Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Lincoln Và Tôi

Đầu tháng Ba, thằng con trai út của tôi cho hay vợ nó mới sanh đứa con đầu lòng và gửi hình thằng nhỏ qua cho bà nội nó coi, cho biết mặt. Lần đầu nhìn hình thằng nhóc, tôi nhận thấy nó giống tía nó y chang. Như một bản photocopy! Cũng như khi nhìn hình một đứa trẻ sơ sinh dễ thương khác, tôi không mấy rung động. Nhủ thầm mai mốt sẽ về thăm. Thế thôi.

Rồi tôi mua vé máy bay về chơi ba tuần. Trước khi về, tôi giao hẹn với con trai và con dâu, “Mẹ ở bên hai đứa bây hai tuần đầu, tuần chót tao để dành cho bà cụ ngoại.” Như những lần khác, thằng út đón rồi đưa về nhà bà ngoại. Tới ngày về lại Hilo, thằng con lớn đưa tôi ra phi trường.

Sau khi ở chơi với mẹ tôi vài tiếng, tôi nhờ đứa em trai đưa tới Enterprise để lấy chiếc xe thuê. Leo lên cái xe Nissan nhỏ bốn chỗ ngồi, tôi háo hức trực chỉ nhà cháu nội. Nhìn bầu trời mầu đủ mầu của cầu vồng, tôi mới nhớ tới những buổi hoàng hôn hay bình minh ở bên này. Đẹp không thua gì những buổi mặt trời mọc hay lặn bên kia bờ Thái Bình.

Tới nhà con, tôi đậu xe ấn chuông. Cửa gara tự động mở ra. Thằng con đứng đợi, xách hành lý của mẹ nó lên lầu. Tôi theo con, leo mười mấy bậc tam cấp lên tầng lầu thứ nhì, nơi dùng làm phòng khách, phòng ăn và bếp. Đứa con dâu đang cho con bú, nhìn tôi cười. Nhẹ nhàng đặt mình kế bên cạnh mẹ con Lincoln, tôi như thỏi sắt bị từ trường của cục nam châm thu hút, ngắm không chớp mắt con của con mình, cháu của mình. Chúa sanh thật tài. Từ mái tóc dầy, vầng trán, đôi mắt, cái mũi nhỏ xiú như trái cà chua mới nhú, môi dưới trề ra như đang hờn dỗi ai, ngay cả cái trái tai dính vô má … sao giống tía nó qúa chừng. Người ta nói quan trọng nhất là giây phút gặp nhau ban đầu. Khi trông thấy thằng cu Lincoln lần đầu, trái tim tôi đập loạn xạ, như trông thấy được người mình hằng tơ tưởng từ lâu. Lạ thật. Hồi thấy hình nó tôi chỉ nghĩ, “Thằng nhỏ giống tía nó thiệt.” Vậy thôi, không có tư tưởng gì thêm. Thế mà, tới chừng tôi gặp nó lần đầu, tôi tomber amoureuse cái rụp, dù chưa có chút kỷ niệm gì với thằng cháu nội.

Sau một hồi lâu, bà ngắm cháu, mẹ ngắm con, đứa con dâu hỏi tôi có muốn ẩm cháu? Nôn nao muốn được ôm thằng cháu vô lòng, tôi không đợi hỏi lần thứ hai, hớn hở giơ hai tay đỡ lấy thằng cu. Nó mở cặp mắt dòm một người nó chưa thấy bao giờ. Tôi cảm thấy hạnh phúc lạ lùng, không tả được. Hạnh phúc như … được ôm đứa cháu nội lần đầu.

Tôi nghe người ta nói là mình nên nói chuyện với trẻ sơ sinh như nói với người lớn. Đừng “âu âu”, vì khi nó nghe nói chuyện nhiều, khi lớn lên khả năng ăn nói của đứa nhỏ sẽ lưu loát và vốn liếng ngữ vựng sẽ phong phú. Tôi nói với thằng cu như nói với một người lớn, “Bà đợi mãi mới có giây phút này.” Dù chỉ là độc thoại, thằng nhóc chỉ nhìn bà nội nó như muốn nói: “Con biết bà là ai rồi. Bà là bà nội của con.” Có phải vì cặp mắt như biết nói mà tôi bồi hồi cảm động, cảm thấy thật gần gũi, thật thân thiết với thằng cu, như biết nó từ bao giờ?

Đúng thế, dù nôn nóng được trông thấy thằng cháu nội, tôi chờ ông bà suôi gia trở về nhà của họ rồi mới qua thăm, vì không muốn con dâu và con trai phải tiếp cả hai bên nội, ngoại một lúc.

Dù tính là ở hai tuần với con, tôi không ở bên tụi nó 24 trên 24. Tùy theo thời khóa biểu ra tiệm của con dâu, có khi tôi trông thằng cháu ban sáng, có khi tôi trông thằng cháu ban chiều. Nếu trông cháu vào buổi chiều, tôi ngủ lại và nhờ đó mới có dịp phụ con dâu tắm cho cháu.

Những giây phút riêng tư của hai bà cháu tôi thật là vui nhộn, đầy hào hứng. Tôi luôn bắt đầu bằng câu hỏi, “Sao, hôm nay mình nói chuyện gì đây? Chính trị, tôn giáo hay chuyện thiên nhiên cây cỏ?” Lẽ dĩ nhiên, thằng nhỏ chưa biết nói, chỉ nhìn tôi cười, hai tay múa lia lịa vì nôn nóng hóng chuyện. Tía nó tập cho nó lè lưỡi ra, cho nên nó cứ thè cái lưỡi ra và kêu lên những tiếng “âu”, tiếng “ư” thật là dễ thương. Tôi độc thoại liên tục cả mấy chục phút. Khi nào mỏi miệng, hay khi thằng nhỏ đòi bú sữa, hay khi phải thay tã cho nó thì tôi mới tạm ngừng. Nói với nó chưa đủ, tôi còn thọc lét thằng nhỏ cho nó cười nữa.

Con dâu tôi cho con bú sữa mẹ. Nó bơm sẵn mấy bình sữa. Để một, hai bình bên ngoài, và thêm khoảng nửa lố trong tủ lạnh. Tôi hỏi bao lâu thì cho Lincoln bú một lần? Cứ tưởng như hồi xưa, khi nuôi con. Hồi đó, bác sĩ nhi đồng nói là một tháng cho con bú nhiêu đây, hai tháng nhiêu đây. Ai dè, thời nay bác sĩ biểu là “con nít muốn bú sữa lúc nào thì cho nó bú lúc đó.” Không có hạn chế, mẫu mực gì ráo. Trời đất, làm sao biết chắc là nó muốn sữa chứ không phải vì nó muốn thay tã, hay tại nó cô đơn, muốn ai nói chuyện với mình? Vì thế, mỗi khi nó cau cau cái mặt, chưa kịp kêu “oe oe” thì cái núm vú của bình sữa đã ấn vô miệng. Thằng nhóc dại sao mà không nhận? Bú sữa tối ngày sáng đêm, dù mới chưa được ba tháng, nó to như con người ta tám tháng! Tôi không dám nói vô. Nói vô con nó cười mình hủ lậu. Mẹ nuôi con 40 năm trước, hồi thế kỷ 20. Thời này đâu có giống thời xưa. Thời này, con nít muốn gì chiều nấy. Ngay bây giờ! Ngay lập tức! “Muốn” ưu tiên hơn “Cần”. Tôi là khách, ở chơi ba tuần là tối đa. Tôi không muốn khuấy động không khí đang hài hòa, thoải mái. Tôi không muốn giăng sợi dây, tưới dầu ăn hay liệng vỏ chuối xuống sàn nhà. Có ngưòi vấp trúng hay trợt chân, té nhào, gây xáo trộn không khí gia đình đang êm ấm. Người đó có thể là mình, có thể là con trai, có thể là con dâu. Thôi, dĩ hòa vi qúy.

Trông thằng cu, tôi sống lại thời nuôi con. Thấy nó không chịu ngủ, dù đã bú mấy bình sữa, đầy bụng, trào sữa ra, mặc dù tôi năn nỉ hết hơi “Ợ đi con. Làm ơn ợ dùm cho bà nội đi con,” mà nói không chịu ợ. Sau khi phát ra tiếng ợ đang mong đợi, tôi đặt nó xuống. Ngay lập tức nó ré lên, đòi ẳm. Thằng nhóc quen rồi, đòi bế. Sau vài tiếng, tôi bắt đầu thấm mệt. Hai cánh tay rã rời, đôi vai và cái cần cổ cứng ngắc. Tôi moi óc, ru cháu: Frère Jacques, Frère Jacques, Dormez-vous? Dormez-vous? Sonnez les matines, sonnez les matines. Ding ding dong, ding ding dong. Nó vẫn chưa chịu ngủ. Tôi hát thêm: Au clair de la lune, mon ami Pierrot …. Vậy mà đôi mắt thằng nhỏ vẫn mở to. Tôi chuyển sang Sur le pont d’Avigon…. Vẫn không có gì thay đổi. Tôi hò: Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời. Rồi “Bồng bồng mẹ bế con sang, đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo….” Lạ sao, cu Lincoln ngủ ngay đơ cán quốc. Tôi đặt nó xuống ghế sofa rồi quan sát chung quanh. Phòng khách bây giờ chỉ thấy toàn đồ đạc của con nít. Những bao quần áo mới mua chưa kịp giặt hay của các bạn có con đã lớn, không còn mặc vừa; thú nhồi bông, những thùng tã đủ hiệu khác nhau, đồ chơi phát ra tiếng nhạc ru em (thay cho tiếng hát ru con của cha mẹ), ghế ngồi trong xe. Tôi thấy có hai cái nôi, một cái lớn, một cái nhỏ. Cái nôi lớn là do hai đứa tôi tặng cho thằng cháu. Có lẽ nó dùng trong vòng vài tháng nữa là phải cho đi rồi, vì thằng nhỏ lớn như thổi. Dựa vô tường là một chiếc xe đẩy, con trai mới ráp xong. Sao mà cái xe này to cồng kềnh, nặng gấp đôi, gấp ba cái xe đẩy tôi xài ngày xưa cho con mình. Cái sự gì cũng to, cũng nặng. Hèn chi hai cổ tay đứa con dâu bị bong gân, dù có con mới chưa đầy ba tháng!

Quay nhìn thằng cu trên ghế sofa, tôi thấy nó ngủ mà tay chưn cứ giật lên đùng đùng nên bèn lật úp nó xuống. Như được mẹ ôm cứng ngắc, nó ngủ một lèo hai tiếng! Khỏe tấm thân già. Khi mẹ nó về, con nhỏ tế nhị không nói gì, chỉ nhẹ nhàng lật ngửa thằng nhỏ lên và nói là bác sĩ khuyên đừng cho con nít nằm sấp, vì nó chưa biết điều khiển cái đầu quay qua một bên để thở. Tôi cũng biết điều này, luôn canh chừng thằng nhỏ khi nó ngủ. Với cái cell phone kế bên.

Cell phone là một vật thật là tiện lợi. Tôi dùng nó chụp hình thằng cháu nội liên tục. Chụp khi nó thức. Chụp khi nó ngủ. Chụp cái mẹ phính, đôi bàn chân, đôi bàn tay bụ bẫm. Chụp khi nó khóc. Chụp khi nó cười. Chụp khi mẹ nó tắm cho nó. Chụp khi tía nó cho nó bú sữa. Đôi khi lại còn “selfie” hai bà cháu nữa. Mấy ngày đầu, tôi lấy phôn ra cho nó nghe nhạc hoà tấu, nhạc Rock-and-Roll, những bản Pháp mà tôi ưa thích ngày xưa khi còn bé, của Sheila, France Gall, Françoise Hardy…, những bản nhạc trữ tình Việt Nam, trong đó có “Đời tôi cô đơn nên уêu ai cũng không duуên, Đời tôi cô đơn nên уêu ai cũng không thành …” Khi mới nghe có mấy câu, tôi thấy cái miệng nó méo xệch! Thằng nhỏ thiệt là ngộ. Khi nghe các loại nhạc khác, mặt nó bình thản, không tỏ dấu buồn hay vui. Thế mà, mới nghe mới có hai câu của “Đời tôi cô đơn” nó mếu thấy mà thương. Tôi cầm lòng không đặng, phải đổi đài ngay lập tức! Phải chăng nhạc Việt Nam phần đông lâm ly bi đát, trẻ sơ sinh cũng cảm được?

Một hôm, sau khi đã chụp mấy chục tấm hình thằng cháu và sau khi cho nó nghe đủ thứ loại nhạc (trừ Rap) tự dung tôi thắc mắc không biết cell phone có ảnh hưởng gì cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh? Tôi bèn lên duckduckgo.com để tìm hiểu. Theo WebMD, mặc dù kết qủa các nghiên cứu hiện còn chưa thống nhất, phóng xạ của tia cực ngắn (microwave radiation) từ cell phone và các dụng cụ điện tử vô tuyến rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ và bào thai. Lý do là vì bộ não của chúng còn nhỏ mỏng, tế bào óc non nớt đang ở trong thời kỳ hấp thụ. Khi biết được điều này tôi cho con dâu và con hay, rồi dấu cell phone đằng sau bức tường, nơi cầu thang. Từ hôm đó tôi không cho thằng cháu nội nghe nhạc hay chụp thêm tấm hình nào của nó nữa.

Trở lại Hilo đã hơn hai tuần nay, ngày nào tôi cũng lấy hình thằng cháu nội ra ngắm. Hình trên cell phone có cái lợi là có thể thấy chi tiết, cận ảnh, dù hình chụp có xa. Tôi lấy hai ngón tay đặt trên màn ảnh, miết ra hai bên cạnh của phôn thì thấy rõ cái mặt thằng nhỏ. Tôi nhớ cháu không thể tả được. Sáng nay, tía nó gửi sang cho ba tấm hình mới của nó, tôi nhìn hình rồi bật khóc nức nở, vì nhớ cháu. Tôi quay qua nói với Adam, “Sao tôi nhớ thằng cu Lincoln qúa chừng!” Adam nói gọi cho con để nói chuyện. Gọi thì gọi, nhưng đâu có giống như khi ôm nó trong tay, nghe nó kêu “âu âu”, dòm cái miệng nó chụt chụt khi ngủ. Thôi thì mong ngày gặp lại cháu vậy. Không biết lâu mau.

Khổng thị Thanh-Hương
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét