Tết Nguyên Đán. Tết của quê hương Việt Nam thân yêu. Đối với tôi, ngày đó mới thật sự được gọi là ngày tết.
Tôi quả là bạc bẽo với nước Mỹ, một quốc gia đã mở rộng vòng tay đón tiếp gia đình tôi trong lúc bơ vơ, không cửa, không nhà. Nước Mỹ đã giúp chúng tôi làm lại cuộc đời mới, đầy đủ, vững vàng, thoải mái. Vậy mà tôi chưa bao giờ có cảm tưởng đây là quê hương của tôi, chưa bao giờ tôi coi Tết của họ là tết của mình . Với tôi, đó chỉ là ngày đầu năm dương lịch.
Lẽ ra tôi phải nhận nước Mỹ là quê hương thứ 2 của tôi mới phải, vì thời gian tôi sống ở Mỹ còn dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam.
Bốn mươi năm dài đằng đẵng với bao nhiêu vật đổi, sao rời mà vẫn không làm tôi quên được những kỷ niệm ở Việt Nam, nhất là mỗi lần Tết đến .
Cái không khí rộn ràng đón tết từ ngoài chợ, ngoài đường phố như lan vào mỗi gia đình. Già trẻ, lớn bé ai cũng náo nức sửa soạn đón tết.
Bà ngoại tôi bắt chị người làm lau chùi tranh ảnh, vật dụng trang trí trong nhà cho sạch bóng. Bộ đồ trà cổ xưa quí giá bầy trong tủ kính cũng được mang ra rửa thật sạch để sẵn cho ông bà pha trà, đối ẩm đêm giao thừa .
Mỗi năm bộ đồ trà chỉ được dùng một lần vào dịp tết. Bà ngoại tôi nói bộ đồ trà này là đồ cổ vô cùng hiếm quí, bà không dám dùng thường ngày nhỡ lỡ tay làm vỡ phí đi.
Tết đến nhà tôi lúc nào cũng có một chậu mai tứ quí, hoa nở đầy từ gốc đến ngọn. Bởi vậy mỗi lần đón xuân ở đây, dù hoa đào có đẹp rực rỡ tới đâu, mẹ tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tới những bông mai vàng của những ngày tết ở quê nhà.
Chưa kể bà ngoại tôi còn cầu kỳ gọt những củ thủy tiên thật công phu. Bà tính toán làm sao mà hoa của bà bao giờ cũng nở đúng giao thừa .
Trước tết mấy tuần, bà ngoại tôi đã ngồi cặm cụi cắt củ cải, xu hào, cà rốt, tỉa thành hình hoa rất đẹp để làm dưa món. Bánh chưng mà ăn kèm với dưa món kiểu Huế của bà là tuyệt cú mèo.
Cơm tết của bà không bao giờ thiếu món thịt đông, dưa hành, cá thu kho. Bà còn nấu bóng nữa .Bóng của bà là bóng cá thứ thiệt chứ không phải “bóng bì dởm” họ giả làm bóng cá như bây giờ.
Súp vây cá của bà cũng vậy, phải là thứ vây cá hảo hạng. Tôi mê nhất là món mực khô xào với xu hào, cà rốt, món này bà làm rất công phu. Bà chọn những con khô mực thật ngon, rửa thật kỹ với nước gừng, ngâm cho mực mềm, lấy dao thật sắc thái chỉ những con mực khô cùng với xu hào, cà rốt, sau đó xào lên, rắc chút ngò vào, thơm phức. Món măng khô hầm giò heo của bà cũng rất đặc biệt. Măng khô bà luộc tới 3 lần nước. Măng của bà ăn ngon như miếng thịt gà, giò heo bà luộc sơ lên với nước muối trước, sau đó bà mới nấu, thành miếng giò heo của bà ăn rất thơm ngon. Tất cả thức ăn ngày tết tự tay bà nấu nướng, bà không sai người làm. Mỗi lần bà nấu, tôi với chị người làm phải đứng bên cạnh. Chị người làm để bà sai vặt , còn tôi bà nói “muốn học nấu ăn phải đứng nhìn tận mắt mới nấu đúng cách được.”
Bà ngoại tôi quê ở Bắc Giang. Bà rất thông minh, đảm đang, làm ăn giầu có. Bà là người quyền lực nhất của đại gia đình.
Mẹ tôi thì ngược lại, bà là con cưng, ngay từ bé mẹ tôi đã hay đau ốm, cứ xuống bếp là mẹ tôi ho nên bà ngoại hết sức cưng chiều, không cho mẹ tôi làm gì hết. Do đó mẹ tôi không biết nấu nướng, cỗ bàn gì cả. Tất cả bí quyết nấu ăn bà ngoại truyền hết cho tôi, nhưng tôi lại hơi lười “hồi ở Việt Nam thôi , chứ từ ngày sang Mỹ , tôi làm việc như trâu mà không biết mệt” nên “ học” thì nhiều , mà “hành” thì ít. Bởi vậy nghệ thuật nấu nướng những món ăn cổ truyền ngày tết của người Bắc tôi cũng chả nhớ được bao nhiêu. Bà còn dậy tôi têm trầu cánh phượng và gọt thủy tiên, cách hãm thủy tiên sao cho hoa đừng nở sớm quá. Cái mục này đối với tôi công phu và cầu kỳ quá, tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm, nên tôi chỉ giả vờ chăm chú nghe cho khỏi bị la. Tội nghiệp bà ngoại, hết hơi dặn dò dậy bảo, trong khi “con cháu lười” của bà tuy vâng vâng, dạ dạ, làm bộ hiểu, nhưng thực ra đầu óc nó đang để tận đâu đâu.
Sau khi lập gia đình, bao nhiêu lần Tết đến ở Việt Nam, tôi đều cố gắng giữ truyền thống làm cơm ngày Tết kiểu của bà ngoại. Nhưng dĩ nhiên không được đặc biệt và đầy đủ lệ bộ như của bà. Nhưng cái không khí Tết thì gia đình nhỏ bé của tôi cũng rộn ràng, tưng bừng lắm. Những ngày gần Tết tôi lo đi mua cây mai trước tiên. Tôi không khó tính phải là mai tứ quí, miễn là hoa và nụ thật nhiều là tôi rinh về.
Thay vì cầu kỳ đi chọn mua những củ Thủy tiên rồi về nhà ngồi kiên nhẫn gọt tỉa như bà ngoại. Tôi chọn mua mấy chậu hoa thược dược đủ màu và mấy chậu cúc đại đóa xếp thành hàng dài ở hành lang trước nhà. Dĩ nhiên không thể thiếu hai chậu quất trĩu quả vàng au. Tôi hài lòng khi thấy ngôi nhà rực rỡ hẳn lên. Mua hoa xong là đến mục đi mua quần áo mới cho các con. Dĩ nhiên tôi cũng mua ké cho mình một bộ. Mùng 1 Tết trẻ con phải mặc quần áo mới đi chúc tuổi ông bà Cố và bà ngoại để được tiền lì xì. Các món ăn ngày Tết bà ngoại dậy, tôi quên trước quên sau nên trước khi nấu thế nào tôi cũng phải hỏi lại bà cho chắc ăn, riêng cái khoản kiêng cữ ngày Tết tôi nhớ không sót một chi tiết nào.
Bà dặn cả nhà ,ngày mùng 1 Tết ai cũng phải vui cười, dù có điều gì phật ý cũng phải bỏ qua, nếu buồn bực là suốt năm sẽ phải buồn bực. Không ai được quét nhà hay đổ rác vì như vậy là quét và đổ hết tiền bạc đi.
Những năm đầu đón Tết trên đất Mỹ tôi đã không còn kiêng cữ được như lời bà ngoại dặn. Ngày mùng 1 Tết tôi cũng vẫn đi làm, vào giờ nghỉ ăn Lunch tôi vừa ăn vừa nhớ những ngày Tết ở quê nhà, nhớ ông bà ngoại tôi đã qua đời, nhớ mẹ tôi lúc đó còn kẹt lại Việt Nam và nước mắt cứ mặc sức tuôn ra không sao ngăn lại được. Không biết có phải vì tôi cứ khóc vào ngày mùng 1 Tết hoài mà những năm đầu sống trên đất Mỹ chả có lúc nào tôi không thấy buồn, thấy tủi đến rơi nước mắt và thấy nhớ quê hương.
Ngày Tết vui nhất của tôi là đúng 10 năm sau ngày rời bỏ Việt Nam thân yêu, năm đó mẹ tôi mới qua được Mỹ xum họp với gia đình. Tết đầu tiên căn nhà tôi ở có được cái không khí vui vẻ của ngày Tết và từ tết đó tôi lại bắt đầu “nói theo giọng chế riễu của ông chồng tôi” dở cái trò kiêng cữ ngày mùng 1 Tết Thấm thoát 40 lần đón Tết trên đất Mỹ rồi. Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi , mẹ đã hơi lẫn nên chẳng còn tỉnh táo để hỏi tôi như mẹ vẫn thường hỏi mỗi lần Tết đến “Bao giờ mẹ con mình mới được trở về sống ở Việt Nam ?” Tôi vẫn trả lời cho mẹ vui và hy vọng “có thể vài năm nữa thôi mẹ”.
Trả lời mẹ xong tôi quay vội đi để tránh ánh mắt thật buồn của mẹ và câu nói nghe thật nát lòng “biết mẹ còn sống được tới ngày đó không?”
Mẹ ơi con thật có lỗi, con đã nói dối mẹ. Tối hôm đó tôi đã xúc động làm bài thơ “Mỗi độ Xuân về”, có những câu thơ như sau:
...Tối ngày mẹ cứ thở ngắn, thở dài
Hỏi mãi hỏi hoài
Bao giờ mình mới được về sống ở Việt Nam?
Biết trả lời sao mẹ yêu dấu của con
Khi con biết ngày về còn xa lắm
Có một điều con biết là chắc chắn
Mẹ sẽ phải gửi nắm xương tàn trên đất của người ta.
Nhìn mắt mẹ buồn con cảm thấy xót xa
Con biết mẹ đang nhớ quê nhà nhiều lắm
Mẹ vẫn nói mẹ nhớ nhất cây hoa mai vàng thắm
Trước ngõ nhà ta mỗi độ xuân về ...
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét