Từ Bài Thơ Con Cóc của ông Petrus Trương Vĩnh Ký có Điệu Thơ Con Cóc với nhiều kỹ thuật hình thức khéo léo và làm cho tứ thơ liên tục và linh động.
Ba Anh Dốt Làm Thơ
Ý tứ "Thơ Con Cóc" nầy bắt nguồn từ bài "Ba Anh Dốt Làm Thơ" dưới đây của ông Pétrus Trương Vĩnh Ký:
Có ba anh học trò dốt ngồi nói chuyện với nhau. Mới nói: Mình tiếng con nhà học trò mà không có làm thơ làm phú với người ta thì té ra mình dở lắm. Mấy người kia mới nói phải. Hè nhau làm ít câu chơi.
Anh thứ nhất thấy con cóc ở trong hang nhảy ra, mới làm câu mở như vầy: Con cóc trong hang con cóc nhảy ra.
Người thứ hai tiếp lấy: Con cóc nhảy ra con cóc ngồi đó.
Người thứ ba: Con cóc ngồi đó con cóc nhảy đi
Lấy làm hay lắm. Rồi nghĩ lại giựt mình, vì trong sách nói: Hễ học hành giỏi thì sau cũng phải chết. Cho nên tin như vậy mới biểu thằng tiểu đồng ra đi mua ba cái hàng đất để dành cho sẵn đó.
Tiểu đồng lăng căng đi mua, ghé ra quán uống nước ngồi xớ rớ đó. Có anh kia hỏi nó đi đâu? Mua giống gì? Thì nó nói: Ba thầy tôi thông minh trí huệ, làm thơ hay lắm, sợ lời sách quở, có khi không sống, nên sai tôi đi mua ba cái hòm.
- Mầy có nghe họ đọc thơ ấy không?
- Có
- Mà có nhớ nói lại nghe chơi, coi thử sức nó hay làm sao ?
Thằng tiểu đồng mới nói: Tôi nghe đọc một người một câu như vầy:
Con cóc trong hang con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó con cóc nhảy đi
Anh kia nghe tức cười nôn ruột, mới nói với tiểu đồng:
- Mầy chịu khó mua giùm cho tao một cái hòm cho luôn trót thể
Tiểu đồng hỏi: Mua làm chi?
Lão nọ mới nói: Tao mua hờ để đó, vì tao sợ tao cười lắm, có khi cũng chết theo ba thầy làm thơ đó nữa.
(Bài số 49, trương 69, Truyện đời xưa của P.J.B. Trương Vĩnh Ký, in lần thứ 9, tại nhà in Imprimerie de Qui Nhơn, An Nam, năm 1914)
Chuyện nầy được viết lại trong sách "Chuyện Xưa Tích Cũ" của Sơn Nam.
Bài Thơ Con Cóc và Điệu Thơ Con Cóc
Như vậy "Bài Thơ Con Cóc" trong bài nầy của ông Pétrus Trương Vĩnh Ký tổng kết như sau:
"BÀI THƠ CON CÓC"
Con Cóc trong hang con Cóc nhảy ra
Con Cóc nhảy ra con Cóc ngồi đó
Con Cóc ngồi đó con Cóc nhảy đi.
Bài thơ nầy là bài thơ nổi tiếng nhứt trong Văn Học Sử vì ai cũng biết và nhớ đến. Bài thơ nầy có một điệu rất lạ: chữ cuối của câu trước là chữ đầu của câu sau.
Con Cóc trong hang con Cóc nhảy ra
Con Cóc nhảy ra con Cóc ngồi đó
Con Cóc ngồi đó con Cóc nhảy đi.
Ta có thể gọi đó là "Điệu Thơ Con Cóc".
Như vậy ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là tác giả của Bài Thơ Con Cóc và là người sáng tạo ra Điệu Thơ Con Cóc.
Trương Minh Ký, học trò của Petrus Ký
Điệu Thơ Con Cóc được học trò của ông là ông Trương Minh Ký (1855-1900) áp dụng ngay sau đó. Trong tất cả 36 câu thơ cuối của 2000 câu thơ của thi phẩm "Như Tây Nhựt Trình" theo thể Song Thất Lục Bát, ông Trương Minh Ký đều dùng Điệu Thơ Con Cóc:
(Trương Minh Ký / Như Tây Nhựt Trình)
Nguyễn Công Trứ, tiền nhân của Petrus Ký
Trước ông Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), ông Nguyễn Công Trứ (1778-1858) cũng có bài thơ theo Điệu Thơ Con Cóc, tuy rằng bài thơ nầy cũng không theo thể thơ nào cả (cũng như Bài Thơ Con Cóc của ông Petrus Trương Vĩnh Ký).
BỠN TÌNH NHÂN
Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao đã làm chi được
Làm được tao làm đã chán khi.
(Nguyễn Công Trứ)
Biến thể Hườn Cú của Thơ Đường Luật
Mặc dù "Bài Thơ Con Cóc" nầy không có vần và không theo luật nhưng có những bài thơ Đường Luật theo những biến thể như Hườn Cú và Điệp Vận Hồi Văn cũng có Điệu Thơ Con Cóc.
Biến thể "Hườn Cú" (Hoàn Cú) của thơ Đường Luật có đặc tính của "Bài Thơ Con Cóc": 1 hay những tiếng cuối của câu trước được lập lại ở đầu của câu tiếp theo sau.
Thể Hườn Cú: Một bài tứ cú hay một bài bát cú mà lấy một hay hai chữ chót của câu trên làm một hay hai chữ đầu của câu dưới, như vậy cho đến câu cuối. Niêm luật, đối và ý nghĩa cũng đủ hết trong bài thơ.
* (Lập lại 1 tiếng)
BI NGỘ
Mối thảm vì đâu lại vấn vương
Vương thêm rối rắm mối tình thường
Thường đem tâm sự vui mơ mộng
Mộng thấy niềm riêng gởi gió sương
Sương đọng đầu ngành in ánh ngọc
Ngọc nằm kẹt đá ẩn danh hương
Hương hoa muôn dặm khuây lòng kẻ
Kẻ Sở người Tần tỏ mấy chương.
(Thường Tiên)
* (Lập lại 2 tiếng)
CÁI GHẾ
Cái ghế chiều người thế đã quen
Đã quen giúp đỡ cả sang hèn
Sang hèn nương dựa ai không chịu
Không chịu ngồi yên phận chửa yên.
(Trương Minh Ký)
CHỪA RƯỢU
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa
Hay ưa, nên nỗi không chừa được
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.
(Nguyễn Khuyến)
TỰ THUẬT
Cùng thế chi hơn bẳng có tiền
Có tiền sung sướng cũng như tiên
Như tiên bởi đặng mình làm chủ
Làm chủ cho nên mới có quyền
Có quyền muốn thế thì nên thế
Nên thế cầu duyên ắt thắm duyên
Thắm duyên bởi đặng quyền cùng thế
Cùng thế chi hơn bẳng có tiền.
(Lê Quang Chiểu)
Từ có "tiền", ta sướng như "tiên", có "quyền thế" và có "duyên tình", tất cả đều từ có "tiền". Đúng là ý tứ liên tục và linh động của Điệu Thơ Con Cóc.
Biến Thể Nghịch Hoàn Cú của Thơ Đường Luật
Trong Văn học cũng có biến thể bất thành văn cũng rất hiếm gọi nôm na là "Nghịch" Hườn Cú như bài "Đăng Yên Thế Lộ" của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929):
ĐĂNG YÊN THẾ LỘ ĐƯỜNG LÊN YÊN THẾ
Hà sạ phân vân thuyết lộ ky (cơ) Dùng dằng làm chi để lộ mưu
Kỵ lô tương tố một tương tùy Cưỡi lừa ngoảnh lại chẳng người theo
Tuy tường thiên nhận do ngu nạn Dẫu bay nghìn dặm còn lo nạn
Nan ngụ cô sơn tác trụ trì Khó sống nhiều năm mãi đỉnh đèo
Trị trù thả học Y tiên giác Hãy học thầy Y tài tính liệu
Dương tiết nan phù Hán cố ky (cơ) Mong phò nhà Hán cảnh gieo neo
Ký cô thác tích canh sừ hạ Tạm thời ẩn náo vui cày cấy
Hà sự phân vân thuyết lộ ky (cơ). Dùng dằng làm chi để lộ mưu.
(Kỳ Đồng) (Đỗ Quang Liêm dịch)
Bài thơ “Đăng Yên Thế Lộ” còn gọi là “Thiên Lý Du Du” tuyên truyền người lên Yên Thế đầu quân với ông Hoàng Hoa Thám. Bài nầy có một kỹ thuật chơi chữ rất đặc biệt: 2 chữ đầu của câu sau là nói lái 2 chữ cuối của câu trước (như Kỵ lô từ lộ ky hay Tuy tường từ tương tùy...).
Văn học quốc ngữ trong dân gian Nam Kỳ cũng có những bài theo biến thể như trên:
VIẾNG HÒN CHỒNG
Ất Sửu ngày xuân viếng Đá Chồng
Đống chà ven biển có ai trông?
Ông trai leo núi e mòn đá
Mà đón ai kia má ửng hồng.
(Hồ Cơ)
ĐÊM ĐÔNG MONG CHỒNG
Trên đắp chăn bông dưới đệm bông
Bỗng đêm sực nhớ lại thương chồng
Trông thường thấy ảnh, người đâu vắng
Văng đấu đong sầu, gạt gió đông.
Văng đấu đong sầu gạy gió đông
Đống gio đá lạnh để mong chồng
Trông mong suốt sáng lòng chưa chán
Chan chứa sầu tuôn một mảnh đồng
Chan chứa dầu tuôn một mảnh đồng
Động mành gió lọt chốn thâm phòng
Phong thần giọt lệ nhờ thư gởi
Gợi thử tình xem có nhớ không
Gợi thử tình xem có nhớ không
Không nhơ nhuốc tiếng lúc xa chồng
Trông xà chặn cửa lòng ai quản
Quan ải người xa có thấu lòng.
(Vô Danh Thị)
Biến Thể Điệp Tự Hồi Văn của Thơ Đường Luật
Thể thơ Đường Luật có một biến thể gọi là "Điệp Tự Hồi Văn" khi đọc lên cũng từa tựa như thể Hườn Cú nên cũng không khác "Bài Thơ Con Cóc".
Thể Điệp Tự Hồi Văn: Một bài Thất Ngôn Tuyệt Cú , chỉ có mười chữ điệp qua điệp lại mà thành bài, mà đọc thuận hay đọc nghịch gì cũng được.
ÔNG KHUYÊN BÀ ĐỪNG SỢ MẬP
Đừng ăn sợ mập liệu coi chừng
Mập liệu coi chừng bụng lửng lưng
Lưng lửng bụng chừng coi liệu mập
Chừng coi liệu mập sợ ăn đừng.
(Diên Hương)
Đọc thuận:
Đừng ăn sợ mập liệu coi chừng
Mập liệu coi chừng bụng lửng lưng
Lưng lửng bụng chừng coi liệu mập
Chừng coi liệu mập sợ ăn đừng.
Đọc ngược (cũng giống Đọc thuận):
Đừng ăn sợ mập liệu coi chừng
Mập liệu coi chừng bụng lửng lưng
Lưng lửng bụng chừng coi liệu mập
Chừng coi liệu mập sợ ăn đừng.
Điệu Thơ Luận Lý của Phan Khôi
Thể thơ Lục Bát cũng có cùng điệu thơ rất phổ thông cũng gần giống như Điệu Thơ Con Cóc, thường được gọi là Điệu Thơ Luận Lý của Phan Khôi:
LUẬN LÝ (LOGIQUE)
Làm sao cũng chẳng làm sao!
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!
(Phan Khôi)
Từ bài thơ của ông Phan Khôi (1887-1959) có bài thơ của thi sĩ Lãng Ba Phan Văn Bộ (1908-1966):
KHÓ HIỂU RỒI
Làm chi thì cũng chẳng làm chi
Không lộ vẻ gì có hỏi chi
Dẫu nói sao sao..., nào nói lại
Tuy cười vậy vậy..., há cười chi
Chuyện lành, việc dữ, đành nghe thế
Chỗ dở, điều hay, dễ thấy chi
Mà trách hay khen dường bất kể
Thản nhiên ngần ấy, nghĩa là chi?
(Lãng Ba Phan Văn Bộ)
1-6-61
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét