Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tôi Viết Nhạc Và Tìm Ra Phương Pháp Toán Học Mới


(Hữu Nghi – Tốt nghiệp TTKT Phú Thọ, Khóa Kỹ Sư Công Chánh 1957)


Tôi là người thường tin vào tướng số, với cơ may vận rủi. Trong cuộc đời tôi, có nhiều dịp may mà tôi không hiểu nổi nguyên nhân. Xin kể một thí dụ. Tháng 8 năm 75, tôi phải đi học tập cải tạo với nhiều bạn đồng nghiệp. Sau khoảng 2 năm 6 tháng học tập, hầu hết các đồng nghiệp được thả trại về nhà với lý do khoa học kỹ thuật.

Tôi cũng có tên ra trại, nhưng không hiểu sao, tôi bị giữ lại cho hết thời gian 3 năm 07 ngày. Lúc đó thì tôi than thân trách phận, nhưng sau thành ra dịp may được đi Hoa Kỳ theo diện HO, dành cho những người tù cải tạo trên 3 năm.

Tôi sang Hoa Kỳ theo diện HO2, thì lại đúng vào thời gian ngành xây cất vùng vịnh SF bị down. Với giọng spoken English yếu kém, tôi không đậu nhiều cuộc interview để trở lại ngành Công Chánh yêu thích. Nhân có kỳ khảo sát job làm phụ giáo tại một trường trung học, tôi đã phải chộp lấy để có khả năng giúp gia đình có 4 con tiếp tục ăn học.Thời gian làm phụ giáo môn Toán, tôi nhận thấy một điều như sau. Các giáo sư thường dạy toán theo những cuốn sách, được in sẵn từ lâu bởi các công ty in ấn, có hợp đồng với cơ sở giáo dục trung ương. Tôi thấy có rất nhiều điều trong sách nên được cải thiện. Và vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu về toán trung học, Tôi đã viết một số articles về toán và xuất bản chung với một giáo sư Mỹ một vài cuốn sách Toán. Sau đây là vài phương pháp mới mà tôi đã post trên Google, Bing, và Yahoo:

- New method to solve quadratic equations by the Transforming Method
- New improved quadratic formula in graphic form
- Convert quadratic functions from one form to another
- Best method for solving quadratic inequalities in one variable
- Solving system of quadratic inequalities by the double number line
- The Transposing Method in solving algebraic linear equations (2016)

Trong article cuối, tôi đã mạnh dạn đề nghị thay đổi phương pháp cơ bản giải phương trình bậc nhất tại Hoa Kỳ. Các Bạn còn nhớ tại VN ( theo giáo dục Pháp) khi giải phương trình thì dùng cách “đổi vế, đổi dấu”. Tại đây, khi giải, học sinh phải viết hết những moving terms cho cân bằng ở cả hai vế. Khi phương trình trở nên phức tạp hơn, thì cách này tốn thì giờ và dễ gây sai lầm. Trên internet hiện nay, hình như đề nghị của tôi đã có ít nhiều ảnh hưởng. Hiện nay đã có rất nhiều website chỉ dẫn phương pháp “đổi vế, đổi dấu”, nhưng vào thời gian đó (2016) chỉ có hai ba websites của vài giáo sư Ấn Độ.

Khoảng thời gian 6 năm trước đây, tôi có vô một website tên là Socratic.org để giúp giải các bài toán homework mà các học sinh cần giúp. Kết quả tôi đã giải gần 4,000 bài toán, đa số là về Trig. Hiện nay Socratic.org đã ngưng post các bài homework màhọc sinh yêu cầu giải. Họ chỉ post các giải đáp cũ để giúp học sinh tham khảo. Theo website “Nghi N on Socratic.org”, thì tôi đã giúp được lối 18.3 triệu học sinh, Hoa Kỳ và ngoại quốc. Tôi cho rằng rất nhiều học sinh vô xem giải đáp để tham khảo, chứ không nhất thiết là để làm bài tập. Tuy nhiên, con số quá lớn học sinh được giúp này, thật là đáng khích lệ.

Riêng về giải toán Trigonometry, phương pháp Mỹ dùng góc (angle) làm biến số (variable), xem thí dụ trên youtube. Tôi học một năm Toán Đại Cương tại đại học Hanoi và đã biết rằng người Pháp họ chọn cung (arc) làm biến số (variable), nên trig study được tiện lợi, và hợp lý hơn. Tôi đã phát minh ra một phương pháp, và đã xin copyright, để giải trig inequalities, rất đơn giản và tiện lợi. Muốn xem cho vui article này, mời các Bạn vô Google Search và type in:

“Solving trig inequalities – Nghi Nguyen Method site Studylib.net. “
Tôi đã post trên 10 articles, gồm cách giải và nhiều exercises. Đặc biệt là các articles của tôi đã được gài rất nhiều Ads của nhiều công ty Mỹ, các trường đại học, và các cơ sở dậy tư. Đây là điều hiếm có trên Google Search. Tôi hy vọng rằng new method của tôi sẽ làm thay đổi cách dạy Trig tại Hoa Kỳ !!!

Sang đề tài mới về âm nhạc, tôi học âm nhạc với các bạn tù trong thời gian cải tạo 3 năm, với chiếc đàn guitar và mandoline tự chế, không giống ai. Trong thời gian về hưu, tôi thường hát KaraOKE với các bạn già. Tôi thấy rằng đa số các bản nhạc tiền chiến không còn thích hợp nữa, về thời điểm cũng như hoàn cảnh. Tôi bèn tự viết những bản nhạc cho tôi hát. Vì được bạn bè khuyến khích, công việc này đã biến thành một passion của tôi trong thời kỳ covid.

Tôi thiên về nhạc ly hương, diễn tả hoàn cảnh, cuộc sống, nỗi nhớ, và tâm tư của người di dân Việt. Mỗi bài nhạc của tôi phản ảnh một khía cạnh nào đó của cuộc sống ly hương. Tôi đã post trên youtube một playlist gồm 38 bản, có vui có buồn, có hay, có dở. Một số bản nhạc của tôi của tôi cũng so so, nhưng ban nhạc hòa âm phối khí hay và ca sĩ tên tuổi đã làm chúng trở thành xuất sắc. Các bản nhạc của tôi trên youtube (nghe bằng Iphone, Ipad) được gài rất nhiều Ads của nhiều công ty, liên tục một năm nay, chứng tỏ nhạc của tôi đã được nhiều người nghe. Để nghe cho vui, mời các AH vô youtube và search: “Nhạc Hữu Nghi San Jose”, tìm playlist gồm 38 bản nhạc.

Tôi cũng đã được liệt kê trong danh sách các nhạc sĩ Việt Nam trong sưu tập vĩ đại về nhạc (quốc tế và VN) của Lê Hân. Mời các bạn yêu nhạc search trong Google: “saigonocean3.com/music around the world” sẽ thấy tên tôi (Hữu Nghi) trong danh sách chừng hơn 100 nhạc sĩ VN.

Để kết luận, tôi cảm thấy vui vui vì đã lưu lại được chút gì cho đời sau, dù hay hay dở, về âm nhạc cũng như Toán học.
Tôi cũng mong rằng các Lá Thư,Tạp Chí, Nội San của cộng đồng Việt, sẽ trường tồnmãi mãi để cho  chúng ta, những người ly hương, có cơ hội kể cho nhau nghe câu chuyện đời nhau.


Hữu Nghi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét