Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Các Giải Văn Chương Ở Miền Nam Trước 1945

      Trong các thập niên của đầu thế kỷ 20, một số các tư nhân và các Hội học ở miền Nam Việt-nam đã có sáng kiến tổ chức các giải thưởng sau: 

1 - Giải Ngô Tâm Thông 
      Năm 1924, ông Ngô Tâm Thông, một điền chủ ở làng Tân-giai, tổng Bình-an, tỉnh Vĩnh-long, đề xướng cuộc thi thơ văn quốc âm qua sự tổ chức của quan đốc phủ sứ tỉnh Bà-rịa Lê Quang Liêm, tức Bảy. Hội đồng giám khảo gồm các quan lại của Nam-kỳ.

Qua giải thưởng này, ông Ngô Tam Thông muốn khích lệ các nhà thơ văn trong cả 3 kỳ. Điều lệ, giải thưởng bằng tiền, hạn nộp của giải này được công bố trên tạp chí Nam Phong, số 87, tháng IX 1924 như sau:
Hạng nhất: 300 đồng- Hạng nhì: 200 đồng- Hạng ba: 100 đồng

Hình thức dự thi là một bộ tiểu thuyết bằng văn xuôi hoặc bằng văn vần theo 3 thể:
a - Tiểu thuyết về sự tích nước nhà 
b - Tiểu thuyết về truyện phiêu lưu 
c - Tiểu thuyết về thế tục.

      Nếu làm bằng văn xuôi, quyển viết phải có ít nhất 300 trang giấy học trò. Nếu bằng văn vần, quyển viết phải có ít nhất 200 trang. Hạn nộp bài là 01/06/1925. Ngày chấm xong sẽ là 10/11/1925 và tháng 12/1925 giải thưởng sẽ được phát.

      Cuộc thi này có lẽ không có người dự vì sau đó không một báo chí nào nhắc đến nó, ngay cả tờ Nam Phong, nhưng nó đánh dấu sự suy tàn của nền Hán học và bước đầu trong việc chú trọng đến việc phát triển nền văn học chữ quốc ngữ. 

2. Giải Phụ-Nữ Tân-Văn
      Tuần báo « Phụ-Nữ Tân-Văn » xuất bản ở Nam-kỳ (1) tổ chức cuộc thi với đề tài dưới hình thức một câu hỏi « Nàng Thúy Kiều nên khen hay nên chê ? ». Bài dự thi không dài quá 20 trang giấy lớn. Giám khảo sẽ là độc giả của tờ tuần báo. Những bài trả lời sẽ lần lượt đăng báo. Nếu bài nào được phần nhiều độc giả chấm thì sẽ chiếm giải thưởng.
- Giải nhất: một cái máy hát lớn hiệu Pathé, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.
- Giải nhì: một cái áo mưa Ăng-lê hiệu The Dragon, và một năm báo Phụ Nữ Tân Văn.

      Có 18 bài được tuyển lên báo. Tuy nhiên theo Phụ Nữ Tân Văn số 19 (05/9/1929), kết quả cuộc thi không được mỹ mãn vì số người chấm thi ít hơn số người dự thi. Trong các bài dự thi, không có bài nào có số thăm thật cao. Do đó giải không được phát. 

3. Giải Khuyến Học Nam Kỳ
      Hội Khuyến học Nam kỳ (Société d’Enseignement mutuel de la Cochinchine) được thành lập năm 1907. Hoạt động của Hội không gây được nhiều tiếng vang trong giới trí thức. Nhưng từ năm 1941, dưới sự điều khiển của Hội trưởng Đoàn Quang Tấn, ban Trị sự của Hội quy tụ những nhân vật nổi tiếng như Cung Giũ Nguyên (viết tiểu thuyết Việt và Pháp), họa sĩ kiêm văn sĩ Nguyễn Phi Hoanh, nhà văn Chim Hải Yến, học giả Nguyễn Xuân Quang, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ v.v. Họ tích cực hoạt động về văn học khiến Hội có uy tín từ Nam, rồi lần ra Trung và ra Bắc. Do đó giải Văn chương của Hội được giới trí thức thời đó trên toàn quốc chú ý đến.

      Giải Văn chương năm 1941 của Hội dành cho một tác phẩm xuất bản từ 01-01-1941. Tác giả quyển sách được trúng giải sẽ không phải là một nhà văn thuộc nhóm « Tự Lực Văn Đoàn » (vì họ đã nổi tiếng rồi) mà cũng không phải là một nhà văn đã được giải văn chương nào rồi.
      Cuốn tiểu thuyết « Chồng con » của Trần Tiêu (2) đoạt giải thưởng Văn chương của hội Khuyến-học Nam kỳ năm 1941 với số tiền là 250 đồng.

      Năm 1942, Hội đồng Giám khảo tặng giải cho 3 tác phẩm:
- « Tôn Thọ Tường » của Khuông Việt Lý Vĩnh Khôn
- « Triết học Bergson » của Lê Chí Thiệp
- « Sông Bạch Đằng », nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
      Năm 1943, giải được trao cho Hoàng Xuân Hãn (ở Bắc) với cuốn « Danh từ khoa-học » và Lê Văn Ngôn (ở Nam) với cuốn « Bịnh ho lao ». Đây là hai cuốn biên khảo rất công phu.
       Năm 1944, giải thưởng được trao cho Phan Văn Hùm với cuốn « Vương Dương Minh »

      Từ năm 1945, không khí chính trị bùng nổ và sau đó hội Khuyến-học, tuy có hoạt động trở lại nhưng không còn đầy đủ phương tiện để hoạt động như trước nữa. 

4. Giải Đồ Chiểu
      Năm 1943, nhân dịp lễ truy điệu nhà thơ ái quốc Nguyễn Đình Chiểu, dược sư Trần Kim Quan (3) đặt ra giải văn chương hàng năm với tên là « Giải Đồ Chiểu ». Tiền giải thưởng là 500 đồng. Hội Khuyến-học Nam-kỳ được giao quyền khảo sát và ra đầu đề.
Đề thi: « Khảo cứu và luận về Đồ Chiểu với Lục Vân Tiên »
Hạn nộp bản thảo: trước ngày 01-02-1944 (sau ngày ra thông báo (22-7-1943) là 6 tháng 9 ngày)
Hạn trang: ít nhất 100 trang, nhiều nhất 300 trang 
Giải chỉ dành riêng cho người Việt sinh trưởng ở Nam-kỳ và sẽ được phát vào ngày giỗ Đồ Chiểu.

      Ban Giám khảo chỉ nhận được 2 tác phẩm dự thi của 2 nhà giáo là ông Lục Y Lang (ở Gia-định) và ông Từ Quang (tức Lư Khê ở Sài Gòn). Vì số người tham dự quá ít, ban Giám khảo quyết định không phát giải thưởng và họ (với sự có mặt của ông Trần Kim Quan) thảo luận là truất phân nửa tiền giải thưởng để tặng khuyến khích hai người dự thi : ông Lục Y Lang được 150 đồng, ông Từ Quang được 100 đồng.

      Năm 1944, đề thi giải Đồ Chiểu là cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa vịnh theo hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong « Lục Vân Tiên » là :
« Trai thời trung hiếu làm đầu»
« Gái thời tiết hạnh là câu trau mình »
      Kỳ này cũng chỉ có hai người dự giải. Không có ai đoạt giải mà cũng chẳng có ai được giải khuyến khích.

      Năm 1945, đề thi là  «Một gương nghĩa sĩ ». Không có một ai dự thí mặc dù tiền giải lên đến 1.250 đồng, giải lớn nhất thời tiền chiến, có lẽ là do tình hình xã hội với cuộc giải phóng đất nước (1945).

5. Giải « Thủ Khoa Nghĩa » Của Hội Khuyến Học - Cần Thơ

      Mới đầu Hội chỉ là một hội học. Từ khi bác sĩ Lê Văn Ngôn (4) làm hội trưởng, số hội viên từ 20 tăng đến 123. Hội quy tụ được một số tài năng như Tố Phang (5), Trực Thần (6), Tây Đô Cát Sĩ (7), Lê Đằng Côn, họa sĩ Nguyễn Văn Mười v.v. Năm 1943, Hội cho ra tập Kỷ yếu với tên gọi « Xuân Tây đô », nhân dịp Tết Giáp Thân. Cũng cùng năm này, Hội đặt ra giải thưởng « Thủ Khoa Nghĩa ». Giải sẽ phát vào năm 1944. Mục đích của Giải là khuyến khích các tài năng mới và góp phần vào việc phát triển nền văn nghệ miền Nam trong thời kỳ còn phôi thai. Hội chỉ chấm các tác phẩm nào chưa in của các nhà văn miền Nam. Kết quả Hội nhận được 1 tập vận văn, 2 quyển tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 1 quyển ký sự, 3 quyển nghị luận và 2 quyển khảo cứu. Hai cuốn tiểu thuyết được giải là:
-  « Đồng quê » (giải nhất) của Phi Vân. Tác phẩm được in lại bốn lần và được dịch ra Hoa văn với tựa đề  «Nguyên dã ».
- « Truyện năm người thanh niên » (giải nhì) của Nguyễn Ngọc Tân. Sau này tác giả có sửa chữa lại tác phẩm, lấy bút hiệu là Phạm Thái và giao lại cho nhà Tự Quyết xuất bản năm 1955.
Giải « Thủ Khoa Nghĩa » chỉ ra được một lần. Vì tình hình thời cuộc nên Hội tạm ngưng việc tổ chức giải. 

6. Giải Nam Xuyên

      Năm 1944, ông Lê Tràng Kiều, chủ nhà xuất bản Nam Xuyên ở Sài Gòn, tổ chức giải văn chương hàng năm dưới sự bảo trợ về tài chính của nhà kinh doanh Võ Tuấn Khanh.
      Mục đích của giải Nam Xuyên là khuyến khích các nhà văn toàn quốc và giúp các nhà văn trúng giải xuất bản tác phẩm của họ (tác giả giữ bản quyền).

       Kết quả của giải được công bố vào tháng 8 năm 1944 như sau:
a. Giải nhất (500 đồng): « Mùa hoa mới » của Minh Dân, một giáo học ở Vụ-bản, Nam-định.
b. Giải nhì (350 đồng): « Cây đàn Chiêu Quân » của Th. Q. Hoàng Đức Tấn ở Hà-nội.
c. Giải ba (200 đồng): chia làm hai cho:
* « Cơn ác mộng » của Nguyễn Văn Xuân (8) ở Sài Gòn
* « Thạch sương bồ » của Nam Phố (9) ở Sài Gòn
d. Giải tư (50 đồng), có bốn giải cho:
* « Tuổi trẻ » của Pucho Nguyễn Hữu Phước ở Thủ-Dầu-Một
* « Bịnh học » của Dương Tử Giang ở Hà-tiên
* « Gánh giang san » của Mễ Nhân (10) ở Hà-nội
* « Bộ bài nhân sự » của Vũ Duy Hanh ở Sài Gòn
Cũng như các giải khác, giải Nam Xuyên chỉ phát được một lần. Tình hình chiến tranh làm cho việc tổ chức giải phải ngưng lại. 

Các giải văn chương trên, mặc dù không sống lâu, cho phép ta rút ra một số nhận xét sau:
- Làm sống lại các nhân vật lịch sử của miền Nam qua giải Đồ Chiểu và giải Thủ Khoa Nghĩa và từ đó nung nấu tinh thần ái quốc của dân chúng.
- Khuyến khích các tài năng mới ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung tham gia vào việc xây dựng và phát triển nền văn học chữ quốc ngữ.
- Làm nổi bật nét độc đáo của văn nghệ miền Nam trong thời kỳ phôi thai.
- Đề cao tâm huyết của các văn gia, học giả, thi sĩ, giáo giới v.v. đối với nền quốc học.
- Cập nhật hóa các giá trị truyền thống đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kiến thức và các giá trị mới được du nhập từ các nền văn hóa và văn minh khác. 

Kim  Lam (Lược Biên)
(Paris)
Lời Giới Thiệu: Kim Lam tên thật là Phạm Thị Kim Dung, phiên dịch viên hữu thệ toà thượng thẩm Paris, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Việt học (Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương), Téléphone: 01 45 82 25 87 – E-mail: lamykim@wanadoo.fr 

Các tài liệu tham khảo:
A. Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương trên đất Việt thời tiền chiến », revue Bách Khoa N° 137 (15/9/1962), 139 (15/10/1962) và 140 (01/11/1962)
B- Nguyễn Ngu Í, « Các giải văn chương ở miền Nam nước Việt », revue Bách Khoa N° 152 (01/5/1963)
Chú Thích:
(1) Phụ-Nữ Tân-Văn số 1 được xuất bản ngày 02/5/1929
(2) Trần Tiêu là em ruột Khái Hưng, không phải là người của « Tự Lực Văn Đoàn » nhưng là người của nhóm Phong Hóa Ngày Nay. Cuốn « Chồng con » do Đời Nay xuất bản năm 1941.
(3) Ông Trần Kim Quan : Nhà trí thức đã góp phần đắc lực vào các cuộc truyền bá quốc ngữ, truyền bá vệ sinh và tân y-học, vào các đêm hát lịch sủ của sinh viên, vào trại Thanh niên ở suối Lồ Ô v .v. (1943-1944)
(4) Em nhà văn Thọ Xuân Lê Văn Phúc
(5) Sau này lấy bút hiệu là Thuần Phong
(6) Thời hậu chiến có bút hiệu là Tam Đức
(7) Tên hiệu của giáo sư Nguyễn Văn Kiết
(8) Nhà văn miền Bắc với tên hiệu Thiết Can, tác giả cuốn « Dã tràng »
(9) Nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả « Lỡ bước sang ngang »
(10) Tức ông Dương Tụ Quán

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét