Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Trúc Mai



      Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đành lỗi ước với Kim Trọng, nàng than thở có câu:

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. 

 Và, đoạn diễn tả cảnh của Kiều lúc sống đầm ấm với Thúc Sinh: 

Một nhà xum họp trúc mai, 
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.

      "Trúc mai" là cây trúc và cây bương. 
      Trúc thuộc một loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá to có thể dùng gói bánh. Thân to dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, người ta gọi là bông mai, thường bó làm chổi, gọi là chổi bông mai. Mai này không phải cây mơ, nở hoa trắng về mùa xuân.
      Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao "Lính thú ngày xưa" có câu: 
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.

       "Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thủy. Vì trúc và mai là giống cây có đốt thẳng lóng ngay (tiết thẳng); và suốt đời không thay đổi đốt, lóng ấỵ Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt, như đốt trúc), không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn được lời thề. 
      Hai người thề bồi với nhau, người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thề) với người kia. 
      Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật: người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả cái nợ cho người chủ nợ, như thế là tức là người giữ trọn lời thề. 
      Hình dung bằng cây trúc, cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay tiết thẳng. 
      Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn. 
      Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không phải là cây tre và cây bương.
      Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược. Nghĩa là Tre làm mai mối. 
      "Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút": 
      Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm (hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ). 
      Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau: 
- Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngã. 
Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyền với nhau rằng: hể hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi. 
      Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như lóng tre chưa chẻ. 
      Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm". Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai mối. 
Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền. 
(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.) 
Nguyên văn: 
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn. 

     "Một nhà xum họp trúc mai" là mai trúc ở chung nhau tức là vợ chồng xum họp. 

Trích Điển Hay Tích Lạ Kim Phượng sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét