Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Về Miền Tây - Phần 16

Vừa chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cắt 4 quận của tỉnh Hà Tiên là Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng) và Kiên Giang (Châu Thành) để thành lập tỉnh Rạch Giá, tỉnh lỵ đặt tại quận Châu Thành (xã Vĩnh Thanh Vân). Tỉnh Rạch Giá nằm cách Sài Gòn khoảng 250 cây số về phía Tây Nam. Tuy mới thành lập từ thời Pháp thuộc, Rạch Giá đã vươn mình lớn mạnh về mọi mặt, với một bờ biển dài chạy từ biên giới Việt Miên đến vùng Thới Bình của tỉnh Cà Mau. Về địa thế, Rạch Giá nằm trong vùng cực Tây Nam của Nam Kỳ, chạy dài theo vịnh Thái Lan. Về vị trí thời đó thì phía Bắc Rạch Giá giáp Hà Tiên, Nam giáp Bạc Liêu, Đông giáp Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc, phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Thuở ấy Rạch giá đất rộng người thưa, năm 1880 toàn tỉnh Rạch Giá chỉ có khoảng 235.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Khmer và người Hoa. So với Hà Tiên thì Rạch Giá sanh sau đẻ muộn. Lúc Hà Tiên đã trở thành nơi đô hội với phố thị sầm uất thì Rạch Giá hãy còn là một làng chày nghèo nàn ven biển không ai ngó ngàng gì tới. Tuy nhiên, Rạch Giá được thiên nhiên ưu đãi về mọi khía cạnh. Rạch Giá có một bờ biển dài, ngoài khơi lại có thêm đảo Phú Quốc và một số hòn đảo khác trong vịnh Thái Lan nên Rạch Giá rất mạnh về mặt hải sản, nổi tiếng nhất là khô, cá, mắm, tôm và tép...

Ngoài ra, đất đai phía Đông và phía Nam của Rạch Giá, tuy chưa được dẫn thủy nhập điền đúng mức, vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn và hàng năm sản xuất lúa gạo dư dùng trong tỉnh mà còn xuất cảng lên Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Trước và trong thời Pháp thuộc, rừng rậm Rạch Giá hãy còn hoang vu, với khu rừng sác chạy dài từ vàm sông Cái Lớn đến Thới Bình, một vùng toàn là những cây mắm, giá, cóc, và những loại cây tạp mọc chen lẫn với rừng tràm không có giá trị công nghệ cao. Thậm chí có nhiều vùng ở miệt sông Cái Lớn và Tân Bằng Cán Gáo hãy còn rất nhiều cọp và voi. Sau khi kinh Cán Gáo được đào vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 thì voi vùng này không còn đất dung thân nên phải di tản về miệt Phụng Hiệp và Sóc Trăng. 

Hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh thì việc di chuyển bằng đường bộ từ Gia Định về Rạch Giá Hà Tiên phải mất trên một ngày một đêm (hơn 24 giờ), tuy nhiên, năm 1920, người Pháp cho sửa sang con đường đất đỏ từ Long Xuyên đi Rạch Giá, và cho bắt chiếc cầu Quay ngang sông Cái Lớn nên sự đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn trước nhiều. Ngay khi thành lập tỉnh lỵ tại xã Vĩnh Thanh Vân, người Pháp cho xây dựng thị xã Rạch Giá theo kiến trúc Tây phương. Năm 1922, họ cho sửa sang lại cảng Rạch Giá, tuy rộng rãi và không có sóng gió, nhưng lại nhiều bùn và mau bồi lấp, nên cảng cũng không mấy thuận tiện cho tàu bè lớn. Các tàu buôn từ Hương Cảng và Tân Gia Ba thường ghé lại cảng Rạch Giá để bán những hàng vải tơ lụa, máy móc, và mua lại cá khô, tôm khô và gạo đem về. Mãi đến năm 1954, có thể nói đất đai Rạch Giá hãy còn là một khu rừng tràm mênh mông, đất trũng và ủng đầy phèn, cách xa bờ biển vài chục cây số vẫn còn là những rừng tràm trầm thủy, đặc biệt là vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Vùng U Minh Thượng nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn là những khu rừng chồi, không rậm rạp lắm. Trong khi vùng U Minh Hạ nằm bên hữu ngạn sông Cái Lớn, vùng ven biển chạy dài tới Cà Mau, là những khu dày đặc với rừng tràm. 
Có thể nói toàn miền Tây Nam phần không có gỗ quý nên dân chúng trong vùng tận dụng tài nguyên sẵn có, họ dùng những cây tràm, đước, cóc, vẹt... cho tất cả mọi nhu cầu của họ, cây nhỏ thì làm củi, cây vừa vừa làm than, còn cây lớn thì làm cột cất nhà. Rạch Giá có hai con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Cái Bé, chảy từ vùng đất thấp phía Đông đổ ra vịnh Thái Lan, sau đó hợp lưu trước khi đổ ra biển tại vàm Rạch Giá. Ngọn sông Cái Lớn trước khi chảy qua Sóc Trăng nó chia làm những nhánh nhỏ và cạn chảy về hướng Cà Mau, đến mùa khô ghe thuyền không thể đi lại được nữa. Trong khi ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ rồi chảy qua Hậu Giang với những nhánh nhỏ. Hồi đó người Miên sống biệt lập trên những giồng đất cao nằm giữa hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé, như những ốc đảo hoang vu, chung quanh là rừng rậm che kín với đầy dẫy những muỗi mòng, rắn rít và thú dữ. Trước thời Nguyễn Ánh, dân vùng Rạch Giá sống co cụm trên các gò cao dọc bờ sông Cái Bé, trong đó có chợ Rạch Giá sau này (thuộc tổng Kiên Định), bên bờ sông Cái Lớn thì lập tổng Thanh Giang. Ngay từ thời Mạc Cửu mới đến khai khẩn vùng này, vì cảng Hà Tiên quá cạn nên cảng Rạch Giá luôn luôn tấp nập với các tàu buôn Tân Gia Ba, Hương Cảng, và Hải Nam...

Thời đó Rạch Giá bao gồm một vùng rộng lớn chạy dài đến mũi Cà Mau (Long Xuyên là tên cũ của Cà Mau). Trước thời Pháp thuộc, Rạch Giá không có đường bộ, mà dân chúng chỉ vận chuyển hàng hóa hay nông phẩm qua những kinh rạch chằng chịt mà cạn, về mùa nắng ghe thuyền không đi được nên người ta phài dùng trâu kéo cộ trên những đường mòn chạy dọc theo những đường nước này. Lúc Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang tại vùng này, có nhiều người Triều Châu và Phước Kiến đi theo, họ định cư ở những vùng đất giồng, chuyên môn làm rẫy, họ trồng rau cải, còn số khác thì làm ruộng. Trước khi có những kinh đào thì đa số dân chúng trong tỉnh phải hứng nước mưa dự trữ cả năm, hoặc đào giếng trên các giồng cao rồi gánh về xài. Hồi lưu dân Việt Nam mới tới vùng này khai khẩn đất hoang họ phải ra ngoài hòn Tre để lấy nước suối về xài. Đến khi Thoại Ngọc Hầu đào kinh Thoại Hà từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nước ngọt từ Hậu Giang bắt đầu chảy tới Rạch Giá, nên vấn đề nước ngọt không còn là vấn đề nan giải nữa. Trước khi được dẫn thủy nhập điền với những kinh đào ngang dọc, thì nguồn lợi chính yếu của Rạch Giá là mật ong (lúc đó chính phủ phân ra từng lô rừng để đấu giá mật ong). Nguồn lợi kế đó là các sân chim mênh mông của Rạch Giá. 

Năm 1889, vì thấy Rạch Giá không mang lại nguồn lợi nào đáng kể nên chính phủ thuộc địa Pháp cho sáp nhập tỉnh Rạch Giá vào Long Xuyên cho đỡ tốn kém ngân sách. Nhưng đến khi Rạch Giá được dẫn thủy nhập điền đúng mức nó mang về một nguồn lợi rất lớn về sản xuất lúa gạo, Rạch Giá lại được tách trở ra làm tỉnh. Lúc đó chánh phủ thuộc địa lại cho vét con kinh Thoại Hà nên dân các vùng Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên không còn đất hoang để khẩn nữa nên họ đổ xô về Rạch Giá khẩn đất. Mặt khác chính phủ thuộc địa cũng cho lót đá xanh dọc theo bờ biển để giữ không cho đất lở. Sau khi vét lại con kinh Thoại Hà thì phương tiện giao thông đường thủy từ Rạch Giá về các tỉnh miền Tây tiện lợi hơn nhiều, cứ hai ngày là có tàu Lục Tỉnh từ Sài Gòn về Rạch Giá. Vào khoảng năm 1920 thì Rạch Giá đã phát triển lớn mạnh hơn trước nhiều, hàng hóa từ Xiêm (của Anh và của Xiêm) như vải sồ được đưa vào Việt Nam qua cảng Rạch Giá, rồi mua về hồ tiêu và cá khô, còn tàu từ Hải Nam thì chở đến đồ sành sứ, vải vóc, thuốc Bắc, trái cây khô, chăn mền, và họ mua về gạo, nước mắm, cá khô, mắm ruốc, mật, sáp ong... Về sau này những nhà máy xay lúa ở Sài Gòn Chợ Lón được dựng lên, họ xay lúa bằng máy và xuất cảnh thẳng qua Hải Nam và Hương Cảng bằng những thương thuyền lớn nên rẻ hơn gạo Rạch Giá, vì vậy mà sinh hoạt cảng Rạch Giá từ từ giảm sút. 


Năm 1907, người Pháp bắt dân làm xâu để đắp đá ong và đất hầm con đường từ Rạch Giá đi Hòn Đất, nhưng sau đó thấy con lộ không mang lại lợi ích về kinh tế nên không phát triển thêm. Cùng năm đó họ cho đắp con đường Rạch Giá đi Minh Lương (khoảng 15 cây số) cũng trải bằng đá ong và đất hầm, tiếp theo là lộ đá ong từ Minh Lương đi Kiên Hưng (Gò Quao), qua Long Mỹ (sau này thuộc tỉnh Chương Thiện) và cùng năm đó thì quận Long Mỹ được thành lập. Long Mỹ nằm trên ngọn sông Cái Lớn, giáp ranh với vùng Cần Thơ và Phụng Hiệp, tiếp theo là quận Gò Quao (nằm bên bờ sông Cái Lớn) được thành lập. Và liên tiếp những năm sau đó là quận Giồng Riềng nằm bên bờ sông Cái Bé cũng được thành lập. Năm 1908 thì người Pháp bắt đầu làm con đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên. Đến năm 1914 người Pháp khởi công xây lộ Rạch Giá Cần Thơ (lộ đá tráng nhựa). Tính đến năm 1945 thì Rạch Giá đã nghiễm nhiên trở thành một trong những tỉnh trù phú nhất miền Tây với số lúa gạo sản xuất vượt xa mấy tỉnh khác. 

Ngoài ra, Rạch Giá còn những đặc sản khác mà những tỉnh lân cận không có như mật ong, sáp, tôm khô, cá khô, đặc biệt là sáp, một nguồn lợi không nhỏ đã làm cho Rạch Giá nổi tiếng. Tuy nhiên, đến năm 1904, sau trận bão năm Thìn, đa số rừng tràm ở Rạch Giá bị ngã sập, ong không còn chỗ dung thân nên di chuyển qua các vùng Đồng Tháp và Cà Mau, vì thế mà nghề lấy mật và sáp ong từ từ biến mất trong vùng rạch Giá. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng Rạch Giá từ Hà Tiên xuống tận Thới Bình, vào mùa mưa thì nước ngập tràn rừng tràn đồng, cá cũng theo đó mà đi lên rừng hay lên đồng, nhưng khi nước vừa rút là chúng cũng tìm cách rút theo ra các sông rạch, nên vào mùa gió chướng các kinh rạch trong vùng U Minh Thượng và U Minh hạ tràn ngập cá tôm đủ loại, nên ngoài nghề chính của dân trong tỉnh là làm ruộng, với những luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon, dân Rạch Giá còn sản xuất đủ thứ cá tôm nước ngọt và nước mặn như cá chép, cá he, cá lóc, cá trê, cá thu, cá chim, cá bạc má, cá thiều, vân vân. Nước mắm Phú Quốc chẳng những nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng tại nhiều nước khác trong vùng. 

Vào thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là họ ưu tiên cho người Pháp được tự do khai khẩn đất hoang, nên đã xảy ra rất nhiều vụ cướp đất đã khẩn từ trước của những người lương dân chỉ một đời lam lũ, chất phát, không biết nhiều về luật lệ, hễ thấy chỗ nào có đất hoang là đến khẩn, chứ không dè bọn Tây và bọn cường hào ác bá đã có giấy khẩn trong tay, chúng đợi cho người ta khẩn xong, có huê lợi là chúng nhào vô cướp giựt đất của lương dân, bên cạnh đó lại thêm nạn làm cố công của tá điền, nào là sưu cao thuế nặng, nào là cướp công bóc lột, một khi đã là tá điền rồi thì phải cha truyền con nối làm tá điền mà cũng không đủ trả nợ cho chủ, thật là một thời nô lệ với không biết bao nhiêu là ức hiếp bất công. Bắt đầu từ thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền cho xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên với phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Ngoài ra, chánh quyền còn nâng đỡ nông dân trong việc canh tác, và ngư dân trong việc đánh bắt cá, nên Rạch Giá đã vươn lên phát triển rất mạnh. 

Hiện nay Rạch Giá là một trong những tỉnh phồn thịnh nhất của Nam Kỳ. Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản phân chia lại địa phận nên Rạch Giá hiện nay với diện tích trên 6.269 cây số vuông và dân số 1.565.900 người, khoảng 85% là người Việt, người Khmer chiếm khoảng 12%, người Hoa chỉ 3% nhưng họ nắm hầu hết những then chốt kinh tế trong tỉnh. Tỉnh Rạch Giá hiện nay bao gồm các quân Kiên Lương, Hòn Đất, Tam Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng), An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc (quần đảo Phú Quốc), Kiên Hải (gồm quần đảo Lại Sơn, An Sơn, Hòn Tre và Hòn Nghệ), thị xã Hà Tiên và thị xã Rạch Giá. Ngoại trừ đảo Phú Quốc, ngoài khơi Rạch Giá có trên 100 đảo nhỏ và hòn khác. Vùng biên giới Hà Tiên-Cao Miên dài khoảng 54 cây số, trước kia thì dòng kinh Vĩnh Tế là biên giới giữa hai nước, nhưng hiện nay biên giới đã chạy sâu vào nội địa Miên khá xa. Rạch Giá có nhiều địa danh nổi tiếng ngay thời đầu cuộc Nam tiến, khi Mạc Cửu và quyến thuộc của ông đến khai phá đất Hà Tiên, như U Minh Thượng, U Minh Hạ, Hòn Đất, Phú Quốc, Hà Tiên, vân vân. Thiên nhiên chẳng những ưu đãi Rạch Giá về mặt kinh tế, mà còn ưu đãi về danh lam thắng cảnh nữa như non nước hữu tình của vùng Hà Tiên, biển trời mênh mông của vùng Phú Quốc. 

Ngoài ra, Rạch Giá còn rất nhiều đền chùa và các di tích lịch sử khác. Ngay tại phường Vĩnh Thanh trong thị xã Rạch Giá, có đền thờ vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Ông nổi tiếng trong trận phóng hỏa tàu Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861, và đánh thành Kiên Giang năm 1868, khi bị Pháp bắt ông đã dõng dạc tuyên bố một câu bất hủ “Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Hiện tượng đài của ông được lên ngay giữa trung tâm thị xã Rạch Giá.

Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét