Y HỌC THƯỜNG THỨC
Hệ Thống Tiết Niệu
Đại cương
Chức năng chính của hệ thống tiết niệu là vừa tạo ra vừa bài tiết nước tiểu. Đây là phương cách để con người thải ra khỏi cơ thể các chất sau đây:
. Lượng nước dư trong máu
. Phần dư của các hóa chất bình thường trong cơ thể
.Chất thải do thức ăn thức uống biến dưỡng mà sinh ra
. Các hóa chất độc hại
Kể từ trên xuống dưới thì hệ thống tiết niệu bình thường gồm có: Hai quả thận là cơ quan tạo ra nước tiểu. Rồi tới 2 niệu quản là 2 ống nhỏ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang (bọng đái). Bàng quang là một cái túi do cơ nhẵn tạo thành, chứa nước tiểu trước khi bài tiết ra ngoài. Rồi sau cùng tới niệu đạo là 1 ống lớn hơn niệu quản để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Thận liên tục tạo ra nước tiểu không ngừng nghỉ. Nước tiểu đó từ từ chảy vào niệu quản rồi xuống tới bàng quang. Khi bàng quang đựng đầy nước tiểu là tới lúc người ta đi tiểu ra ngoài qua niệu đạo. Đầu ngoài của niệu đạo hoặc là ở đầu dương vật (phái nam) hoặc là ở lỗ hở trong âm hộ (phái nữ).
Thận
Cấu tạo: Quả thận hình dáng tương tự như một hạt đậu, chiều dài lối 12cm và nặng lối 150 gram. Hai quả thận nằm ở 2 bên cột xương sống, gần kề với các bắp thịt lưng. Tuần hoàn tới mỗi quả thận do một động mạch thận từ động mạch chủ nhánh bụng chia ra. Động mạch thận chia nhánh nhỏ dần, tới lúc trở thành mao quản thì tập trung trong tiểu cầu thận là nơi tạo ra nước tiểu. Các mao quản động mạch này sẽ tiếp nối với các mao quản tĩnh mạch. Các mạch máu bên phía tĩnh mạch chập lại với nhau từng đợt một, từ nhỏ chuyển dần tới lớn và sau cùng hợp thành một tĩnh mạch thận duy nhất.
Mỗi quả thận chứa lối 1 triệu tiểu cầu thận là thành phần nhỏ nhất của mô thận.
Các cơ quan nhỏ này hình cầu, chứa đựng mao quản động mạch thận và là nơi mà nước và một số hóa chất trong máu được thải ra để tạo thành nước tiểu. Toàn thể nước và hóa chất do toàn thể các tiểu cầu thận thải ra có thể tích rất lớn và sẽ chạy qua một hệ thống ống nhỏ li ti. Hệ thống ống nhỏ này có chức năng hút trở lại lối 99% lượng nước thải ra và cũng rút trở lại một ít hóa chất cần dùng trong cơ thể. Dung dịch đậm đặc còn lại mới chính là nước tiểu.
Các tiểu cầu thận tập trung ở vùng ngoài cùng của quả thận. Nơi đó được đặt tên là vỏ thận. Các ống nước tiểu nhỏ xuất phát từ tiểu cầu thận và chạy về phía giữa thận. Chúng hợp lại từng đợt thành các ống dần dần lớn hơn và lớp ống nước tiểu lớn sau cùng sẽ đổ vào khoảng trống ở giữa quả thận gọi là bể thận. Bể thận nối tiếp với đầu trên của niệu quản. Chức năng: Thận có nhiều chức năng riêng biệt như sau đây:
. Giữ cân bằng cho nước và các chất khoáng trong cơ thể.
. Loại bỏ các chất thải do biến dưỡng của thức ăn tạo ra.
. Loại bỏ các thứ thuốc và các hóa chất độc hại cho cơ thể.
. Điều hòa huyết áp.
. Tạo kích thích tố.
Thận giữ cân bằng của nước và các hóa chất trong cơ thể. Lượng nước trong máu chúng ta tăng lên do nước uống và nước chứa trong thức ăn. Khi máu dư nước hay thiếu nước cũng đều có hại cho sức khỏe. Một chức năng của thận là lọc máu nghĩa là thải phần nước dư trong máu và các hóa chất dư để giữ cho nồng độ của các hóa chất trong máu luôn ở mức bình thường. Toàn thể các tiểu cầu thận trong cơ thể thải ra lối 180 lít nước trong một ngày. Thận sẽ hút lại lối 99% lượng nước này và thải ra nhiều hóa chất bao gồm:
- Nat-ri dư, -Ka-li dư,
- U-rê là chất thải do biến dưỡng của thức ăn có chất đạm tạo ra.
- Các chất độc hại.
- Các loại thuốc.
Thận làm điều hòa huyết áp.
Cơ chế của thận chống lại huyết áp cao là thải chất Nat-ri dư ra khỏi cơ thể. Đối lại khi huyết áp xuống quá thấp thì thận tiết ra 2 loại kích thích tố, một loại kích động hóa chất có sẵn trong máu biến thành chất gia tăng huyết áp, một loại nữa làm co rút các tiểu động mạch khiến cho huyết áp tự động tăng thêm. Chức năng nội tiết khác của thận. Thận còn tiết ra các kích thích tố khác để tạo ra hồng huyết cầu và điều hòa nồng độ của Can-xi và Phôt-pho trong máu như sau đây:
-Một loại kích thích tố thận tác động tại tủy xương là nơi cơ thể tạo ra hồng huyết cầu. Vì vậy, người bị suy thận sẽ thiếu máu.
-Một loại kích thích tố khác biến đổi sinh tố D không hoạt động hiện diện trong máu (do thức ăn cung cấp và cũng do hiệu lực của ánh sáng mặt trời khiến da sản xuất ra sinh tố này) thành sinh tố D hoạt động điều khiển ruột non hấp thụ Can-xi và Phôt-pho.
Niệu quản
Niệu quản là 2 ống do cơ nhẵn tạo thành, mỗi ống dài lối 40cm, đầu trên ăn thông với bể thận, đầu dưới ăn thông với bàng quang. Nước tiểu từ bể thận từ từ chảy qua niệu quản rồi rót vào bàng quang. Niệu quản cũng còn có hoạt động co thắt nhịp nhàng để giúp nước tiểu chảy dễ dàng hơn. Đầu dưới của 2 niệu quản đi xuyên qua thành bàng quang ở 2 góc phía trên cơ quan này. Khi người ta đi tiểu, cơ nhẵn của thành bàng quang co thắt lại để đẩy nước tiểu thoát ra ngoài. Sự co thắt này đồng thời bóp chặt khúc cuối của niệu quản, bịt kín lòng niệu quản khiến nước tiểu không trào ngược trở lên niệu quản và bể thận được.
Bàng quang
Bàng quang có hình dáng giống như một cái túi, chứa nước tiểu do 2 niệu quản mang từ thận xuống. Thành bàng quang do cơ nhẵn hợp thành và có tính đàn hồi cao độ. Khi co thắt tối đa, dung lượng của bàng quang chỉ còn lối 30ml và khi đựng đầy nước tiểu thì dung lượng này lên tới khoảng 1500ml. Khi bàng quang đựng đầy nước tiểu, xung động thần kinh từ cơ quan này truyền lên tới não bộ gây ra cảm giác mắc (mót) tiểu. Khi người ta đi tiểu tự ý, cơ vòng nơi bàng quang tiếp giáp với niệu đạo dãn nở ra đồng thời thành bàng quang tự động co thắt lại để gây áp xuất đảy nước tiểu ra ngoài. Người ta cũng thường tự ý co thắt các cơ bắp ở bụng dưới để tăng áp xuất trong bàng quang và co thắt cơ bắp sàn chậu khi đi tiểu tới khúc cuối. Sự co thắt của thành bàng quang bóp nghẹt khúc cuối của 2 niệu quản nên nước tiểu không bị trào ngược trở lên.
Niệu đạo
Niệu đạo là 1 ống lớn hơn niệu quản, dùng để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Niệu đạo của phái nam dài lối 20cm và trổ ra ở đầu dương vật. Niệu đạo của phái nữ dài lối 4cm, đầu phía ngoài ăn thông với một lỗ hở trong âm hộ.
Lão hóa của hệ thống tiết niệu: Hệ thống tiết niệu cũng chịu ảnh hưởng của thời gian mà thay đổi theo tuổi tác con người. Lão hóa của thận: So với các cơ quan khác thì thận bị lão hóa rất sớm. Khi con người mới tới lứa tuổi 40 thì đã có 2/3 nhân số bị giảm bớt chức năng lọc máu trong thận. Tới lứa tuổi 60 là lúc mà tuần hoàn tới thận bị suy yếu khiến thận vì thiếu dinh dưỡng mà nhỏ bớt đi. Đồng thời, các thành mao quản trong tiểu cầu thận sẽ dày hơn. Vì vậy thận bị giảm chức năng lọc các chất thải, các chất acit, các chất độc hại và các thứ thuốc. Mặc dầu những người này không vì vậy mà sinh bệnh nhưng thận của họ luôn phải hoạt động ở mức tối đa nên mọi tổn thương nặng, nhẹ của mô thận đều có thể dẫn tới tình trạng suy thận.
Lão hóa của niệu quản: Niệu quản không thay đổi gì nhiều theo thời gian, cơ quan này coi như không bị lão hóa. Lão hóa của bàng quang: Dung lượng bàng quang của người già giảm sút đi nên cơ quan này chứa được ít nước tiểu hơn khi trẻ và tia nước tiểu chảy ra cũng yếu hơn. Bàng quang mọi người đều có những lúc tự nhiên co thắt bất thường. Khi đó thần kinh hệ của người trẻ sẽ phát sinh phản xạ tự động làm co thắt cơ vòng của bàng quang nên nước tiểu không trào ra. Người già có khi mất phản xạ này nên lâu lâu bị són tiểu. Tới tuổi già, thể tích nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu tăng lên hơn trước khiến cho thường ngày người già tự nhiên đi tiểu nhiều lần hơn khi còn trẻ. Thể tích lớn của nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu cũng dễ gây ra nhiễm trùng đường tiểu.
Lão hóa của niệu đạo: Niệu đạo của phái nam không thay đổi theo tuổi già. Đối lại, phụ nữ tới tuổi mãn kinh bị lũng đoạn về kích thích tố nữ khiến niệu đạo rút ngắn lại và mỏng hơn trước nên nhiều người bị són tiểu. Lão hóa của tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt của người già (phái nam) từ từ lớn hơn, chèn ép phần trên của niệu đạo khiến họ đi tiểu khó khăn vì tia nước tiểu bị nhỏ bớt. Trường hợp tuyến tiền liệt lớn quá độ có thể gây bí tiểu lâu dài và làm tổn thương thận.
Tóm tắt
Hệ thống tiết niệu lọc máu để tạo ra nước tiểu nghĩa là thải ra khỏi cơ thể lượng nước dư, hóa chất dư, chất thải do biến dưỡng của thức ăn thức uống tạo ra và chất độc (kể luôn các thứ thuốc). Hệ thống tiết niệu bài tiết nước tiểu ra ngoài qua thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hai quả thận gồm khoảng 2 triệu tiểu cầu thận, mỗi ngày lọc máu sinh ra 180 lít dung dịch nước tiểu rồi các ống nhỏ trong thận hút lại 99% chất lỏng này nên lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài còn lối 1800 milli-lít mỗi 24 tiếng đồng hồ.
Thận còn có các chức năng khác là điều hòa huyết áp và tác động ruột non hấp thụ Can-xi và Phôt-pho.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Hệ thống tiết niệu Urinary system
Thận Kidney
Niệu quản Ureter
Bàng quang (bọng đái) Bladder
Niệu đạo Urethra
Tiểu cầu thận Nephron
Vỏ thận Renal cortex
Bể thận Renal pelvis
Tuyến tiền liệt Prostate
Âm hộ Vagina
Tia nước tiểu Urine flow
Thể tích nước tiểu lưu lại sau khi đi tiểu
Residual urine Nhiễm trùng đường tiểu
Urinary tract infection
Bác Sĩ Đinh Đại Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét