Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

“Cây Rau… Dền!”

Ai cũng biết Du Tử Lê là một thi sĩ nổi tiếng, có nhiều tác phẩm đã được xuất bản. Nhưng ngoài những người thân ra, ít ai biết Du Tử Lê được nhiều bạn hữu yêu mến nhất.

Tại sao vậy? Tại người ta yêu thơ Du Tử Lê ư?

Tôi không nghĩ vậy. Yêu thơ, yêu văn của một người nào, không có nghĩa là người ta phải thích luôn người đó. Du Tử Lê dễ gây cảm tình với mọi người vì lúc nào anh cũng lịch sự, nhẹ nhàng, hòa nhã.
Ai đã tiếp xúc với Du Tử Lê dù chỉ một lần, cũng đều dành cho anh rất nhiều cảm tình nồng hậu.
Con người của Du Tử Lê khác hẳn với thơ của anh.

Thơ của Du Tử Lê táo bạo, nồng nàn, điên cuồng. Anh có một óc sáng tạo thật dồi dào. Những ý nghĩ, những chữ anh dùng trong thơ rất lạ, kể cả lối làm thơ, lối ngắt câu. Nhưng dù ở thể loại nào đi nữa, vẫn phải công nhận thơ Du Tử Lê rất dễ dàng thấm vào lòng người.

Mai Thảo gọi thơ Du Tử Lê là “Thơ áo vàng”. Thơ áo vàng là thơ về nhất. Thơ chiếm giải khôi nguyên.
Dù vậy, Du Tử Lê lúc nào cũng khiêm tốn. Không kiêu ngạo, dù biết mình có tài. Đó là chìa khóa mở lối đi, đưa Du Tử Lê vào con đường đầy những cánh tay thân ái đón tiếp, và đưa Du Tử Lê đến một chỗ đứng đặc biệt trong lòng mọi người.
Chỗ đứng đó, không thể tạo được bằng những tác phẩm thật hay. Cũng không mua được, dù có rất nhiều tiền bạc.

Du Tử Lê thường được bạn bè gọi đùa là người đi “show” nhiều nhất. “Show” đây là các buổi ra mắt tác phẩm của anh. Tổ chức một buổi ra mắt sách, dù thật đơn giản, cũng mệt vô cùng. Vậy mà bạn bè vẫn sẵn lòng làm dùm anh, đủ biết Du Tử Lê được quý mến thế nào.

Vợ chồng tôi quen Du Tử Lê khá lâu. Từ hồi Duy Trác cùng gia đình mới sang định cư tại Mỹ. Chúng tôi cùng một số bạn hữu có tổ chức “Đêm Hội Ngộ Duy Trác”, Du Tử Lê tình cờ có mặt tại Hoa Thịnh Đốn, nên cũng đến tham dự. Lâu ngày quá, nên tôi không nhớ rõ, một trong hai người là anh Nguyễn Văn Phán, cựu Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến, hay nhà báo Ngô Phi Đạm của báo Saigòn Nhỏ đã giới thiệu Du Tử Lê với vợ chồng tôi.

Tôi hơi ngạc nhiên vì Du Tử Lê ngoài đời khác hẳn với hình ảnh Du Tử Lê mà tôi tưởng tượng qua thơ của anh. Tôi vẫn nghĩ, Du Tử Lê cũng phải có cái vẻ khác thường, là lạ như thơ của anh vậy. Nhưng, Du Tử Lê lại là một người rất bình thường, trông có vẻ mẫu mực. Tóc lúc nào cũng ngắn, gọn. Quần áo thật đàng hoàng. Nói năng hòa nhã, đặc biệt là rất nhỏ nhẹ. Lối nói chuyện của anh thành thật, cho người đối diện cái cảm giác họ được anh quý mến thực tình.

Biết chúng tôi thích thơ của anh, sau đó, thỉnh thoảng anh đã gửi sách tặng chúng tôi, mỗi khi có sách mới. Đọc sách “free” của anh Lê hoài cũng kỳ. Mà, gửi tiền trả thì không dám. Cuốn sách do chính tác giả gửi tặng, nó vô giá. Tiền bạc nào mà trả cho xứng đáng được?
Tôi nghĩ ra một cách đáp lại lòng ưu ái của anh Lê: Mua quà, gửi tặng chị Lê. Sau đó, chị Lê tức chị Hạnh Tuyền viết cho tôi một lá thư thật dễ thương. Lời thư thành thực và dí dỏm, làm tôi thấy mến chị ngay.

Rồi, tôi có dịp gặp Hạnh Tuyền, khi Tuyền cùng anh Lê qua Hoa Thịnh Đốn. Tuyền thật đơn giản, dễ thương và tôi thích nhất là lối nói chuyện rất thật.
Trước khi gặp Tuyền, tôi được nghe một người bạn rất thân của tôi là Nhà văn Bích Huyền, kể nhiều về Tuyền; về mối tình thật đẹp của Tuyền với anh Lê. Nên khi gặp Tuyền, tôi cảm thấy gần gũi và dễ dàng thân thiện được ngay.
Từ đấy, chúng tôi cứ điện thoại qua, điện thoại lại, và trở thành thân lúc nào không biết. Nhờ đó, mà tôi biết khá nhiều chuyện vui về anh Lê.
Theo lời Tuyền, anh Lê có trái tim mềm như bún.

Một hôm Tuyền đang làm vườn, thấy một con cắc kè thật lớn, trông dễ sợ lắm. Tuyền chạy vào nhà nói với anh Lê. Anh Lê vội vàng mang bao tay (chàng luôn mang bao tay khi làm những việc nặng, vì chàng có hai bàn tay rất mềm mại, như tay con gái, đó là chú thích của Tuyền,) và vác cây gậy thật lớn. Anh Lê định ra ngoài vườn đập chết con cắc kè. Nhưng khi nhìn thấy con cắc kè nằm rất hiền lành, chàng bèn đổi ý. Chàng lấy gậy đập thật mạnh vào đám cỏ gần đó, để cắc kè sợ, bỏ chạy đi. Tuyền trách:
“Anh làm vậy cũng như không. Nó vẫn còn quanh quẩn trong vườn.”
“Nó không dám trở lại nữa đâu. Nó di cư sang nhà hàng xóm rồi. Nhìn nó tội nghiệp quá, anh không nỡ đánh chết.”
Một lần chàng trở ra với đôi giầy to tổ chảng ở chân. Nhìn chàng mặc quần “soọc” ở nhà mà lại mang giầy “bốt” to tướng, Tuyền vừa ngạc nhiên vừa không nín được cười. Tuyền hỏi.
“Sao tự nhiên anh lại đi giầy bốt để làm trò gì vậy?”
Chàng trả lời tỉnh bơ, mặt rất nghiêm nghị:
“Để đề phòng Tuyền dẫm chân anh lần nữa.”
Đôi khi chàng rất ngây thơ vô số tội. Chàng thích ăn canh rau dền nấu tôm, nhưng chàng không hề biết cây rau dền hình dáng ra sao.


Biết Tuyền mê cây, một hôm ở ngoài vườn (nhà hai người có hồ nước, có cầu nhỏ bắc ngang hồ…) chàng thấy góc vườn có một cây nhỏ xíu mầu tím thật đẹp. Chàng nghĩ cô vợ mình mà vớ được cây này chắc mê lắm. Muốn dành cho nàng một sự ngạc nhiên, chàng bèn lén vợ, ngày nào cũng tưới nước chăm sóc cái cây mầu tím đó. Cho tới một ngày, cây đó bỗng lớn lên và trổ hoa cũng mầu tím. Chàng hí hởn nói với vợ:
“Anh có một món quà đặc biệt cho Tuyền. Anh tìm ra được cây hoa quý lắm. Cây tím, lá tím và hoa cũng tím. Chắc chắn Tuyền sẽ mê luôn.”
Nói xong chàng lôi tay vợ ra góc vườn. Hãnh diện khoe với vợ tác phẩm của mình.
“Anh phải chăm sóc mỗi ngày nó mới lớn và khỏe được như vậy đó. Loài hoa này yếu ớt lắm. Lúc anh mới tìm ra nó nhỏ xíu và mảnh vô cùng.”


Tưởng vợ sẽ phải trố mắt ngạc nhiên, vì làm sao chàng có thể kiếm cho nàng một cái cây mầu tím đẹp và lạ đến như vậy. Nhưng chàng thấy nàng tỉnh bơ, chứ không có vẻ gì bất ngờ, lại còn có vẻ như cố nín cười, và nhìn cây gật gù:
“Cái cây này mầu tím đẹp thiệt. Cảm ơn anh.”
Chàng nở mũi:
“Chắc anh phải đi hỏi coi tên nó là gì. Chắc tên cũng phải đặc biệt lắm.”
Tới nước này, nàng không nén được nữa. Nàng nhìn chàng cười ngặt nghẽo:
“Anh khỏi mất công hỏi làm chi. Tuyền biết tên cây này rồi.”
“Sao Tuyền giỏi vậy. Tên nó là gì?”
“Tên nó là câu rau… dền.”
Chàng thi sĩ chữa thẹn bằng một câu nói thật dễ thương:
“Tuyền xạo đi. Cây của người ta đẹp vậy mà kêu là cây rau… dền.”
Một bữa khác, trời mưa to, nhà bị dột. Tuyền đang bận nấu ăn nên quýnh lên gọi chàng:
“Anh Lê ơi! nhà bị dột.”
Chàng thong thả, từ tốn (vì chàng đang bận phì phèo thuốc lá):
“Để anh lo, có gì đâu mà Tuyền phải quýnh lên vậy!”
Tuyền yên chí tiếp tục nấu ăn. Chàng vác cái thang đến gần chỗ bị dột:
“Tuyền ơi, lại phụ anh với.”

Tuyền chạy lại giữ thang. Chàng vừa từ từ leo thang, vừa hút thuốc, dáng điệu nhàn nhã như đi tìm vần thơ, chứ không phải đi chữa nhà dột. Tuyền phải năn nỉ mãi chàng mới chịu xuống để Tuyền leo lên làm cho lẹ. Tuyền nói: “Mình vừa sốt ruột vì tính anh Lê làm cái gì cũng thong thả, mình vừa sợ lỡ ông ấy mơ màng, trượt chân, té xuống thì còn đổ nợ thêm…”

Anh Lê hút thuốc liên miên không cần diêm. Hết điếu này, châm điếu khác. Tuyền khôi hài:
“Như vậy đỡ tốn tiền mua diêm, càng tốt…”
Nghe vậy, tôi dọa Tuyền:
“Tốt gì! Anh Lê hút vậy, không những hại cho anh ấy mà hại cho Tuyền nữa, Tuyền biết không? Người ta nói ở chung với người hút thuốc còn dễ bị bệnh hơn người hút nữa đó.”
Tuyền cười thật dễ thương.
“Làm sao được Thủy. Anh Lê không thể nào bỏ thuốc được.”
Nghe Tuyền nói, tôi thấy anh Lê sao thật may mắn.
Có lần nhìn Tuyền mộc mạc, không phấn, không son, tôi nói đùa:
“Tuyền phải trang điểm sửa soạn một chút chứ. Trông Tuyền chả có vẻ gì là nàng thơ của anh Lê hết.”
Tuyền nhìn tôi cười:
“Vậy Thủy trông Tuyền giống là gì của anh Lê?”
“Là cô… cù lần của anh Lê.”
Nói xong, sợ Tuyền giận, tôi vội thêm:
“Nói đùa, đừng giận đó nghe.”
Tuyền cười nhiều hơn:
“Thủy nói vậy mà nhằm nhò gì. Có người còn nói vợ anh Lê trông nhà quê, khờ và ngu nữa kìa.”
Tôi tròn mắt ngó Tuyền:
“Ai mà nói bậy bạ vậy? Ngu thì làm sao tốt nghiệp đại học sư phạm và cử nhân văn chương được? và khờ thì làm sao cua được chàng Lê?”
“Tuyền không có ‘cua’ anh Lê đâu.”
“Vậy chứ không phải thấy người ta làm thơ hay quá rồi mê à?”
“Cái đó Thủy lầm chết. Từ xưa đến nay, Tuyền chỉ mê kịch và văn xuôi thôi. Chưa bao giờ thích thơ cả. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng cũng tập cầm bút, nhờ thế mà quen anh Lê.”
“Vậy à, kể nghe coi.”
“Lúc đó, anh Lê làm thư ký tòa soạn ở tờ Tiền Phong của quân đội. Tuyền có ông cậu cũng là nhà binh, cho Tuyền mấy tờ báo. Tự nhiên Tuyền thấy thích tờ báo đó; nên viết truyện gửi đăng chơi. Kèm theo chuyện là vài dòng cho ông Thư ký tòa soạn.

Tôi ngắt lời Tuyền:
“Thì phải viết thư tán… ổng, để ổng đăng truyện cho chứ gì?”
“Không đâu. Đã không thèm tán mà trong thư Tuyền còn nói chuyện ngang như cua nữa.”
“Tại nhờ viết thư ngang như cua, chàng thấy là lạ nên để ý, và vì vậy mà lọt vào đôi mắt thi sĩ đa tình của chàng phải không?”
“Ừ, chắc vậy.”
“Rồi kết quả tới đâu?”
Giọng Tuyền xìu như cái bánh bao ngâm nước:
“Chả đi đến đâu hết vì chàng đã thuộc về người khác rồi. Còn mình, sau khi ra trường, đi dạy học. Rồi cũng đành ngâm câu thơ của T.T.Kh: “nếu biết rằng tôi đã có chồng – trời ơi người ấy có buồn không…” chứ còn làm gì hơn được.”
Tôi tiếp tục làm thầy bói:
“Sau một thời gian dài, hai người cùng đổ vỡ rồi gặp lại nhau, nối lại tình xưa phải không?”
“Ừ. Cám ơn trời, đã cho Tuyền gặp lại anh Lê. Tuyền chỉ muốn mãi mãi làm cô vợ khờ và ngu của anh ấy.”

Nghe tâm sự của Tuyền xong, tôi thấy anh bạn Du Tử Lê quả thật có phước. Tôi lại làm thầy bói thêm một lần nữa.
“Ông này khi sinh ra chắc phải đẻ bọc điều, nên mới tốt số như vậy?”

Hồng Thủy 
(Hoa Thịnh Đốn, tháng 6-2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét