Trong toa tàu đông chật cứng, người người đứng ngồi sát nhau, nhúc nhích cũng khó, di chuyển từ đầu toa xuống cuối toa càng vất vả, cần sự hợp tác giúp đỡ của tất cả những người xung quanh. Và cũng di chuyển từ từ thôi.
Trong giọt sương hay giọt chất đen, vô lượng vi phân tử, sóng radio chen chúc, dính sát nhau, nhưng các vi phân tử đều được tự do di chuyển khắp nơi, không chậm mà cực nhanh – nhanh gần, hoặc bằng, tốc độ ánh sáng!
Nghe rất nghịch lý. Nhưng hiện tượng bất thường ấy đang xảy ra khắp nơi, trong từng sát na, là một sinh hoạt bình thường của vũ trụ.
Tại sao trong “toa tàu” vũ trụ đông chật cứng, đám hành khách phân tử, vi phân tử vẫn được tự do chạy tới chạy lui nhanh như chớp?
Tìm tòi, suy nghĩ mãi mới thấy lời giải đáp. Nó nằm trong cái hình thể tuyệt hảo của các vi phân tử, phân tử. Hình thể chứa đựng “bí mật” của Tạo Hóa ấy không bị giấu ở chỗ kín đáo, khó tìm. Nó được rải khắp một phòng triển lãm lớn rộng bằng cả bầu trời.
Nó là hình dạng của hầu hết các vì sao: Hình cầu.
Một trong những điều kiện tiên quyết của hiện hữu là có chỗ đứng trong không gian. Hình cầu thi hành được tối đa phương châm: Ta hiện hữu và dành chỗ cho vật thể khác hiện hữu (giống hệt phương châm, thành ngữ quen thuộc: Sống và để cho người khác – hay muôn vật khác– cùng sống – Live and let live.)
Chính nhờ tinh thần vị tha của hình cầu mà vũ trụ thành hình.
Để dễ quan sát, ta bắt đầu bằng hình tròn.
Gom ba hoặc bốn hình tròn lại cho tiếp xúc với nhau thật sát, ta vẫn có một khoảng trống đủ để chứa một hình tròn nhỏ hơn. Và chính hình tròn mới này cũng lập tức chừa lại ba, hoặc bốn khoảng trống cho những vòng tròn nhỏ hơn nữa.
Cứ như thế cho đến vô tận.
Như hình vẽ dưới đây, khoảng trống do ba hình tròn lớn để lại đủ chỗ cho hình tròn nhỏ A, rồi 3 hình tròn nhỏ hơn B,C,D . Sau đó, còn lại 9 khoảng trống E cho những hình tròn nhỏ hơn nữa… Vô lượng khoảng trống tiếp tục mở ra không dứt.
Đó là hình tròn. Hình cầu thể hiện sự hào phóng trong không gian 3 chiều, nghĩa là thế giới thực.
Một nhóm quả cầu kết tụ dù chặt chẽ đến thế nào vẫn dành chỗ cho những quả cầu nhỏ hơn. Thí dụ A,B,C,D khi dính chặt nhau, vẫn chừa khoảng trống cho E.
Nếu E có kích thước vừa với khoảng trống do một nhóm 8 hình cầu tạo nên thì lập tức – dù bị 8 quả cầu vây kín – E vẫn có thể tự do vượt thoát nhờ 6 lối ra luôn rộng mở. Như hình vẽ dưới đây:
Kết hợp bền chắc nhất ở đây là nhóm 4 quả cầu, khi mỗi quả luôn luôn có điểm tiếp xúc với cả ba quả kia, nghĩa là cả bốn dính chặt nhau. Nhưng đơn vị kết hợp “bền chắc” đến thế vẫn có kẽ hở, vẫn dành cho quả cầu nhỏ “bị vây quanh” đủ 4 đường vượt thoát. (Hình 5A)
Hình 5A
Khi thêm 3 quả cầu nữa vào “kết hợp bền chắc” (gồm bốn quả cầu) ta có một khối bảy quả cầu và 9 lối thoát. (Hình 5B)
Hình 5B
Nếu tiếp tục thêm 30, 300, 3000… cho tới vô lượng hình cầu nữa, thì lập tức có vô lượng lối thoát tương ứng được mở ra. Nghĩa là dù bị vây kín bởi muôn triệu quả cầu lớn, các quả cầu nhỏ vẫn luôn luôn có lối thoát và tha hồ di hành – nhanh chậm tùy sức – khắp nơi trong vũ trụ.
Như thế: Vô lượng khối hình cầu tạo ra vô lượng đường hầm. (Hình 5C)
.
Hình 5C
Trong tương lai, khi có thể chụp được hình (2 chiều) một vi phân tử nhỏ nhất trong vũ trụ ta sẽ thấy một vật thể hình cầu bị 3 khối cầu lớn hơn (DM-particle) vây quanh, nhưng vẫn chừa lại ba khoảng trống chứa đầy Chất Đen ở thể lỏng (DM-liquid). (Hình 5D)
Hình 5D-Vùng xung quanh một vi phân tử nhỏ nhất trong vũ trụ
Bí quyết quan trọng đặc biệt trong cấu trúc của vũ trụ chính là đây: Vô lượng khối hình cầu tạo ra vô lượng đường hầm.
Nếu bạn thấy cách trình bày, giải thích của tôi mơ hồ, khó hiểu, thì xin nhận lỗi ngay, và cũng có liền lời bào chữa: Tôi không biết vẽ và đầu óc già nua khiến khả năng điều khiển chuột để tạo hình trên máy vi tính rất yếu kém. Tay già lọng cọng mà vẽ vời được mớ hình trên đây là hết sức bình sinh rồi.
Kích thước của vấn đề lớn quá – cấu trúc của toàn thể vũ trụ – đòi hỏi hình vẽ, họa đồ của các kiến trúc sư hoặc những chuyên gia giàu kinh nghiệm tạo hình trên máy vi tính (computer graphic). Mai đây, nếu những vị cứu tinh ấy xuất hiện, giúp một tay, thì lời giải thích sẽ rõ ràng, bài viết thêm sáng sủa ngay.
Nhưng không thể án binh bất động trong khi chờ quân cứu viện, đành nhờ sự tiếp tay của chính bạn đọc. Xin tạm trưng dụng trí tưởng tượng của quý bạn.
Bạn xem lại Hình 5B – kết hợp 9 quả cầu – rồi tưởng tượng nó có thêm hàng ngàn quả cầu nữa. Hoặc cũng khối 9 quả đó được nhân lên ngàn vạn lần thành một khối lớn bằng cái nhà… bạn sẽ thấy, quả thực, khối cầu lớn tới đâu thì hệ thống đường hầm kéo dài và được mở thêm tới đó.
Nếu căn phòng chất đầy kín banh túc cầu, một hệ thống đường hầm chi chít có thể mở ra cho những trái bóng bàn. Nếu nhét đầy kín đường hầm ấy với bóng bàn, ta lại có ngay hệ thống hầm dành cho những viên bi v.v…
Chất đen nguyên thủy chứa vô lượng vi phân tử hình cầu với vô lượng kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Mỗi cỡ có đường hầm riêng. Trong thế giới vô cùng nhỏ này, mỗi vi phân tử được tự do di chuyển khắp đường hầm dành riêng cho nó, đến những góc xa nhất của thế giới vô cùng lớn – nghĩa là khắp nơi trong vũ trụ.
Tất cả vi phân tử di chuyển dưới dạng sóng vì không có đường hầm nào chạy thẳng. Đường nào cũng quanh co, đầy những ngã rẽ, bước ngoặt. Do đó, Photon di chuyển theo sóng ánh sáng (Light waves). Vi phân tử radio di chuyển theo dạng sóng radio (Radio waves) v.v…
Tất cả di chuyển tự do và an toàn.
Như vi phân tử ánh sáng (photon) di chuyển tự do trong đường hầm dành riêng cho nó, quanh co như sóng gợn. Mặc dầu “trần như nhộng” nó luôn được an toàn, nhờ đường hầm có hệ thống tường – do vô lượng vi phân tử lớn hơn tạo ra – bảo vệ.
Phân tử radio cùng tất cả các loại vi phân tử khác trong vũ trụ đều được hưởng hệ thống giao thông kỳ diệu ấy.
Đến đây, một câu hỏi mới nẩy ra, dẫn tới một sự diệu kỳ khác trong tác phẩm của Tạo Hóa:
Vô lượng vi phân tử “bay” ngược xuôi khắp vũ trụ, mà cùng bay với tốc độ khủng khiếp, nhanh gần hoặc bằng tốc độ ánh sáng… hẳn phải tạo ra sự ma sát, dẫn tới tình trạng nhiệt lượng tăng lên vô cùng tận. Như thế, để cho hợp luật vật lý, giá rẻ nhất cũng là vũ trụ phải nổ như… bom nguyên tử? Cái gì ngăn cho đại họa ấy không xảy ra?
Vũ trụ đã có và nhân loại cũng đã tìm ra phương thức giảm độ ma sát lâu rồi.
Bạc đạn (ball bearing) – Wikipedia
Trong bộ phận bạc đạn của hầu hết máy móc, ta thấy những viên bi sắt lăn theo chiều quay, cắt giảm hẳn độ ma sát. Chưa hết, bi còn lăn trong dầu nhớt cho thêm trơn, khiến độ ma sát gần như bị triệt tiêu.
Trong thiên nhiên, chất đen phần thể lỏng tràn ngập vũ trụ, bôi trơn các đường hầm, giúp vi phân tử “lăn” nhanh mà không tạo ma sát.
Hệ thống giao thông kỳ diệu này có sẵn trong cấu trúc của vũ trụ, trong tổng hợp thành phần của chất đen: Vô lượng vi phân tử nằm trong khối thể lỏng tràn ngập đất trời.
Bây giờ, ta hiểu tại sao vô lượng sóng điện thoại cùng lan tỏa bên nhau, chằng chịt, chi chít, mà không hề bị trộn lẫn, vướng mắc, rối mù? Cứ đường ai nấy đi, rất thênh thang.
Giọt sương mai – dung nhan mới hôm nay của giọt chất đen nguyên thủy – đối với thế giới vô cùng nhỏ là một khối khổng lồ. Trong giọt sương, không gian mênh mông của riêng nó, một vi phân tử có đường hầm riêng để di chuyển khắp các ngõ ngách của giọt sương, rồi tiếp tục “bay” vào cõi vô cùng lớn, và nếu đủ lực, có thể đến những nơi thăm thẳm xa vời như bến bờ vũ trụ.
Đường nó đi còn được Chất Đen lỏng, đóng vai dầu nhớt, bôi trơn cho du khách khỏi bị nóng người.
Lê Tất Điều
21/6/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét