Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Y Học Thường Thức: Nhiễm Trùng Đường Tiểu - Bác Sĩ Hoàng Cầm


Y HỌC THƯỜNG THỨC 
Nhiễm Trùng Đường Tiểu - Bác Sĩ Hoàng Cầm

Đại cương 

Nước tiểu do hai quả thận tiết ra chứa trong túi được gọi là bàng quang. Mỗi lần ta đi tiểu, nước tiểu trong bàng quang thoát ra ngoài qua niệu đạo. Niệu đạo gần hậu môn nên rất dễ bị nhiễm trùng. Có thể nói ai cũng bị nhiễm trùng đường tiểu một hay nhiều lần trong đời. 

Nguồn vi trùng xâm nhập niệu đạo thường từ phân, trong đó vi khuẩn E. Coli chiếm từ 75 tới 90%. Từ niệu đạo, vi trùng di chuyển lên phía trên, xâm nhập bàng quang và thận, có thể làm viêm các bộ phận này. Một cơ chế khác gây nhiễm trùng đường tiểu là vi khuẩn trong phân xâm nhập máu trong thời gian ngắn mà không gây huyết nhiễm (nhiễm trùng máu), rồi chúng di chuyển theo tuần hoàn mà tụ lại trong đường tiểu. 

Niệu đạo đàn bà thẳng, ngắn khoảng 5 cm, lại gần âm đạo, nên dễ bị nhiễm trùng hơn niệu đạo đàn ông. Niệu đạo đàn ông khúc khuỷu, dài khoảng 20 cm. Đàn bà trong thời kỳ mang thai, cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, nếu không được trị liệu sẽ đưa tới hậu quả như: sinh thiếu tháng, thai nhi nhỏ, tử vong trẻ sơ sinh cao. Đối với người mẹ, từ 20% tới 40% số bệnh nhân nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai có nguy cơ bị suy thận. 

Lượng nước tiểu còn lại quá nhiều trong bàng quang sau mỗi lần tiểu, do bàng quang co thắt yếu, hay do đàn ông bị tuyến tiền liệt phình lớn, gây trở ngại việc thoát nước tiểu, cũng dễ làm viêm đường tiểu, nhất là đối với những người có bệnh tiểu đường. 

Trong khi giao hợp, vi khuẩn trong âm đạo có thể xâm nhập niệu đạo cả nam và nữ. Rất may là cơ thể có phương cách đề kháng tự nhiên diệt được vi khuẩn trong niệu đạo và bàng quang, Ngoài ra, mỗi lần đi tiểu, nước tiểu xả bớt vi khuẩn ra ngoài, làm sạch đường tiểu. Các chứng viêm tại đường tiểu đều do nhiễm trùng gây ra. 

Dấu hiệu và triệu chứng 

Viêm bàng quang và niệu đạo 
Tiểu đau rát, tiểu gấp, tiểu nhiều lần hơn bình thường. Đau nhẹ ở bụng dưới, đau lưng. Nước tiểu đục, có thể màu đỏ nếu có máu, mùi hôi.
Viêm thận cấp tính
 Sốt cao. Ói mửa. Đau phía dưới lưng. Ớn lạnh, rét run. Tiểu rát, đau, tiểu nhiều lần. 

Chẩn đoán 

Khi có những triệu chứng trên, cần gặp bác sĩ. Thường bác sĩ cho thử nước tiểu ngay tại phòng mạch để xác định có nhiễm trùng. Xét nghiệm tại phòng thí nghiệm cho biết có nhiễm trùng đường tiểu, còn có thể cho biết số lượng và loại vi khuẩn. Cấy nước tiểu và thử tác dụng của trụ sinh trên vi khuẩn sẽ cho biết thêm loại trụ sinh nào tốt trong việc trị liệu. 

Trị liệu 

Tùy theo nhiễm trùng nhẹ hay nặng, bác sĩ cho trụ sinh từ 5 tới 10 ngày. Sau hai ngày các triệu chứng thường giảm. Nếu tái phát trong 6 tháng, bác sĩ xét xem đường dẫn tiểu có gì bất thường không, thời gian trị liệu sẽ dài hơn. 
Đối với đàn ông, niệu đạo đi qua tuyến tiền liệt, vi khuẩn từ đường tiểu có thể vào cư ngụ trong tuyến làm viêm tuyến. Bệnh viêm tuyến tiền liệt là nguồn vi khuẩn khiến nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần. Dùng trụ sinh trị liệu viêm đường tiểu tái phát và viêm tuyến tiền liệt lâu nhiều tuần lễ. 

Tóm tắt 

Nhiễm trùng đường tiểu tuy không nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhưng là bệnh rất thông thường cho cả nam lẫn nữ. Nữ bị nhiều hơn nam. Bệnh dễ tái phát. 
Cần tới bác sĩ để được trị liệu đúng cách Thời gian trị liệu trong tuần lễ.
 Nếu tái phát thời gian trị liệu lâu hơn và cần được xét nghiệm xem đường tiểu có gì bất thường không. Đối với đàn ông, viêm đường tiểu có thể đưa tới viêm tuyến tiền liệt 

Bảng đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 
Bàng quang Bladder 
Nhiễm trùng đường tiểu Urinary tract infection 
Niệu đạo Urethra 
Tuyến tiền liệt Prostate 
Viêm bàng quang Cystitis 
Viêm niệu đạo Urethritis 
Viêm thận cấp tính Acute pyelonephritis 
Viêm tuyến tiền liệt Prostatitis

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét