Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Rắn…


Thuở còn bé nhỏ nơi quê nhà Sao Khuê thường hay chơi trò rồng rắn với các anh chị em. Quý vị còn nhớ trò chơi này không, chừng mươi đứa trẻ xếp thành hàng dài, nắm đuôi áo nhau rồi vừa đi vừa hát “ rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm binh”, sau đó dừng bên cạnh một người làm thầy thuốc mà hỏi “thầy thuốc có nhà không”?… Lúc đó Sao Khuê thíchđóng vai thầy thuốc bởi vậy lớn lên Sao Khuê theo học về ngànhthuốc. Biểu tượng của ngành thuốc luôn có con rắn đấy ạ.

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Esculape trong một lần đi thăm bạn, giữa đường gặp một con rắn, ông nghĩ là rắn độc nên đưa cây​ gậy ra, con rắn bò lên, quấn lấy cây gậy, ông đập cây gậy để giếtcon rắn. Sau đó ông thấy có một con rắn khác bò ra, miệng ngậm một loại lá cây, làm cho con rắn này sống lại.Từ đó ôngdùng loại lá cây này để trị bệnh và cứu sống được nhiều người.

Ngành thuốc đã dùng con rắn quấn quanh cây gậy làm biểu tượng. Từ năm 1805, y khoa Hoa Kỳ dùng biểu tượng hai con rắn quấn quanh gậy với đôi cánh xòe. Ngành dược khoa dùng​ hình con rắn bò quanh cái ly tượng trưng cho ly thuốc của nữ thần sức khoẻ Hygieia.


Rắn là một con vật khôn ngoan nhất. Vì con rắn đã dụ dỗ Eva ăn trái cấm nên rắn hiện thân cho sự cám dỗ và bị Chúa nguyền “mày sẽ không còn đi được, phải bò bằng bụng và phải ăn bụi​ suốt cuộc đời”. Đức Chúa cũng dạy các con chiên “khôn ngoan như rắn và hiền như bồ câu”.

Rắn, quý vị đã từng trông thấy, tròn nhỏ và dài, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất. Rắn hiện diện khắp nơi trên thế giới. Có 20 họ rắn với trên 3500 loài, dài từ 10 cm đến 8,7 m. Rắn là loài bò sát lưỡng tính, có thể tự thụ tinh mà không cần con đực.

“Người già người chết, rắn già rắn lột”, mỗi năm rắn lột xác bốn lần, sau khi lột rắn trở nên khỏe mạnh hơn. Rắn sống được từ 10 đến 25 năm, những con lớn thì có thể sống đến 100 năm. Rắn, có loại có nọc độc và loại không độc. Loại không có nọc độc giết chết con mồi bằng cách siết chặt. Do khả năng lột da (khả năng tái sinh), có nọc độc giết người, thân thẳng đuột nhưng lại bò ngoằn nghèo và có thể cuộn tròn nên người ta gán cho rắnn​ hiều tính xấu và cả tính tốt: Rắn khôn ngoan nhưng ác độc, lươn lẹo, xảo trá, đa nghi, nham hiểm (khẩu Phật tâm xà). Rắn tượng trưng cho sinh tử, âm dương, thiện ác, luân hồi.
• Vị thần của sự Khôn ngoan biểu hiện là Nữ thần đang soi gương và trên cánh tay có một con rắn.
• Khả năng lưỡng tính của rắn tượng trưng cho sự khởi đầu của vũ trụ,
• Khả năng kéo thẳng, cuộn tròn biểu hiện cho vòng luân hồi của kiếp sống, không có khởi đầu hay kết thúc…

Đố quý vị nước nào nhiều rắn nhất?

Sao Khuê cứ tưởng là Canada, lạnh ngắt, sẽ không có rắn vi tại Montreal Sao Khuê chả thấy con rắn nào trong khi nghe nói ở Florida rắn búa xua, nằm cả trong giày, trong garage, trước cửa, trong vườn…Ai dè, vừa hỏi Google thì Sao Khuê mới biết tỉnh bang Manitoba, vùng Narcisse có một động rắn khổng lồ chứa tới 70.000 con rắn sọc đỏ, may mà chúng không độc. Mùa đông chúng ngủ trong hang, khi trời ấm thì tranh nhau bò ra giành vợ, 50 trai mới có một gái mà.

Đảo ​llha De Queimada Grande ở Brazil là nơi nguy hiểm nhấtthế giới. Nhà nước tuyệt đối cấm người lai vãng, trừ những nhà khảo cứu. Nơi đây có trên 400.000 rắn cực độc. Tuy vậy nhữngkẻ bắt trộm rắn vẫn lén đến đây để bắt rắn vì giá con rắn độc ở đây, rắn hổ lục đầu vàng, nọc độc gấp 5 lần rắn độc khác, lên tới 30.000 USD.
Nọc rắn chủ yếu dùng để chế huyết thanh điều trị người hay vật bị rắn độc cắn.




Theo tài liệu trên mạng thì:

Nọc độc của rắn được chia làm 3 nhóm chính: cytotoxin, neurotoxin và hemotoxin. Khi tấn công con mồi, rắn thường đểkệ cho con mồi chạy hoặc giãy giụa khiến chất độc lan nhanh​ theo máu. Neurotoxin sẽ làm tê liệt thần kinh, hemotoxin phá​ hủy tế bào hồng cầu, còn cytotoxin ngăn cản các enzyme tế bào hô hấp. Khi con mồi ngất ngư, rắn chỉ việc há hàm và nuốt trọn. Nọc độc của 1 con rắn có thể giết chết chừng 100 người.

Nhiều người thắc mắc: Rắn độc như vậy thì ăn thịt nó có nguy​ hiểm không? Thưa không, bởi nọc độc là hai tuyến nằm ở hàm​ của rắn chứ không nằm ở thịt. Theo y học cổ truyền: "Thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, có tác dụng trừ phong thấp, giảmđau, tiêu độc", người xưa ăn thịt rắn thấy giảm đau là vìvậy. Nọc rắn làm giảm đau nhưng không gây nghiện hay tác dụng phụ như thuốc Tây.

Khi đem rắn ngâm rượu thì người ta ngâm nguyên cả đầu với cái miệng há ra dữ tợn, vậy liệu nọc độc trong miệng ấy có gâyhại cho các đệ tử lưu linh không? Quý vị hãy yên tâm vì alcoolcủa rượu đã hủy tác dụng độc trong nọc.
 

Loài rắn độc nhất trên mặt đất là "Rắn dữ" (Fierce Snake), còn được biết là “Taipan nội địa”. Đây là loài rắn có nọc độc thuộc hạng nhất so với bất kỳ loài rắn sống trên cạn nào trên thế giới. Lượng nọc tối đa của một vết cắn là 110 mg, đủ để giết chết 100 người, hay 250.000 con chuột… 

Rắn hổ mang chúa, dài 5.4 m, dài nhất trong các loài rắn.

Theo WHO, Ấn Độ là nước mà người dân bị rắn độc làm hại nhiều nhất, chiếm ½ trường hợp trên toàn cầu và số người chết cũng trên một nửa của cả thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2019, khoảng 1,2 triệu người Ấn Độ bỏ mạng vì rắn cắn.

Tại làng Gauriganj, miền bắc Ấn Độ, trẻ em được dạy cách“chơi” với những con rắn từ lúc hai tuổi. Những người thôimiên rắn trong làng cho rằng trẻ nhỏ cần được tiếp xúc với rắn càng sớm càng tốt.

Người thôi miên rắn còn được coi là hiện thân của Thần SIVA - vị thần được mô tả có làn da màu xanh và có con rắn hổ mang quấn quanh cổ. Nhiều người tin rằng các thầy “phủ thuỷ” này có khả năng chữa lành mọi thứ. Các thầy “phù thủy” trên phố thường tạo ra bầu không khí thần bí, mặc trang phục cổ truyềnvà đem theo một chiếc giỏ chứa những con rắn hổ mang. Họchơi một thứ nhạc cụ gọi là kèn pungi, con rắn di chuyển theo âm nhạc và người xem cho rằng chúng bị thôi miên. Sự thật làrắn không có tai ngoài và cũng không hề nghe thấy tiếng nhạc. Chúng tưởng chiếc kèn Punji là vật nguy hiểm nên đứng thẳng lên, phùng mang để đối phó. Chúng lắc lư theo sự di chuyển các ngón tay của người phù thủy trên cây kèn.


Những con rắn hổ mang này đều đã bị nhổ răng độc hoặc khâu miệng, chúng bị chết trong vòng 2 tháng do tiêu hóa yếu đi.

Có thuyết cho rằng rắn là hậu duệ của rồng, không biết là cháu mấy đời vì người ta chỉ nhìn thấy rắn chưa thấy rồng dù người Việt mình vốn con rồng cháu tiên. Lạc Long Quân đã từng xuống biển chém ngư xà tức là con cá rắn hay con rắn nướchung dữ tức là con thuồng luồng : * Thuồng luồng là rắn nước, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là Giao Long, và kể rằng vuaHùng đã dạy dân chúng " lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, giống dạng thuỷ quái " để thuồng luồng tránh xa.

Năm rồi, 2024, Sao Khuê ở Chiangmai – Thaïlande 2 tuần, ngày nào cũng đi thăm chùa. Thiệt khó hiểu khi thấy tượng rắn khắp nơi được thờ cúng. Hôm nay mới vỡ lẽ, đó là tượng rắn thần Naga. Có cả tượng Phật Thích Ca được rắn thần che mưa nắng.

Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình​ dạng là con rắn “mang bành chúa” khởi đầu được thấy trong văn hóa Hindu sau rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và trong nghệ thuật tạo tượng nơi các chùa chiền Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á.

Rắn Naga 5 đầu là biểu tượng kim – mộc – thủy – hỏa – thổ. Ảnh Phạm Ngọc Dương

Trong các công trình cổ, có các hình tượng rắn 3 đầu, 5 đầu, 6 đầu, 7 đầu và 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân; 5 đầu là kim – mộc – thủy – hỏa – thổ; 6 đầu biểu trưngcho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết chóc; 7 đầu tượng trưngcho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng.

Trong những ngôi chùa ở xứ sở chùa tháp, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, từ cổng chùa đến nóc chùa, đầu đao ở nóc chùa, thậm chí trên những cánh cửa tủ đựng kinh sách…


Trong dân gian, rắn Naga cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Những chiếc xe tang luôn có hình ảnh rắn Naga, để đưa linh hồn người chết về cõi Niết Bàn.\

Trong kinh Maha, khi Đức Phật hạ thế, có con rắn (một số truyền thuyết gọi là rồng) 9 đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật.
Vào tuần thứ 6, sau khi thành đạo, bỗng nhiên có trận mưa to, gió lớn, trời tối sầm sập, mây đen kéo đến, mãng xà vương Mucakinda​ từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật để bảo vệ cho Ngài. Đầu rắn bạnh ra che mưa cho Ngài. Vì thế, mưa gió không ảnh​ hưởng đến quá trình tu tập của Đức Phật.

Ngày thứ 7, khi trời quang, mây tạnh, rắn thần rời bỏ Đức Phật, hóa thân thành một thanh niên tuấn tú, đọc lời khai sáng cho Đức Phật.
Rắn Naga còn tượng trưng cho sự thịnh vượng nên được phong làm vị thần bảo vệ mùa màng, mang nước vào sông và đồng ruộng.

Rắn Naga thường được đắp ở cổng chùa, mái chùa. Ảnh Phạm Ngọc Dương Vùng Bình Trị Thiên có câu ca dao tựa như lời chồng mắng vợ:

Con rắn không chưng (chân) nó lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con
Anh tưởng em má phấn môi son
Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni...


Để trả lời cho một vị vua đến hỏi Đức​ Phật là có nên mang binh lính đi đánh nước láng giềng vì tội xâm lăng không thì Đức Phật bèn kể cho nhà vua nghe câu chuyện con rắn độc: Trong một làng nọ, có một con rắn độc rất hung dữ. Nó đã cắn chết rất nhiều người. Một hôm có vị tu sĩ đi ngang qua ngôi làng, ngồinghỉ dưới bóng mát của gốc cây, chợt con rắn độc bò ra định cắn vị tu sĩ. Thấy sắc mặt của vị tu sĩ vẫn thản nhiên không sợ hãi, nó rất kinh ngạc.

Vị tu sĩ giảng cho nó rằng khi con cắn người là gây tổn thương cho họ, họ sẽ vô cùng đau đớn thậm chí là mất mạng. Rắn độc liền khởi tâm từ bi, từ đó nó quyết định sẽ không bao giờ hại người nữa: khẩu xà tâm Phật.

Khi thấy rắn độc không cắn người, người ở trong làng dần dần hết sợ. Họ bắt đầu trêu trọc nó, trẻ con dùng chân đạp lên đuôi, rồi ném đá khiến nó bị thương rất nặng. Nhưng dù vậy, nó vẫn không hề làm tổn thương ai và không hề muốn báo thù. Đói khát, và đau đớn khiến nó kiệt sức.

Một ngày kia, vị tu sĩ nọ lại đến, thấy tình cảnh của con rắn, thầy rất đau lòng. Sau khi đắp thuốc chữa trị, vị tu sĩ mới hỏi “tại sao con lại lâm vào cảnh ngộ này”. Rắn độc trả lời “con đã ngộ được đạo nên không cắn người nữa.”

Vị tu sĩ mỉm cười và nói rằng “ta bảo con kiềm chế bản tính hung dữ nhưng con lại làm mất luôn cả tính tự vệ của con.
Con không cắn người thì cũng phải thè lưỡi ra để mà dọa họ chứ”.
Khiếp! nhìn cái lưỡi mỏng lét, nhọn hoắt, dài thòong lòong le ra,qua trái, qua phải… thoăn thoắt, kinh thấy mồ, sợ phát ớn, đúng không quý vị?
Vậy quý vị nhớ nhé, đánh thì đau tay, cắn thì đau răng, chỉ cần hét to để dọa thôi, thêm trợn mắt nữa thì tốt.
Tại sao nữ hoàng Cleopatra lại chọn rắn Aspis để tự sát? Vì nó cắn không đau và rất đẹp quý vị ạ. Nó còn có thể leo lên cây và biết bơi. Thiệt tình, người đẹp chết cũng còn muốn rắn đẹp cắn mới chịu.


Trở về nước Việt Nam mình thì có huyền thoại cho rằng Thị Lộ vốn là con rắn hóa thân người để báo thù Nguyễn Trãi, khi ngài để các gia nhân vô tình nổi lửa giết chết bầy rắn con, khiến khai quốc công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Quý vị có nhớ chuyện nhà bác học Lê Quý Đôn nháy mắt làm xong bài thơ “ Rắn đầu biếng học” không ạ:

Chẳng phải “liu điu” vẫn giống nhà
“Rắn” đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét “mai gầm” rát cổ cha
“Ráo” mép chỉ quen tuồng lếu láo
“Lằn” lưng chẳng khỏi vết roi da
Từ nay “Trâu” “Lỗ”* xin siêng học
Kẻo “hổ mang” danh tiếng thế gia.

*Trâu, Lỗ: chỉ rắn hổ trâu. Trâu cũng chỉ nước Chu, quê hương thầy Mạnh Tử và nước Lỗ là quê Khổng Tử. “…” là tên các loài rắn

Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó khoảng 18 loài rắn độc ở đất liền và 13 loại rắn độc ở biển. Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau. Mùa mưa là mùa sinh sản của rắn, đặc biệt, khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường…

Quý vị đã thấy hình thần rắn Naga, không hiểu rắn có đi tu không. Việt Nam mình thì thường đồn nhau rằng những cặp rắn cứ chiều tối là bò vào chánh điện của sư cụ để nghe kinh. BênTầu thì có rắn tu thành người. Đó là truyện Thanh xà Bạch xà, Hai con rắn lớn màu xanh và màu trắng tu thành người, kết nghĩa với nhau như hai chị em. Bạch xà lấy được chàng thư sinh tên Hứa Tiên, sau có Pháp Hải hòa thượng vốn là con rùa đen hóa thân, bắt nhốt Bạch xà vào tháp Lôi Phong, chùa Kim Sơn thuộc Hàng Châu .

“Nam nhâm, nữ quý”, quý vị tuổi quý tị thường nhàn nhã phong lưu, khôn ngoan tuy đa nghi một tí đủ để ông chồng, bà vợ không dám đi khuya về tắt…

Thú thật với quý vị, Sao Khuê sợ rắn nhất, nhưng năm mới là năm Quý Tỵ nên Sao Khuê gồng mình, đỏ mắt viết bài này chứ nhìn hình mấy con rắn lúc nhúc, trơn trượt, rùng cả mình…Thôi, chả dám viết tiếp nữa đâu.

Sao Khuê
• Viết theo Hình ảnh và Tài liệu lấy từ trên mạng Internet.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét