Huệ Khanh làm xong món cánh gà chiên bơ, nhìn đồng hồ thấy đã ba giờ. Vội vàng tắm rửa, thay quần áo, trang điểm là đúng bốn giờ. Nàng cẩn thận để thau cánh gà vào cốp xe rồi cho xe ra khỏi garage. Định đến nhà Kim mới bày ra đĩa. Tuy hai nhà cách nhau chỉ hăm lăm phút lái xe, nhưng phải quẹo tới hai ba cái xa lộ. Có lần nàng đi loanh quanh, phone tới phone lui ...mất cả tiếng đồng hồ mới tới được nhà Kim. May mà thiên hạ vừa nhập tiệc, nên món ăn của nàng mang tới không bị ế! Vì thế Huệ Khanh luôn luôn đi sớm và nhìn đường thật kỹ.
Kim là cô bạn nhỏ, kém Khanh cả chục tuổi. Nhưng Kim rất dễ thương, tính tình cởi mở và tinh tế trong giao thiệp. Huệ Khanh quen Kim qua một người bạn làm cùng sở. Hằng và Kim có sở thích ca hát giống nhau, vì thế họ rất thân. Nhà Kim ở ngoại ô nên rất rộng rãi. Dưới basement, vợ chồng Kim trang trí đầy đủ như một phòng trà với âm thanh và sân khấu, đèn màu... Có dịp là vợ chồng Kim mời chừng 15, 20 cặp là đã đủ cho một party thân mật. Mỗi cặp mang lại một món ăn là xong. Ca sĩ và nhạc sĩ đánh đàn chỉ có...dư chứ chưa bao giờ thiếu. Trong nhóm này, từ khi Trung, ông xã Huệ Khanh qua đời thì nàng trở thành người độc thân duy nhất. May mà Huệ Khanh không biết hát, nhưng những "thính sĩ" như nàng rất được quý trọng. Bình thường Huệ Khanh tìm một chỗ ngồi khuất, thả hồn lâng lâng theo từng lời ca tiếng nhạc của bạn bè trình diễn trên sân khấu. Nàng ý tứ tránh những lời mời ra sàn nhảy, dù trước đây Trung và Huệ Khanh là một cặp khiêu vũ thuộc hàng điêu luyện.
...Cách đây năm năm, căn bệnh mất trí nhớ của Trung càng ngày càng trở nên nặng hơn. Nhiều lần chàng lái xe ra đường để đi siêu thị mua món gì đó, rồi không nhớ đường về nhà, cứ lái loanh quanh hết đường nọ đến đường kia. Đi làm về không thấy chồng đâu, Huệ Khanh lo lắng gọi điện thoại di động cho Trung. May mà chàng có đem theo trong túi. Khanh dặn chồng đậu xe ở góc đường. Cho Khanh biết tên đường để nàng đến kiếm. Huệ Khanh đi làm mà lòng cứ phập phồng lo sợ. Lâu lâu phải phone về nhà thăm chừng. Có lần, thay vì cho hộp thức ăn vợ làm sẵn để trong tủ lạnh vào lò vi sóng để hâm, Trung cho vào nồi, mở bếp rồi bỏ đó, ra phòng khách ngồi tỉnh bơ xem TV. Cái nồi cháy khét lẹt, khói bay mù mịt làm alarme hú lên inh ỏi. Lúc đó Trung mới sực nhớ và lính quýnh gọi 911. May mà chưa sao, nhưng Huệ Khanh phải lau chùi nhà bếp ám khói mấy ngày mới hết mùi hôi. Hú hồn là không cháy nhà.
Sau lần đó, Huệ Khanh thuê một bà đứng tuổi đến trông chừng Trung. Nhưng ngày nào đi làm về Huệ Khanh cũng nhức đầu vì những lời phàn nàn, dĩ nhiên là vô căn cứ, của chồng. Trung buộc bà Lưu cái tội luôn luôn dòm ngó, rình mò chàng, chắc là có ý đồ xấu gì đây. Rồi còn đổ cho bà tội ăn cắp vặt, mắng mỏ bà ta một cách thậm tệ, khiến bà Lưu khóc bù lu bù loa và nhất định xin nghỉ việc. Huệ Khanh đã suy nghĩ nát óc vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Trung nghỉ làm mấy năm rồi, bây giờ không lý nàng cũng xin về hưu ở cái tuổi năm mươi lăm? Cả đống bill phải trả hàng tháng. Với tiền lương hưu trí ít ỏi so với lương chính thức, cuộc sống của hai vợ chồng chắc chắc sẽ không còn thoải mái! Hai đứa con, thì cậu con trai lớn làm việc ở Vancouver xa lắc xa lơ và cô gái út với 2 đứa con còn quá nhỏ cũng chẳng giúp đỡ gì được cho mẹ. Thỉnh thoảng chúng ghé thăm hoặc mời ba mẹ đi ăn. Chỉ tội có lần cả nhà đang ăn uống vui vẻ ở nhà hàng, Trung đứng lên nằng nặc đòi về. Thế là...tan hàng và từ đó Huệ Khanh không dám đưa chồng đi ăn tiệm! Ôi, căn bệnh gì mà quái ác!
Cuối cùng thì Huệ Khanh cũng đành xin nghỉ không lương một năm, để ở nhà săn sóc cho Trung. Qua khám nghiệm trong bệnh viện cho thấy những tế bào nằm trước trán của Trung càng ngày càng teo nhỏ, nên căn bệnh chỉ có tăng chứ không giảm. Cho tới một hôm. Cái ngày kinh hoàng mà Huệ Khanh không bao giờ quên được. Nàng đang tắm thì nghe tiếng Trung la bài hãi. Huệ Khanh lật đật khoác cái áo choàng tắm chạy ra xem thì hỡi ơi, Trung đã té lăn đùng xuống cầu thang, đang nằm bất động dưới basement. Huệ Khanh run lẩy bẩy bấm số gọi 911 trước khi hối hả chạy xuống quỳ bên cạnh chồng. Trung rên rỉ muốn ngồi dậy, nhưng đau quá lại nằm vật xuống.
Huệ Khanh nắm chặt tay chồng, luôn miệng trấn an Trung, trong khi chờ ambulance tới chở đi nhà thương. Lần đó chàng bị nứt xương cổ tay và gẫy ống chân, phải bó bột. Không kể nhiều chỗ bầm tím cả tháng sau mới khỏi. Huệ Khanh săn sóc Trung khổ sở vô cùng. Vì từ hồi bệnh nhiều lại bị bó bột cả tay lẫn chân, Trung phải ngồi yên một chỗ. Suốt ngày chỉ có ăn, ngủ và ngồi xem TV nên Trung càng ngày càng mập phì. Mỗi lần vào toilettes là Huệ Khanh phải đánh vật với chồng mướt cả mồ hôi. CLSC (chẩn y viện) trong vùng có cho người đến săn sóc, tắm rửa Trung 3 lần một tuần nên Huệ Khanh cũng nghỉ xả hơi được chút đỉnh. Bạn bè mỗi lần đến thăm đều xót xa cho nàng. Bởi Trung càng mập ra thì Huệ Khanh càng teo tóp đi. Mặt mày xơ xác, héo úa đến thảm thương! Từ ngày Trung bệnh, mọi người cũng không dám mời Huệ Khanh đến dự tiệc tùng như trước. Mà có mời nàng cũng từ chối. Họa hoằn lắm, những lúc có y tá đến nhà săn sóc cho Trung, thì Huệ Khanh mới dám chạy đi ăn với Kim một tí. Kim cứ rên rỉ:
- Chị Khanh ơi, chị tính sao đi chứ. Chị còn chịu được đến bao giờ đây hả? Lúc này chị gầy như que củi, chỉ còn da bọc xương! Hay chị đưa anh vào trung tâm dành cho người bị bệnh mất trí nhớ đi. Trong đó họ có nhân viên đầy kinh nghiệm, chắc chắn sẽ săn sóc chu đáo hơn mình.
Huệ Khanh cười buồn:
- Chị biết tính sao bây giờ? Thôi thì đợi đến khi nào chị hết sức hẵn hay. Chị không nỡ đưa anh vào đó. Xa chị, không biết anh sẽ như thế nào?
Kim nhăn mặt:
-Em biết trước sau gì chị cũng sẽ gục cho mà xem!
Huệ Khanh bóp bóp bàn tay Kim, giọng cảm động:
-Đừng lo cho chị. Chị phải báo đáp ân tình của anh dành cho chị trong mấy mươi năm qua. Anh Trung là một người chồng tuyệt vời. Bây giờ anh ấy mắc bệnh, bổn phận chị là phải hết lòng chăm lo cho anh ấy. Số phận đã an bài, chị còn biết làm sao hở em?!
Và Huệ Khanh đã gục như Kim tiên đoán vào đầu mùa thu năm đó. Mùa thu xứ này lạnh và ẩm. Một hôm trời mưa lất phất, Huệ Khanh vội vàng mang thùng rác ra đường vì xe đổ rác sắp trờ tới. Quá vội nên nàng không mặc áo mưa, đầu lại để trần. Kết quả là Huệ Khanh bị cúm một trận tơi bời. Sốt li bì và ho xé phổi. Lần đó cậu con trai ở Vancouver phải xin phép về Montréal thay mẹ săn sóc cho bố cả 2 tuần lễ. May mà nó còn độc thân, muốn đi bao lâu cũng được. Lần này về thấy sức khỏe mẹ kém quá, nó bàn với cô em xin chỗ trong một trung tâm dành cho người bị bệnh chronique ở gần nhà. Huệ Khanh suy nghĩ cả mấy ngày trời. Sau cùng nàng đành chìu ý hai con, ký đơn xin chỗ cho chồng. Trung tâm cách nhà nàng chỉ 10 phút lái xe nên cũng tiện. May mắn chỉ hơn 2 tháng sau là họ gọi lại báo tin là Trung được nhận. Sở dĩ có chỗ trống là vì một bệnh nhân vừa mới qua đời! Thật là không biết nên vui hay buồn?!
Ngày đưa Trung vào chỗ ở mới, Huệ Khanh đã khóc như mưa. Nàng có linh cảm như là sẽ có chuyện gì đó không hay, tuy rằng trung tâm này nổi tiếng là nơi chăm sóc bệnh nhân rất kỹ. Trung thì vẫn tỉnh rụi, vì trí nhớ của chàng bây giờ như bị bao phủ bởi một màn sương dày đặc. Trung còn nhận ra vợ, nhưng với những người khác thì rất mơ hồ. Những lúc con gái dẫn 2 cháu ngoại vào thăm, mắt chàng sáng lên, miệng cười cười. Nhưng khi hỏi tên tuổi các cháu thì ông ngoại chẳng nhớ gì cả!!! Trừ khi rất bận, ngày nào Huệ Khanh cũng vào thăm chồng.
Nàng thường nấu những món Trung thích ăn mang vào cho chàng. Cơm tây ban đầu lạ miệng, Trung ăn một cách thích thú. Nhưng sau một thời gian thì đâm ngán. Thấy hôm nào bữa ăn của chồng cũng còn thừa, mà sức khỏe của Trung lại kém đi, Huệ Khanh xin phép cho nàng đem thức ăn nấu ở nhà vào cho chồng. Được ăn cơm Việt Nam Trung sung sướng cười hoài khiến Huệ Khanh thấy thương chồng dạt dào. Cách đó một tháng, Huệ Khanh sang Cali một tuần để ăn cưới con người em họ.
Khi về nàng thấy có tin nhắn của trung tâm trong điện thoại. Huệ Khanh vội vàng vào thăm chồng mới hay những ngày vắng nàng, Trung không chịu ăn uống gì cả. Thấy mặt vợ, Trung mừng rỡ ôm chặt nàng trong tay như vừa tìm lại được một món đồ quý giá. Huệ Khanh cảm động bồi hồi, nhủ lòng từ đây về sau sẽ không đi vắng lâu ngày như lần vừa qua. Lúc nàng từ giã ra về, Trung bịn rịn nắm tay vợ không muốn buông khiến Huệ Khanh thấy khóe mắt và đầu mũi cay cay!
Noel năm ấy, con trai từ Vancouver về thăm bố mẹ nên mọi người đồng ý sẽ tổ chức Réveillon ở nhà Huệ Khanh. Trung được vợ con đón về nhà từ sáng. Nhìn hai đứa cháu ngoại vui đùa, cười giỡn rộn ràng, nhìn cây thông đặt cạnh lò sưởi được trang hoàng lộng lẫy, đèn màu chớp tắt không ngừng...Trung cũng tỏ vẻ vui vui. Khi thằng cu tí mới lên 2 sà vào lòng ông, miệng bi bô "Ông ngoại, ông ngoại có mua quà cho con không?" thì Trung cũng biết đặt tay lên đầu thằng bé xoa xoa một cách trìu mến. Thấy ông không trả lời, thằng bé cứ nắm tay ông lắc lắc và lập lại câu hỏi thêm mấy lần nữa. Huệ Khanh vội vàng nắm tay cháu ngoại kéo về phía cây thông, chỉ vào một gói to tướng, dịu dàng nói:
-Quà của ông ngoại mua cho Cu Tí nè. Đợi ăn xong mình sẽ mở.
Thằng bé sung sướng quay về phía ông ngoại, đang chăm chăm nhìn hai bà cháu, chu môi gửi một chiếc hôn gió. Nhìn cảnh này Huệ Khanh thấy lòng quặn thắt. Hai đứa cháu của nàng không có cái diễm phúc được ông ngoại nắm tay dắt đi chơi ngoài công viên, hoặc thỉnh thoảng mấy ông cháu dẫn nhau vào tiệm Mac Donald, Pizza Hut... Chỉ là những điều rất bình thường mà cả ông lẫn cháu đều không được hưởng. Thương cho ông và tội cho cháu... Lại một tiếng thở dài! Biết bao tiếng thở dài đã phát ra trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng từ khi Trung mắc bệnh? Lúc Trung mới vào trung tâm, một mình trên chiếc giường rộng thênh thanhg, Huệ Khanh không tài nào dỗ giấc ngủ. Càng không ngủ được, đầu óc lại càng suy nghĩ. Mà toàn là những ý tưởng tiêu cực. Rồi những giọt nước mắt buồn tủi rơi tuôn ướt cả gối chăn. Một buổi sáng đánh răng rữa mặt xong, nhìn vào gương, bắt gặp một gương mặt gầy gò, xanh xao trong đó khiến Huệ Khanh giật mình. Nàng tự nhũ "Mình đây sao? Không khéo mình sẽ về bên kia thế giới trước ông chồng tội nghiệp!" Ai cũng biết những người mắc bệnh mất trí nhớ sống rất lâu, vì đầu óc họ ngây ngô như một đứa trẻ thơ. Chả biết lo lắng, nghĩ ngợi gì trong cuộc sống! Từ đó Huệ Khanh nhất định phải kiên cường, không được để sự chán nản đánh gục. Trung rất cần nàng. Nếu nàng đi trước, ai sẽ lo cho chàng? Đời sống xứ này rất bận rộn, không thể trông cậy vào con cái. Cuộc sống của chúng cũng có quá nhiều vất vả, lo toan...
Mùa đông năm ấy rất lạnh và tuyết đổ đầy trời. Tuy vậy Huệ Khanh vẫn vào thăm chồng đều đặn. Sức khỏe Trung tốt, chàng đã xuống cân so với lúc chân còn bó bột. Huệ Khanh khôn khéo lấy lòng nhân viên trong trung tâm bằng cách thỉnh thoảng tặng họ vài chục chiếc chả giò nóng giòn, khi thì chiếc bánh kem thơm phức. Vì thế nhân viên nơi này rất quý mến Huệ Khanh và săn sóc Trung cũng đặc biệt hơn. Mỗi bệnh nhân ở một phòng riệng biệt, có cả toilette riêng. Người nhà tự trang hoàng căn phòng cho bệnh nhân, nên Huệ Khanh lên chùa thỉnh một bức tranh Đức Phật A Di Đà với vầng hào quang sáng ngời trên đầu. Nàng treo tấm tranh Đức Phật trên tường, đối diện giường ngủ của Trung với hy vọng, hằng ngày nằm trên giường ngắm bức tranh, đầu óc chàng sẽ sáng ra được chút nào chăng? Huệ Khanh đã từng dạy Trung niệm Phật, nhưng chàng có nhớ gì đâu? Trung bây giờ còn ngu ngơ hơn cả hai đứa cháu ngoại.
Tháng Năm tới với những luống hoa Uất kim hương đủ màu, hoa Thủy tiên trắng muốt nhụy vàng thơm ngát, hoa chuông nho nhỏ màu xanh tím rất xinh nở đầy trước sân nhà. Sân sau, cây Mộc Lan đã nở hoa trắng xóa. Những đóa hoa đẹp như làm bằng sứ. Ngày cũng dài hơn và ấm áp dần. Mỗi sáng, tiếng chim đã bắt đầu rộn ràng trên cây cerise trong góc vườn. Cặp chim Áo đỏ cũng đã trở về. Chúng tất bật đuổi nhau, chuyền từ cành nọ sang cành kia, điệu bộ rất vui vẻ. Mùa Xuân là mùa cây cỏ hồi sinh, không vui sao được. Chính Huệ Khanh cũng cảm thấy như trong người đang chảy một giòng máu mới đầy sinh khí. Nàng định bụng thứ bảy sẽ đón Trung về nhà và gọi gia đình con gái tới chơi. Nàng sẽ làm chả cá Lã Vọng và nấu nồi bún bò Huế, những món mà Trung rất thích ăn. Ngày thứ sáu Huệ Khanh sẽ làm món bánh flan. Món này cả nhà đều thích. Nàng đã làm xong danh sách những thứ cần mua cho bữa ăn cuối tuần.
Thế nhưng, cái câu " người muốn nhưng trời định" sao mà đúng y như rằng. Sáng sớm thứ năm, Huệ Khanh đang còn ngủ thì điện thoại reo. Người y tá trong trung tâm báo tin Trung vừa bị té. Họ đã gọi ambulance. Huệ Khanh vội vàng thay quần áo, quên cả chuyện trang điểm, chạy hộc tốc vào trung tâm. Nàng đến vừa lúc họ sửa soạn đưa Trung xuống ambulance đem vô nhà thương. Thấy vẻ mặt chồng tỏ vẻ rất đau đớn, Huệ Khanh lo quá. Nhưng chỉ biết nắm tay chàng và luôn miệng dỗ dành. Theo lời y tá trực của trung tâm thì không hiểu sao sáng nay Trung vừa bước xuống giường thì té nhủi nằm luôn dưới sàn nhà. Có vẻ như chàng muốn vào toilettes. Lúc họ đưa đi, Trung nhất định không chịu buông tay vợ nên Huệ Khanh đành để xe đó và lên ambulance đi với chồng vào nhà thương.
Sau khi chụp quang tuyến, hình ảnh cho thấy Trung bị gẫy xương hông và tất nhiên phải làm phẫu thuật. Không hiểu linh tính báo trước thế nào mà khi nghe nói phải mổ, Huệ Khanh bỗng hồi hộp lạ thường. Nỗi bất an xâm chiếm trong lòng mạnh đến nỗi nàng phải chạy vào toilette gần đó, vốc nước thật lạnh rửa mặt cho tinh thần tỉnh táo trở lại. Cuối cùng thì Huệ Khanh cũng đành chấp nhận. Chuyện gì tới ắt phải tới. Nàng chỉ còn biết cầu nguyện ơn trên ban phước lành cho Trung tai qua nạn khỏi. Ca mổ thành công tốt đẹp. Huệ Khanh vào với chồng từ sáng đến chiều tối mới về. Hằng ngày Bác sĩ bắt bệnh nhân phải thổi vào một cái ống, đầu kia là những quả banh nhựa nhỏ như viên bi. Thổi hơi ra thật dài cho những viên bi phải nhảy lưng tưng, rồi hít vào 1 hơi cũng thật dài. Mỗi ngày phải thổi nhiều lần. Mục đích cho 2 lá phổi có đủ oxygène ra vào để không bị xẹp vì nằm nhiều quá. Nhưng với một người mất trí nhớ thì thật là vạn nan. Trung thổi vài ba lần là nhắm mắt ngủ hoặc mím miệng không chịu thổi tiếp! Kết quả thật tệ hại, vì chỉ 2 tuần sau là chàng bị viêm phổi nặng. Nhìn chồng thở khò khè và oằn người bởi những cơn ho xé phổi, Huệ Khanh cảm thấy tâm can mình như bị cào xé. Nhưng đành bất lực, ôm chồng trong trong tay mà nước mắt lưng tròng! Nàng chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện liên miên.
Sau những biến chứng liên tiếp thì các bác sĩ đành bó tay. Trung ra đi sau một tháng nằm bệnh viện. Đối với nhiều người, sự ra đi của Trung là một giải thoát cho chàng, mà cũng là một giải thoát cho Huệ Khanh. Nhưng đối với nàng, chàng ra đi để lại một khoảng trống không nhỏ. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Huệ Khanh cảm thấy hụt hẫng một thời gian khá dài mới lấy lại được thăng bằng. Từ khi nàng xin nghỉ không lương cho đến lúc Trung mất chưa đầy 1 năm. Huệ Khanh đã có thì giờ bán căn nhà lớn và dọn vào một condo nhỏ xinh gần nhà con gái. Yên ổn rồi nàng xin trở lại nhiệm sở cũ. Làm việc cho Chính phủ lợi ở chỗ đó. Hằng và Kim là hai người nâng đỡ tinh thần Huệ Khanh rất nhiều trong thời gian qua. Nàng chân thành biết ơn họ. Tình bạn cũng nhờ đó trở nên khắn khít hơn. Sáu tháng sau ngày Trung mất, Hà và Kim rủ:
-Tuần tới là sinh nhật của Kim. Chị Khanh tới chơi nha. Tụi em chỉ mời ít thôi. Toàn bạn thân không hà.
Nhưng Huệ Khanh lắc đầu, xua tay:
-Thôi em ơi. Anh Trung mất mới sáu tháng. Chị đi chơi thiên hạ xầm xì không tốt!
Kim giẫy nẫy:
-Trời! Chị tới chỉ ngồi nghe bọn em ca hát chứ chị có lên sân khấu đâu mà sợ. Ai nói gì em sẽ cho một trận.
Huệ Khanh phá lên cười:
-Khiếp! Cứ như bà chằng lửa. Thôi được chị sẽ tới. Muốn chị phụ món gì nói mau.
Kim ôm vai Huệ Khanh, hôn chụt vào má:
- Như vậy mới ngoan chứ. Sinh nhật của em đâu thể vắng mặt chị. Cho em xin món bún xào cua nha. Chị làm món đó là ngon nhất.
Trái với sự lo ngại của Huệ Khanh, bạn bè tỏ ra rất vui khi gặp lại nàng. Thế rồi lần nọ kế tiếp lần kia. Hôm nay là lần thứ mấy Huệ Khanh đến dự party nhà Kim cũng chẳng nhớ rõ...Chỉ nhớ là lần trước cách đây 2 tháng nàng đã gặp vợ chồng người anh ruột của Kim ở bên Úc sang chơi. Hai ông bà ở Victoria. Bà vợ cũng trạc tuổi Huệ Khanh. Ông là dân du học trước 75. Sau khi mất nước thì ở lại luôn và kết hôn với bà là dân tị nạn giống như Huệ Khanh. Ông đã về hưu nên 2 ông bà sang Montréal thăm em gái. Kim giới thiệu nàng với anh chị và Huệ Khanh mường tượng như đã gặp Huyền, chị dâu của Kim, ở đâu rồi thì phải.
Khoảng 10 giờ, hai bà rủ nhau lên lầu để tránh cái không khí ồn ào và nóng nực ở dưới basement. Lúc này bà Huyền mới hỏi có phải trước kia Huệ Khanh đã từng học trường Văn Học của thầy Nguyên Sa? Hỏi ra thì hai người học cùng lớp. Nhưng Huệ Khanh ngồi bàn đầu, còn Huyền ngồi phía sau, cách ba bàn nên Huệ Khanh không nhớ rõ lắm, chỉ mài mại. Mừng ơi là mừng. Những ngày sau đó Huệ Khanh mời vợ chồng Huyền đến nhà dùng cơm và tháp tùng đi chơi với họ khi có thì giờ. Kim đã chụp rất nhiều hình cho Huệ Khanh và vợ chồng Huyền để kỷ niệm. Hai bà bạn như được sống lại những ngày còn cắp sách đến trường. Đã một năm từ ngày Trung mất đi, đây là những giây phút mà Huệ Khanh cảm thấy thật sự rất vui.
Hai tuần sau vợ chồng Huyền sang Cali trước khi trở về lại Úc. Hai bà bạn đã trao đổi email để thường xuyên liên lạc. Cho đến một ngày, cách đây hai tuần, sau bữa cơm tối Huệ Khanh ngồi vào trước máy vi tính xem điện thư như thường lệ. Nàng bỗng chú ý đến một bức thư lạ đề "Thư thăm", tên người gửi là Sơn Trần. Huệ Khanh tò mò mở ra xem. Một tấm ảnh úa mầu hiện ra trên màn hình khiến Huệ Khanh kinh ngạc đến há hốc miệng và...bủn rủn tay chân. Nàng ngồi im lặng, mắt đăm đăm nhìn hình ảnh cô gái trẻ trên màn hình, trái tim run lên như muốn ngừng đập.
Cô gái trong tấm ảnh úa màu với nụ cười tươi và cặp mắt trong veo đầy nét ngây thơ. Chiếc băng đô màu tím trên đầu... Đây không phải là mình sao? Huệ Khanh của năm 17 tuổi đây mà. Tấm ảnh này Sơn đã chụp cho nàng trước ngày Sơn lên máy bay sang Úc tu nghiệp và...kẹt lại luôn.
Huệ Khanh không ngờ Sơn vẫn còn giữ nó. Sau khi cảm xúc lắng xuống dần, nàng mới đọc hàng chữ bên trên tấm ảnh và không khỏi chớp mắt cảm động: "Công Chúa có nhận ra hình ai đây không?" Trời! Chỉ một hàng chữ thôi mà xiết bao tình ý. Những kỷ niệm tràn về như nước vỡ bờ. Huệ Khanh nhắm mắt lại, hít một hơi dài để trấn áp xúc cảm. Sơn. Sơn của những năm nàng còn là một cô thiếu nữ thơ ngây. Chưa bước chân vào đời, nhưng trong tim đã đầy ắp hình bóng chàng. Những lần Sơn đón nàng từ nội trú để đi ci né, đi ăn và lần đi xa nhất là Thủ Đức.
Cũng chính lần đó, trong vườn măng cụt của gia đình chàng, Sơn đã chụp cho nàng tấm ảnh này sau khi đã trao nhau một nụ hôn nồng nàn. Có lẽ nhờ nụ hôn mà đôi môi nàng đỏ thắm và cặp mắt long lanh...long lanh. Hai tuần nữa chàng sẽ lên đường đi tu nghiệp bên Úc và Sơn muốn có tấm ảnh của Huệ Khanh để mang theo. Đúng ra Huệ Khanh cũng có giữ 1 tấm hình của Sơn, nhưng khi kết hôn với Trung thì nàng đã hủy nó rồi. Xem như vĩnh biệt mối tình đầu. Để dĩ vãng ngủ yên. Giờ đây, tấm ảnh cũ và giòng chữ đã khơi dậy tất cả những gì Huệ Khanh muốn quên. Ừ, mà có lẽ mấy ai quên được mối tình đầu? Trái tim lúc đó còn sạch như tờ giấy trắng nên mới in đậm những rung động đầu đời đến như thế. Bỗng dưng Huệ Khanh nhớ tới một câu trong bài hát của ns Trịnh Công Sơn "Tưởng rằng đã quên, cuộc tình đã yên..." Đúng. Tưởng rằng quên, nhưng nó vẫn còn đó. Hằn sâu trong ký ức, chỉ chờ dịp là trồi lên!
Sau rất nhiều đắn đo, cuối cùng Huệ Khanh cũng bấm reply "Chào anh Sơn. Huệ Khanh đây. Anh khỏe không?"
Hầu như ngay tức khắc, thư trả lời của Sơn hiện lên màn hình"Anh còn tưởng Huệ Khanh không thèm trả lời anh nữa chứ. Anh khỏe. Huệ Khanh thế nào?"...Thư qua thư lại, cuối cùng Huệ Khanh đi ngủ vào lúc 1 giờ sáng. Khó khăn lắm mới viết được câu giã từ, vì ngày mai nàng còn phải đi làm sớm. Qua lời kể của Sơn thì ông xã của Huyền là bạn của chàng từ mấy mươi năm qua. Sau 75, Sơn bị kẹt lại luôn bên Úc. Chàng xin được tị nạn và kiếm việc làm. Trong sở, chàng gặp ông xã của Huyền và họ trở thành bạn thân. Cách đây mười năm, Khi Sơn li dị với cô vợ người bản xứ thì cũng nhờ cặp này an ủi, săn sóc, không để cho Sơn cô đơn buồn bã. Tuy lấy nhau không hẳn là vì tình yêu, nhưng chia tay rồi cũng cảm thấy buồn.
Hôm hai người từ Mỹ về có mời Sơn đến nhà ăn cơm và khoe những hình ảnh chụp chuyến viễn du qua xứ Canada và Mỹ. Thấy hình Huệ Khanh, Sơn kinh ngạc tột độ. Sau khi dò hỏi tên và biết chắc là nàng thì Sơn bèn thành thật kể lại mối tình của hai người cho vợ chồng Huyền nghe. Lúc biết được Huệ Khanh bây giờ đã trở lại tình trạng độc thân, Sơn đã mạnh dạn xin email của nàng. Trước khi từ giã, Sơn muốn hai người liên lạc qua Sky nhưng Huệ Khanh không chịu:
-Em bây giờ già lắm. Gần sáu mươi tuổi rồi còn gì. Nhìn em anh sẽ thất vọng...
- Không đời nào. Huệ Khanh vẫn mãi mãi là công chúa nhỏ trong lòng anh. Em quên là anh đã xem hình em chụp với vợ chồng Huyền hay sao? Em vẫn rất xinh đẹp. Hơn nữa Huệ Khanh nên nhớ rằng anh bây giờ cũng là cụ ông suýt soát thất tuần rồi đấy nhé. Anh về hưu hai năm nay rồi đấy. Anh cũng có 2 cháu nội rất dễ thương.
Huệ Khanh bật cười, tự thấy mình ngớ ngẩn. Ừ thì nàng già đi, nhưng Sơn cũng đâu có đứng dậm chân tại chỗ. Chàng cũng phải già đi theo thời gian chớ bộ! Đêm đó Huệ Khanh trằn trọc đến 3 giờ sáng mới chìm vào giấc ngủ. Nàng gặp lại Sơn trong mơ. Sơn và Huệ Khanh của những năm trước ngày mất nước. Cả hai dung dăng dung dẻ trong vườn măng cụt Thủ Đức. Nhưng khi họ sắp hôn nhau thì đồng hồ báo thức reo. Huệ Khanh giật mình, ngơ ngác mất mấy giây...mới nhớ lại tất cả những gì xảy ra tối hôm trước. Nàng bước xuống giường với tâm trạng rất vui. Nhưng khi đứng đánh răng, nhìn vào gương Huệ Khanh bỗng cảm thấy băn khoăn. Nàng tự hỏi không biết nàng có lỗi gì với Trung khi nối lại tình xưa với Sơn hay không? Nhưng chắc gì họ sẽ nối lại? Hơn 40 năm trôi qua, biết bao nhiêu vật đổi sao dời...Nhưng thôi, thắc mắc làm gì. Tối hôm qua, Sơn nói sẽ thu xếp qua thăm Huệ Khanh một chuyến. Sớm nhất có thể. Vậy để chàng qua rồi xem sao. Nếu còn duyên thì... sẽ tính.
Chuyện này Huệ Khanh vẫn còn giữ kín chưa kể cho Hằng và Kim nghe. Nhưng bữa nay nàng cố ý đến sớm. Một là để phụ Kim một tay, hai là để kể cho Hằng và Kim nghe chuyện của nàng và Sơn trước khi khách tới. Huệ Khanh sẽ hỏi ý kiến hai quân sư quạt mo này. Ba cái đầu nhất định sẽ sáng hơn một cái...
Mãi suy nghĩ, Huệ Khanh lại chạy qua khỏi ngã tư quẹo vào nhà Kim.
Nàng chặc lưỡi: đành phải quay lại lần nữa. Ơi, Có lẽ tơ lòng của nàng với Sơn vẫn còn vương nhiều quá!
Tiểu Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét