Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Tiếng Việt Trong Sáng

Tiếng Việt là một sinh ngữ, nó có đời sống của nó, có những yếu tố tạo thành (các từ loại), có những đặc tính riêng biệt, có những qui luật sử dụng lúc nói hay khi viết (văn phạm). Trải bao thăng trầm của lịch sử nước Việt, nó cũng bị ảnh hưởng, lúc suy lúc thịnh. Làm sao bắt mạch được sự sống của nó để hiểu những nguyên nhân làm nó suy yếu, những yếu tố làm nó lớn mạnh hầu thanh lọc hóa và trong sáng hóa tiếng Việt?


Trước hết, chúng ta thử định nghĩa vài chữ tiếng Việt để cùng nhau có chung một hiểu biết không nhầm lẫn với nhau:


  • Âm vị (phonème) (âm là âm thanh, vị là đơn vị) : thành phần nhỏ nhất của một ngôn ngữ về phương diện âm thanh. Có thể dùng để đánh vần.

Tiếng Việt có 37 âm vị chia ra làm :

* 12 nguyên âm : a, ă, â, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư;

* 25 phụ âm: b, c, ch, d, đ, g (gh), gi, h, k, kh, l, m, n, ng (ngh), nh, p, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.


  • Âm vận: nói chung đó là đặc điểm về phương diện âm hưởng (tiếng vang, tiếng vọng) của một ngôn ngữ, bao gồm cả: âm, thinh, vần, là điều cần thiết để làm thơ và nhạc, cho đúng qui luật của thơ phú. Ví dụ:

* Đại, ngại: thuộc vần ‘ai’,

* Tao, lão: thuộc vần ‘ao’.

12 nguyên âm có thể kể là vần đơn, nhưng ta có thể tạo nhiều âm vận (hay vần khác) bằng cách:

  1. Ghép hai hay ba nguyên âm lại thành 1 vần khác: ai, ay, ao, an, âu, eo, iu, ưu, uôi, uây...

  2. Ghép một, hai nguyên âm với một hoặc hai phụ âm thành :

Ác, am, an, ang, anh, im, in, ich, inh, iêng, uông, ương...

Do, đó, ta có thể nói tiếng Việt có nhiều thinh âm.


- Âm giai: Trong Việt ngữ, các giọng lên cao, xuống thấp, có thể được chia làm hai loại âm giai :

* Phù (= bổng, thanh): không dấu, hỏi, sắc, sắc nhập (sắc nhập là những tiếng dấu sắc có ở cuối c, ch, p, t. Ví dụ: các, cách, cáp, cát) ;

* Trầm (= trọc): huyền, ngã, nặng, nặng nhập (nặng nhập là những tiếng dấu nặng có ở cuối c, ch, p, t. Ví dụ: bạc, bạch, lạp, bạt)


- Thinh: Như vậy tiếng Việt có 8 thinh: 4 phù, 4 trầm.

Nhờ tính cách giàu  thinh ấy mà tiếng Việt có khả năng diễn tả tình cảm rất dồi dào, cộng thêm ngữ khí (sức mạnh, tinh thần biểu lộ nặng nhẹ, êm dịu...) diễn tả qua lời văn và giọng nói có thể đánh động, thu hút tâm hồn người nghe. Ví dụ: 

* Bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trải có ngữ khí hào hùng.

* Giọng của Thanh Nga trong vở tuồng “Tiếng Trống Mê Linh” thật thấm thiết làm sao.


- Ngữ tố: Một tiếng đơn vận phối hợp với một hoặc nhiều tiếng đơn vận khác để tạo nên một tiếng có từ - loại nhất định. Ví dụ:

* danh từ ‘anh hùng’ : do sự phối hợp của 2 ngữ tố ‘anh’ + ‘hùng’

* danh từ ‘người thợ bạc’ : do sự phối hợp của 3 ngữ tố ‘người’ + ‘thợ’ + ‘bạc’.

Ngữ tố chỉ định những thành phần của các tiếng phức vận (nhiều âm) và tiếng ghép.


- Tự ngữ: Một tiếng đơn vận hoặc một tiếng ghép gồm nhiều ngữ tố hợp lại thành một từ loại nhất định. Tự ngữ chỉ chung những tiếng đơn , tiếng ghép và tiếng phức vận. Ví dụ :

* anh, anh hùng, chị hàng rong, đi tới, đi lui (3 chữ đầu là danh từ, 2 chữ sau là động từ).


- Từ ngữ: Nhiều tự ngữ đứng chung với nhau làm một bộ phận trong một mệnh đề. Các tự ngữ có thể cùng thuộc một từ loại hoặc thuộc nhiều từ loại khác nhau. Ví dụ:


* Bồi dưỡng tiếng mẹ là một bổn phận công dân.

  ┗━━━━━┛  ┗━━━┛               ┗━━━━┛┗━━━━┛

    động từ     danh từ              danh từ    danh từ

        ┗━━━━━━━━━┛                     ┗━━━━━━━━━┛

          từ ngữ                                từ ngữ


- Tiếng: 1-ngôn ngữ (tiếng Việt)     2-ngữ tố     3-tự ngữ (=chữ).

- Âm điệu: 1- nhịp điệu (rythme) nhanh, chậm,

2- giọng (intonation) cao, thấp, trong, trong âm nhạc và thi phú.

- Âm hiệu: nốt nhạc.

- Âm hưởng : Tiếng vang, tiếng vọng lại (sonorité, écho).


- Âm sắc (timbre): tính chất khác nhau giữa hai âm cùng độ cao và độ to của hai nhạc cụ hoặc hai ca sĩ, làm ta có thể phân biệt được hai nhạc cụ hoặc hai ca sĩ khác nhau.

- Âm tiết (syllabe): 1- đơn vị phát âm nhỏ nhất của một tự ngữ đơn vận hoặc đa vận.

Ví dụ : chữ ‘thanh thản’có hai âm tiết (ngữ tố, âm tố).

- Giọng (accent): Giọng Bắc, Giọng Trung, Giọng Nam.


BÂY GIỜ TA THỬ TÌM HIỂU ĐẶC ĐIỂM CỦA TIẾNG VIỆT:


1/- Mỗi lần tiếp xúc với một nền văn hóa mới, tiếng Việt lại có dịp thâu đạt một số ngôn từ của nền văn hóa này.


Đầu tiên, nước Việt Nam tiếp xúc với nền văn hóa Ấn Độ qua sự truyền bá của Phật Giáo. Phật Giáo truyền vào nước ta trực tiếp bằng đường biển : các nhà sư theo các thương-nhân (con buôn) đến nước ta vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch. Sự kiện này được minh chứng bằng các dữ kiện sau đây :


- Vào khoảng 300 năm trước Tây Lịch, hoàng đế A Dục của Ấn Độ có gởi nhiều phái đoàn truyền giáo ra khắp các nước. Phái đoàn, do hai vị thánh tăng Sona và Uttora, đã tới vùng đất vàng (Suvannabhūmi), tức là vùng Đông Nam Á : Thái Lan, Cam Bốt, Ai Lao, Việt Nam. Ở Thái Lan có tháp thờ hai ngài, chứng tỏ hai ngài có tới đây.


- Theo sử liệu Trung Hoa, di tích một bảo tháp A Dục được xây dựng ở Giao Châu, tại thành Nê Lê (ngày nay ở Đồ Sơn, cách Hải Phòng 12 cây số).


- Sử tích công chúa Tiên Dung, con vua Hùng Vương thứ 3, kết duyên với anh chài lưới nghèo Chử Đồng Tử, được ghi lại trong sách “Lĩnh Nam Trích Quái”. Không được vua Hùng Vương chấp nhận, hai vợ chồng phải cố làm lụng buôn bán với các thương nhân nước ngoài, rồi trở nên giàu có. Sau Chử Đồng Tử gặp được nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ, truyền Pháp cho tại núi Quỳnh Viên nằm ở cửa Nam Giới hay cửa Sót. Hai vợ chồng bỏ việc buôn bán, theo nhà sư để tu học và trở thành người thiện nam và tín nữ, Phật Tử đầu tiên của dân Việt.


Thiên niên kỳ thứ III trước Công Nguyên ứng với giai đoạn đầu thời đại Đồ Đồng. Trong giai đoạn lịch sử này, tiếng Việt chuyển biến nhiều chữ Pāli thành chữ thuần Việt, như :

- Áp: ý nghĩa ‘áp sát 2 bề mặt’, Pāli: Api,

- Ba láp: tầm phào, không đứng đắn, Pāli: Palāpa,

- Bát: đồ dùng để đựng cơm, canh, nước, Pāli: Patta,

- Bồ: bạn thân, Pāli : Bho,

- Búp: nụ hoa sắp hé nở, Pāli : Puppha,

- Bụt (theo cách gọi dân gian) : Phật, Pāli: Buddha,

- Cạp: cắn dần từ ngoài vào, gặm, Pāli: Cappeti,

- Cha: gian nhỏ lợp một mái tiếp vào nhà chính, Pāli: Chada,

- Đong: Đo thể tích chất lỏng hoặc chất rời, Pāli: Dono,

- Già: có tuổi, Pāli: Jarā,

- Kham: chịu đựng, Pāli: Khamā,

- Đanh đá: lời nói chua ngoa, Pāli: Dandha,

- Đau khổ: Ưu sầu, khổ sở, Pāli: Dukkha.


Chữ khoa đẩu là chữ tiếng Việt xưa có thể chịu ảnh hưởng của chữ Pāli, cũng như chữ của người Chàm, là loại chữ khoa đẩu, vì Chàm cũng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và Phật Giáo.


Chữ khoa đẩu, hình giống con nòng nọc, được tìm thấy trên những phiến đá ở thung lũng Sapa, trên binh khí đồng thanh hóa, trên lưỡi cày Đông Sơn, trên trống đồng Lũng Cú ở Hà Tuyên. Sử sách Trung Hoa cũng có ghi chép những thứ chữ khoa đẩu của người phương Nam, cho ta nghĩ tới giả thuyết về sự tồn tại của một văn tự phương Nam “trước Hán và khác Hán”.


Nhà Thục (An Dương Vương) làm vua được 50 năm, đã đổi tên nước Văn Lang của Hùng Vương thứ 18 thành Âu Lạc, đã xây Cổ Loa Thành để chống cự với Tần Thủy Hoàng nước Tàu, nhờ đó đã tồn tại được đến năm 207 TCN mới bị một viên tướng của Tần Thủy Hoàng là Triệu Đà tiêu diệt. Nước ta bị lệ thuộc lần thứ nhứt từ 207 đến 111 TCN. Sau đó bị lệ thuộc 3 lần nữa, tất cả hơn một ngàn năm.


Trong thời lệ thuộc, nước (xâm lăng) thực dân đã áp đặt văn hóa và ngôn ngữ của họ, nên chữ khoa đẩu đã biến mất và xuất hiện một thứ chữ mới là chữ Hán hay chữ Nho. Nhưng nhờ thông minh và tài trí, ông bà ta đã chuyển biến chữ Hán thành chữ Hán Việt để tránh sự nô lệ văn hóa hoàn toàn và vẫn giữ được tiếng Việt trong sự giao tiếp giữa người Việt với nhau, khiến người Tàu không hiểu chúng ta nói cái gì.


Theo học giả Lê Ngọc Trụ: “Ta đọc chữ Hán ra giọng Hán Việt theo cách phiên thiết của tự điển Trung Hoa. Lối phiên thiết (phiên: trở trái lại / thiết : cắt) là lối nói lái có hệ thống. Chữ Hán là lối chữ biểu ý, không thể căn cứ vào mặt chữ mà phát âm. Người ta mới dùng lối '‘nói lái'’ mượn hai chữ để chuyển biến : lấy phần âm khởi đầu của tiếng thứ nhất ráp với phần vận của tiếng thứ nhì hoặc “nói lái” hai tiếng ấy”. Ví dụ : Ha với Cam thành Ham.


Do đó, tiếng Việt trở nên phong phú vô cùng với kho dự trữ chữ Hán sau lưng, bao gồm dạng chữ ghép sau đây: Việt-Việt, Việt-Hán, Hán-Việt, Hán-Hán (dĩ nhiên là loại Hán đã chuyển biến) :

-Chữ Việt-Việt: lời thề, khuyên dỗ, đừng khui, lộn xộn ;

-Chữ Hán-Việt: học hỏi, phòng ngừa, tội lỗi, cao thấp, đầu đuôi, trầm bổng ;

-Chữ Việt-Hán: chia ly, khen thưởng, kiện tụng, rèn luyện ;

-Chữ Hán-Hán : an bài, ẩm thực, bình an, sơn thủy, y phục.


Trên đây, ta thấy những chữ Hán chuyển biến này đã trở thành chữ Việt gần như thuần túy.


2/- Tiếng Việt rất giàu thinh âm


Ta có thể nói tiếng Việt có hầu hết tất cả những thinh âm của ngôn ngữ loài người ; người Việt-Nam có thể đi khắp thế giới để học nói ngôn ngữ các nước khác một cách dễ dàng. Tiếng Việt có khả năng vô vàng để sáng tạo những tiếng tượng thanh. Như trên, ta đã thấy tiếng Việt có 8 thinh chia ra làm 2 loại âm giai 4 phù và 4 trầm:

-Phù: Ma, mả, má, mác (hoặc: mách, máp, mát),

-Trầm: Mà, mã, mạ, mạc (hoặc: mạch, mạp, mạt)...


Nhờ những thinh âm trầm, bổng, tiếng Việt có năng lực diễn tả tình cảm trong thi văn rất dồi dào. Ví dụ:

- Phù: hoan hỷ, phấn khởi, nắc nẻ, hăng hái, bức xúc,

- Trầm: quạnh quẽ, đìu hiu, buồn rầu, rũ rượi, ...



3/- Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm (monosyllabe) và phối vận:


- Đơn âm: Mỗi chữ có một âm hiệu (nốt) mang một ý nghĩa riêng biệt, có một phận sự ngữ pháp nhất định (Lê Văn Lý).


- Phối vận: Theo giáo sư Bùi Đức Tịnh (trang 195) : “Ngôn ngữ phối vận là ngôn ngữ trong đó mỗi tự ngữ gồm một ngữ tố chính chỉ ý nghĩa tổng quát, phối hợp với những ngữ tố phụ bổ túc cho ý nghĩa ấy bằng một đặc tính đặc biệt, hoặc chỉ mối quan hệ giữa tự ngữ và ý nghĩa của câu”


Tiến sỹ Lê Văn Lý và nhiều nhà ngữ học khác đều cho rằng tiếng Việt là đơn âm, riêng GS Bùi Đức Tịnh chủ trương tiếng Việt là phối vận. Tôi thấy 2 ý kiến này không đối chọi nhau một cách tuyệt đối hay triệt tiêu nhau, nên tôi vẫn giữ ý kiến này : bên nào cũng có lý.


Nhờ là đơn âm nên tiếng Việt có khả năng cấu tạo và sáng chế từ ngữ rất tài tình.


a/Ta có thể kết hợp chữ này với một chữ khác, tạo thành một chữ thứ ba. Ví dụ : thợ may, nông nghiệp, cấy lúa.

b/ Đôi khi một chữ có nhiều ngữ tố : 1 chính và nhiều phụ để diễn tả một sự vật hay 1 ý niệm. Ví dụ : ký sinh trùng (‘trùng’ là ngữ tố chính), nhân sinh quan (‘nhân sinh’ là 2 ngữ tố phụ).

c/ Ta có thể thay thế chữ này bằng chữ khác, hoặc hoán chuyển vị trí 1 chữ trong 1 câu, nên việc sáng tác văn, thi, nhạc, rất phong phú.

d/ Ta có thể thay thế cách trình bày những bản nhạc Việt-Nam theo thể điệu Jazz để làm phong phú hóa nền âm nhạc nước nhà và hội nhập vào nền âm nhạc thế giới. Gần đây, có nhạc sỹ Nguyên Lê, con của giáo sư sử học Lê Thành Khôi, đã khai thác lối nhạc này và đã nổi tiếng hoàn cầu. Có ca sỹ Bích Chiêu cũng hát nhạc Việt-Nam theo thể Jazz, được người ngoại quốc rất ngưỡng mộ, nhưng phong trào vẫn còn phôi thai lắm.

e/ Ta có thể nói trại, nói ríu (hay là thúc vận). Ví dụ : ông ấy ổng, bà ấy bả, bên ấy bển, ngoài ấy ngoải, đằng ấy đẳng, hồi nãy + đến giờ nãy giờ.



4/- Ngữ pháp tiếng Việt đặt qui tắc xuôi chiều trong tương quan giữa thành phần được chỉ định và thành phần chỉ định


Thành phần có thể là 1 tự ngữ, 1 từ ngữ, 1 mệnh đề hay 1 câu, khác với chữ Tàu. Ví dụ:

- Cây lúa, tiếng hò (là 1 tự ngữ) : ‘cây’ ‘tiếng’ là cái được chỉ định đứng trước, ‘lúa’ ‘hò’ là cái chỉ định đứng sau.

- Chiếc lá vàng (là 1 từ ngữ) : ‘chiếc lá’ là danh từ được chỉ định đứng trước, ‘vàng’ là tỉnh từ chỉ định đứng sau.

- Mẹ ăn cơm (là 1 mệnh đề) : ‘mẹ’ là chủ từ được chỉ định đứng trước, ‘ăn cơm’ là phần chỉ định đứng sau.

- Khi tôi đọc xong, tôi sẽ hỏi anh (là 1 câu có 2 mệnh đề):


* ‘Khi tôi đọc xong’ là mệnh đề được chỉ định đứng trước,

* ‘tôi sẽ hỏi anh’ là mệnh đề chỉ định đứng sau.


Tiếng Tàu luôn luôn theo ngữ pháp đặt ngược lại trong tự ngữ, từ ngữ. Điều này giúp ta nhận diện những tiếng Hán Việt. Do đó, muốn giữ bản sắc riêng biệt của tiếng Việt khi mượn tiếng Tàu, ta nên cẩn thận. Trừ phi các thi sỹ muốn nhấn mạnh một ý nghĩa hoặc một âm vận, họ có thể đảo ngược. Ví dụ : 

- Xanh râu là Chúa, bạc đầu là Tôi.

- Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.


5/- Tiếng Việt nhờ có đơn âm nên cấu trúc có tính cách uyển chuyển, linh động


  1. Nhà ngữ học Lê Văn Lý nêu ra một câu 5 chữ có khả năng tạo ra 39 câu có ý nghĩa khác nhau, bằng cách hoán chuyển vị trí các chữ trong câu :

  • Sao nó bảo không đến?

  • Sao bảo nó không đến?

  • Sao không bảo nó đến?

  • Sao không đến bảo nó?...

Sự linh động này tạo ra một khó khăn cho người viết hoặc nói : là phải chọn lựa vị trí của các chữ trong câu để diễn tả đúng ý nghĩ họ mong muốn.


b)Nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu tìm được một loại thơ có thể đọc xuôi từ trên xuống, hay đọc ngược từ dưới lên, hoặc bỏ bớt những chữ đầu hay những chữ cuối mà vẫn giữ được hồn thơ.


- Bài thơ gốc, tác giã vô danh:


‘Ta mến canh xuân ánh sáng ngời

Thú vui thơ rượu chén đầy vơi

Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc

Lá quện hương xuân sắc thắm tươi

Qua lại khách chờ sông lặng sóng

Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người

Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng

Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười’.


- Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :

‘Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha

Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa

Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược

Sóng lặng sông chờ khách lại qua

Tươi thắm sắc xuân hương quện lá

Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa

Vơi đầy chén rượu thơ vui thú

Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta’.


- Lần lượt:


* bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc

* bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc

* bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc

* bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc

* bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc

* bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc.


c) Thi sỹ Hàn Mặc Tử cũng có một bài thơ thuận nghịch khá độc đáo:


Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương

Lạ cánh buồn thêm nợ vấn vương

Tha thiết liễu in hồ gợn sóng

Hững hờ mai thoảng gió đưa hương

Xa người nhớ cảnh hồ lai láng

Vắng bạn ngâm thơ rượu bẻ bàng

Qua lại yến ngân dân ủ lá

Hoa dàn sẵn có dế bên tường.


Cũng bải thơ này, đọc ngược lại, bỏ 2 chữ cuối,

Rồi đọc ngược lại ; rồi bỏ 2 chữ đầu câu ; rồi đọc ngược lại.


Ta mới thấy ngôn ngữ Việt thật tuyệt vời và thi sỹ thật tài tình.


d) Trong quyển sách “Thú Chơi Chữ” của tác giả Hồ Lê và Lê Trung Hoa, ta thấy tiếng Việt có thể được sử dụng để chơi chữ theo 14 cách : nói lái, đảo từ, đảo cú, dùng đồng âm, đồng nghĩa, chiết tự...



6/- Mọi từ-loại (như danh từ, động từ, tĩnh từ, đại danh từ, một con số, một phụ từ...) đều có thể làm thuật từ


Ta hãy nghe linh mục Lê Văn Lý định nghĩa thuật từ “là một tự ngữ hay một thành tự (nhóm chữ) chỉ một tình trạng hay một biến cố mà người nói muốn làm cho người khác chú ý đến. Yếu tố quan trọng nhất của một câu nói là thuật từ. Chỉ nguyên thuật từ đã đủ để làm thành câu nói” (trong nhiều trường hợp, thuật từ tương đương với một động từ). Ví dụ theo sơ thảo ngữ pháp Việt-Nam của linh mục Lê Văn Lý (trang 164) :


- Sáng ngày bồ dục muối chanh
Trưa gỏi cá chép, tối canh cá chày
(bồ dục, gỏi, canh: 3 danh từ làm thuật từ).
- Muốn biết đậu, trượt, phải đi hỏi xem
(biết, đi hỏi: 2 động từ làm thuật từ).
- Nó viết thư (viết: 1 động từ làm thuật từ).
- Thật tài giỏi (tài giỏi: 1 tĩnh từ làm thuật từ).
- Hay quá (hay: 1 tĩnh từ làm thuật từ).
- Ai đó? Tôi đây mà (ai: danh từ, tôi: đại danh từ làm thuật từ).
- Hai với ba là năm (năm: 1 số tự làm thuật từ).
- Dù sao chăng nữa, cũng tại chúng mày cả
(sao, tạ : 2 phụ từ làm thuật từ).

SAU KHI ĐÃ ĐIỂM QUA NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA TIẾNG VIỆT, TA THỬ ĐỀ NGHỊ VÀI TIÊU CHUẨN CỦA TIÉNG VIỆT TRONG SÁNG:


1) Từ ngữ sử dụng phải được chọn lựa một cách chính xác để diễn tả đúng ý nghĩ mính muốn nói, chữ đó phải có trong tự điển tiếng Việt, chữ đó có thể được dịch bằng một chữ ngoại quốc đồng nghĩa (nhưng cũng có thể không có 1 chữ ngoại quốc tương đương). Nhưng từ điển là tiêu chuẩn đánh giá sự chính xác của tự ngữ. Ví dụ : chữ HOÀNH TRÁNG tự điển ghi lớn rộng, to và sâu, như nhà lớn rộng và sâu, hay ‘ngắm cảnh non sông hoành tráng’. Như vậy, khi nói ‘bữa tiệc thật hoành tráng’là sai rồi. Có vài tác giả, khi viết, sử dụng những chữ không có trong từ điển nào cả, như vậy có nghĩa ông đã sáng chế ra những chữ này làm cho lời văn không trong sáng chút nào; rất tiếc ông cũng không viết chú thích làm cho người đọc thật bỡ ngỡ.

2)Lời nói phải đúng văn phạm Việt ngữ, chẳng hạn : tĩnh từ phải đặt sau tiếng nó bổ nghĩa, trừ phi trong thi thơ.

3)Mục đích của ngôn ngữ là để diễn tả cho người khác hiểu, chớ không phải để cho chính mình thưởng ngoạn. Nếu nói hay viết ra mà ngời khác không hiểu là có vấn đề trong sáng trong tiếng Việt.

4)Không sử dụng quá nhiều những chữ Hán hay chêm quá nhiều tiếng ngoại quốc (Pháp, Mỹ...). Có người sử dụng vì muốn khoe chữ nghĩa ; người khác thì không cố gắng tìm những chữ Việt giản dị để diễn tả vì thói quen như thế, hoặc vì đầu óc đã trở thành người ngoại quốc, không muốn thành tâm gìn giữ và lưu truyền lại cho con cháu ; kể như tiếng Việt, nước Việt đã không còn trong tâm trí họ.

5)Vấn đề phát âm, tiếng Việt có 3 cách phát âm theo 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền có những cách phát âm “ngọng” (hay sai) khác nhau :

-Miền Bắc: thường phát âm sai giữa chữ N và L, giữa chữ CH và TR. Ví dụ:


No thay vì Lo; con CHâu thay vì con TRâu.

-Miền Trung: thường phát âm sai giữa E và Ă. Ví dụ:


En thay vì Ăn , (thẺn bEn thay vì thẲng băng),

Ép thay vì Ắp: (bÉp thay vì bẮp),

Ét thay vì ắt: (cứng ngHÉt thay vì cứng ngẮt).

-Miền Nam: 

*thường phát âm sai giữa G và R, D và V. Ví dụ:

Bắt con cá Gô (cá Rô) bỏ dô gổ (bỏ Vô Rổ) ; Nó nhảy Gột Gột (Rột Rột).

*thường lẫn lộn giữa DẤU HỎI và DẤU NGÃ...


Muốn giải quyết vấn đề phát âm, cha mẹ và thầy cô ở tiểu học phải quan tâm chỉnh sửa cho con cháu và khuyến khích con trẻ tập hát. Dùng âm nhạc để chỉnh sửa cách phát âm, vì mỗi âm tố (hay ngữ tố) đều có một nốt nhạc tương ứng. Mỗi ca sỹ, mỗi khi hát đúng âm điệu, thì không còn phân biệt được là Bắc, Trung, Nam, trừ phi người đó muốn giữ âm sắc đặt biệt của mình và cũng tùy theo ngữ cảnh của bài hát. Chỉ có như thế mới giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.

Khi nghe hai người Việt trò chuyện với nhau, người ngoại quốc thường nói“như 2 con chim ríu rít”.

Thật vậy, khi nghe tiếng Việt, ta có cảm tưởng như nghe một âm thanh réo rắt, lảnh lót, dìu dặt, tíu tít, mời gọi. Tiếng Việt thật tuyệt vời, tế nhị. Nhưng điều này có hệ quả không tốt của nó : nó làm cho tâm hồn người Việt-Nam rắc rối, đến nỗi tác giả Falazzoli đã viết trong tác phẩm của ông ‘Le Vietnam entre deux mythes’ : “một sự tinh tế cố tình chẻ sợi tóc làm tư”. Người Việt Nam dễ vọng đọng, không đủ định tâm để hướng dẫn tư tưởng của mình đến chỗ tận cùng của nó, đến nỗi người Việt-Nam không hiểu cả chính mình. Có thể vì thế mà Nước ta có ít triết gia chăng ?

Một lời nói hay hành động phát xuất từ một ý tưởng, một ý tưởng được hình thành trong tâm thức. Nếu chúng ta thành tâm, thật lòng, thì giữa tư tưởng, lời nói và hành động có sự nhất quán. Nhưng nếu chúng ta không thành thật thì lời nói của chúng ta không chính xác, làm cho người khác hiểu lầm, thì lời nói ấy cũng kể như nói láo, nói khoát. Bởi thế, chúng ta cần phải chăm sóc để cho tiếng Việt được trong sáng, nếu không thì cả Nước sẽ nói khoát, nói ngọng:


Người khôn ăn nói nửa chừng

        Để cho người dại nửa mừng, nửa lo.


Nguy
ễn Tối Thiện
22/12/2024
---------------------------

Tài liệu tham khảo:


- Văn phạm Việt-Nam / Bùi Đức Tịnh / NXB Xuân Thu, 1966
- Sơ thảo ngữ pháp Việt-Nam / Lê Văn Lý / Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1972
- Dẫn nhập nghiên cứu Tiếng Việt và Chữ Quốc Ngử / Võ Long Tê (Trung tâm Nguyễn Trường Tộ) Định hướng Tùng Thư, 1997
- Hoạt động của Từ Tiếng Việt / Đái Xuân Ninh / NXB Khoa Học Xã Hội, 1978
- Sử Dụng Từ ngữ trong Tiếng Việt / PGS Hồ Lê, TS Lê Trung Hoa / NXB Khoa Học Xã Hội, 2002
- Tìm hiểu Từ Ngữ tiếng Hán / Trần Ngọc Dụng / www.tinhhoavietnam.net
- Vài cứ liệu về nguồn gốc Pāli trong kho tàng tiếng Việt / www.thuvienhoasen.org
- Truyền thống văn hóa và con người Việt-Nam / Nguyễn Tối Thiện / www.thuvienhoasen.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét