Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Lâm Chiêu Đồng


Sáng thứ hai, cháu ngoại nghỉ học do trường cháu làm lễ, tôi định hai ông cháu cùng đến nhà anh Đồng chơi, gọi anh xem anh có ở nhà hay không, anh báo.
Hôm nay tôi bận đi vắng, mai tôi rãnh anh đến chơi, sẵn dịp tôi gởi quà anh mang về cho cháu, mà anh cũng có luôn.

Sáng nay thứ ba ngày 21 tháng 11 tôi đến nhà anh mà không có cháu ngoại vì phải đi học. Hiện tại trong nhà anh có rất nhiều tranh xé dán, đã lên khuôn rất trang trọng, lần này tôi đến không phải thăm anh mà muốn ngắm, thưởng thức, cùng chụp ảnh hai tượng vũ nữ Apsara và tượng Phật ngọc, anh cho biết còn làm tiếp tòa sen.

Hai tượng vũ nữ, một màu ngọc thạch trắng vàng ngà với vân ngọc chìm hơi đậm, tượng thứ hai màu đồng mang nét tượng đồng xưa, trong khe giáp của thân thể ánh lên màu xanh của gỉ đồng rất đẹp, một khi đã ngắm là không muốn rời mắt, bởi vậy tôi xin phép anh, tôi bưng nàng Apsara ra ánh sáng nhìn cho đã con mắt, bởi anh phối ánh sáng tương phản mạnh trên màu tượng, nên rất mặn mà. Anh giải thích cùng tôi, tượng này rất cứng chắc, có đụng chạm, rớt đều không hề gì, mỗi năm gần tết tôi đều mang ra sân rữa nước với vòi xịt mạnh cho sạch bụi. Tôi bỗng có sáng kiến, đứng bên hình tượng nàng Apsara chụp hình, rồi nghĩ lại đứng gần thì phải ôm xem hình mới đẹp, nhưng đang ở nhà anh Đồng ảnh quánh chắc chết, thôi thôi chớ có gác tay chụp hình cho nó lành.

( Tác giả bài viết)

Không gác tay cô vũ nữ, mình vịn vai ông Thích Ca màu ngọc thạch chụp hình chắc là không sao rồi, do bởi ngày hai buổi mình dâng hương lên ổng, mình đã là bạn ổng lâu năm rồi mà, với lại ổng chưa ngồi tòa sen. Quả tình khi đứng kề bên cùng chụp hình, ổng mỉm cười, mình thích quá thích luôn.
Được chủ nhà đãi trà nóng, vừa nhâm nhi, vừa ngắm tượng, luận bàn chuyện quanh đức Thế Tôn cùng những kỹ thuật làm tượng bằng chất liệu phế thải dễ sứt mẻ biến dạng là mốp chèn máy. Anh đã sáng tạo và ứng dụng vật lý, hóa học kết hợp chuẩn xác, khéo léo tạo thành tượng như ngọc thạch, như đồng cổ y như chất liệu đá thật, đồng thật, đặc biệt tượng đức Thế Tôn, dù còn vài công đoạn nữa, song khi nhìn có cảm tưởng màu xanh ngọc trong mát, chờ khi hoàn tất tôi vào nhà anh lần nữa, NGẮM.
Nhìn đồng hồ đã đến giờ rước cháu về, tôi tạm biệt.

(Lâm Chiêu Đồng)

Lâm Chiêu Đồng, họa sĩ đã nổi danh từ lâu, có chân trong hội họa sĩ quốc gia. Theo lời anh tâm sự cùng tôi, những lúc anh em gặp nhau trong nhà anh, đã nhiều nghề sau năm 1975, nhưng liên quan đến nghệ thuật, đầu tiên làm tranh sơn mài tại vĩnh long, xưởng tranh với vài chục công nhân, rồi vì dị ứng nặng với chất keo của cây sơn, đến độ phải vào nằm vạ nơi bệnh viện Sài Gòn. Sau đó anh vẽ tranh màu nước, được trưng bày nhiều lần tại Sài Gòn, ngày đầu tiên đã bán gần hết số tranh anh mang lên. Anh được mời sang Singapore triển lãm tranh và rất thành công. 
Kế tiếp anh chuyển hướng làm tranh xé dán " Collage ", đề tài rất phong phú, người đặt mua suốt từ Hà Nội vào trong Nam, có vài bản tranh mà khách đã xem, rồi đặt anh làm suốt, chẳng hạn bức " Tiếng rao trưa ". 
Màu anh tự chế để làm tranh, nơi cây cột cửa rào, anh dán màu anh tạo, đã qua bao mùa mưa nắng không phai, do vậy có thể tạm kết luận, màu đạt độ bền theo thời gian. 

Thỉnh thoảng anh lảm tượng bằng chất mốp đã phế thải, theo tôi có vào nhà và thấy, 2 tượng Apsara, 1 tượng sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma, hiện tại đang trong giai đoạn cuối tượng Thích Ca thành đạo.

Trương Văn Phú
Tranh: Lâm Chiêu Đồng
Vài bức tranh của Họa sĩ Lâm Chiêu Đồng






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét