Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Đông Ngạc Lữ Trung 東鄂旅中 - Phạm Đình Hổ



東鄂旅中             Đông Ngạc Lữ Trung

二十年來一旅人    Nhị thập niên lai nhất lữ nhân
東風回首淚沾巾    Đông phong hồi thủ lệ triêm cân
家香拋擲難爲孝    Gia hương phao trịch nan vi hiếu
羈旅奔馳只為貧    Cơ lữ bôn trì chỉ vị bần
客裡又逢梅雨夜    Khách lý hựu phùng mai vũ dạ
愁中猶夢固園春    Sầu trung do mộng cố viên xuân
何當歸訪林唐景    Hà đương quy phỏng Lâm Đường cảnh,
坐聽松琴對白雲。Toạ thính tùng cầm đối bạch vân.
範廷琥                    Phạm Đình Hổ

Dịch nghĩa:

Hai mươi năm nay là một lữ nhân
Trong gió đông ngoái đầu nhìn lại nước mắt đẫm khăn
Vứt bỏ quê nhà khôn gọi là hiếu
Ngược xuôi lữ thứ cũng chỉ vì nghèo
Chốn đất khách lại gặp đêm mai vũ
Trong nỗi sầu còn mơ đến mùa xuân ở vườn xưa
Biết lấy gì để khi trở về tìm hỏi cảnh Lâm Đường
Ngồi nghe tiếng thông đàn ngắm mây trắng trôi

Dịch Thơ:


Cảnh Lữ Thứ Ở Đông Ngạc

Hai mươi năm xa quê lòng chạnh,
Ngoảnh đầu nhìn đông lạnh lệ sa.
Hiếu đâu? ruồng bỏ quê nhà!
Bởi nghèo , lữ thứ bôn ba miệt mài.
Đêm đất khách thương mai tan tác,
Mộng vườn xưa man mác tình quê.
Lam Đường cảnh cũ tái tê,
Thông reo sầu lắng, lê thê mây ngàn.

Mailoc phỏng dịch
***
Đời Lữ Khách Ở Đông Ngạc

Sống cảnh tha phương hai chục năm
Gió đông ngoái lại, lệ đằm khăn
Xa lìa quê mẹ, rời câu hiếu
Xuôi ngược xứ người, lo miếng ăn
Đất lạ đêm mưa, mai trút cánh
Vườn xưa ngày mộng, dạ vời xuân
Lấy gì gợi cảnh Lâm Đường cũ
Chỉ tiếng đàn thông, mây trắng lan

Phương Hà phỏng dịch
***
Đời Lữ Khách Ở Đông Ngạc
Hai mươi năm kiếp tha hương
Giờ đây nghĩ lại khiến tuông lệ nhòa
Hiếu gì?? Ruồng rẩy quê cha
Bởi nghèo,bỏ nước bôn ba xứ người
Sống đất khách,lỡ một đời
Mà còn mơ đến xưa :thời còn Xuân
Lam Đường luống dạ bâng khuâng
Còn trông mây trắng, nghe thong dạo đàn.

Song Quang
***
Nơi Lữ Điếm Đông Ngạc


Hai mươi năm đã lìa xa xứ
Nhìn gió xuân về lệ chứa chan
Rời bỏ quê nhà chưa trọn hiếu
Ngược xuôi quán trọ bởi cơ hàn
Gặp đêm chốn lạ mai rơi rụng
Mộng nhớ vườn xưa dạ khó an
Muốn hỏi Lâm Đường nhưng chẳng thể
Não nề thông hát áng mây tan.

Quên Đi
***
Lữ Khách Ở Đông Ngạc

Lữ khách xa quê hai chục năm
Gió đông đẫm lệ chẳng về thăm
Chưa tròn chữ hiếu lòng đau xót
Không vẹn đạo con dạ oái ăm
Quán trọ tha hương mai cánh rã
Vườn xưa viễn xứ mộng xuân nằm
Lâm Đường ngại hỏi bao thương nhớ
Mây trắng thông reo mấy chẳng cầm

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 06 năm 2018
***
Đông Ngạc Lữ Trung 

* CHÚ THÍCH:

- Lữ Nhân : Người lữ thứ, kẻ xa quê.
- Đông Phong : Gió hướng đông là gió xuân.
- Phao Trịch : Phao là Ném; Trịch là Liệng, nên Phao Trịch có nghĩa là Vứt Bỏ.
- Ký Lữ : Chữ 羈 vừa đọc là Cơ, là Ki, là Ký, có nghĩa Cái mặt nạ chụp vào đầu ngựa và sợi dây cương ngựa, thường dùng để chỉ sự Trói Buộc hoặc Đi Xa. Nên KÝ LỮ là Xa nhà trường kỳ, gởi thân nơi đất khách lâu ngày.

- Bôn Trì: Bôn là Chạy nhanh bằng chân; Trì là Chạy nhanh bằng ngựa. Nên BÔN TRÌ là giong ruổi, là Chạy ngược chạy xuôi, giống như từ Bôn Ba vậy.
- Mai Vũ: là Những trận mưa giao mùa giữa xuân và hạ, cũng là thời khắc của trái mai(me) của xứ Giang Nam chín rộ, nên còn gọi là Hoàng Mai Thiên Khí 黃梅天氣.

- Hà Đương: là Bao giờ, là Biết đến bao giờ.
- Tòng Cầm: Đàn của Thông, là Tiếng Thông reo.

* DỊCH NGHĨA :
Thân Lữ Thứ Nơi Đông Ngạc

Là kẻ tha hương lữ thứ suốt hai mươi năm nay, nên khi thấy gió xuân thổi, quay đầu nhìn về hướng quê xưa mà không ngăn được lệ nhỏ đầm khăn. Là kẻ dứt bỏ quê nhà để ra đi nên khó mà làm tròn chữ hiếu, và trường kỳ bôn ba ngược xuôi nơi xứ lạ quê người cũng chỉ vì nghèo mà thôi. Ở nơi đất khách xa xôi nầy mỗi lần gặp những đêm mưa giao mùa lại làm cho ta buồn nhớ và mơ về với những mùa xuân nơi đất mẹ. Biết đến bao giờ mới được về thăm lại cảnh cũ ở Lâm Đường mà nhàn nhã nghe tiếng thông reo và ngắm nhìn mây trắng trôi nổi ở ven trời.

* DIỄN NÔM:

Hai mươi năm lẻ khách phương trời,
Ngảnh lại gió xuân khiến lệ rơi.
Nhà cửa xa xôi đâu hiếu để,
Quê người lận đận chỉ nghèo thôi.
Những sầu đất khách đêm mưa đổ,
Lại nhớ làng quê mộng rối bời.
Biết đến bao giờ về chốn cũ,
Ngồi nghe thông réo ngắm mây trôi !?

Lục bát:
Hai mươi năm kiếp xa nhà,
Gió xuân nhìn lại xót xa lệ trào.
Xa quê hiếu khó trọn nào,
Một thân trôi nổi nghèo sao lại buồn.
Đêm nằm lắng hạt mưa tuôn,
Sầu quê dằng dặc còn vương mộng hồn.
Bao giờ về lại Lâm Đường,
Ngắm mây trắng xóa đàn dường thông reo !?

Đỗ Chiêu Đức







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét