Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Vườn Xoài Ngày Xưa


Nhà tôi ở một làng quê nằm bên bờ con sông Cái Cối, đổ ra sông Tiền Giang. Đối với tôi ngày còn nhỏ, con sông này mênh mông quá, nhất là vào mùa "nước nổi" khoảng tháng tám, tháng chín. Lúc đó, giòng sông như bụng của một con quái thú to phình ra, nước đục lờ và chảy xiết hơn. Nhiều hôm, nước dâng cao tràn bờ, ngập cả những khu vườn hai bên sông. Mỗi lần nước ngập như vậy, bọn con nít chúng tôi thích lắm vì được ngồi ở thềm nhà câu cá, xếp giấy thả tàu, hoặc lấy cây khều những "con nước" có hình dáng như con sâu dài ngoằn, màu sắc rất đẹp. Nhưng nước thường không ngập lâu, chỉ vài tiếng đồng hồ, họa hoằn lắm mới kéo dài một hai ngày. Nước rút đi để lại trong sân, trong vườn một lớp bùn non. Cây cối trong vườn không bị hư hại, mà trái lại được vun bón bằng một lớp phù sa, nên xanh tốt quanh năm, mùa nào thức ấy. 

Có những khu vườn chỉ trồng một loại cây như ổi xá lị, cam, quít... Có những khu vườn trồng đủ các loại cây. Cây xoài thì hầu như nhà nào cũng có, không nhiều thì ít, đem lại nhiều huê lợi cho chủ vườn. Vườn nhà tôi có gần đủ các loại xoài, từ loại thường như xoài tượng, xoài voi, xoài thanh ca, xoài ngựa, xoài hòn, xoài đá ...đến loại quí như xoài thơm, xoài Châu Hạng Võ và mới nhất là xoài cát.

Xoài tượng trái to, hơi dài, ít chua nên ăn sống rất ngon; để chín ăn rất lạt. Người ta hay ăn xoài tượng sống với nước mắm đường. Phải dùng loại nước mắm thật ngon, pha ít mắm nhiều đường, giầm thêm chút ớt hoặc rắc thêm chút tiêu. Miếng xoài tượng xắt không quá mỏng, đừng quá dầy, đem chấm ngập vào chén nước mắm, chưa kịp cho vào miệng đã chảy nước miếng; cắn vào, nghe đủ vị chua, ngọt, mặn, cay và dòn. Ai nếm qua cũng phải hít hà khen ngon. Xoài tượng chấm muối ớt cũng ngon lắm nhưng muốn ngon hơn nữa, thử ăn với mắm ruốc giầm ớt hiểm. Vị chua của xoài gần như biến mất khi gặp mắm ruốc nên ăn hoài không chán. Chỉ có điều sau đó sẽ xót ruột, khát nước. Xoài tượng giầm cam thảo vừa ngọt vừa chua, màu vàng ươm, phết thêm muối ớt, chỉ nhìn thôi đã phát thèm. Xoài voi cùng họ tên với xoài tượng nhưng trái tròn và nhỏ hơn; rất chua lúc còn xanh nhưng chín thì ngọt lịm, nhiều nước. Xoài thanh ca lúc sống cũng chua như xoài voi. Loại này trái dẹp, không to lắm, đầu to dít nhỏ, có hình cong cong như mặt trăng. Xoài thanh chín ngọt thanh. Có trái bị "trăng ăn", đó là những chỗ chai hình tròn, nhỏ, trong thịt xoài. Nhiều trái bị đẹt, hột dẹp lép, trẻ con rất thích cạp. Xoài ngựa hơi giống xoài thanh ca về hình thức, không mấy ngon vì có nhiều xơ. Xoài hòn trông giống xoài voi nhưng to hơn. Xoài đá trái tròn và nhỏ. Ngoài các loại thông thường trên, vườn tôi còn có ba cây xoài thơm, trái tròn dài, ngon, thơm như tên của nó, và hai cây xoài Châu Hạng Võ. Tôi không biết tên này có đúng không nhưng lúc nhỏ tôi vẫn nghe người lớn gọi như vậy. Xoài này có vẻ hiếm vì sau này tôi không thấy ở đâu có bán. Thịt xoài Châu Hạng Võ vừa ngọt dịu vừa thơm, lại có màu ửng hồng rất đẹp; trái trông giống xoài cát nhưng nhỏ hơn.


Nhắc đến xoài cát, tôi còn nhớ rõ hôm đó ba tôi nhờ người chèo tam bản qua làng Hoà Lộc để thăm một người bạn. Khi đi, ba tôi mang theo quà cáp như thường lệ nhưng lần này lại có thêm hai nhánh bưởi ổi Biên Hòa vừa mới chiết xong. Thuở đó ở nhà quê người ta hay biếu nhau những sản vật trong vườn nhà, như một trái mít nghệ, một giỏ cam sành, một rổ quít đường, hoặc một cặp vịt ta hoặc một con gà mái dầu...Những loại cây mới cũng là món quà người ta hay biếu xén lẫn nhau. Khi trở về nhà, ghe vừa cặp bến, ba tôi vội mang lên khoe với cả nhà hai cây xoài con được bầu trong bẹ chuối. Ba nói đó là xoài cát mới lấy giống từ bên Miên mà người bạn bên Hòa Lộc tặng cho. Loại xoài này trái to, thịt dẻ và ngọt đậm đà, ngon hơn mọi loại xoài khác. Hai cây này lại là xoài chiết, rất mau có trái. Ba nói sẽ trồng gần nhà cho tôi, chừng ba năm sau là tôi có thể đứng dưới đất hái trái xoài cát đầu mùa.

Đúng như lời ba tôi nói, ba năm sau hai cây xoài cát của tôi đã ''xây bàn thang'' và trổ bông lần đầu, đậu được hơn hai mươi ''trái chiếng''. Thân cây thấp nên trái thòng xuống gần mặt đất, ba tôi phải dùng nạng chống lên cho người đi dưới khỏi đụng đầu. Trái xoài cát to như xoài tượng nhưng ngắn hơn, ức no tròn, đít nhọn. Khi già rọi, da xoài như áo một lớp phấn trắng bên ngoài, nhìn kỹ sẽ thấy những chấm đen nhỏ li ti. Một buổi sáng, tôi ra thăm cây xoài của mình chợt thấy một trái chín bói ức ngả màu vàng. Tôi mừng rỡ reo lên. Ba tôi chạy ra gỡ bỏ cây nạng chống để trái xoài thòng xuống thấp cho tôi hái được trái chín đầu mùa. Ăn xoài cát lúc vừa chín tới mới thưởng thức hết được hương vị ngon ngọt, đậm đà của nó; ăn lúc chín quá chỉ thấy vị ngọt mà thôi. Xoài cát cũng có hai loại - cát đen và cát trắng. Cát đen da màu xanh đậm hơn cát trắng. Cả hai đều hột nhỏ, cơm dày, thịt dẻ và ngọt; ai ăn cũng thích. Những năm đầu, xoài cát bán rất được giá vì người ta mua để làm giống.


Quê tôi lúc đó có phong trào trồng xoài cát. Nhiều đám ruộng, đám rẫy được phá đi; người ta móc mương, lên liếp để lập vườn trồng xoài. Nhà nào có xoài cát trước được bà con dặn mua trái để làm giống. Nếu không tự ương, chủ vườn có thể mua xoài con từ những ghe bán cây giống xuôi ngược trên sông. Chỉ cần dặn trước vài tháng là có cây chở tới. Người ta thường trồng vào đầu mùa mưa.

Cách trồng xoài cổ điển là ương hột. Hột được lấy từ những trái to, đầy đặn. Khi ương người ta thường tách bỏ lớp vỏ ngoài của hột, chỉ lấy phần lõi bên trong đem vùi trong đất xốp và ẩm. Bằng cách này hột mau lên cây và theo kinh nghiệm, cây xoài về sau ít bị "đốc", tức là bị lai một giống khác với cây nguyên thủy. Xoài gieo bằng hột sống lâu và cho nhiều trái nhưng phải mất bảy, tám năm mới bắt đầu có trái. Nếu trồng xoài tháp hoặc chiết chỉ mất khoảng ba, bốn năm nhưng cây lại mau lão. Vì vậy chủ vườn thường trồng xen kẽ hai đợt khác nhau sao cho khi đợt đầu lão thì đốn đi, đợt sau cũng vừa có trái. Muốn chiết xoài, người ta chọn những nhánh thẳng và sung, cắt và lột đi một khoảng da rồi bó lại bằng rễ lục bình hoặc rơm trộn đất. Phải tưới thường cho chỗ chiết mau đâm rễ. Cây thường được chiết vào mùa mưa để khỏi phải tưới. Khi rễ đã ra đủ, phần nhánh chiết được cắt rời thân cây mẹ để đem trồng chỗ mới.


Tháp cây là lấy mắt tháp, tức một mảnh vỏ của một cây loại ngon đem ghép vào chỗ đã lột da của nhánh hoặc thân một cây đồng loại, nhưng có đời sống lâu hơn hoặc cho nhiều trái hơn. Mắt tháp phải lấy ở chỗ có mụt để về sau đâm chồi. Chỗ tháp được bó lại cho đến khi phần này liền lạc của thân cây chủ thì có thể cắt bỏ phần trên của cây chủ để nhánh mới đâm ra từ mụt phát triển mạnh. Trong vườn nhà, hồi đó ba tôi có tháp xoài hòn vào một cây xoài ngựa và giữ lại một nhánh xoài ngựa chớ không cắt hết; thành ra một cây xoài mà có hai nhánh cho hai loại trái khác nhau, một bên xoài ngựa một bên xoài hòn.


Xoài ra bông vào khoảng tháng chạp. Lúc đó buổi sáng khí trời lành lạnh, tôi thường theo ba tôi đi dạo quanh vườn dưới những tàn xoài phủ bông trắng ngà. Hoa so đũa cũng nở trắng trên cành.Tiếng cu kêu rộn rã. Đó là thời gian người dân quê chuẩn bị ăn tết. Năm nào xoài trổ bông nhiều thì hình như cái tết cũng vui hơn. Bông xoài có cuống dài khoảng ba tấc, tỏa ra nhiều nhánh mang chi chít những hoa nhỏ. Hoa tàn kết thành trái non gọi là "trứng cá". Tùy theo điều kiện nắng và gió, bông xoài đậu ít hay đậu nhiều. Mỗi bông xoài mang nhiều trứng cá lúc còn non nhưng sẽ rụng dần, khi lớn lên chỉ còn giữ lại năm ba trái. Ở giai đoạn kết trứng cá, hoa xoài đổ rơi xuống đất mang theo một lớp nhựa dẻo, dinh dính trên lớp lá mục nằm dưới gốc xoài từ năm này sang năm khác, tạo thành mùi hương ngai ngái của những buổi sáng trong vườn.


Khi xoài bắt đầu lớn, các lái xoài đến từng vườn để ước lượng số thu hoạch rồi trả giá. Chủ vườn thường chừa lại vài cây để ăn, còn thì ''bán sát'' cho các lái xoài. Khoảng tháng năm, tháng sáu xoài bắt đầu già và chín. Đây là thời gian vui vẻ của bọn con nít chúng tôi. Mỗi lần trời giông gió, chúng tôi đứng hờm sẵn dưới gốc để lượm xoài rụng. Cơn giông thổi qua, những chùm xoài dong đưa mạnh trên cành. Chờ nghe tiếng "soạt soạt" ở hướng nào là đám con nít chạy nhào về phía đó. Sáng nào chúng tôi cũng cố thức dậy thật sớm, để đi lượm trước mấy đứa khác những trái xoài chín bói bị dơi gặm đêm qua. Nhiều khi trong nhà có sẵn xoài, ăn không hết, nhưng đứa nào cũng thích lượm xoài. 

Hồi đó tôi có một đứa bạn chơi chòi; nhà nó ở cách nhà tôi một con rạch có chiếc cầu khỉ bắc ngang. Sáng nào tôi với nó cũng tranh nhau thức sớm để đi lượm trước. Một hôm tôi thức sớm hơn nó, vội vàng chạy đi lượm hết những trái xoài rụng trong vườn. Lát sau, tôi thấy nó hăm hở bước qua chiếc cầu khỉ, dáo dác đi tìm hết gốc nọ tới gốc kia. Tôi đứng ở một chỗ khuất nên nó không thấy tôi, còn tôi có thể thấy nó tiu nghỉu bước về tay không. Tôi bỗng tội nghiệp nó quá. Mấy hôm sau, dù có thức sớm hơn nó tôi cũng chỉ lượm ít ít, để dành phần lại cho nó. Hình như nó cũng phát giác được điều này và cũng làm như tôi nên từ đó về sau, bữa nào tôi có ngủ quên, đi lượm trễ thì vẫn có xoài để mà vui. 

Khi lượm xoài, bọn chúng tôi không quên nhìn xuống bãi sông, những chỗ có xoài de bóng ra. Xoài rụng xuống bãi bị lún trong bùn, chỉ còn nhô lên một phần nhỏ nên phải để ý kỹ mới thấy được. Những cây xoài de ra sông, nhiều khi trái đeo lủng lẳng gần chạm mặt nước; ghe xuồng bơi qua bơi lại phải lách đi để tránh. Người ngồi trên xưồng chỉ cần giơ tay là chạm trái xoài nhưng không ai hái của ai; trừ khi gặp trái chín bói thì có thể hái xuống ăn giùm chủ vườn, để chim ăn cũng uổng.


Các lái xoài canh lúc xoài vừa già rọi thì mướn người tới hái. Hái sớm quá xoài giú sẽ bị chua; hái trễ quá sẽ hao hớt vì xoài rụng, bị dơi, chim ăn. Người hái xoài luôn luôn chuẩn bị một bịch tro đeo trên cổ, phải trèo thật nhanh lên cây, chọn một cháng hai, cháng ba nào đó để đứng cho vững rồi bắt đầu xát tro. Cần phải xát mọi nhánh chung quanh chỗ đứng, dưới chân, trên đầu để kiến vàng khỏi kéo tới làm thịt. Kiến vàng hay làm ổ trên cây xoài, thân to, bò rất nhanh, vừa cắn vừa cong đít đái vào chỗ cắn nên vết thương vừa đau vừa rát. Khi người trên cây đã an vị, người dưới đất đưa lên cái lồng có máng theo cái cần xé nhỏ buộc đầu một sợi dây luộc dài chấm đất . Người hái kiếm chỗ thuận tiện treo cái cần xé rồi bắt đầu đưa lồng hái. Gặp chùm xoài quá sai, không lọt hết vô lồng, trái bên ngoài dễ bị rụng khi hái. Những trái chín cây đã bở cuống nên nhiều khi mới đụng lồng tới đã rụng.

Trái rụng là phần của bọn con nít đang đứng hôi dưới gốc. Đôi khi lâu quá không có trái nào rụng, bọn con nít buồn hiu, người hái cố ý làm rụng vài trái cho đám con hôi vui vẻ. Khi cần xé đã đầy, người hái cho xuống giỏ. Người bên dưới chất xoài qua cần xé lớn rồi chuyển xuống ghe và sau đó được bán cho các vựa trái cây ở tỉnh. Cây xoài hái xong thường là còn sót vài trái, bọn con nít tha hồ dùng nạng giàn thung để bắn hoặc lấy đất chọi cho rụng xuống.

Xoài ''già rọi'' để tự nhiên cũng chín nhưng màu không được đẹp. Người bán thường dùng khí đá để giú. Xoài giú khí đá vẫn ngon ngọt nếu chỉ để khí đá cho đến khi xoài "trở mình" thì lấy khí đá ra, để xoài chín tự nhiên sau đó. Ở nhà quê, người ta giú xoài trong những lu, khạp bên dưới có lót lá chuối khô và đậy nắp lại. Mỗi ngày, xoài chín được lấy ra để ăn dần. Bọn con nít hay lấy riêng vài trái, dúi vô khạp gạo hay bồ lúa. Lúc xoài chín rộ, nhiều khi buổi sáng mỗi người phải ăn điểm tâm năm bảy trái xoài. Xoài ăn nhiều quá dễ bị "nóng", mắt đổ ghèn, cổ khan. Người lớn khi ăn xoài dùng dao để gọt và cắt, còn bọn con nít thường thích lột vỏ rồi cạp. Mùa xoài, nhiều đứa bị mủ xoài "ăn" đến lở mép.


Hơn hai mươi năm sau, tôi không còn là một đứa bé mỗi buổi sáng tung tăng chạy đi lượm xoài. Nhưng tôi vẫn còn được nhìn thấy cây xoài. Chỗ tôi làm việc là một tòa nhà nằm trên đường Tự-do, gần nhà thờ đức Bà ở Sài Gòn. Qua khung cửa sổ từ lầu ba, tôi có thể nhìn ra một khoảng trời xanh và nhìn được bóng nắng lao xao trên những vòm cây. Một hôm tôi chợt thấy trong vòm cây có hình ảnh gì như quen thuộc lắm. Nhìn kỹ thì ra là một cây xoài. Thật khó mà tưởng tượng ngay giữa trung tâm Sài Gòn, có thể mọc một cây xoài. Nhưng đây chỉ là một loại xoài hoang, còn gọi là cây quéo, thân rất cao và lá ngắn hơn xoài thường. Rồi một ngày cuối năm, trời Sài Gòn gây gây lạnh, cây xoài hoang cũng nở cho tôi một vài bông. Mỗi lần gió thoảng qua khung cửa sổ mở rộng, tôi như nghe lại được hương thơm của những buổi sáng trong vườn.

Ở Sài Gòn, tôi cũng có được một chút dấu tích quê nhà Mỹ Tho của tôi. đó là cây mận hồng đào có kèm theo ổ kiến vàng mà tôi kỳ cạch mang từ dưới quê lên. Và có cả cây xoài cát nữa. Cây xoài này được chiết nhánh từ cây xoài tiên tổ mà ba tôi đã trồng cho tôi năm nào.

Những buổi sáng mùa xoài chín, khi tiếng chuông nhà thờ Chí Hòa đổ vang vang gọi người đi lễ sớm, tôi thường thức dậy đứng trong cửa sổ nhìn ra khoảng sân tráng xi măng trải dài dưới bóng xoài. đôi khi, một trái xoài chín rụng hồi đêm nằm trơ ở đó. Bây giờ, không còn ai để buổi sáng cùng tôi tranh nhau thức sớm chạy đi lượm xoài. Cũng không còn ai để kéo thấp nhánh xoài xuống cho tôi tự tay hái lấy trái chín đầu mùa. Tôi đứng nhìn trái xoài nằm bơ vơ trên khoảng sân lạnh lẽo, trong mắt tôi như có sương mờ. 

Khánh Hà

1 nhận xét:

  1. Hay quá, cả một bầu trời tuổi thơ hạnh phúc. Tôi cũng từng có tuổi thơ với nhà chòi, trèo cây hái hái...như tác giả nhưng không phong phú cây trái như ở quê anh/ chị. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ven Sài Gòn. Cảm ơn bài viết đã cho tôi cảm nhận được thật hạnh phúc với kỷ niệm tuổi thơ mà ai dù có đi xa cũng có để nghĩ và nhớ về quê hương, cha mẹ, người thân và bạn bè. Thân!

    Trả lờiXóa