Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Về Miền Tây - Phần 12



Về danh nhân và di tích, Cần Thơ có rất nhiều danh nhân đã đóng góp công sức và tiền bạc trong công cuộc khai khẩn và phát triển để biến vùng này thành một vùng bao la trù phú. Ngoài Mạc Thiên Tứ là người đã có công khai khẩn và mở mang các vùng Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, phải kể Mạc Tử Sanh (con của Mạc Thiên Tứ) người đã hy sinh khi chống lại giặc Xiêm bên cầu Tham Tướng, người đã có công rất lớn trong việc trị an trong vùng Cần Thơ. Bây giờ tại Cần Thơ vẫn còn chiếc cầu mang tên Tham Tướng để tưởng nhớ đến sự hy sinh của Mạc Tử Sanh cho nhân dân đất Cần Thơ. Ngoài ra còn có các ông Võ duy Tập, một võ tướng quê tại xã Long Tuyền, huyện Phong Phú (Cần Thơ xưa), ông là người văn võ song toàn nên được chúa Nguyễn phong chức Chánh Lãnh Binh. Ông đã có công trong việc ổn định giặc Cao Miên tại vùng Châu Đốc. Ông làm quan đến đời Minh Mạng và lúc về già ông vẫn còn cầm quân dẹp loạn ở các vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu. Về sau ông bị tử trận ở Bưng Trop Sóc Trăng. Ông quả là một vị tướng suốt đời vì dân vì nước.


Đất Cần Thơ còn lưu lại rất nhiều ngôi mã quan đàng cựu, trong số đó có mã của các ông Nguyễn văn Tồn (bây giờ thuộc vùng Trà Ôn), Phan văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa. Cụ Phan văn Trị sanh năm 1830 tại Gia Định. Năm 1849 ông đỗ cử nhân nên dân chúng thời bấy giờ thường gọi ông là cử Trị. Năm 1862, giặc Pháp chiếm Gia Định nên ông lui về Vĩnh Long lánh thân và bất hợp tác với Pháp. Sau đó vì nhận thấy sự cai trị tàn bạo của người Pháp, ông tỏ thái độ công phẫn chẳng những với giặc Pháp, mà còn ngay cả với những ai hợp tác với giặc, chẳng hạn như Tôn thọ Tường. Cụ Phan văn Trị đã xướng họa những bài thơ xu mị thực dân một cách hèn hạ của Tôn thọ Tường. Thi văn yêu nước của cụ Phan văn Trị có một phong thái hào hùng bất khuất, đáng cho hậu thế chúng ta noi theo. Tại quận Phong Điền, cách Cần Thơ khoảng 16 cây số, hiện còn ngôi mộ của cụ Phan văn Trị. Vì lúc sanh tiền cụ Phan cực lực chống Pháp bằng ngòi bút, và cụ cũng cực lực lên án những tên Việt gian theo Pháp để đè đầu cỡi cổ dân chúng, nên khi cụ mất có rất nhiều kẻ muốn phá hủy mộ của cụ. 

Tuy nhiên, dân chúng trong vùng Nhơn Ái thuộc Phong Điền đã đưa linh cữu của cụ vào chùa Vạn Linh để làm lễ, và sau đó đem về an táng tại xã Nhơn Lộc, nhờ vậy mà ngôi mộ của cụ vẫn còn đến ngày nay, tuy nhiên vì đã lâu không ai chăm sóc nên bây giờ gần như hoang phế. Có lẽ sau năm 1975, con cháu cụ đã về trùng tu lại ngôi mộ ấy. Tuy ngày nay Trà Ôn thuộc về địa phận Vĩnh Long, nhưng một thời Trà Ôn đã gắn liền với dòng phát triển của Cần Thơ. Thiết tưởng phải nói một chút về một số di tích đàng cựu còn sót lại ở Trà Ôn. Tại làng Thiện Mỹ, quận Trà Ôn hiện còn ngôi mã quan đàng cựu của quan Thống Chế Điều Bác Nguyễn văn Tồn, còn gọi là lăng ông hoàng Chàm hay hoàng Chà. Ông là người gốc Miên, đã theo Nguyễn Ánh đánh Nam dẹp Bắc. Về sau ông cũng phụ lực với Thoại ngọc Hầu trong việc đào kinh Vĩnh Tế và ổn định thành La Bích (Nam Vang ngày nay). Ông mất năm 1820 tại Trà Ôn.

Ngoài ra, Cần Thơ hãy còn rất nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là chùa chiền. Tại thành phố Cần Thơ có chùa Nam Nhã, chùa được xây dựng từ năm 1895 theo lối kiến trúc cổ kính trang nghiêm. Chùa Ông, cũng được xây từ những năm 1894 hay 1895, cũng theo lối kiến trúc cổ. Về phía Bắc thành phố Cần Thơ chừng 5 cây số là đình Bình Thủy, đình còn có tên là đình Long Tuyền, được xây dựng vào năm 1844, được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Đình có lối kiến trúc khác hẳn những ngôi đình ngoài Bắc, với ngôi tiền đình và chánh điện hình vuông, mỗi chiều có 6 hàng cột, mỗi hàng có 6 cột bằng cây gõ tròn và to (đây là loại gỗ quý và chịu đựng nắng mưa rất dai). Chánh điện có ba mái cong chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. 

Trên nóc đình có gắn tượng người, tượng kỳ lân và tượng cá hóa long. Hàng năm dân chúng quanh vùng Bình Thủy và Cần Thơ tề tựu về đây rất đông trong những ngày Tết hay ngày cúng đình. Ngoài ra, nói đến Cần Thơ mà không nói đến vùng kinh rạch và khu chợ nổi tại Phụng Hiệp là một thiếu sót lớn. Bảy con kinh hội tụ về Phụng Hiệp đã được thực dân Pháp đào từ đầu thế kỷ 20, và kể từ đó dân chúng các vùng Phước Long, Ngã Năm, Long Mỹ, Xà Phiên, Cỏ Thum, vân vân đổ xô về Phụng Hiệp buôn bán. Trên một vùng sông nước mênh mông, từ các ngả, thuyền bè tấp nập đổ về. Chợ trên mặt đất không đủ cung ứng mặt bằng cho dân tứ xứ mua bán nên họ họp chợ ngay trên mặt sông. Chợ trên bộ có thứ gì thì chợ trên sông cũng có thứ ấy, mà không chừng sản phẩm của chợ trên sông còn phong phú hơn chợ trên bộ nữa là đàng khác. Các sản phẩm từ vải vóc, kim chỉ, dầu, than, củi, quần áo, thức ăn, rượu thịt, cá mắm, thú vật và súc vật đủ loại, từ chim cò, gà vịt, đến rắn rùa, hãy còn đủ thứ trái cây, rau quả, vân vân.

Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì Cần Thơ biến thành một trong những tỉnh quan trọng nhất của Nam Kỳ Lục Tỉnh, từng nổi danh về văn hóa nhờ ảnh hưởng của các ông Phan văn Trị, Bùi hữu Nghĩa, Cai tổng Chiểu. Sau cuộc khởi nghĩa của Đinh Sâm tại Cần Thơ vào năm 1868 làm cho lòng dân Cần Thơ nức lòng phấn chấn. Lúc Tây vừa chiếm xong Nam kỳ thì chúng đã dùng chánh sách chiêu dụ người địa phương ra làm việc với chúng để lấy người địa phương cai trị người địa phương theo chính sách thực dân. Thời đó tại tổng Bảo Định (Cần Thơ) có tên Cai Tổng Nguyễn văn Vĩnh chẳng những hợp tác với Tây mà còn là một hung thần đối với lương dân. Hễ ai mở miệng ra chống đối là hắn thẳng tay trừng trị. Trước cảnh áp bức đó, Đinh Sâm đã đứng lên tại Ba Láng hô hào dân chúng nổi lên tiêu diệt bọn tay sai. Đinh Sâm gửi thư khuyên Cai Tổng Vĩnh nếu từ quan mà lui về ở ẩn thì sẽ tha mạng, ví bằng ngược lại sẽ chẳng toàn mạng. 

Cai tổng Vĩnh tuy có sợ hãi, nhưng vì tham quyền cố vị nên dựa vào thế của Tây thẳng tay đàn áp. Đinh Sâm và một toán nghĩa quân đã xông vào nhà giết cai tổng Vĩnh và đốt nhà. Tuy nhiên, vì thế cô sức yếu nên Đinh Sâm và một số nghĩa binh đã đền nợ nước và cuộc khởi nghĩa này cũng bị Tây thẳng tay đàn áp. Sau khi hay tin Đinh Sâm đền nợ nước, chính cụ cử Trị đã làm bài điếu cai tổng Vĩnh nhưng với ý đề cao Đinh Sâm “Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết, văn binh rơi đất, Trà Niềng thôn lý đái sầu nhan.” Nghĩa là võ kiếm lòa trời, vàm Ba Láng còn lưu máu hận, Văn tinh rơi rụng, phủ lên Trà Niềng một màu tang tóc. Trái ngược lại với cai tổng Vĩnh, ở Cần Thơ cũng có một ông cai tổng, nhưng không hợp tác với giặc, mà từ chức lui về vui thú văn chương. Đó là cai tổng Lê quang Chiểu. Ông không hợp tác với Tây, ông cũng không trực tiếp đánh Tây bằng súng đạn, nhưng ngòi bút của ông luôn phụ họa với ngòi bút của cụ đồ Chiểu và cụ cử Trị trong việc làm khởi lên sĩ khí của nhân dân Nam kỳ Lục Tỉnh. Bên cạnh đó còn có cụ Nguyễn thần Hiến, quê ở Hà Tiên, ông giữ chức hội đồng địa hạt Hà Tiên. 

Tuy nhà giàu có và có thế lực, nhưng không vì thế mà ông hà hiếp dân lành. Ngược lại, ông còn ngấm ngầm giúp đở các chí sĩ yêu nước. Năm 1902, ông dời qua Cần Thơ sau khi mẹ ông qua đời. Năm 1904, sau khi gặp cụ Phan Bội Châu, ông đã hiến một phần lớn gia tài và bí mật thành lập “Khuyến Du Học Hội.” Ông đã từng bôn ba khắp các xứ Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan để vận động tranh thủ độc lập cho Việt Nam. Đến năm 1913, tại Hương Cảng, ông cùng một số bạn đồng chí vận chuyển tạc đạn về Việt Nam, nhưng bị chính quyền địa phương bắt giải giao cho Pháp. Pháp đem ông về giam ở khám Hà Nội, nhưng ông tự sát chết năm 1914. Ông quả là tấm gương hy sinh một lòng vì nước vì dân.

Để lấy lòng nhân dân Cần Thơ, thực dân Pháp đã cho mở thêm trường sở. Vào năm 1921, Cần Thơ đã có trường Collegè, chỉ kém thủ đô Sái Gòn mà thôi. Năm 1954, trường được đổi tên làm trường trung học Phan Thanh Giản. Cần Thơ cũng là nơi có tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, tờ “An Hà Báo” là một niềm hãnh diện cho nhân dân Cần Thơ. Trong suốt quá trình chống Pháp của các sĩ phu Nam kỳ, để tránh tai mắt của bọn mật thám Pháp, các sĩ phu ít khi họp mặt tại nhà riêng, thường thì họ tụ tập tại một địa điểm nào đó, lấy thú tiêu khiển văn chương bề ngoài để che dấu giặc Tây. Tại Cần Thơ, các cụ thường hội họp tại một xóm nhỏ trong làng Bình Thủy mà dân chúng quen gọi là “Xóm Bà Đồ.” Đây là một tụ điểm của thi văn gần giống như Chiêu Anh Các ở Hà Tiên, nơi đó một nhà thơ khoa bảng yêu nước Thủ Khoa Nghĩa được sinh ra. Trong suốt đời hoạn lộ thăng trầm, cụ đã luôn giữ vững khí tiết của một con người nồng nàn yêu nước. 

Không ai biết rõ xuất xứ của cái tên “Xóm Bà Đồ” này, chỉ biết đây là vườn tao đàn do bà Nguyễn thị Nguyệt lập ra, nơi chẳng những góp mặt của các danh nho đương thời, mà còn là nơi tụ họp của các sĩ phu yêu nước Nam kỳ. Ngày nay, tuy Cần Thơ là một đô thị sầm uất và quan trọng bậc nhất của miền Tây, nhưng nhờ mang vẻ đẹp của một đô thị vùng sông nước nên Cần Thơ chưa hẳn mất hết vẻ tươi mát như Sài Gòn. Hiện tại, về phía Bắc của Cần Thơ, khoảng giữa Ô Môn và Thốt Nốt hãy còn một khu vườn cò rất rộng (khoảng 5 mẫu), đó là vườn cò Bằng Lăng, nằm ở cuối cầu Bằng Lăng, dọc theo bờ sông nhỏ, với trùng điệp những bụi tre khóm trúc, đây là nơi trú ngụ của hàng triệu con cò đủ loại, từ cò trắng, xanh, vàng, đỏ... ngoài ra còn có đủ loại chim muông khác như vỏ vẻ, óc cao, dòng dọc, cồng cộc, le le, chàng bè, vân vân. Hiện tại, chánh quyền đã biến nơi này thành một vùng du lịch khá nổi tiếng. Thời Pháp thuộc, ngay tại trung tâm thành phố Cần Thơ có khu vườn thầy Cầu, rộng rãi và thanh u với đủ loại cây ăn trái và cây cổ thụ. 

Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng vườn du lịch khá thịnh hành nên tại trung tâm thành phố Cần Thơ và các vùng phụ cận đã mọc lên rất nhiều vườn cây ăn trái dành cho khác du lịch như vườn Mỹ Khánh, cách Cần Thơ chừng 6 cây số, đi về hướng Sóc Trăng, qua khỏi cầu Đầu Sấu, đến gần Cái Răng. Trong vườn có đủ loại trái cây, trong lồng nuôi đủ loại chim nhằm phục vụ khách du lịch, và dưới hồ có đủ các loại thủy sản như cá, tôm, cua, rùa, rắn... Qua cầu Cài Răng một đỗi là vườn Ba Láng, trong vườn có nhiều ao sen nuôi đủ loại cá tôm, đi vào khu vườn người ta có cảm giác như đang đi vào một khu vườn thiên nhiên của miệt vườn sông nước Cửu Long. Ngoài ra còn có các khu vườn khác như vườn nhà Ông Sáu Dương, vườn Lan Bình Thủy, vườn Tân Bình ở Phụng Hiệp. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Cần Thơ của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp:

(Hết trang 53)
Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét