Nhà đệ tử, lúc đó có nuôi hai con chó. Chó mẹ có tên "cò" vì lông nó toàn một màu trắng như sương, con trai nó thì đệ tử đặt cho cái tên "phèn" vì nó bị lai con mực nhà hàng xóm nên lông có màu hơi vàng. Nhưng vì ba của đệ tử thấy nó từ khi sanh ra rồi lớn lên lúc nào cũng ú na, ú nần nên sửa tên nó lại là Bích La (thật sự là vậy không phải ba lít Đường Xuồng mà Lý sư thúc đề cập đâu nha)
Quê nhà đệ tử ở xã Mong Thọ quận Kiên Tân. Thật ra đệ tử không sanh ra ở đó, nơi đó chỉ là chỗ chôn nhau cắt rún của bốn đứa em.
Đệ tử được sanh ra ở quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc, nơi đó là quê bên nội, bên ngoại. Đệ tử chưa lần nào nhận mình quê ở Lấp Vò cả. Cũng không biết lý do, hay nguyên nhân là sao nữa. Chỉ là không thích mà thôi. Lúc nào và bất cứ có ai hỏi về quê quán đệ tử vẫn luôn luôn và mãi mãi trả lời câu:
- Quê tôi đó "Rạch Giá thân yêu" Xã nghèo Mong Thọ.
Xã Mong Thọ nằm trên đường liên tỉnh số 8 từ Rạch Giá đi Long Xuyên, Cần Thơ chuyển qua quốc lộ 4 đi lên Sài Gòn. Về phía gần biển, giáp với thị trấn Rạch Sỏi nơi đó có phi trường Rạch Sỏi với phị đạo ngắn ngủn chỉ võn vẹn có 1200 mét, vậy mà dân chúng thời ấy rất là hãnh diện đặt ra nhiều bài ca vọng cỗ để ca ngợi. Phía trên hướng Long Xuyên, giáp xã Thạnh Đông còn mấy mặt khác thì đệ tử không nhớ nó giáp ranh với địa phương nào.
Sở dĩ đệ tử kể dài vòng như vậy là vì thời đó nó nghèo quá cở thợ mộc đi. Toàn xã có 10 ấp mà 6 ấp nghèo rớt mồng tơi chỉ có ấp Hòa An có ngôi chợ nằm trong đó thì hơi khá chút xíu, ấp Hòa Bình và Hòa Lợi nằm trên trục giao thông cũng đở đở, còn ấp Hòa Thuận nằm phía bên kia sông nơi có nhà của đệ tử thì cũng nghèo mạt nhưng mà chưa có rệp và mồng tơi cũng chưa rớt.
Toàn xã chỉ có một ngôi trường sơ cấp, học xong lớp 3 là phải lều chỏng lên quận để thi vào lớp nhì rồi. Phải 2 năm sau khi đệ tử vào học đệ Thất thì xã Mong Thọ mới mở tới lớp nhì.
Thuở nhỏ sống gần như trong "hóc bà tó" nên chơi toàn là dân ruộng, đứa nào khá một chút thì học tới lớp nhất vì khi thi vào đệ Thất, thì 9 đứa lên học trên trường quận chỉ còn sót lại một mình đệ tử mà thôi. Còn 8 người kia đều trở về nối nghiệp cày bừa.
Chính vì thế đệ tử rất ít bạn bè chỉ có mấy người học chung lớp mà thôi, thân vài ba mạng ngồi gần, còn bao nhiêu chỉ biết chứ không chơi chung.
Vì là nhà nghèo nên đi học một buổi còn buổi kia về đến nhà là ra ruộng làm phụ cha mẹ .Tùy theo thời vụ mà có những công việc khác nhau như: Xạ lúa, cấy lúa gặt lúa, đập lúa ..v..v .
Mùa nước thì đi cắm câu, giăng lưới đặt lờ... Mùa khô thì bắt chuột, bắt rắn, đâm lươn..v..v..
Học buổi sáng buổi chiều ra đồng, còn học buổi chiều thì buổi sáng chỉ làm chuyện lặt vặt trong vườn mà thôi...
Một hôm đệ tử đi đuổi chuột với 2 người bạn cùng xóm, khi về ngang qua một trại ruộng cách nhà chừng 3 cây số.Trại trống trơn, chủ không biết đi đâu. Đang đi thì có một cô chó con nhỏ cở bằng bắp chân với bộ lông màu trắng mướt cứ chạy lắn quắn theo chân mãi, đuổi cách gì nó cũng không chịu trở về trại.
Ba người ra tới ngoài đất cày, đi xa trại hơn 500 mét mà con chó vẫn còn lẽo đẽo theo sau. Thấy nó mệt le lưỡi thằng Tài nói:
- Ê! Con chó nó muốn theo mầy về nhà đó. Hay mầy đem nó về nhà nuôi đi.
Thuở đó muốn nuôi chó chỉ cần hỏi xin người nào có chó con là được rồi. Ở quê không ai bán chó con bao giờ. Nhưng chủ trại không có đó, nếu bắt đại, hóa ra mình ăn cắp của người ta sao? Nên đệ tử làm thinh không thèm trả lời. Đi thêm một đổi chừng trăm mét nửa con chó mệt quá vừa chạy theo vừa kêu ẳng, ẳng.
Ba đứa thấy vậy đi chậm lại cố ý chờ, khi nó theo kịp đến gần thì vẩy đuôi mừng quýnh. Thằng Hùng thấy con chó dễ thương nên nói:
- Ê Long! Mầy không dám bắt thì tao bắt về nuôi à nghen?
Thằng Tài can:
- Nhà mầy có hai con chó mực rồi còn bắt về làm gì nữa? Bộ tính nuôi lớn cho ba mầy xào lăng hả?
- Nhưng mà thằng Long nó không bắt, bộ tụi mầy tính để cho nó chết giữa đồng à?
Đệ tử và thằng bạn kia đuối lý làm thinh. Vậy là thằng Hùng để giỏ chuột xuống quay lại định ôm con chó theo. Nó vừa đụng vô là con chó cò nhỏ quào nó mấy cái rồi quay đầu bỏ chạy tuốt.Thằng Tài cười hả hả:
- Thấy chưa? Tao nói rồi con chó nó biết mầy đem nó về nuôi ăn thịt, nó đâu có thèm, mầy mà đụng nó lần nữa nó cắn chứ không thèm quào đâu đó.
Thấy nó quay đầu trở về trại nên đệ tử an tâm nói:
- Nó về nhà rồi chắc không sao đâu.
Ba đứa tiếp tục đi về nhà nhưng đi chưa đầy 10 phút thì lại nghe tiếng ẳng ẳng phía sau. Đệ tử quay đầu lại nhìn, thì thấy con chó chạy theo nữa. Lần nầy thằng Hùng không thèm đếm xỉa tới nó. Thằng Tài lại nói:
- Long! Đâu mầy lại bắt nó thử coi. Nếu nó không cắn tức là "ông bà" cho mầy, vậy thì cứ ôm về mà nuôi đại đi, ai nói mầy ăn cắp thì tụi tao làm chứng cho.
Thằng Hùng thì móc lò một câu:
- Còn như nó cắn thì mầy tìm ông Năm lấy nọc cho, sợ gì ?
Thấy giọng cười đểu cán của nó đệ tử liền bỏ giỏ chuột xuống đất quay đầu trở lại. Lần nầy con chó cò không biết vì mệt hay sao mà nó nằm mẹp vẫy đuôi lia lịa. Đệ tử bồng nó lên, nó rút đầu nhụi nhụi vào mình, đệ tử tội nghiệp nên đem nó về nuôi.
Trên đường về đệ tử dặn hai thằng bạn:
- Ê! Tụi mầy nói dùm là tao xin của ông Sáu chứ đừng nói là chôm của người ta nghe hông? Nếu không thì tao bị no đòn đó. Biết chưa ?
Con chó Cò càng lớn càng khôn, càng giỏi, bắt chuột giữ nhà số dách, đệ tử đi học về còn ở dưới xuồng chưa bước lên bờ nó ở trên bờ hí hửng vẫy đuôi lia lịa.
Bốn anh em đệ tử thương nó vô cùng.
Nhà gặt lúa kéo về chưa đập, nó ra nằm ngoài trời để giữ lúa, mua hàng đem về bán nó xuống nhà sau ngủ giữ hàng, nó đi chơi bất cứ nơi đâu đệ tử chỉ cần huýt sáo là nó chạy về ngay...
Mỗi năm con chó cò đẻ một lứa, thường thường là 4 con, vì ở xóm người ta nuôi toàn chó mực, con cò đẻ ra chưa khi nào có một đứa con giống nó, không ra mực cũng ra luốt, luốt hoặc là phèn có khi ra thành con đốm chổ trắng chổ đen...
Càng về già con cò đẻ càng ít đi, đệ tử muốn chừa lại một con để nuôi, nhưng chờ hoài chưa thấy nó đẻ ra con chó nào lông toàn trắng như nó cả.
Đến khi đệ tử học đệ Nhị, đầu năm đó con cò chỉ đẻ duy nhất có một con màu luốt luốt hơi vàng vàng. Sợ nó không đẻ con nữa, mất giống nên đệ tử không cho ai hết, mặc dù ba của đệ tử đã không biết mà hứa cho người khác rồi.
Ba đứa em gái và má của đệ tử cũng đoàn kết một lòng nhất định không cho còn phèn mà để dành nuôi.
Ông già bị lép vế chịu thua nhưng trong lòng ức lắm. Con phèn sanh ra là con một, đầy đủ sữa mẹ nên lớn mau như thổi, lúc nào cũng mập ú, mẹ nó săn chuột đem về cho nó ăn, không biết vì được nuông chiều quá nên hư hay sao mà con phèn không bao giờ chịu theo chó mẹ đi bắt chuột.
Dụ dổ hay là bắt buộc cách mấy, buột nó ra ruộng thì nó chỉ chạy lòng vòng rồi lẻn trở lại nhà nằm chờ mẹ nó săn chuột về ăn mà thôi.
Đệ tử tập hoài không được, nên chán quá không thèm ngó ngàng gì tới nó nữa, nhưng cũng không phải là ghét bỏ.
Con "phèn" chỉ giỏi có một việc duy nhất là đuổi gà, gà vịt hàng xóm mà léo hánh tới trước cửa nhà là con "phèn" rượt chạy xịt khói. Nó chỉ rượt thôi chứ không bao giờ cắn gà của hàng xóm.
Ba của đệ tử thấy nó dở quá cứ đòi làm thịt hoài nên sửa cái tên "phèn" thành Bích La. Ổng ta hăm nó thiếu điều muốn mẻ răng. Còn nhỏ em Út thì cưng con "phèn" lắm có đồ ăn là chừa cho nó.
Rồi một hôm nhà có khách từ Sa Đéc lên chơi. Là chú Mười bạn thân hồi đời cố lũy nào đó của ba đệ tử. Hai người đang dẫn nhau đi thăm mấy người quen cùng ở Sa Đéc lên Rạch Giá định cư lập nghiệp chung .
Vừa đi học về, bước vô nhà đã thấy nhỏ em ngồi ôm con bích la khóc:
- Em làm gì mà không đi học? Còn ngồi đó ôm con chó khóc vậy?
Bé Ngân quẹt nước mắt nói:
- Ba nói một lát nữa ổng làm thịt con bích la đãi chú Mười.
Đệ tử biết ông già mình khoái thịt chó xào lăng nhưng chỉ đi nhậu thịt chó nhà hàng xóm chứ chưa bao giờ làm thịt chó ở nhà. Lý do đơn giản là má đệ tử không cho .
- Vậy má đâu? Mà ba đòi làm thịt chó trong nhà?
- Má đi Tân Hiệp thăm cô Năm bịnh rồi.
Đệ tử thấy chuyện không ổn nên gọi cô em kế lại dặn:
- Em dẫn con bích la đi xuống xóm dưới trốn đi, để anh hai ra đồng bắt chuột về đãi chú mười.
Đệ tử nói xong thì cấp tốc thay quần áo xách xà vi và cây len rồi huýt gió kêu con chó cò theo hộ tống ra ruộng liền.
Vừa đi vừa cố huýt gió tìm con chó cò thì phía sau con bích la đang chạy theo, ủi ủi vào chân đệ tử.
Đệ tử rất lấy làm lạ vì từ trước tới giờ nó lười biếng chưa bao giờ thèm ra đồng bắt chuột cả. Hổng lẻ trời sắp xập xuống tới nơi rồi hay sao? Hay là nó có linh tính nếu mà hôm đó ở nhà sẽ bị bắt làm tiết canh.
Con bích la đi ruộng chưa phải là điều làm đệ tử ngạc nhiên kích động, cái mà nó làm cho đệ tử ngạc nhiên là từ trước tới giờ nếu nó gặp chuột thì phập giữa con rồi lắc qua lắc lại làm bầm dập mình mẩy cho đến khi con chuột ngủm củ tỏi mới thôi, nếu nó đem con chuột lại rồi nhả ra, thì chỉ có nước vất bỏ cho cá vồ ăn, chứ không còn xài vào việc gì được nữa.
Hôm đó nó cắn chuột rạo rạo ngay đầu y chang mẹ nó lúc còn trẻ. Hai mẹ con nó chun vô đám cỏ nằm rình, đệ tử chỉ cần đuổi cho chuột chạy về phía chúng là xong chuyện. Cũng kể từ hôm đó nó thế mẹ nó theo đệ tử đi đồng. Nếu đệ tử không rảnh thì nó săn chuột tha về cho mẹ nó vì con chó cò của đệ tử đã già quá rồi chỉ còn đi tới đi lui trong nhà mà thôi...
Ba đệ tử thấy con bích la có hiếu với mẹ, lại biết đi đồng bắt chuột nên cũng bỏ ý định làm thịt nó và cũng từ lúc đó ổng cũng bỏ luôn không rớ tới thịt chó xào lăng, tiết canh, hoặc dồi hay là chó nấu đậu...
Bạn bè lối xóm mời, nói cách gì ổng cũng từ chối không thèm đụng đũa vô nữa...
Khi đệ tử vào học ở trường Sư phạm VĩnhLong con bích la ở nhà theo đứa em kế ra đồng săn chuột thế mẹ nó. Hai tháng sau lần đầu em về thăm nhà, con bích la cũng thế mẹ nó vẫy đuôi chào, còn xác con chó cò của em được chôn sau vườn nhà.
Con bích la cũng chết sau ngày em vượt biên không lâu. Hai đứa bạn kế bên nhà một đứa đi quân dịch chết trận ở Vị Thanh còn một thằng bị rắn cắn phải chặt bỏ hai ngón tay để cứu mạng, vì thế nên bị lính chê, ở nhà buồn tình nhậu quá, khi lội ngang qua sông bị dộp bẻ cũng chết theo một năm sau ngày mất nước...
Chuyện em kể có thật 99 % Các sư thúc có tin hay nói là thằng đệ tử nầy chỉ phịa cho vui, vậy cũng đành phải chịu.
Chuyện những con chó khôn ngoan đệ tử nghe kể cũng nhiều, đọc qua cũng không ít, nhưng thấy thì chỉ có một mà thôi...
Lanh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét