Ý niệm về Bản Ngã xuất phát đầu tiên từ các tôn giáo và triết học. Cách đây hơn 5.000 năm, hệ thống triết học cổ đại Ấn Độ cho rằng Bản ngã là một thực thể trường tồn bất biến tên gọi Atman,giống như khái niệm Linh hồn hiện nay, nó chuyển sinh từ kiếp này qua kiếp khác cho tới khi được giải thoát và thể nhập vào Đại Ngã (Brahman, một ý niệm khác với Thượng đế của các tôn giáo độc thần) có cùng tính chất với nó là: Hữu thể tuyệt đối, Linh thức tuyệt đối và Hạnh phúc tuyệt đối.
Các tôn giáo độc thần (Thiên chúa giáo, Đạo Do thái, Đạo Islam) thì tin rằng Thượng Đế đã thổi vào con người một linh hồn bất diệt, không thể bị tan hoại do cái chết gây ra. Sau cái chết nó chờ đợi đâu đó để hội nhập lại với thể xác trong ngày phán xét cuối cùng để được tiếp dẫn lên thiên đàng sống đời hạnh phúc hoặc đưa xuống địa ngục sống khổ sở muôn đời vì không tin và làm theo lời chúa dạy.
Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của Bản ngã và cho rằng bản ngã là ảo kiến do con người bám víu vào 5 thành phần cấu tạo nên nó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức (Ngũ uẩn).
-Sắc là thành phần vật chất cấu tạo nên con người và vũ trụ. Không phải chỉ có 4 loại Đất, Nước, Lửa, Gió mà có tới 28 loại. Đất phải được hiểu là chất ở thể rắn, Nước là chất ở thể lỏng, Lửa là dạng năng lượng của vật chất và Gió là chất thể khí. Sắc có 4 thể dạng biểu hiện theo thời gian: sinh, tiến, dị, diệt. Điều đó có nghĩa là sắc cũng bị chi phối bởi sự biến hoại, vô thường.
-Thọ bao gồm vừa cảm giác, tình cảm và cảm xúc. Một cách đơn giản có 3 loại cảm giác:dễ chịu, khó chịu, trung tính cảm nhận xuyên qua 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Như vậy có 18 loại cảm giác. Tình cảm có 3 loại: ưa thích, ghét bỏ và dửng dưng. Cảm xúc thì có 5-7 loại: vui mừng, lo âu, buồn rầu, sợ hãi, tức giận...Nếu để tâm quan sát Thọ, thì thấy chúng thay đổi từng giây từng phút, từng nơi chốn, thể trạng.
-Tưởng là một chức năng quan trọng bao gồm sự nhận biết, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm hay một biểu tượng đã được ghi nhớ từ trước. Đây là một quá trình chuyển đổi một rung động giác quan thành ý nghĩa, tên gọi.
-Hành là hoạt động của tâm dưới sự chủ động của tác ý (cetana) để tạo nghiệp tốt hoặc xấu qua thân khẩu ý.
-Thức hay Ý thức có 2 ý nghĩa: a)là cửa ý mở vào thế giới bên trong. Trong ý nghĩa này nó tương đương với 5 giác quan: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Đó là giác quan thứ 6 của Phật giáo. b)ý thức bao gồm tất cả các loại tâm.
Ngũ uẩn là đối tượng của sự chấp thủ gọi là Ngã kiến hay Thân kiến, một loại tà kiến mà Phật giáo bác bỏ hoàn toàn. Ngã kiến được phân tích thành 4 cách : Sắc này là tôi, Sắc này là của tôi, Sắc này ở trong tôi, Tôi ở trong Sắc này. Nếu suy luận như thế với cả 5 thành phần của ngũ uẩn ta có tất cả 20 cách chấp ngã. Hãy nghe lời Phật dạy trong Kinh Tương Ưng III, trg 123):
"Này tỳ khưu, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại...hay tất cả sắc,nếu tỳ khưu thấy như thật với trí tuệ như sau: Đây không phải là tôi! Đây không phải là của tôi! Đây không phải là tự ngã của tôi! Này tỳ khưu , do biết thấy như vậy...không có quan điểm ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên"
Các nhà tâm lý học đầu thế kỷ XX (Eugène Baudin, 1917) đều công nhận một cách hiển nhiên sự hiện hữu của «cái tôi» là do ba cảm tưởng chính sau đây: tính Nhất quán (unité) của cái tôi. Mặc dù tôi có nhiều trạng thái tâm, nhiều ý tưởng, nhiều cảm giác, nhưng tôi là trung tâm hội tụ tất cả những hiện tượng trên, tôi là chủ thể có thẩm quyền trên chúng. Cảm tưởng thứ hai, tính Đồng nhất (identité), trước sau như một của cái tôi, cho dù ở mỗi lúc ý tôi có thể khác, tâm trạng tôi, tánh khí tôi thay đổi, tôi có cảm tưởng là tôi vẫn là tôi. Cảm tưởng thứ ba liên quan tới sự Sinh hoạt (activité), dù tôi suy nghĩ ra sao, dù cách hành xử của tôi do lý do nào, nó được điều khiển bởi bản chất hay văn hóa của tôi, tôi luôn luôn có cảm tưởng tôi vẫn là tác gỉả, là kẻ sáng tạo của chúng.
Các nhà tâm lý học hiện đại như William James xem bản ngã có 2 chiều kích: trước tiên là Cái Tôi-vật-thể (le soi-objet) để trả lời câu hỏi «tôi lài ai?». Điều này không dễ vì cái tôi quá phức tạp, phải giải thích dài dòng bằng những câu bóng bẩy, chọn lọc, bằng nhiều tỉnh-từ tỉ mỉ, tinh tế, bằng những câu «điều đó còn tùy hoàn cảnh»...Sau đến Cái Tôi-tác-nhân (le soi-agent) cho ta cảm tưởng tôi là chủ thể của những tư tưởng và hành động của chính mình.
Nhà tâm lý học Gia-Nã-Đại René l'Ecuyer, chuyên gia nghiên cứu trong 30 năm sự phát triển hiểu biết về cái tôi từ trẻ con 3 tuổi tới người già 100 tuổi đã đưa ra 43 bộ mặt khác nhau của bản ngã. (Le Développement du concept de soi de l'enfance à la vieillesse/ Puf)
Các nhà tâm-não-học những năm gần đây đi tìm cơ chế thần kinh của 3 cảm tưởng (Nhất quán, Đồng nhất, Sinh hoạt)làm nền tảng cho ý niệm Bản ngã và họ đưa ra các giả thuyết:
a/-Đời sống lâu dài của các tế bào thần kinh có khi bằng tuổi thọ con người và sự kết nối của chúng trong một hợp thể tương giao các nơ-rôn (correlats neuronaux) để cùng thi hành một nhiệm vụ nhất định. Những khớp kết nối (synapses) có khả năng ghi nhớ và dự trữ các thông tin.(J.LeDoux)
b/-Quan niệm mới của các học giả Lawrence Weiskrants, Elisabeth Warrington về sự hình thành tích cực của Trí nhớ ẩn thị (mémoire implicite) : nghĩa là những kinh nghiệm sống mà chúng ta có khả năng nhớ lại một cách rõ ràng ý thức, thường ăn khớp với những thành phần đã được tích trữ một cách âm thầm trong những hệ thống thần kinh khác. Người ta chưa biết các thông tin, hình ảnh được tàng trữ ở đâu, dưới dạng nào. Theo GS Đặng văn Chiếu, giáo sư thần kinh giải phẩu, cựu khoa trưởng Đại học Y khoa Sàigòn (1972-1975) trong quyển sách Não Bộ, xuất bản tại Hoa Kỳ thì Trí nhớ cảm giác được ghi bằng làn sóng xung điện, Trí nhớ ngắn hạn có thể được ghi trong các ly tử Ions, Trí nhớ dài hạn có thể được ghi trong RNA (rhibonucléic acid)
c/-GS Antonio Damasio nhấn mạnh vai trò của cảm xúc trong sự hình thành Bản Ngã. Nhưng theo ông phải phân biệt rõ ràng cảm xúc và tình cảm. Cảm xúc là hành động, cách hành xử của con người để thích ứng với hoàn cảnh hầu sống còn. Tình cảm là hậu quả của cảm xúc. Chẳng hạn khi gặp một con thú dữ trước tiên là ta phải chạy thoát, sau đó ta sẽ có tình cảm ghét bỏ giống vật ấy.Cả hai đều ghi dấu sâu đậm trên não bộ để sau này ảnh hưởng trên sự suy luận và quyết định chọn lựa của ta. Cảm xúc có tính cách phổ quát, chung cho loài người, còn tình cảm là riêng tư, chủ quan.
Riêng tôi có ý nghĩ Bản ngã có 4 bộ mặt: 3 phát xuất từ sự diễn dịch của chính mình và một phát xuất từ cái nhìn của người khác:
1)-Bản ngã tự nhiên, không phê phán, do ý nghĩ về sự phối hợp của 5 uẩn (A)
2)-Bản ngã do nghĩ tưởng mình là như thế (A')
3)-Bản ngã do nghĩ tưởng người khác cho mình là như thế (A''),họ hiểu lầm tôi, tôi đâu phải như thế
4)-Bản ngã do người khác nghĩ mình là như thế (B), vì đâu biết họ diễn dịch như thế nào!
Vậy bản ngã đích thức của mình là cái nào? Nếu là A',A'',B không chắc là đúng thực tại.Thật ra cái tổ-hợp 5 thành phần A nó thay đổi từng giây từng phút.Có lẽ cái Sắc là lâu bền nhất, nhưng mỗi ngày có 300 tỷ tế bào chết đi, cần phải được thay thế. Sắc thân con người có 37000 tỷ tế bào, với 200 loại khác nhau. Mỗi loại có thời gian tồn tại khác nhau: ngắn nhất là tế bào lót mặt trong của dạ dày và ruột (2-5 ngày), kế đến là tế bào da (15 ngày), rồi đến hồng-huyết-cầu (120 ngày), tế bào xương tồn tại 10 năm, tế bào não (nơ-rôn) có loại sống bằng tuổi thọ con người. Nhưng càng ngày càng có nhiều yếu tố ngoại cảnh làm cho các nơ-rơn bị hủy diệt và con người do đó bị chết theo.(như trong bịnh Alzheimer).Nhưng đời sống các nơ-rôn không quan trọng bằng đời sống kết nối các khớp nơ-rôn (synapses) trong một hệ thống sinh động (fonctionnel) để thi hành một nhiệm vụ.Chưa kể 4 thành phần còn lại thay đổi còn nhanh hơn Sắc, nhưng tâm thức và giác quan con người không đủ khả năng cảm nhận được sự thay đổi này. Chúng ta có cảm tưởng cái Ta ngày hôm nay là một với cái ngày hôm qua, nhưng thử so sánh hình ảnh ta ngày hôm nay và hình ta 10 năm trước thì ta thấy ngay sự thật. Ta có còn là Ta ở mười năm trước?
Phải chăng thiền tập là luyện tâm để gia tăng cái khả năng cảm nhận này cho tinh tế, bén nhạy để phát hiện sự Vô thường, biến hoại của thân và tâm và chứng nghiệm 3 đặc tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã?là một tuệ giác chánh trên con đường giải thoát.
Đúng ra nói theo học giả Philippe Cornu «cái ta là một quy ước xã hội gắn liền với một tên gọi, một hình ảnh để phân biệt ta với người khác.Sự tin tưởng vào cái ta này (hay sự chấp thủ ngũ uẩn) biểu hiện một nhu cầu truyền kiếp về kiểm soát, về lãnh địa, về mong mỏi nể phục, về thừa nhận bản sắc và quyền sở hữu»(Le bouddhisme une philosophie du bonheur/ Seuil)
Tuệ Thiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét