Năm 11 tuổi ( lớp Nhất ), không biết sao tôi rất thích “câu đố"?! Có lẽ vì mới mất đứa em trai út, thằng-bé-tôi hụt hẫng, không còn ai chơi với, nên xoay sang giải trí bằng học nhạc, sưu tầm câu đố, để đố mấy bà .. giúp việc trong nhà . Sách báo thiếu nhi, tạp chí người lớn, tôi học ở người này một chút, người kia một chút, cặm cụi chép vào 2 cuốn vở học trò, bắt chước các cụ, ghi “ Câu đố. Quyển thượng ( xuất vật dụng )" và “ Câu đố. Quyển hạ (linh tinh)".
Trong “ quyển thượng – xuất vật dụng “ tôi còn nhớ mấy câu như:
“ Mang thân cho thế gian nhờ / Chẳng ơn thì chớ lại ngờ bất trung ! “. Đố là cái gì?
- Đó là tấm phản
“ Sừng sững mà đứng giữa đồng / Không ai mong mà tới “ . Đố là cái gì?
- Đó là cái cầu … tiêu (ở quê)
“ 5 ông sư sãi / đứng kế bên sông / tội tình chi hệ trọng hay không / mà lại bị đóng gông cả thảy “ Đố là cái gì?
- Đó là nút ( khuy ) áo
…vv
Trong quyển hạ "linh tinh":
“ 5 ông cầm hai cây sào / Lùa đàn trâu trắng chạy vào trong hang “ ?
- “Và” cơm
“ Đi thì nằm / đứng cũng nằm / Nằm lại .. đứng “ ?
- Bàn chân
“ 30 con nhốt 1 chuồng / 10 con có mồng , 20 con không ? “
- Tháng “ ta “
Tháng ta thì có liên quan gì đến gà mà có mồng? Mà tại sao chỉ có 10 ngày đầu mới “ mồng “ , 20 ngày còn lại thì rụng hết ? - Vì nhạc điệu? - “ 2 tiếng “ ( mồng- 1 , mồng-10 ) vừa nghe êm tai hơn “ 4 tiếng” mồng - hai - mươi - mốt) vừa đỡ mỏi .. miệng? Vì …Tàu gọi sao , ta gọi vậy?
Theo facebook “ Café Ban Mê “, “ mồng “ là tiếng Việt ( Nôm ) nhưng khi ghi lại bằng chữ Hán (?) thì có nghĩa là “ mông “ ( mông lung ) = tối tăm , thiếu ánh sáng .10 ngày đầu tháng âm lịch , Hằng Nga bận trang điểm , chưa vén .. mùng xuất hiện . Chỉ bắt đầu ngày 11 nàng mới từ từ , rọi sáng nhân gian !
Giải thích trên không thuyết phục tôi lắm . Thứ nhất là chuyện từ “ mồng “ ra “ mông “. Theo tác giả thì “ mồng “ có trước “ mông “ . Nhưng vì “ mồng “ không có trong chữ Hán nên phải ghi là “ mông “ . Ơ hay , đã có “ mồng “ trong Nôm rồi , thì cần gì phải ghi theo “ Hán “ . Tàu nó muốn ghi lại là chuyện của nó . Nó ghi “ mông “ = tối , có đúng với “ mồng “ theo ý Nôm ta không ? Người có “ gồng “ thì phải khác với người có ..” gông “ chứ . Thứ nhì , theo giải thích trên, thì tại sao 10 ngày cuối trong tháng , đêm bắt đầu tối , lại không có “ mồng “? Hay , đúng ra , “ mồng “ , nguyên thủy là tiếng Hán “ mông “, ta đọc trại ra là “ mồng “ ? Như trong 4 câu thơ của thầy trò sư cụ trụ trì Hàn Sơn Tự, đã gợi hứng cho thi sĩ Trương Kế kết thúc “ Phong Kiều Dạ Bạc “ bất hủ (… Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự / Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền)
( Sư cụ ):
Sơ tam , sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tư ngân câu, bán tự cung
Sơ tam , sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tư ngân câu, bán tự cung
( Chú tiểu ):
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để , bán thùy không
Mà một thi nhân năm xưa ( tôi không nhớ tên ) đã dịch:
Mồng 3, mồng 4 trăng mông lung
Nửa tợ móc câu , nửa tợ cung
Một mảnh ngọc hồ chia “ lưỡng đoạn “ (?)
Nửa chìm đáy nước, nửa không trung
Người Tàu thì cũng như các dân tộc khác. Có người này, người khác, Có cái hay, cái dở. Ngay giữa người Tàu với nha, cũng đã khác . Tàu Đài Loan không đội trời chung với Tàu Trung Cộng. Cộng sản Tàu thì tôi ghét cay, ghét đắng nhưng thơ Đường thì tôi thích, truyện chưởng thì tôi mê. Đồng ý hay không đồng ý thì cái nền văn hóa Việt Nam ta đã bị chi phối bởi nền văn hóa Tàu rất nhiều. Cái năm âm lịch là từ Tàu . Cái “ lì-xì “, “ Hồ Quảng “, hát Bộ, cái “ ngũ ngôn ‘, “ tứ tuyệt “, “thất ngôn, bát cú “, cờ tướng, tứ sắc, cái tỳ bà , sáo, cái bánh bao , xíu mại , cái cơm (?) , cái mì .. cũng từ Tàu mà ra . Nói đâu xa , cái “ tiếng nước ta “ cũng không ít là tiếng Tàu(Hán)-Việt: Quốc ca, quốc kỳ, mẫu tử, huynh đệ, ca sĩ, thi nhân, giáo sư, học đường, phẩm chất, thoại kịch, ngoại quốc, chiến xa, Hạ sĩ, Đại tướng, Thủ Tướng Hoàng Đế, ngoại tình, dâm dục, tư bản, phản động, cô lập, cấm túc, … vv
Bạn ta “ tự ái dân tộc“ , đọc đến đây chắc nổi sùng nhưng, bạn ta ơi, “ mới “ vài (mươi) năm mà thân nhân mình, những người cùng thế hệ mìn , ở Việt Nam, đã: “ đăng ký “ thay vì “ ghi danh “ , chính xác thay vì “ đúng “, bồi dưỡng thay vì “ tẩm bổ ” ..vv thì nói chi đến “ 1000 năm nô lệ giặc Tàu“?
Bị “ ảnh hưởng Tàu “ đâu chỉ có mình ta, mà còn Nhật, còn Hàn. Cái đáng mắc cỡ là Hàn, Nhật thì vươn lên không ngừng, còn ta “ anh hùng ưu Việt “ thì lẹt đẹt, nay bóp chân anh này, mai nâng bi anh nọ!
Trước đến giờ tôi vẫn nghĩ là, tuy Tàu muốn đồng hóa Việt Nam nhưng “còn lâu “, “nghèo mà ham / bỏ qua đi 8 “ . Cái “ dựng nêu “ là của ta , " thờ cúng ông bà" là của ta, bài chòi, đẻo lon, vọng cổ, chèo cổ, hát hội trăng rằm là của ta, cái “ vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu / bên ta thì có bên Tàu thì không “ là “ của ta “ ( copyright by VietNam ) .. vv
Nhất là cái “lục bát “ . Lục – bát là Kiều . Mà Kiều là “ độc nhất vô nhị “ , là “ thiên thượng thiên hạ duy “ quyển ” độc tôn”! 100% là văn chương Việt Nam (tôi không nói đến nguyên tác của văn sĩ Tàu Thanh Tâm tài nhân), 200% là 4000 năm văn hiến. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ vậy, tin vậy. Cho đến năm 1988 , sau khi đọc Tùy Bút 1 của Võ Phiến (Văn Nghệ xuất bản / 1986) trong đó ông nhà văn viết về “Lục Bát Chàm “ (từ năm 1971 / trên Bách Khoa ) và ông trích dẫn mấy câu:
“ Nư lơi, nư đí ca hoanh,
Kla mông, pat băc, pụ pành ten me
Nư lơi nư ránh đi me
Nư hơi nư chó , ngá kề, huơ nơ "
Đây là mấy câu Võ Phiến phiên âm, đọc lên, có thể làm xúc động các ông Chế Lin , Từ Công Phụng, Khaly Chàm, nhưng với tôi thì chúng không có "effet" gì , không hiểu đã đành mà nghe thì .." bức xúc" quá (nư đí , đi me , nư chó … )!
Thế là thế nào? - Có nghĩa là lục-bát không còn là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam nữa? – Là ta bắt chước Chàm hay Chàm bắt chước ta (lúc mất nước vào tay ta)? .. vv
Mồng một Tết năm nay, thứ sáu 12/2/2021 , tôi làm việc từ 7h – 19h !!! Chuyện ở đâu, tự nhiên ào xuống một cái. Thứ bảy mồng 2, chán mớ đời , 11h tôi ra salon , gác chân lên bàn, vừa nhâm nhi Chivas , vừa nghe CD Hoa Xuân ( điều mà tôi rất ít làm / ngồi không nghe nhạc VN . Lòng chợt buồn không tả được! Nếu như mọi năm, giờ này tôi đã lên chùa lễ Phật, xin lộc, trò chuyện với đồng hương, tìm lại chút không khí Tết ngày xưa .
Còn bây giờ:
"Chén rượu tha hương , trời : đắng lắm!
Trăm hờn , nghìn giận một mùa đông" (Nguyễn Bính)
Giận hờn thì không có nhưng không uống rượu thì biết làm cái gì cho qua cái sáng thứ bảy mồng 2 ?!
Hôm nay là 12 tháng giêng.
Đêm hết "mồng", đêm không còn "mông" .
Nhưng lòng vẫn chập chùng bóng tối!
Đêm phả hương lên vùng tóc rối
Đôi môi nào hứng ánh trăng trong?
BP
23/2/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét