Người thứ tư trong Sơ Đường Tứ Kiệt : LẠC TÂN VƯƠNG
LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (626?-687?) tự là Quan Quang 觀光. Tên và Tự của ông đều xuất phát từ quẻ Khôn 坤 (lục tứ) của Kinh DỊCH là : QUAN quốc chi QUANG, lợi dụng TÂN chi VƯƠNG 觀國之光,利用賓於王. Có nghĩa : Quan sát dân tình trong nước thì biết được đức hạnh của nhà vua, và để quyết định xem có đến để phò trợ nhà vua đó hay không. Ông tên "TÂN VƯƠNG" nên mới lấy tự "QUAN QUANG" là vì thế. Lạc Tân Vương người đất Nghĩa Ô Vụ Châu (thuộc huyện Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang ngày nay). Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, bảy tuổi làm bài "Vịnh Nga 咏鹅" còn truyền tụng đến hiện nay. Ông xuất thân từ gia đình hàn vi, nhưng tuổi trẻ tài cao. Trong năm Vĩnh Huy (650) ông đã là Chủ Bộ về Văn học và võ công của Đạo Vương Lý Nguyên Khánh, sau chuyển về làm Chủ Bộ của đất Trường An. Năm Phụng nghi thứ 3 (678) đãm nhiệm chức Thị Ngự Sử, vì can vua động chạm đến Võ hậu nên bị hạ ngục; gặp đại xá nên được tha. Năm Điều lộ thứ 2 (680) nhậm chức Lâm hải Huyện Thừa, đến năm Quang Trạch nguyên niên (684) theo Anh Quốc Công Từ Kính Nghiệp dấy binh thảo phạt Võ Tắc Thiên, soạn bài hịch nổi tiếng cổ kim "Vị Từ Kính Nghiệp Thảo Võ Anh Hịch 為徐敬業討武曌檄". Sau khi Từ Kính Nghiệp bại binh, có tin đồn cho là ông đã bị giết trong loạn quân, nhưng sau nầy có người còn gặp ông đã xuất gia làm hòa thượng ở trong núi.
Ông cũng là một trong TỨ KIỆT của buổi SƠ ĐƯỜNG. Người đời xếp ông đứng chót trong Tứ Kiệt, nhưng tài hoa và danh tiếng của ông hơn hẵn Lư Chiếu Lân và Dương Quýnh và sánh ngang ngửa với người đứng đầu là Vương Bột. Tương truyền...
Trong một lần cùng cha và một người khách, bạn của cha, đi ngoạn cảnh đồng quê, chú bé Lạc Tân Vương mới 7 tuổi đã làm công chuyện của một "tua-gai"(tour-guide) giới thiệu với khách phong cảnh của quê mình, khi đi đến một bờ hồ nước trong xanh biếc, gió mát thoảng đưa nên mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn, thấp thoáng một vài bông liễu trắng xóa bay phất phơ từ các nhành liễu buông rũ lã lướt bên bờ hồ, trên mặt hồ lại có vài con ngỗng trắng đang bơi lội nhởn nhơ, thỉnh thoảng vổ cánh quạt nước tứ tung và kêu lên "quàng quạt". Trước phong cảnh đẹp đẽ hữu tình nầy, khách mới cười hỏi Lạc Tân Vương rằng :"Nghe nói cháu làm thơ rất giỏi, giới thiệu cảnh đẹp đã hay rồi, vậy cháu thử làm một bài thơ tả cảnh trước mắt xem sao !". Lạc Tân Vương thưa rằng :"Cháu làm bài thơ Vịnh Ngỗng nhé!" Đoạn chú bé đứng trầm ngâm nhìn đàn ngỗng lội trên mặt hồ một lúc, rồi cất tiếng ngâm:
鵝,鵝,鵝, Nga, nga, nga,
曲項向天歌。 Khúc hạng hướng thiên ca.
白毛浮綠水, Bạch mao phù lục thủy,
紅掌撥清波。 Hồng chưởng bát thanh ba.
Có nghĩa:
Ngỗng, ngỗng, ngỗng. Cổ cong hướng lên trời mà kêu (ca). Bộ lông trắng nổi lên trên (phù) mặt nước xanh biếc (lục thủy). Bàn chân hồng đẩy (bát) làn nước gợn sóng trong veo. (THANH 清 nầy có ba chấm thủy, có nghĩa là TRONG)
Có nghĩa:
Ngỗng, ngỗng, ngỗng,
Cổ cong hướng lên không,
Lông trắng trên nước biếc,
Chân hồng đẩy sóng trong!
Ba tiếng NGỖNG, NGỖNG, NGỖNG vừa chỉ con Ngỗng, vừa như là tiếng kêu của các con ngỗng theo phát âm Quan Thoại : NGẠ, NGẠ, NGẠ ! Vừa tượng thanh vừa vui nhộn như tuổi trẻ của Lạc Tân Vương, vừa nói lên được tình cảm của chú bé dành cho con ngỗng vui mừng khi gặp mặt. Câu hai là hình ảnh tiêu biểu rất tượng hình của cái cần cổ dài và cong của ngỗng vươn lên trời cao khi cất tiếng kêu. Hai câu kết thì thật xuất sắc , nêu bật được đặc điểm của con ngỗng và bối cảnh xung quanh với một thủ thuật tuyệt vời : Lông trắng nổi lên trên mặt nước xanh và chân ngỗng màu hồng đẩy làn nước trong mà bơi tới!
Khách ngạc nhiên đến thích thú trước tài thơ mẫn tiệp của cậu bé Lạc Tân Vương mới vừa lên bảy tuổi. Ông ta đã nói với cha của Lạc Tân Vương rằng, thằng bé tương lai sẽ là người thành đạt lớn, và quả nhiên Lạc Tân Vương là một trong TỨ KIỆT của buổi sơ Đường, ngang danh với Vương Bột 王勃, Lư Chiếu Lân 盧照鄰 và Dương Quýnh 楊炯, rất giỏi về thơ ngũ ngôn, thất ngôn và nhất là tản văn...
Về bài thơ VỊNH NGỖNG thì...
Theo "Giai thoại Văn Chương Việt Nam của Thái Bạch" và của trên mạng "Để Gió Cuốn Đi" có kể rằng : Năm 987, đời Tiền Lê ở nước ta. Vua Nhà Tống sai Lý Giác đi sứ nước Nam. Khi đến chùa Sách Giang, Vua Lê mời sư Pháp Thuận giả làm người lái đò ra đón. Lý Giác rất giỏi và rất thích nói chuyện văn thơ. Ngồi trong thuyền đò, ông thấy trên mặt sông có đôi ngỗng trắng đang bơi, liền buộc miệng đọc:
Nga nga lưỡng nga nga, 鵝鵝兩鵝鵝,
Ngưỡng diện hướng thiên nha. 仰面向天崖。
Có nghĩa:
Hai con ngỗng một đôi,
Ngước mặt hướng chân trời.
Sứ thần Lý Giác vừa đọc xong, thì người lái đò bèn đọc tiếp ngay là :
Bạch mao phô lục thủy, 白毛舖綠水,
Hồng trạo bãi thanh ba. 紅棹擺青波。
Có nghĩa:
Lông trắng phô nước biếc,
Chèo hồng quẫy sóng xanh.
Lý Giác rất kinh ngạc, vì không ngờ rằng người lái đò nước Nam lại giỏi văn thơ như thế. Có thể là trước đó cả sứ thần Lý Giác và nhà sư Pháp Thuận đều đã đọc qua bài thơ của chú bé Lạc Tân Vương, nên mới xúc cảnh sanh tình mà buộc miệng đọc ra những câu thơ trên chăng ?! Mặc dù có sửa đổi đôi chút, nhưng tựu trung vẫn từ bài Vịnh Ngỗng của Lạc Tân Vương mà ra cả !
Khi đã trưởng thành, ngoài tài làm thơ viết văn ra, Lạc Tân Vương còn là một hiệp khách với lòng hiệp nghĩa cao độ, chuyên cứu khổn phò nguy, giúp người cô thế bị hiếp đáp, trừng trị tham quan ô lại, trừng trị kẻ bạc tình, thậm chí giết người để báo thù cho kẻ thế cô bị ức hiếp... như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều : "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha ?!".
Năm Hàm Hanh thứ 2 đời Đường Cao Tông (671), Lạc Tân Vương từ Tây Vực trở lại Trường An để tìm chút công danh, nhưng không thành, bèn theo Lương Tích Thọ đầu quân ở Dao Châu, tháng 6 từ Dao Châu chuyển sang đất Thục, ở Thành Đô theo lối sống buông thả phóng túng của hiệp khách giang hồ "Tầm thù nhập tửu tứ, Phỏng khách thướng cầm đài 尋姝入酒肆,訪客上琴台" Có nghĩa : Muốn tìm người đẹp thì vào quán rượu, muốn tìm khách tao nhả thì lên cầm đài. Ở đây Lạc Tân Vương kết giao với Lư Chiếu Lân đang là Đô Úy, hai bên cùng xướng họa thật tương đắc. Nhưng sau khi Lư Chiếu Lân dứt bỏ Quách Thị, rồi một đi không trở lại trong khi Quách thị đã mang thai, chờ đợi mõi mòn đằng đẵng suốt hai năm trường, con sanh ra lại chết. Quách thị vô cùng đau xót than thở với Lạc Tân Vương, Vương nổi lòng hào hiệp thay Quách Thị làm một bài thơ trường thiên thất ngôn ca hành "Diễm Tình Đại Quách Thị Đáp Lư Chiếu Lân 艷情代郭氏答盧照鄰". Có nghĩa : "Bài thơ diễm tình thay cho Quách Thị đáp lại Lư Chiếu Lân" để bày tỏ nỗi lòng thương nhớ và oán trách cho sự bạc tình của Lư Chiếu Lân, trong đó có những câu như:
迢迢芊路望芝田, Điều điều thiên lộ vọng chi điền,
眇眇函關限蜀川。 Miễu miễu Hàm Quan hạn Thục Xuyên.
歸雲已落涪江外, Quy vân dĩ lạc Phù Giang ngoại,
還雁應過洛水瀍。 Hoàn nhạn ưng qua Lạc Thủy Triền...
Có nghĩa:
Diệu vợi đường dài ngóng ruộng dâu,
Xa xăm Hàm Cốc Thục Giang đầu.
Phù Giang mây đã trôi thăm thẳm,
Cánh nhạn sông Triền Lạc Thủy đâu ?!...
Ở nơi đất Thục xa xôi ngóng về đất Trường An diệu vợi chỉ thấy toàn ruộng dâu đay che khuất cả tầm mắt bởi ải Hàm Cốc ngăn cách của xứ Thục Xuyên, nhìn lên trời thì chỉ thấy mây trôi thăm thẳm của con sông Phù uốn khúc, mõi mòn đợi cánh nhạn từ sông Triền xứ Lạc Dương của Trường An bay qua dòng Lạc Thủy để đem tin đến nơi nầy... Nhưng mãi mãi vẫn hoài công chờ đợi mà thôi, vì ở nơi kinh thành, chàng Lư Chiếu Lân bạc tình quên nghĩa đã đang vui với :
柳葉園花處處新, Liễu diệp viên hoa xứ xứ tân,
洛陽桃李應芳春。 Lạc Dương đào lý ứng phương xuân.
妾向雙流窺石鏡, Thiếp hướng song lưu khuy thạch kính,
君住三川守玉人。 Quân trú Tam xuyên thủ ngọc nhân !
Có nghĩa:
Liễu hoa mới mẻ khắp nơi nơi,
Đào lý Lạc Dương đã đượm rồi.
Thiếp đối gương sầu dòng lệ chảy,
Chàng ôm người ngọc mặc tình chơi !...
... và...
悲鳴五里無人問, Bi minh ngũ lý vô nhân vấn,
腸斷三聲誰為續? Trường đoạn tam thanh thùy vị tục?
思君欲上望夫台, Tư quân dục thướng Vọng phu đài,
端居懶聽將雛曲。 Đoan cư lãn thính tương sồ khúc!
Có nghĩa:
Khóc than năm dặm chẳng ai hay,
Ruột đứt ba canh luống ngậm ngùi.
Trông ngóng nhớ thương chừng hóa đá,
Lại sầu con trẻ sớm qua đời !
...v.v và v.v....
Bài thơ được truyền ra khiến cho người người đều oán trách Lư Chiếu Lân là kẻ bạc tình.
Cũng với tính khí hào hiệp đó được Lạc Tân Vương đem áp dụng vào quan trường, nên vào năm Phụng Nghi thứ ba (678) đời Đường Cao Tông, sau hơn mười năm bị chèn ép trong quan trường, khi vừa mới được thăng làm Thị Ngự Sử, Lạc Tân Vương đã dâng sớ luận bàn triều chính, động chạm đến các đồng liêu và nhất là động chạm đến Võ Hậu, nên bị vu cho tội tham ô rồi bị hạ ngục. Trong ngục ông đã làm bài thơ nổi tiếng dưới đây :
在獄詠蟬 TẠI NGỤC VỊNH THIỀN
西陸蟬聲唱, Tây lục thiền thanh xướng,
南冠客思深。 Nam quan khách tứ thâm.
那堪玄鬢影, Na kham huyền mấn ảnh,
來對白頭吟。 Lai đối bạch đầu ngâm.
露重飛難進, Lộ trọng phi nan tấn,
風多響易沉。 Phong đa hưởng dị trầm.
無人信高潔, Vô nhân tín cao khiết,
誰爲表予心? Thùy vị biểu dư tâm ?!
Nghĩa Bài Thơ
Trong Ngục Vịnh Ve
Trong mùa thu nhưng tiếng ve vẫn còn vang lanh lảnh, khiến cho người tù như ta càng nhớ nhung nghĩ ngợi sâu xa hơn. Làm sao kham được khi tóc hãy còn xanh (như hai cánh ve còn ngân vang) mà phải cam chịu ngâm khúc bạc đầu oan ức bất đắc dĩ nầy. Sương rơi nặng hạt làm cho ve khó mà bay tới, gió rít mạnh nên át cả tiếng ve ngâm. Không có ai tin loài ve thanh cao trong sạch (cũng như ta), nên ai, ai mới là người bộc bạch được nỗi lòng cao khiết của ta đây ?!
Vịnh VE, nhưng lại mượn hình tượng trên cao và tiếng ve ngâm cao vút để gởi gắm và bày tỏ nỗi lòng trong trắng thanh cao đầy tính hiệp nghĩa của mình. Bị chèn ép trù dập để đưa vào tù trong khi hào khí vẫn tràn đầy mà phải ngâm câu bạch đầu ta thán. Không tiến bước được trên con đường chính nghĩa vì bị các thế lực khác trù dập, như con ve không thể bay cao bay xa được vì những hạt sương nặng trĩu của mùa thu; không nói lên tiếng nói trung thực vì bị quyền thế cấp trên chèn ép cũng như con ve không còn cất cao tiếng ngân được vì bị tiếng gió rít át đi. Ai còn trân trọng sự cao khiết của con ve cũng như ai còn có thể vì ta mà bày tỏ nỗi lòng thanh cao trong trắng của ta đây ?
Diễn Nôm:
Trời thu ve còn vang tiếng,
Người tù lòng nghĩ đâu đâu,
Sao khiến người còn xanh tóc,
Phải ngâm khúc hát bạc đầu.
Sương nặng cánh bay không nổi,
Gió vờn tiếng hát chìm sâu.
Không người tin lòng cao nhã,
Ai bày tỏ nỗi lòng sầu ?!
Mùa thu năm sau (679), ông được xá tội. Mùa đông năm đó ông đi về đất Yên (thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay) làm Tham Quân trong một doanh trại, quyết lòng ra sức lập công báo quốc. Bài "Dịch Thủy Tống Biệt 易水送別" được làm trong khoảng thời gian nầy khi ông đưa bạn qua dòng sông Dịch.
此地別燕丹, Thử địa biệt Yên Đan
壯士髮衝冠。 Tráng sĩ phát xung quan.
昔時人已沒, Tích thời nhân dĩ một,
今日水猶寒。 Kim nhật thủy do hàn!
DỊCH THỦY 易水 : Còn gọi là Dịch Hà 易河, tên một con sông nằm ở phía tây của Dịch Huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, chia làm Nam Dịch Thủy và Bắc Dịch Thủy, là ranh giới phía nam của nước Yên thời Chiến Quốc, nơi mà thái tử Đan tiễn biệt Kinh Kha qua sông để đi thích khách Tần Thủy Hoàng. Bài thơ có nghĩa :
Ta đưa bạn ở nơi nầy, nơi mà Kinh Kha đã từng vẩy tay ly biệt với thái tử Đan của nước Yên. Người tráng sĩ ra đi (thích khách Tần Thủy Hoàng) bi hùng cảm khái đến nỗi tóc dựng đứng đội cả mão lên. Bây giờ, người xưa tuy đã mất rồi, nhưng dòng nước nơi đây vẫn còn toát hơi lạnh lẽo.
Bài thơ vừa tả thực (tiễn bạn), vừa hoài cổ (nhớ lại chuyện xưa), vừa như Vịnh Sử (nhắc lại một thiên lịch sử bi tráng hào hùng của Kinh Kha khi qua sông Dịch) và hàm súc cảm khái một cách bi hùng với hình ảnh "Tích thời nhân dĩ một, Kim nhật thủy do hàn !". Cái lạnh của dòng sông Dịch như làm sống lại cảnh đưa tiễn ngày xưa, và cũng làm cho ta nhớ đến bài ca của Cao Tiệm Ly đã hát trên bờ sông khi đưa tiễn bạn:
Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn, 風蕭蕭兮易水寒,
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn ! 壯士一去兮不復還.
Có nghĩa:
Gió hắt hiu ôi, bờ sông Dịch lạnh,
Tráng sĩ một đi rồi, không trở lại nữa đâu !
... và lại làm cho ta nhớ đến bài TỐNG BIỆT HÀNH của nhà thơ Thâm Tâm thời Tiền Chiến :
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
... và trong bài VỌNG NHÂN HÀNH cũng của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”...
Diễn Nôm:
Nơi nầy giả biệt Yên Đan,
Anh hùng tóc dựng ngập tràn bi ca.
Người xưa tuy đã lìa xa,
Hôm nay dòng nước la đà lạnh căm!
Năm Quang Trạch nguyên niên (684) Lạc Tân Vương theo Anh Quốc Công Từ Kính Nghiệp khởi binh chống lại Võ Tắc Thiên, ông đã viết bài "Vị Từ Kính Nghiệp Thảo Võ Anh Hịch 為徐敬業討武曌檄" hiệu triệu mọi người cùng đứng lên chống lại họ Võ. Võ Tắc Thiên thấy bài hịch chỉ mĩm cười khi dễ. Kịp khi đọc đến câu "Nhất phôi chi thổ vị can, lục xích chi cô hà thác ? 一坯之土未乾,六尺之孤何託?" mới thất kinh xúc mồ hôi hạn mà hỏi rằng :"Ai viết bài hịch văn nầy?" Có người tâu là của Lạc Tân Vương viết. Võ Tắc Thiên mới quở rằng :"Đây là lỗi lầm của Thừa Tướng, nhân tài như thế nầy sao không biết trọng dụng, để đến đổi lưu lạc bên ngoài theo loạn quân mà chống lại ta thế nầy?". Thì ra câu nói đó đã đánh ngay vào điểm yếu tử huyệt của Võ Tắc Thiên:" Một núm đất vàng còn chưa khô là chỉ chồng bà ta là Đường Cao Tông chết chưa bao lâu, mồ còn chưa xanh cỏ, mà bà ta đã phế đứa con côi là Đường Trung Tông được chồng ký thác để soán ngôi mà tự xưng là Châu Thiên Tử." Cái bất nghĩa bất nhân đó đã được Lạc Tân Vương khai thác để kêu gọi mọi người cùng đứng lên chống lại họ Võ. Đây là bài hịch hay nhất của buổi Sơ Đường. Trong khí thế đang lên, Lạc Tân Vương làm luôn một bài thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt "Tại Quân Đăng Thành Lâu 在軍登城樓" đầy khí thế hào hùng như sau :
城上風威冷, Thành thượng phong uy lãnh,
江中水氣寒。 Giang trung thủy khí hàn.
戎衣何日定, Nhung y hà nhật định,
歌舞入長安. Ca vũ nhập Trường An!
Có nghĩa:
Trên thành quân uy ớn lạnh,
Dưới sông sát khí căm căm.
Áo trận ngày nao bình định,
Múa ca vào chiếm kinh thành !
Nhưng tiếc thay, bài hịch tuy hay, tuy đanh thép; bài thơ tuy hào hùng khí thế, nhưng cuộc nổi dậy của Từ Kính Nghiệp lại thất bại. Lạc Tân Vương bặt vô âm tín từ đó. Có người đồn rằng ông đã chết trong cuộc chiến, lại có người cho rằng ông đã vào núi ẩn cư tu đạo, được tôn thành thần, hiệu là "Nam Thiên Lạc Ân Sư 南天駱恩師". Lại có người cho rằng ông đã thế phát quy y vào cửa Phật, nương nhờ bóng thiền môn, hiệu là "Phổ Tế Diệu Chương Thiền Sư 普濟妙章禪師", mỗi năm vào tiết Đoan Ngọ đều được cúng tế linh đình.
Ta thấy...
Từ một chú bé bảy tuổi Vịnh Ngỗng thật dễ thương, Lạc Tân Vương lớn lên với hình tượng của một hiệp khách cứu khổn phò nguy "giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha ?!", rồi trở thành một quan viên chính trực, công chính liêm minh để đến nỗi bị trù dập bỏ tù, và cuối cùng không chiụ được sự tiếm quyền của Võ Tắc Thiên mà làm phản. Cuối đời lại mai danh ẩn dật, xuất gia thành một hòa thượng trông rất bặm trợn như các hình tượng được lưu truyền.
Thế mới biết, cuộc sống nhân sinh đã hành hạ dằn vật con người như thế nào, cuộc đời chìm nổi đắng cay đã làm đổi thay thân xác từ một chú bé vô tư thông minh dễ thương thành một hoà thượng khắc khổ gầy gò dữ tợn. \
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Bài Dịch:
Dịch Thủy Tống Biệt
Lạc Tân Vương
Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quang
Tích thì nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn
Dịch. Thơ:
Tiễn Biệt Tại Dịch Thuỷ
(1)
Giả biệt Yên Đan tại chốn nầy
Anh hùng vành nón tóc tung bay
Chuyện xưa người cũ đà heo hút
Sông lạnh còn đây nước vẫn đầy
(2)
Cũng nơi nầy Yên Đan giả biệt
Tóc người hùng dựng ngược trời cao
Chuyện xưa đã khuất thuở nào
Mà nay sông Dịch một màu lạnh căm!
(3)
Yên Đan biệt chốn nầy
Trang sĩ tóc mây bay
Chuyện cũ đà heo hút
Sông lạnh vẫn còn đây!
Mailoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét