Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Ơn Má

    
   
      - Má! Sao hồi đó má cắt tóc con trai cho con vậy má?
      - Tại con muốn.   
      - Lúc đó con được bao nhiêu tuổi vậy má?
      - Con được ba tuổi?
      - Ba tuổi! Chỉ ba tuổi, sao con muốn mà má cho?
     - Con không biết đâu! Vì tính con cương nghị, nói một là một hai là hai. Con biết hôn, lúc con học lớp Năm, dượng Bảy bảo má cho con nghỉ học, giúp má lo công việc nhà. Nhưng má không chịu, đời của má, má không được học nhiều, còn tụi con, muốn học đến đâu má cho học đến đó.
      - Sao dượng Bảy lại chọn con, bắt con nghỉ học hả má?
      - Vì anh chị con đã đi học xa hết rồi. Với lại, con là đứa chịu cực, chịu khổ.

       Đó là cuộc đàm thoại ngắn ngủi của hai má con, trong những ngày cuối đời của bà. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe qua về cá tính của mình lúc còn nhỏ và sự quyết định cao cả của má. Nhờ quyết định sáng suốt đó, tôi có được như ngày hôm nay.

      Hai má con chỉ nói được chừng ấy, bà trở mệt, thở gấp, hổn hển, yếu dần rồi im lặng. Trong im lặng xót xa đó, tôi thấy bà đưa mắt nhìn lên bức ảnh má chụp chung với ba lúc sinh thời. Rồi má hướng về cây thánh giá gỗ đặt cạnh khung ảnh, được ông anh rễ mang từ Gia Nã Đại sang. Lặng người đi một lúc, lòng tôi chùng xuống như thể vượt quá sức chịu đựng. Một cảm xúc bật trào dâng, thôi thúc, tôi đưa tay nắm lấy bàn tay gầy xương của má và vuốt nhẹ lên lưng bàn tay. Cử chỉ ve vuốt, cứ thế được lặp đi lặp lại. Vẫn giữ chặt bàn tay xanh xao, lạnh giá của má... “ Con cám ơn, vì má không nghe lời dượng Bảy. Má mà cho con nghỉ học, giờ này con dốt, chắc con tức chết.”
      Những ngày liên tiếp, bao câu chuyện xa xưa, hằng đêm được tôi gợi lại. Về phần má, được nhắc nhớ, nên say sưa kể và hình như bà quên cơn đau. Cảm giác được nằm cạnh má thủ thỉ, đưa tôi trở về thời bé dại. Hạnh phúc dù muộn màng, đau thương, nhưng đã đưa hai má con êm ả đi vào giấc ngủ.

      Một người ngoại đạo như má, bà giữ việc thờ cúng tổ tiên làm trọng. Vậy mà, má bảo tôi thưa với Cha cho câu kinh để má học. Cha biết thời gian còn lại của má không bao lâu, chỉ một tuần nữa thôi, nên Cha chọn lời kinh thật ngắn. Đồng thời chuẩn bị tâm lý cho má, hàng đêm tôi cùng má nghe đài phát thanh Việt Ngữ SBS lúc 7 giờ. Đến 8 giờ, má lắng nghe lời giảng về lý vô thường trong cuồn băng được thu lại. Mười lăm phút sau, má bắt đầu học kinh… “ Lạy Chúa con xin ký thác…”. “Má có tiền không mà ký thác?” Mỗi lần má đọc sai như thế, tôi thường trêu ghẹo cho má vui. Má vui thật! Tiếng cười trong như trẻ thơ của má vang lên. Tôi cười theo, không quên dặn dò “ má cố gắng thuộc để đọc cho Cha nghe nhe má.” Như bỏng phải nước sôi “ ý…ý Cha đến con đừng nhắc nghe, chừng nào má thuộc kinh, má sẽ đọc cho Cha nghe. Không biết Cha có biết thầy giáo Phụng không? Hồi đó má đi học, đứa nào không thuộc bài bị thầy đánh dữ lắm.” Kể từ đó, sau mỗi lần đọc xong câu kinh má tôi ngủ trong bình yên mà không dùng đến thuốc an thần như trước đây.

      Hồi tưởng như đang trở về, nét mơ màng được hiện rõ trên khuôn mặt má. Bà đang sợ Cha!? Thật ra, Cha chỉ vào tuổi con trai út của bà thì cách chi Cha biết đến thầy giáo Phụng. Ba hôm sau bà đã thuộc lào “Lạy Chúa con xin phó thác hồn xác trong tay Ngài”. Chỉ mỗi việc thuộc bài thôi mà mắt môi bà trở nên rạng rỡ. Bà xin thêm lời kinh thứ hai để học tiếp. Nhưng rất tiếc, má chỉ thuộc một nửa và muôn đời không còn cơ hội để học tiếp một nửa còn lại. Tuy nhiên, bà ra đi chậm hơn một tuần, không như lời dự liệu của bác sĩ.

        Trong những ngày cuối đời của má, hằng đêm sau lời kinh má đọc, tôi thường hay ve vuốt bàn tay bà. Bởi vì, lần đầu tôi cảm nhận được, khi tôi xoa xoa bàn tay gầy guộc. Những lúc ấy, má im lặng, nhưng hình như có một sợi dây thiêng liêng nồng nàn yêu thương nào đó, kết chặt qua sự tiếp xúc của “tay trong tay”. Điều đó muôn đời, tôi khó mô tả hết cảm xúc. Thật ra, sự ve vuốt này, tôi lấy từ bài học Hướng Dẫn Con Vào Đời, về phương cách dạy con đã học được và đem áp dụng với bà. Qua bài học yêu thương trẻ con..."Thương con không phải chỉ bằng lời nói mà còn cần cử chỉ âu yếm vuốt ve..."
      "Tay má đẹp quá hà…vừa thon lại vừa mềm. Còn tay con, ngón cứng ngắt.” Má mỉm cười, “Tại con cực quá!" nhưng " Má còn cực hơn con nữa, mà tay má mềm xèo”, giọng nói nũng nịu của tôi và má hòa đồng nên đáp lại bằng tiếng cười khúc khích trẻ thơ.

        Đến khuya, má lên cơn đau dữ dội, bà hết ngồi lên rồi lại nằm xuống, trăn trở. Tôi ứa lệ, câm lặng và cùng đồng hành với những động tác của má. Má đau thân xác, còn tôi, một tâm hồn tan nát, không gánh giùm được nỗi đau cho má. Trong cơn đau đớn thế kia, má vẫn không quên lo lắng cho con gái mình “Con thức như vầy rồi làm sao sáng mai đi làm cho nổi!”
       Bà lại ngồi bật dậy và thều thào “ôm má đi con”. Tôi ôm má với đôi mắt ứa lệ, vòng tay tôi siết nhẹ, từ từ chặt hơn. “ Má có sợ chết không má?”. Bằng một giọng cố gắng bình thản, nhẹ như hơi sương, tôi hỏi má. Thật ra hơn tuần nay, tôi biết rõ, ngày này sẽ không tránh khỏi, nên tôi đã cùng bà thực tập an lạc hầu giúp má thanh thản trong lúc ra đi. Với giọng bình thản " Má không sợ chết. Má chỉ sợ không ai lo cho con Ngân”. Ngân là đứa cháu nội đi du học, đang ở chung với bà.

         Trong im lặng, tôi đứng yên và ôm má, siết nhẹ thật lâu. Được một lúc, má lại thều thào “ Má hơi mệt, cho má nằm xuống đi con và con cũng ngủ đi để ngày mai còn đi làm.”
         Đến 6 giờ sáng, em tôi đến thay tphiên để tôi đi làm. Nội nhật hôm đó, má được đưa vào bệnh viện trở lại khi cơn đau dữ dội hơn.
      Đến chiều về, tôi vào thăm má, thoáng chút ngạc nhiên khi anh chị em tôi yên lặng quá. Bước vào phòng bệnh, tôi nghiêng mình hỏi “ Má biết ai đây không má?” Giọng của bà thật yếu “Con Phượng chớ ai”. Tôi nhoẻn miệng cười và vờ vô tư trò chuyện, nhưng má im lặng. Tôi nghĩ có lẽ má cần nghỉ ngơi. Bỗng chốc, tôi thấy mắt má nhướng lên, rồi chìm sâu, khép nhẹ. Một phản ứng tự nhiên, tôi gọi với ra ngoài “vào nhanh…nhanh lên”.
       Các con má đang đứng đó, má đã thanh thản ra đi đúng 8giờ 30 tối ngày 23 tháng 9 năm 2002. Và “con Phượng chớ ai” là lời nói cuối cùng của má.

      Tám năm trôi qua, mỗi lần đến Ngày Nhớ Ơn Mẹ, như một thói quen cố hữu, tôi lại nhìn xuống đôi bàn tay mình, rồi hướng tầm mắt xa xăm, như tìm kiếm trong cõi mênh mông kia một bóng hình…muôn đời có nhau. Má qua đời, tôi còn rất nhiều điều để nuối tiếc. Nhưng tôi không hối hận hay đau lòng, ngược lại rất hài lòng về cách ứng dụng bài học hướng dẫn con mà tôi đã học từ một vị Linh Mục và đem áp dụng với má. Yêu thương không phải chỉ bằng lời... Thương má không phải là một bổn phận, ngọt ngào tình thương cho và nhận bằng cử chỉ âu yếm vuốt ve. Tôi đã ve vuốt được đôi bàn tay má khi bà còn sống, còn biết, còn nghe được…

     “ Tay của má đẹp quá hà…!”

Kim Phượng
 9/5/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét