Đây là bài số bảy trăm ba mươi chín (730) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Ngày xưa tôi thường nghe nói cụm từ "Năm Thìn bão lụt" ý nói là có nhiều tai họa bão lụt xảy ra trong năm Thìn. Bây giờ lớn lên tôi thấy người xưa nói đúng thật vì năm nay là năm Thìn.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ của Năm Thìn Bão Lụt đặc biệt là chu kỳ năm Giáp Thìn 60 năm gây thiệt hại rất nặng nề. Mời xem Youtube dưới đây có đúng hay không nhé.
Sự trùng hợp kỳ lạ của "năm Thìn bão lụt" | Truyền hình Hậu Giang
1-Năm Giáp Thìn 1904 ở Miền Nam
2-Năm Giáp Thìn 1964 ở Miền Trung
3-Năm Giáp Thìn 2024 ở Miền Bắc
Những đứa trẻ nạn nhân trong các cơn bão lũ ở Miền Bắc năm nay, thật đáng thương. Các em không có cơm ăn, áo mặc nhà cửa. để dung thân, nói chi là được cắp sách đến trường đi học vì các ngôi trường cũng có thể bị đổ nát chìm trong bão lũ.
Trong khi đó ở xứ Mỹ đang vào mùa tựu trường, học trò xứ Mỹ thật là sung sướng, được cha mẹ hay xe bus nhà trường đón đưa đi học an toàn. Nếu trời có tuyết lạnh thì được nghỉ ở nhà hay đi học trễ vài giờ sau.
Tôi lại lan man nhớ đến việc tôi đã đi làm thiện nguyện trong lớp Mẫu Giáo của Mya, cô cháu nội của tôi, sau khi tôi nghỉ hưu. Tôi xin kể cho bạn nghe sinh hoạt của Học Trò Xứ Mỹ xem có khác "Ngày Xưa Tôi Đi Học" không nhé.
Tôi yêu trẻ thơ nên được sinh hoạt với quý vị học sinh tí hon này là tôi vui lắm vì ít ra trong tuần, tôi có hai giờ được gần gũi với Mya để xem cô nàng học hành như thế nào ở trường và được ngắm nhìn những khuôn mặt thơ ngây, hồn nhiên của con nít.
Lớp học ở Mỹ rất đầy đủ tiện nghi, đầy đủ các học cụ cần thiết. Cô giáo có toàn quyền tổ chức, dạy học trò theo phương cách riêng của mình, miễn làm sao cho học trò lảnh hội dễ dàng những lời hướng dẫn của mình, làm đúng theo lời hướng dẫn của cô giáo, tôn trọng kỷ luật học đường là được. Dĩ nhiên là cô giáo phải theo đúng chương trình học của mỗi lớp đã được đặt ra cho toàn quốc, nhưng thầy cô giáo có thể uyển chuyển tìm thêm tài liệu, phát huy sáng kiến để dạy học trò thế nào đạt được hiệu quả cao là được rồi
Phụ huynh học sinh ở Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con em vì nhà trường cần sự hợp tác giữa phụ huynh và học đường trong việc làm thiện nguyện ở trường và giúp đỡ con em làm bài tập ở nhà.
Mỗi năm hai lần, phụ huynh được mời chính thức đến trường để nghe báo cáo về việc học của con em mình. Lần thứ nhất, một tháng sau ngày tựu trường để thầy cô giáo trình bày cho phụ huynh biết cần phải làm gì để giúp con em học ở trường. Lần thứ nhì vào cuối năm học để báo cáo cho phụ huynh biết kết quả sau một năm học. Đấy là chưa kể những lần họp bất thường nếu con em của quý vị có những vấn đề đặc biệt cần được giúp đỡ khác.
Phụ huynh người Mỹ đã được huấn luyện từ trước nên rất quan tâm và tham dự hầu hết các buổi họp của nhà trường. Phụ huynh Việt Nam hình như chưa quen với lề lối giáo dục ở Mỹ nên thường vắng mặt trong những buổi họp này.
Quan niệm của người Việt Nam là thích “giao khoán” việc dạy dỗ con em cho nhà trường vì vẫn nghĩ việc giáo dục học sinh là trách nhiệm của nhà trường, chứ không phải là bổn phận của phụ huynh như từ xưa người Việt Nam đã nghĩ và đã làm qua bao thế hệ ở Việt Nam trước đây.
Quan niệm “Quân Sư Phụ” ngày xưa đã lỗi thời rồi. Ngày nay chúng ta cần phải biết tầm quan trọng của phụ huynh đối với học đường như thế nào để giúp con em học hành tiến bộ hơn là bỏ mặc con em muốn làm gì thì làm, học thế nào thì học phụ huynh không cần biết đến.
Dù bận việc mưu sinh như thế nào, phụ huynh Việt Nam cũng cần phải đến trường nghe thầy cô báo cáo việc học của con em để biết con cháu mình cần được giúp đỡ về phương diện nào. Tại các trường học hay tại bất cứ công sở, dịch vụ nào cũng đều có thông dịch viên người Việt giúp đỡ quý vị để giúp phụ huynh hiểu rõ vấn đề. Đừng viện cớ rằng vì không thông thạo Anh Ngữ hay bận đi làm mà phụ huynh học sinh vắng mặt trong các buổi họp quan trọng liên quan đến việc học của con em quý vị. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của quý vị phụ huynh nơi đất Mỹ mà người viết cần phải chia sẻ với quý vị phụ huynh Việt Nam biết, nếu không, tôi cảm thấy áy náy làm sao đấy!
Có sinh hoạt trong các lớp học, tôi mới thấy có những trường hợp đáng thương hơn hơn là đáng ghét của những học sinh bị bịnh “over energy” tạm dịch là “quá năng động” (tôi không phải là bác sĩ hay một chuyên viên tâm lý nên không biết dịch sao cho đúng nghĩa) để nói về các học sinh bị bệnh không chịu ngồi yên một chỗ, hay đi phá phách, la hét trong lớp học.
Đứa bé trai này mặt mũi sáng sủa, dễ thương nhưng không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ nghe lời hướng dẫn của cô giáo mà lại hay phá phách, la hét làm ồn trong lớp. Có thể cậu bé này được cha mẹ nuông chiều quá độ nên muốn làm gì thì làm và cũng có thể là cậu bé bị bệnh đặc biệt, tâm trí không được bình thường. Em bé này được cho học chung trong lớp học để được sinh hoạt bình thường như các học sinh khác, nhưng khi cậu bé phá phách quá thì lại được một cô giáo thuộc chương trình “Special Education” đến dẫn lên văn phòng ngồi ở đấy một thời gian rồi mới trả về lớp. Nếu em bé này ở Việt Nam thì đã bị thầy cô giáo ”uýnh” hay bị khẻ tay, quỳ gối “mệt nghỉ” vì bị xếp vào thành phần “học trò bướng bỉnh, bất trị” hay bị cha mẹ không cho đi học vì mắc cỡ có con bị bệnh như thế. Ở Mỹ thì lại khác, tất cả trẻ em đều được bình đẳng trong việc giáo dục, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, bệnh tật v..v..
Nhìn cậu bé như thế, tôi thấy tội nghiệp, đáng thương cho cậu bé vô cùng vì thật ra cậu bé đâu muốn như thế đâu? Tôi lại nghĩ lan man đến phần phúc và duyên nghiệp mà cậu phải gánh chịu và không biết tương lai của cậu bé sẽ ra sao?
Còn biết bao nhiêu cảnh khổ khác nữa như nghèo đói cơ hàn, bệnh tật ốm đau, cuồng tâm loạn trí, nhà tan cửa nát, mất mát người thân vì thiên tai, bão lụt, chiến tranh v..v…nữa, phải không bạn?
Khi bạn và tôi còn khoẻ mạnh, có cơm ăn áo mặc đầy đủ, tâm trí bình thường, gia đình đầy đủ thì xin hãy cảm tạ Phật Trời đã ban phước lành cho chúng ta và cũng có thể, chúng ta đã làm được nhiều chuyện phước lành trong tiền kiếp, trong quá khứ nên mới được hưởng những may mắn, thiện lành trong hiện tại. Luật nhân quả là thế đấy!
Người viết xin phép được mời quý bạn đọc những lời hay ý đẹp dưới đây để chúng ta biết rằng chúng ta là những người may mắn trong hiện tại.
Bạn có là người may mắn không
1. Nếu bạn thức giấc vào buổi sáng, tươi tắn khỏe mạnh hơn là bệnh hoạn.
Bạn đã may mắn hơn cả triệu người đang hấp hối tuần này.
2. Nếu bạn chưa hề biết đến sự hiểm nguy trong chiến trận, sự cô đơn trong ngục tối
nỗi đau đớn khi bị tra tấn, sự cào cấu của cơn đói.
Bạn đã đứng trên 20 triệu người quanh thế giới.
3- Nếu bạn dự thánh lễ ở nhà thờ không hề sợ bị quấy nhiễu, bắt bớ, đánh đập, hay chết chóc.
Bạn đã may mắn hơn khoảng ba tỷ người trên thế giới
4. Nếu bạn có thực phẩm trong tủ lạnh, quần áo trong ngăn, một mái nhà che đầu và một chỗ để ngủ.
Bạn đã giàu hơn 75% số người trên thế giới.
5. Nếu bạn có tiền gửi ngân hàng, tiền trong ví, và dư dả tiền lẻ trong dĩa ở một nơi nào đó.
Bạn là một trong 8% người giàu có của thế giới.
6. Nếu bố mẹ bạn vẫn sống và còn bên nhau,
Bạn là người quý hiếm, nhất là trên xứ Hoa Kỳ này.
7. Nếu bạn ngẩng cao đầu với nụ cười trên nét mặt và thành thực tạ ơn,
Bạn rất may mắn vì đa số thì có thể, nhưng phần nhiều thì không.
8. Nếu bạn có thể cầm tay ai, ôm họ hay dù chỉ vỗ vai họ.
Bạn rất may mắn vì bạn có thể chuyển được sự hàn gắn của Chúa.
9. Nếu bạn có thể đọc thông điệp này.
Bạn đã may mắn hơn hai tỷ người trên thế giới đã không thể đọc được bất cứ điều gì.
Bạn đã may mắn trong mọi điều mà có thể bạn chưa hề biết đến.
Sự may mắn này chỉ xảy ra nếu được chuyển tiếp liên tục.
Nếu bạn là người thụ hưởng sự may mắn này, hãy tiếp tục trở thành nguồn của sự may mắn của người khác.
(Nguồn: Email bạn gửi- SL chuyển tiếp)
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 730-ORTB 1161-92524)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét