quê quá không tiết lộ cho ai biết cả. hihi

Một điều thật bất ngờ là tôi gặp một sự ngạc nhiên rất thú vị tại đây. Yên người Huế, Dũng người Bắc, nhưng cô con dâu út lại là người Nam, miệt Lai Vung. Gặp tôi, con nhỏ mừng lắm vì cùng là dân Đồng Tháp- Cao Lãnh... Lai Vung nổi tiếng từ xưa với món nem chua và quýt đường. Những vườn quýt rộng mênh mông trĩu nặng những quả quít chín vàng, da bóng lưỡng và dĩ nhiên là ngọt như đường. Chiều hôm đó chúng tôi được thưởng thức món dưa leo chấm mắm kho quẹt với sả ớt và thịt ba rọi. Ngon quá chừng. Mấy ngày qua ăn toàn cao lương mỹ vị đến phát ngán.

Cuộc tình của Yên-Dũng đáng viết thành tiểu thuyết. Một cuộc tình đẹp như mơ. Ngày xưa, gia đình Yên là hàng xóm của gia đình tôi. Hai nhà cách nhau một hàng giậu. Nhưng không phải giậu mồng tơi mà là giậu chè tươi. Miền Trung nhiều nhà trồng chè tươi để nấu nước uống. Tất cả anh em nhà này đều xinh đẹp. Da trắng như tuyết, môi đỏ như son. Anh cả của Yên bằng tuổi tôi. Chỉ mới năm Đệ thất mà anh chàng đã biết ngày ngày núp sau cửa sổ nhìn lén con bé hàng xóm, là tôi, đi học về mà tôi nào có biết. Yên phone cho ông anh để nói chuyện với tôi cho vui. Thăm hỏi sức khỏe nhau xong, ông ấy cười khẻ "nhớ lại hồi đó ngày nào tui cũng núp sau cửa sổ nhìn lén ..." khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa...cảm động. Ít ra mình cũng từng là mối tình... câm đầu tiên của một đấng nhi đồng! Tôi cũng cười "Trời ơi, lúc đó tui mới 12, 13 tuổi thôi nha ông." Năm sau gia đình tôi dọn ra chợ mới. Thế là cuộc tình...nhí chưa chớm đã tàn! Bây giờ đầu hai thứ tóc, nhắc lại kỷ niệm xưa sao mà bùi ngùi chi lạ! Anh của Yên là phi công, sau 75 đi học tập cải tạo, trốn trại bị bắt lại rồi bị tụi VC dùng báng súng đánh ngang thắt lưng, nên mấy năm nay anh ấy phải ngồi xe lăn vì đau đớn không đi đứng được. Vợ của anh cũng cùng xứ Cao Lãnh với tôi.

Nhìn cách xưng hô của vợ chồng Dũng-Yên mà ...thèm! Những tiếng "mình ơi...mình à" họ gọi nhau ngọt sớt khiến tôi không khỏi nhớ tới ba má mình ngày xưa. Ông bà cũng xưng hô với nhau như vậy. Tiếng "mình" sao mà đáng yêu hết sức. Tuy tuổi đời ngoài sáu mươi mà Yên vẫn giữ được dáng vẻ thon thả của thời con gái. Giọng nói nhẹ nhàng, đằm thắm của Yên khiến chàng Dũng, hơn ba mươi năm sau ngày cưới, vẫn yêu nàng mê mệt. Đúng ra, đây là cuộc hôn nhân thứ nhì của Yên, nhưng là lần đầu của Dũng.

Sau 75, vợ chồng Yên bồng bế năm đứa con vượt biên, được ông anh ruột bảo lãnh qua Mỹ và từ đó định cư luôn ở tiểu bang Névada. Không may chỉ một thời gian sau ông xã Yên lâm trọng bệnh qua đời. Nỗi mất mát thật kinh hoàng đối với người vợ trẻ, một nách năm con như Yên. Vợ chồng mới sang Mỹ nên còn nghèo lắm. Nhưng vị cứu tinh mang tên Dũng đã từ Paris bay vèo sang khi hay tin ông xã Yên qua đời. Lúc đầu chỉ định sang thăm, an ủi Yên mà thôi. Nhưng sau đó người hùng bèn quyết định ở lại luôn và bất chấp sự phản đối của gia đình bên Pháp, Dũng đã làm đám cưới với Yên một thời gian sau đó và nhận con của nàng làm con của mình. Yên thấy Dũng yêu thương đám con mình thật lòng nên cũng yên tâm lên xe hoa lần nữa. Suốt hơn ba mươi năm qua, Dũng đã chăm sóc, nuôi dưỡng các con của Yên y như con ruột của mình và sự đền đáp thật xứng đáng. Năm đứa con và các cháu nội ngoại của Yên đều yêu quý Dũng. Con gọi ba, cháu gọi ông một cách đầy trìu mến. Điều đáng quý nhất là Dũng chấp nhận không có con riêng với Yên, để tránh cảnh con anh, con em, con chúng ta... dễ lâm vào hoàn cảnh khó xử. Tụi tôi vẫn cho rằng với tình yêu bao la của Dũng, Yên là một người đàn bà may mắn nhất trên đời.

Những ngày cùng nhau đi ăn, đi chơi, đi xem hết tất cả những sòng bạc huy hoàng, tráng lệ của Thiên đường cờ bạc Las Vegas, cùng nhau chụp những bức hình đủ kiểu, đủ dáng, đứa nào cũng cười toe toét hết cỡ...là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của chúng tôi. Tuy nhiên, ngắm nhìn toàn bộ những sòng bạc lộng lẫy này tôi không khỏi chạnh lòng, nghĩ đến biết bao gia đình đã tán gia bại sản, biết bao kẻ thân bại danh liệt hoặc tự hủy hoại cuộc đời vì nó. Thế mà thiên hạ vẫn kéo đến rần rần, sát phạt suốt ngày đêm và thường là ra về với chiếc túi rỗng không. Mãnh lực của con ma cờ bạc thật là mãnh liệt!

Ngày chia tay chúng tôi ôm nhau, đứa nào cũng sụt sùi, cặp mắt đỏ hoe không biết chừng nào mới có dịp tái ngộ. Lần trở về nhà, trên phi cơ, tôi không ngủ được, tâm trí vẫn còn in đậm kỷ niệm của những ngày vừa qua. Những ngày sáu đứa chúng tôi cùng sống lại quãng đời học sinh vô tư của hơn nửa thế kỷ về trước. Ôi, thời gian bước đi bằng đôi hia bảy dặm. Mới ngày nào tóc xanh mượt mà, cặp mắt trong veo. Bây giờ là những cụ bà với mái tóc bạc phơ (nếu không nhuộm!), cặp mắt mơ huyền...mờ và đôi chân hơi lạng quạng chứ không còn những bước đi vững vàng như xưa! Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã có một cuộc hội ngộ thật hoàn mỹ. Tạ ơn Trời.

Tiểu Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét