Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Níu Sợi Tơ Trời


Tôi vẫn thường nghĩ :«Đi vào cõi thơ là bước vào cõi vô tận. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất, ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa Sự rung cảm con tim trước ngoại cảnh và tâm cảnh bật thành thơ. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương; mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ nào thấy được hình tướng, nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói, vầng mây chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai nắm bắt được ? Thơ bắt nguồn từ cảm xúc của tâm hồn nơi ẩn chúa những khối tình thiêng liêng sâu kín. Làm thơ là đi giữa cõi mộng và thực để đời trổ nhánh đâm hoa, và đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế.». 

Tôi biết linh mục Guise Đinh Đồng Thượng Sách trên 30 năm, ông là cha xứ quản hạt giáo phận Cergy, mà tôi là một cư dân và cũng là một tín đồ. Ở đây tôi muốn nói đến nhà thơ Cung Chi, chất nghệ sĩ trong con người linh mục. Cuộc đời tu sĩ là con đường dài đầy gian nan và nhiều thử thách mà cha Đinh Đồng Thượng Sách đã chọn ngay từ hồi còn nhỏ, đã dâng hiến tâm hồn và thể xác hướng về Thiên Chúa. Đời và Đạo là con đường chia hai nhánh có lúc cũng trùng nhau, có lúc tách rời nhau. Ở cõi phàm, Thơ vẫn là Đạo (Văn Dĩ Tải Đạo) nên thi nhân đã được ơn Trời ban cho một đặc ân đó là nguồn cảm hứng dào dạt để dệt lên những vần thơ tuyệt tác tặng đời, nhà thơ Cung Chi là một trong số thi nhân đó tay lần tràng hạt tay phóng bút làm thơ. Theo nhà thơ Thanh Hương đã viết về ý nghĩa Bút hiệu Cung Chi:«Bao gồm một ý nghĩa tôn giáo lấy từ sách Luận Ngữ: «Vi chánh dĩ đức thí như Bắc-Thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi». Làm việc liêm chánh, đức độ, ví như sao Bắc thần đứng một chỗ, các vì sao khác đều quy chầu. Người liêm chính và đức độ nhất không ai bằng Đức Mẹ. Trong kinh cầu Đức Bà có câu: « Đức Bà như sao mai sáng vậy ». Cung Chi, lấy từ chữ «củng chi», bỏ dấu hỏi đi cho dể đọc, hàm ý một sự cung kính và yêu mến Mẹ Maria. Đó là tâm nguyện và đường hướng thánh đức của Cha Đinh Đồng Thượng Sách. Ký bút hiệu Cung Chi, có lẽ cha Đinh Đồng Thượng Sách muốn gói ghém một tâm tình cung kính và yêu mến Giáo Hội Việt Nam. Và vì vốn sẵn một tâm tình yêu mến và cung kính mẹ Maria, cha đã muốn.»

Thưở mà Hội Thơ Ba Lê Thi Xã còn đông đủ, thường có những cuộc họp thơ giới thiệu những bài thơ mới sáng tác, sinh hoạt hội luận Thơ sôi nổi. Nhà thơ Cung Chi cũng đến tham dự do lời mời của người hội trưởng là cố Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh. Nhà thơ Cung Chi rất khiêm tốn, ông không hề đem thơ mình đọc trước những văn nhân thi sĩ khác, mà chỉ im lặng cảm nhận những nét tinh hoa của thơ người nên được tất cả mọi người qúy mến.
Có lẽ tôi là một trong số người bạn thơ may mắn được thi sĩ Cung Chi trao gởi những bài thơ. Vào nhiều dịp lễ hội lớn ở Giáo Xứ Việt Nam Paris tôi được ban tổ chức mục vụ mời đọc thơ, tôi không đọc thơ mình mà xin diễn ngâm những bài thơ của Cung Chi hợp với không khí trang nghiêm của giáo đường.

Vài Nét Về Tiểu Sử:


Nhà thơ Cung Chi tên thật là Đinh Đồng Thượng Sách, ông sinh ngày 15 tháng 8 năm 1939 tại Tử Nê, Bắc Ninh, thủa nhỏ được học chữ nho với ông bác họ. 
1950 vào tiểu chủng viện Antôn Ninh Đạo Ngạn, Bắc Ninh. học xong trung học phổ thông ở Hà Nội. 
1954 Vào Nam.
1958 Đậu tú tài, ghi tên học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. 
1959 lên học Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.
1960 trở về tiếp tục học Đại Học Văn Khoa.
1963 Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Việt Hán Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, sau đó đi dạy học ở trường Nguyễn Trãi. Hằng năm ông được mời chấm thi và chủ khảo một trung tâm Tú Tài. Lần chót chấm thi tú tài là năm 1965. Cũng trong năm 1965 ông đã trình tiểu luận cao học văn chương Trung Hoa ở Đại Học Văn Kkoa Sài Gòn về đề tài :«Tính Chất Trữ Tình Trong Văn Chương Tào Thực», mà chủ khảo là giáo sư Nghiêm Toản. Đây là tiểu luận cao học văn chương Trung Hoa đầu tiên ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn». Khi vừa trình tiểu luận cao học xong thì Giáo sư Nghiêm Toản hỏi có muốn làm giảng viên dậy đại học không để ông giới thiệu. Nhưng ông đã cám ơn giáo sư và thưa rằng muốn tiếp tục đi tu. 
1966 Sang Pháp (Tập Viện Dòng Thánh Thể, Mayenne).
1968-1969: Đại Học Louvain (Bỉ)
1969-1972 : Học viện Công Giáo Paris (cử nhân thần học)
Đêm Noël 24.12.1972, được thụ phong linh mục tại nhà thờ Dòng Thánh Thể, Paris Champs Elysées, quận 8.
1986 Tiến sĩ (Paris 7), chuyên ngành Viễn Đông Học

Con Người và Tác Phẩm:


Nhà thơ Cung Chi sáng tác rất khỏe có hơn 1000 bài thơ đủ loại : Đạo,Tâm Linh, Trào Phúng(Ngứa Mồn, Nụ Cười Lịch Sử,), Tự Trào (Quét Đỡ, Thơm Thay), Cảnh (Sa Mạc, Những bài thơ về Đền Đài, Cung Điện, Di Tích Lịch Sử Paris ), Xướng Họa, Tình Người, Tình Quê(Những Người Con Yêu, Ru Con)…qua nhiều bút hiệu : Cung Chi, Lương Nhi Tử, Chổi Cùn Giáo Xứ.

Những tác phẩm:

– Thương Ngàn Thương (bộ 3 tập), ‘2012)
– Họ Là Ai (2013) (117 Bài thơvề 117Thánh Tử Đạo VN)
– CD Thương Ngàn Thương(Ca khúc phổ thơ Cung Chi), Thư Viện Giáo Xứ Paris, 2014
– Tuyển tập thơ Cung Chi (2015) Lê Đình Thông
– Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (2016) (cuộc đời bằng thơ về Đức JP II)
– Tuyển tập thơ Cung Chi (2017) (Thư Viện mừng 70 Năm GXVN/ Paris.)
Sắp in:
– Tuyển tập thơ Cung Chi 45 năm LM)
– Thương Ngàn Thương tập IV

Trước khi bước vào vườn thơ Cung Chi xin trích một đoạn bài giới thiệu mang tựa:Gởi Chút Này Làm Tin của nhà thơ Lê Đình Bảng trong thi tập Thương Ngàn Thương của Cung Chi:«Với số lượng khổng lồ, dày đặc hàng ngàn bài thơ dài, ngắn, Mới , Cũ, Cổ Điển, Hiện Đại với nội dung phức hợp, mênh mông bát ngát không cho phép tôi quy nạp, thâu tóm để võ đoán, chủ quan, một chiều. Nhưng thật lòng tôi yêu những bài thơ ngăn ngắn nhẹ nhàng mà sâu lắng được viết theo thể loại Ngũ Ngôn hoặc Lục Bát của Cung Chi….».
Bài giới thiệu thật là hay, nghiên cứu sâu rộng, lời văn nhẹ nhàng trầm bổng như một bài thơ. Bài viết làm nổi bật giá trị của những nhà thơ.

Trong tác phẩm Tuyển tập thơ Cung Chi (2017) (Thư Viện mừng 70 Năm GXVN/ Paris.), mở đầu là bài giới thiệu của Đức ông Giuse Mai Đức Vinh: Hành Trang Mục Vụ. Thi tập gồm nhiều bài thơ diễn tả về những sinh hoạt giáo xứ VN Paris. Nhà thơ đã mượn những vần thơ như lời tâm sự để tạ ơn Trời, cảm ơn Người, những người bạn đồng tu, những tín hữu đã cùng với linh mục gắn bó nhiều năm phục vụ trong cộng đoàn giáo xứ Paris mà nay có người còn kẻ mất. Qua tập thơ này cho thấy linh mục Đinh Đồng Thượng Sách thương yêu giáo xứ VN Paris vô cùng vì nó đã chất chứa bao kỷ niệm buồn vui trải dài nhiều năm tháng. Cách nay vài năm, nhà thơ Cung Chi có nhã ý muốn tôi ghi đôi dòng cảm nhận như lưu chút tình thơ văn nghệ nhưng tôi không dám nhận lời vì không am tường nhiều về thơ Tâm Linh, nhất là thơ nặng về thần học! Mới đây gặp thi sĩ Cung Chi, nhà thơ vẫn còn giữ ý định cũ, và còn bảo rằng tôi muốn ghi gì thì ghi. Trước cả ngàn bài thơ nếu có viết cả cuốn sách cũng chưa đủ, tôi xin gởi chút lời cảm như một khúc dạo đầu cho một bản trường ca và cùng vần thơ của thi sĩ làm một khúc phiêu du:
Con vui mừng dâng mẹ
Đôi vần thơ nhỏ bé
Như búp nụ tầm Xuân
Trong rừng thơ nhân thế
(DângMẹ, trang 144)

Tâm hồn của linh mục Đinh Đồng Thượng Sách luôn hướng về Chúa, ngài chọn con đường mục vụ là được vác Thánh Gía theo Chúa nên đã quên mình để phục vụ người khác làm vinh danh Chúa, cho dù gian nan, khó khăn nguyện đi đến hơi thở cuối cùng. Phải có ý chí và đức tin vững mạnh mới vượt qua những thử thách, những cám dỗ mà nhiều người đồng tu đã bỏ cuộc!

Như đã trình bày ở trên trong con người linh mục có chất thơ, khi nguồn thi hứng trỗi dậy thì chẳng có nhà thơ nào không phóng bút ghi lại những rung cảm bất chợt mà chỉ có thi sĩ mới cảm nhận được. Cung Chi mang tâm hồn thi nhân nên nặng nợ với tình thơ, như kiếp tằm nhả tơ thi sĩ đã hóa thân vào cuộc sống tha nhân, hòa với nhịp thở của nhân gian nên cảm thông được nỗi buồn của nhân thế mà viết lên vần thơ. Bài thơ: Ngâm Thơ Ngày Tết, nhà thơ mượn những vị cay đắng, ngọt bùi của tình đời làm chất men, nguồn cảm hứng sáng tác của thi sĩ để dệt thành thơ. Khi say đắm thơ nghiã là bước vào mộng vào thế giới mơ hồ đầy ảo tưởng làm cho con người linh mục không khỏi buồn, thương cảm cho những tâm hồn yếu đuối, sa ngã trước thói đời! Làm sao mà không xót xa khi nhìn thấy những cuộc tình tan vỡ mà ngày trước chính linh mục là người làm chủ lễ cho cuộc hôn phối của hai tâm hồn trẻ yêu nhau, kết hợp thành một trước mặt Thiên Chúa, nay họ chia tay! Nhà thơ đã buồn cho cái buồn của người khác:

«Ta ngâm lên những lúc hồn bay bổng
Lúc vui buồn, lúc sướng khổ, lúc cô đơn.
Lúc đắng cay cũng như lúc tủi hờn,
Khi yêu đương khi mộng mơ nung nhớ
Ta ngâm thơ nhẹ nhàng như hơi thở,
Như tiếng ca, như chim hót ngọt ngào.
Như giọng hò, như tiếng sáo thanh tao
Như hoa bướm trao tình ngày nắng đẹp.
Ta ngâm lên những lời thơ tha thiết,
Bao mối tình dang dở đến ngẩn ngơ,
Ta giật mình và bỡ ngỡ chẳng ngờ
Cứng cỏi lắm như ta mà say đắm !..
. Ta muốn ngâm trong gió vờn xuân thắm
Giữa lời kinh pháo nổ đón giao thừa
Như trầm bay khói cuốn thoảng đương đưa
Vào không gian ướp sương trời mờ sáng.
Cả lòng ta là thửa vườn lênh láng
Nhạc và thơ như Thánh vịnh chân thành
Mỗi lời ngâm giọt nước mắt long lanh
Của buồn vui pha lẫn cùng sướng khổ
Ta cứ ngâm bao lâu còn hơi thở
Giữa giòng đời trôi chảy chở ta đi
Lên Thiên đàng chốn ấy rất từ bi
Bao thơ ý dương gian thành bất tử.»
( Ngâm Thơ Ngày Tết).

Bài Tơ Trời, nhà thơ không dùng ngôn ngữ thần học nhưng ý thơ là lẽ đạo, nngôn ngữ trong thơ đượm tư tưởng Phật giáo (bến mê) có từ thuở còn trẻ học ban Việt-Hán ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Nhiều từ ngữ Hán Việt có ẩn chứa những tư tưởng Phật giáo, rất gần gũi với thi ca Việt Nam.

Khởi giác cho con đường sinh lộ
Dắt dìu con ra khỏi bến mê
Cho máu trong tim luôn tươi đỏ
Mở cõi lòng xanh chớ chấp nê.
Lòng con rung chuyển như tơ trời
Trong trắng vừa đủ mong manh thôi
Biết giữ làm sao cho khỏi gió
Lúc nào còn chăng lúc rã rời ?
Tơ trời biết bám vào đâu nhỉ
Đành xin suốt đời vẫn cứ bay!
Đến khi trong Chúa nằm an nghỉ
Đẹp như tuyết trắng nhẹ như mây
( Thương Ngàn Thương tập2, trang 192)

Tơ trời ở đây là Ánh Sáng Nhiệm Màu, là Đức Tin, ta không thể thấy bằng mắt trần, kiểm chứng bằng khoa học mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn nên tin tưởng. Hình ảnh ngôn ngữ trong thơ là những mảng màu: cõi lòng xanh, máu đỏ tươi, trong trắng, tuyết mây gợi hình có lúc hiện thực có lúc trừu tượng. Bài thơ có sắc thái riêng thuộc tâm linh.

(Tác phẩm của Thi Sĩ Cung Chi - LM. Đinh Đồng Thượng Sách)

Thường người ta phân biệt hai loại Thơ: Thơ Ðời (Poème de l’Existence) và Thơ Ðạo (poème de l’Être). Thơ Ðời, ai cũng biết là Thơ phản ảnh hiện thực đời sống thế gian; Thơ Ðạo là Thơ đề cập đến vấn đề Tâm Linh. Nhưng Ðạo là gì, Tâm Linh là gì ? Hầu như chưa thể định nghĩa, giải thích tường minh. Ta thường nghĩ rằng Thơ Ðạo đề cập đến những vấn đề siêu hình, vượt khỏi phạm trù hiện tượng, hướng đến việc tìm hiểu chính tự thân sự vật, chính bản thể của sự vật mà những biểu hiện của chúng nơi thực tại vật lý chỉ là hư diện (apparence). Với nhà nghệ sĩ, nhất lại là tín đồ tôn giáo, những vấn đề siêu hình đó phát xuất từ Ðức Tin chứ không từ cái Lý trí luận lý (raison raisonnante) như nơi các Khoa học thực nghiệm. Ðức Tin là sự gắn bó vào một chân lý nền tảng cao xa nào đó được xem là đã tạo dựng, điều hướng diễn tiến mọi sự vụ thế gian để viên dung bản chất, bản thể mình và khi tất cả cùng quy về với bản thể nơi mình thì sự sống thoát được mọi hư phù, giả hoặc và tất cả đều được sống trong cảnh giới thực hữu, tự tại, bằng an, không còn thị phi, tranh chấp, không còn gây tội, tạo khổ cho mình và cho nhau. Do đó, Thơ Ðạo luôn trong cái khuynh hướng đem Ðức Tin của mình soi rọi vào thực tại đời sống, đưa Ðạo vào Ðời. Nhưng còn trong vòng hiện tượng, do tương tác thường trực giữa mọi thứ ‘hữu’ (vạn pháp, nói theo từ nhà Phật), trong hai môi trường thiên nhiên và đồng loại (môi trường xã hội) , do sự ‘phân ly chủ-khách’ (scission sujet-objet), con người luôn thấy mình yếu đuối, tuy luôn hướng về một ơn thiên triệu, một ơn cứu rỗi nhưng nhiều khi cũng cảm thấy Ðức Tin nơi mình chưa thực sự vững vàng nên phải luôn luôn cầu nguyện. Bài Thơ ‘Tơ Trời’ có thể xem là lời cầu nguyện, vừa nói lên cái yếu đuối của thân phận con người như sợi tơ trời mỏng manh:

«Biết giữ làm sao cho khỏi gió
Lúc nào còn chăng lúc rã rời?»

Không biết bám vào đâu nên ‘đành vẫn cứ bay’ trong cõi đời vô thường nầy. Bài ‘Tơ Trời’ với hai hình ảnh ‘tơ’ và ‘mây’ nói lên ý đó. Như ta biết Tơ, là thứ mỏng manh dễ đứt nhưng đây là ‘tơ trời’ có nghĩa Tơ trời ở đây là ánh sáng Nhiệm Màu. ‘Tơ Trời’ trong bài thơ nầy là hình ảnh phần sống Tâm linh, hình ảnh Ðức Tin nơi nhà thơ, một tín đồ Thiên Chúa giáo. Sợi ‘tơ trời’ đẹp đẽ đó bị quăng ném vào đời, vào cõi hiện tượng trở nên‘mong manh’ nổi chìm, ‘đành xin suốt đời mãi cứ bay’. Bài thơ, theo tôi, vừa là ‘lời xưng tội’ với Trời, với Thượng Ðế về Ðức Tin nơi tác giả có những khoảnh khắc bị giao động, vừa là lời cầu nguyện, ước mong được được trở về với nước Trời, được an nghỉ trong Chúa, sợi Tơ Trời sẽ luôn trắng trong, ‘đẹp như tuyết trắng, nhẹ như mây’, có nghĩa được luôn bình an, được trở về với bản thể tinh anh, thuần khiết, thanh thoát, nhẹ nhàng như mây trắng không còn đọng lại chút nào sắc màu tục lụy. Con đường trở về dược bình an trong Chúa, theo tác giả bài thơ, chính là ‘sinh lộ’ của con người do từ Ðức Tin nhưng Ðức Tin luôn bị cõi đời vùi dập nên nhiều lúc trở nên mỏng manh, dễ vơi, dễ cạn, do đó phải luôn cầu nguyện ơn Cứu Rỗi ‘khởi giác’ cho mình.

Ở nhà thờ Cergy thỉnh thoảng linh mục Đinh Đồng Thượng Sách đã đem thơ của những nhà thơ công giáo tiền bối ở những thế kỷ trước vào bài giảng. Điều đó làm tươi mát bầu không khí trang nghiêm. Chất thơ Đạo tỏa hương nhẹ nhàng làm lòng người thêm thân thiện mến nhau. Vào ngày Tết nhà thờ đã tổ chức văn nghệ cho giáo dân và những người đồng hương trong vùng đến xem, lớp thiếu nhi đã diễn kịch thơ, và lên đọc những bài thơ Đạo làm không khí ấm áp chan chứa tình quê hương.

Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách dáng người nhỏ bé, giọng Bắc, Hà Nội cũ nên rất truyền cảm, ấm áp. Ông là người thành lập cộng đoàn Công giáo Cergy. Vào những năm đầu sau biến cố 1975 những người Việt quốc tịch Pháp và người tị nạn ồ ạt đến Pháp. Cha Sách là một trong những vị linh mục tiên phong rất nhiệt tâm đến giúp đỡ người đồng hương. Những người cư ngụ lâu ở Cergy hiện còn sống cho biết cha từ Paris ra ngoại ô vùng Cergy rất vất vả, thuở ấy phương tiện di chuyển đi lại còn khó khăn, hàng giờ mới có chuyến xe lửa, sau đó còn phải đi bộ nhiều cây số mới đến địa điểm chung tâm đón tiếp người tị nạn, chứ không như bây giờ xe điện cao tốc 15 phút là có. 

Thời gian đầu cha Sách đến Cergy vào chung cư tị nạn mượn một phòng nhỏ để hành lễ dù chỉ vài tín hữu. Hàng tuần cha vẫn kiên trì bỏ nhiều thời gian đi vào Cergy hành lễ. Cergy hôm nay phồn thịnh, lộng lẫy, là thành phố đông dân cư của Paris, một thành phố có nhiều di tích cổ, Cergy - Pontoise có hai ngôi giáo đường cổ của thế kỷ 12 v à 14, và nhiều trường đại học danh tiếng. Nói đến Cergy là người ta bảo thành phố đại học. Cộng đồng công giáo ở Cergy lên đến hàng ngàn, và cha Sách đã quản trị địa hạt đó mỗi tháng hành lễ hai lần, ở những buổi lễ trọng đầy người dự lễ. Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách rất tận tụy với đời sống mục vụ, nhiệt tâm với mọi người giáo dân. Không phân biệt tôn giáo, ông thường lưu tới thăm hỏi người già đơn chiếc, người bệnh nan y, người nghèo khó bằng tình thương anh em đồng hương.


Sự hiện diện của cha Sách đối với cộng đồng người Việt ở Cergy là một biểu trưng về tinh thần. Ngày đó tôi sáng lập ra Hội Văn Hóa Cergy và thành lập thu viện Cergy sau này đã trở thành thư viện thành phố, do chính quyền địa phương quản trị. Một thời gian sau ở Paris giáo sư Bạch Thái Hà thành lập ra thư viện Diên Hồng và cha Đinh Đồng Thượng Sách thành lập ra thư viện Giáo Xứ VN Paris. Những thư viện đó còn tồn tại đến hôm nay. Viết bài này tôi đã hỏi nhiều người để kiểm chứng lại suy nghĩ, nhận xét của mình trước khi viết: Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách một con người chân phương, rất trong sáng, là một vị chân tu. Cha rất nghèo, đời sống giản dị để có chút tiền gởi về Việt Nam xây nhà thờ hoặc giúp đỡ người khốn khó. Ở những dịp tết hàng năm tôi thấy một số người biếu cha một ít hộp bánh, cha mở ra và phân phát ngay cho những gười khác. Ở Paris tôi có quen biết và thân với vài người ngày trước có thời làm tu sĩ, linh mục, nhưng sau xin xuất để lập gia đình. Họ là giáo sư, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ…bản thân rất tốt, tử tế với mọi người, vẫn ngoan đạo nhưng bỏ tu vì con đường tu rất gian nan, họ chỉ đi được một đoạn đành bỏ cuộc cuốn theo lốc đời giữa Paris đầy quyến rũ!

Vị tu sĩ trẻ Đinh Đồng Thượng Sách năm xưa đã thành linh mục từ lâu, và đã đi suốt con đường dài tu hành, vượt qua bao khó khăn cho đến lúc tóc bạc phơ vào nhà hưu trí, tâm hồn luôn trong sáng.

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét