Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Tựa Những Âm Xưa


Là con gái đầu lòng, cách anh Hai anh Ba nhiều tuổi, từ nhỏ tôi đã được ba má và hai anh chiều chuộng “hết mức”. Nhớ lúc tôi 13 tuổi, trong trung đoàn có mở trường dạy võ Tae-kwon-do (Thái cực đạo) miễn phí, anh Hai và anh Ba đều đi học. Tôi nhất định đòi xin theo hai anh học võ. Cả nhà chống đối, nhất là anh Hai tôi: “Em con gái mà học võ nổi gì. Hổng sợ mắc cở sao?”. “Em thấy cũng có mấy chị học đó”, tôi vừa cãi vừa làm bộ khóc và méc với ba khi ông về nhà. Cuối cùng tôi cũng thắng, xách bộ đồ cùng hai anh đi học Tae-kwon-do! Nhưng may mà chẳng kéo dài quá hai tháng, tôi bỏ cuộc vì lý do “con gái”. Anh Hai đến đai nâu thì đi lính, còn anh Ba tôi thì lên tới đai đen. Luôn theo hai anh, từ nhỏ tôi tham gia hầu hết trò chơi tạt lon, bắt dế, nuôi cá lia-thia và cả bắn đạn, đập tường ăn tiền cắc. Vì vậy mà mấy đứa con trai cùng xóm, cùng trường không dám léo lánh chọc ghẹo tôi nhiều, vì sợ hai ông anh “hộ pháp” của tôi.

Gần cuối năm lớp 10 thì biến cố 30 tháng Tư xảy ra. Gia đình tôi chơi vơi, rơi vào tình trạng khủng hoảng, tan tác như bao gia đình quân nhân VNCH khác. Ba tôi và anh Hai đều đi học tập cải tạo, khu gia binh giải thể, cả nhà phải dọn ra căn nhà mướn sát bờ kinh xáng. Gia đình tôi thuộc diện “ngụy quân” và nằm trong danh sách phải đi kinh tế mới. Đám “cách mạng 30” lợi dụng thời cơ, chỉ điểm, hà hiếp các hộ gia đình cô thế. Tuổi tôi còn quá nhỏ để căm hờn và chưa lớn đủ để hiểu hết những gì mà thế hệ chúng tôi phải kinh qua. Má tôi quyết định dọn nhà cửa, thu xếp mọi "tàn dư có thể" trở về quê ngoại, Rạch Giá. Buổi chia tay ngậm ngùi, má tôi mướn một chiếc ghe lớn, cả nhà xuôi theo dòng kinh xáng hướng huyện Cờ Đỏ rồi theo ngõ Gò Quao về lại quê xưa. Quê ngoại mà 20 năm trước, má tôi bồng con theo chồng rong ruổi khắp sông nước miền Tây cùng cuộc chiến… Căn nhà lá dựng trên miếng đất sát nhà ông ngoại là cả phần đời “mới”, còn lại của gia đình tôi.

Muốn hay không, bám bíu hay buông thả chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải sống, phải mưu toan cơm áo đời thường. Tôi ghi tên học lớp 11 của trường phổ thông trung học Rạch Sỏi (hay trường cấp 3 Rạch Sỏi). Ngôi trường nhỏ, đơn sơ mà trước là cơ sở vật chất của trường cấp 1 thuộc huyện Châu Thành. Với tôi mà nói, chẳng có gì quan trọng nữa. Trường lớn, trường nhỏ cũng vậy thôi – ngôi trường của một xã hội “mới”, giáo dục “mới” thật xa lạ thật gượng ép. Thiếu ăn, cao 1 mét 65 nhưng chỉ cân nặng 43 ký, tôi lêu nghêu như cây sậy, luôn phải ngồi cuối lớp và bị bạn cùng lớp kêu bằng "chị". Nửa năm học lớp 11 lặng lẽ trôi qua, tôi làm quen dần với trường lớp mới, thầy cô mới và cả bạn bè mới. Tin tức vẫn mù mịt từ bạn bè cũ, của anh Nguyên, anh Đ.K. Lập từ Vị Thanh. Ba tôi, người lính già được thả về trước, bệnh hoạn cùng khắp cơ thể. Rồi anh Hai tôi cũng về và sau này lấy vợ ở bên An Hòa. Anh Ba tôi bỏ ngang năm thứ 3 trường luật, xin làm thư ký kiêm khuân vác cho nhà máy xay lúa gần nhà và nhậu mỗi đêm. Ngày nhập học học kỳ 2 năm lớp 11 thì có 3 người thầy giáo mới từ thành phố Sài-gòn về trường: một toán, một sử địa và môt văn. Hôm ra mắt, nhóm học trò ngồi xì xào đoán: ông da ngăm mặt nghiêm khắc dạy toán, ông cao cao lúc nào cũng cười cười chắc là sử địa và ông thầy trắng trẻo, “thư sinh” không thèm ngó ai chắc nẵm là ông thầy dạy văn! Và quả không sai tí nào. Trong 3 thầy chỉ có thầy Nhân dạy sử địa cho lớp tôi nửa học kỳ còn lại. Hai thầy toán và văn thì dạy lớp 10 và lớp 12. Cũng chỉ có vậy, tôi không có nhiều ấn tượng gì hơn. Thời gian trôi qua khung cửa sổ lớp với ánh mắt và vài lá thư của mấy “anh” lớp 12C gửi. Tôi không có hứng thú gì với chuyện gái trai nên cứ bộ làm ngơ…

Phong trào vượt biên phút chốc lên cao cùng thời gian tôi lên lớp 12D. Không hiểu sao năm đó lớp 12D của tôi lại có nhiều người đẹp nên được nhiều sự chú ý, thương yêu của thầy cô. Năm học cuối của bậc trung học mà những mộng mơ không dành cho thế hệ của tôi. Ngày mai sẽ ra sao với cái lý lịch “dày cộm” của bao gia đình quân nhân VNCH trước đó. “Thôi bây ráng xong trung học rồi ra kiếm việc gì đó mà làm”, ba tôi cũng đành thở dài. Thời gian sau tôi làm quen và nhập với nhóm bạn “hoài niệm” những ngày xưa thân ái, gồm cả 12C+12D. Chúng tôi thường đến với nhau, ghé nhà vườn (thường là khu vườn cau của Nguyệt), nhắc chuyện cũ và hát nhạc trữ tình (phản động – lúc bấy giờ).

“Chiều buồn len lén tâm tư
“Mơ hồ nghe lá thu mưa
“Dạt dào tựa những âm xưa
“Thiết tha ngân lên lời xưa
…..
“Lòng cuồng điên vì nhớ
“Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
“Chờ hoài nhau trong mơ
“Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa… (Hoài Cảm – Cung Tiến)


Tiếng hát tràn đầy cảm xúc, trầm ấm rồi chợt vút cao của L.H. Di như nhốt hết khoảng không gian của buổi trưa về tĩnh lặng. Khuôn mặt Di đắm chìm vào một khoảng trời mênh mông, nhưng ánh mắt Di chừng như dành cho tôi ! (Thật sự thì tôi biết mình hát không hay nên thường thì chỉ được vào ban vũ của trường). Nhưng những lần họp mặt “kín” đó tôi đều cố gắng hát góp phần, dù chẳng hay gì cho mấy. Tôi quý mến tiếng hát và cả con người đầy nghệ sĩ tính của Di. Vài lần sau đó, tôi nhận được thư của Di. Trong thư L.H. Di từng câu từng chữ cũng trầm ấm, thiết tha như tiếng hát của mình và tôi không ngần ngại hồi âm trong tất cả tình cảm đó. Điều đáng nhớ là cùng thời gian, tôi cũng nhận được thư “tỏ tình” của L.V. Kiệt, cùng lúc với Di. Có lẽ trong “đám” con trai, Kiệt là người có dáng cao ráo, sáng sủa nhất. Trong tâm trạng chán nãn “xã hội”, tôi gần như buông thả cảm xúc của mình trong tình cảm. Ngày mai chừng như chỉ là những màn sương mờ che kín lối, nếu không bám bíu chút ân tình hiện tại thì, tôi thấy mình không còn để hy vọng. Cũng cùng tâm trạng, đám con gái chúng tôi thường nói với nhau: “Thôi thì năm cuối cùng trung học, phải có vài kỷ niệm gì đó trước khi chia tay trường lớp”. Thế là ngoài chuyện học hành, chuyện vượt biên là chuyện “bồ bịch”, thư tình bay như bướm lượn sân trường. Cả bên ngoài và trong thư, tôi biết tình cảm của Kiệt dành cho tôi rất nhiều, nhiều hơn những dòng chữ trên trang giấy. Và lúc này, “thư tình” cũng là sản phẩm của một nền kinh tế mới. Loại giấy kẻ hàng màu vàng nhàn nhạt từ các cửa hàng thương nghiệp của nhà nước nhưng lại chứa đựng bên trong là cả một tâm tư, tình cảm của ngày tháng cũ. Điều đáng quý, đáng nâng niu là ở đây!

Tôi cố giữ tình cảm thật tốt đẹp cho tất cả ngày tháng cuối của tuổi học trò. Cận Tết năm đó, anh Hai về cho tôi hay tin anh Đ.K. Lập đã học tập cải tạo về và đang bị quản thúc tại địa phương. Vì thiếu người nên anh ấy được “trưng dụng” lại, làm phòng thuốc bệnh viện đa khoa của thị xã Vị Thanh. Anh nhắn sẽ có dịp về Rạch Giá thăm tôi khi hết hạn quản thúc. Mấy ngày Tết thật buồn trôi qua. Nói thì thật dễ nhưng để cảm được nó không phải là điều ai cũng có thể trải qua. Tôi mới vừa bước qua tuổi mười tám. Mười chín tuổi mà tôi tưởng mình đã “già nua” biết bao nhiêu. Nên không lạ gì, hay “giận” ai khi mấy đứa bạn thân trong lớp đều gọi tôi là “chị Tư”! Có lẽ một phần do tôi “lớn xác”, phần khác do tôi không có một tuổi thơ yên bình, một tuổi thơ lớn lên một nơi chốn không nhiều thay đổi? Mười chín năm tôi đã thay đổi qua nhiều căn nhà, nhiều huyện lỵ nhỏ của miền tây sông nước. Có lần “anh ấy” nói với tôi: “Tuổi thơ của chúng ta trưởng thành theo chiều dài của cuộc chiến”!

Có hai điều người phụ nữ hoàn toàn bị chiếm ngự, mù quáng: tình yêu và thù hận. Đúng hay sai và đúng đến bao nhiêu phần, các bạn phải “kinh qua” mới có thể hiểu và có câu trả lời cho chính mình. Bạn biết không, khi người phụ nữ yêu thì họ không còn biết gì đến chung quanh; họ không còn biết đến sức thiêu đốt của lửa và sẵn sàng nhảy vào thỏa mãn chết như con thiêu thân! Tôi đã rơi vào điều “cấm kỵ” này trong những ngày tháng cuối cùng bậc trung học. Kính yêu và nghe quá nhiều về “tai tiếng của anh”, tôi đã cố tình tránh né, lánh xa và kể cả cố đi tìm cho mình một bóng hình, một tình yêu, một góc đời khác. Nhưng càng tránh né, cố gắng bao nhiêu tôi biết mình càng sa lầy vào hệ lụy bấy nhiêu. Trước khi ngủ, thức dậy mỗi ngày và ngay cả mở trang vở học bài tôi đều thấy anh: khuôn mặt, nụ cười, giọng nói. Cuối cùng, tôi không thể tiếp tục dối lòng mình hơn được nữa, “tôi yêu anh ấy tha thiết hơn tôi nghĩ”. Tôi biết nếu để chuyện xảy ra, sẽ hại anh ấy nhiều hơn là thỏa mãn lòng tự ái của mình. Nhưng nếu không “thố lộ”, thì tôi có thể suy sụp tinh thần, không qua được cửa ải trung học? Không có nhiều lựa chọn, tôi đành viết cho anh lá “thư tình” dài đầu tiên. Trong thư tôi cho anh biết tình cảm lòng mình và hứa không gây khó khăn, không cần anh trả lời cho đến sau khi tốt nghiệp, ra trường. Thư gửi đến tay anh xong, tôi như con chim sổ lồng, bay hân hoan trên bầu trời cuộc sống. Tôi sáng suốt, "thông minh" trở lại và đậu tốt nghiệp phổ thông dễ dàng!

Phần anh khi nhận thư tôi, như không có gì xảy ra. Vẫn lên lớp, vẫn giảng dạy và vẫn mang nhiều “tai tiếng” cho bao phiền lụy lòng tôi. Các bạn biết không, cũng có hai thứ trên đời mà ta không thể nào giấu được là: khói và tình yêu. Rồi bạn bè, người chung quanh cũng nhận ra. Những người bạn thân tôi thương cảm, khuyên can: “Chị Tư đừng thèm dính dáng đến ổng. Dính đến thầy H. là chị Tư khổ suốt đời. Cứ nhìn chuyện tình của chị Th. Yên thì biết!”. Câu chuyện tình đẹp nhưng đầy bi lụy được thêu dệt khắp cả huyện của anh và chị Th. Yên trên tôi hai lớp. Để rồi chuyến vượt biên người đi kẻ ở, đã vỡ tan cuộc tình hai người. Có tin đồn tìm thấy xác Th. Yên trôi vào bờ biển Hòn Tre. Lại có tin chị Th. Yên đã đến trại tị nạn Thái Lan bình an và cùng gia đình định cư ở Mỹ... Một hôm sau giờ tan học, cô giáo chủ nhiệm lớp giữ tôi lại và kéo vào phòng nói chuyện. Cô rất thương tôi và tôi còn nhớ mãi lời hôm đó cô nói với tôi: “Em phải cố gắng đừng can hệ đến thầy H nữa. Hoa dính vào ông H. không phải là leo lên lưng cọp, mà lao vào cơn bão. Em biết không?”. Tôi chỉ im lặng cúi đầu, cám ơn và thương cô vô cùng. “Nhưng cô ơi, em không phải lao vào cơn bão mà đã trong tâm bão mất rồi”, tôi nói thầm với chính mình trong lưng tròng nước mắt…


Những ngày tháng Tư trời vẫn còn trở lạnh. Hàng cây ven đường đã trổ chồi non trong cơn mưa đầu mùa bất chợt. Thời gian lặng lẽ trôi, cuốn theo bao nhiêu số phận đời người. Đã hơn bốn mươi lăm năm biến cố tháng Tư 1975 luôn vẫn là dấu móc lịch sử không thể xóa mờ trong tâm thức. Mỗi thân phận chúng ta như chiếc lá trong cơn bão, bay mênh mông giữa định mệnh vô chừng. Có khổ đau có hạnh ngộ. Có mất mát phân ly và có tình yêu bất chợt. Cơn bão cuộc đời, cơn bão của tình yêu đã đưa tôi vào những ngày tháng cuộc đời hôm nay. Nước mắt và nụ cười luôn hòa chung vào giọt lệ thấm mặn bờ môi.

Những ngày tháng Tư luôn mang theo nhiều nỗi nhớ. Người đi qua đời tôi và tôi đã thoáng qua đời người. Bây giờ họ ở đâu, sống thế nào hay đã vĩnh viễn ra đi khỏi cõi tạm đời này? Còn tôi? Tôi vẫn luôn đi lặng lẽ bên cuộc đời của anh như một bóng hình hạnh phúc theo triền cơn bão. Những ngày tháng Tư đã đưa tôi đến với anh, với tình yêu tôi suốt cuộc vô thường. Như hạt cát trong sa mạc, giọt mưa nhỏ nhoi giữa biển đời bao la, chúng ta không có sự chọn cho số phận. Để rồi chính số phận đã chọn mỗi chúng ta dù muốn hay không? Quỹ thời gian đang cạn dần theo năm tháng. Hãy trân trọng mỗi phút giây đang lặng lẽ lướt qua. Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cuộc tình đã khiến ta hiến dâng với tất cả tâm tình cho một kiếp người, đến với đời này và không bao giờ trở lại...

Durham, North Carolina
Nguyễn Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét