Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Chinh Phụ Ca - Đặng Trần Côn Và Đoàn Thị Điểm

      Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ , tôi soạn bài Chinh Phụ Ca này trước hết là để bày tỏ tấc lòng ngưỡng mộ và biết ơn các bậc tiền bối và sau nữa là để góp vui cùng với Cựu Giáo Chức và Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm.


CHINH  PHỤ CA
Đặng Trần Côn  (1715-1750)  &  Đoàn Thị Điểm (1705-1746)

Ba Đoản Khúc Trích Trong Chinh Phụ Ngâm: 

Đoản Khúc 1 : Thiếp Ý Quân Tâm Thùy Đoản Trường

Nguyên Tác Hán Việt 
Đặng Trần Côn

Lang khứ trình hề mông vũ ngoại
Thiếp qui xứ hề tạc dạ phòng
Qui khứ lưỡng hồi cố
Vân thanh dữ sơn thương

Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên cách Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang

Tương cố bất thương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang mạch thượng tang
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường

Diễn Nôm 
Đoàn Thị Điểm 

Chàng thì đi cõi xa mưa gió 
Thiếp lại về buồng cũ chiếu chăn 
Đoái trông thôi đã cách ngăn 
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp dõi trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng

Cùng trông lại mà cùng chắng thấy 
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
Lòng Chàng Ý Thiếp Ai Sầu Hơn Ai 
PKT  05/01/2014

Chàng ra ngoài biên ải,
Thiếp trở gót phòng the.
Mây xanh đưa chàng đến ,
Núi thẳm tiễn thiếp về.

Hàm Dương người ngoảnh lại ,
Tiêu Tương ai dõi chờ.
Cây Hàm Dương thăm thẳm ,
Khói Tiêu Tương mịt mờ.

Dõi tìm nhau không thấy ,
Chỉ thấy dâu ngàn xanh .
Dâu ngàn xanh lớp lớp ,
Nỡ xa nhau sao đành.

Phụ Chú: 
Hàm Dương là kinh đô nhà Tần xưa, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Tiêu Tương là tên 2 con sông Tiêu và Tương hợp lại ỏ vùng Hồ Nam. Núi mây trùng trùng, cây Hàm Dương, khói Tiêu Tương là cả một khoảng trời ngăn  cách. Dõi nhìn theo nào thấy bóng hình, ngoài ngàn dâu lớp lớp, xanh ngắt một màu xanh. Dâu ngàn xanh,lòng chàng ý thiếp,  ai buồn hơn ai đây?
 
Đoản Khúc 2 : Vấn Quân Hà Nhật Qui

Nguyên Tác Hán Việt:
Đặng Trần Côn

Ức tích dữ quân tương biệt thì 
Liễu điều do vị chuyển hoàng ly
Vấn quân hà nhật qui
Quân ước đỗ quyên đề
Đỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão
Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi

Ức tích dữ quân tương biệt trung
Tuyết mai do vị thức đông phong
Vấn quân hà nhật qui 
Quân chỉ đào hoa hồng
Đào hoa dĩ trục đông phong khứ
Lão mai giang thượng hựu phù dung

* * *
Diễn Nôm; 
Đoàn Thị Điểm

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo

Thưở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông
Nay đào đã quyện gió đông
Phù dung lại nở bên sông bơ sờ
Hỏi Chàng Ngày Nào Về 
PKT 05/01/2014

Nhớ xưa vào lúc chia tay nhau ,
Oanh vàng chưa hót trên cành liễu.
Hỏi chàng ngày nào về 
Chàng hẹn mùa quyên sau.
Nay đã sang mùa ,oanh đã già 
Liễu xanh trước lầu , bầy én ríu rít líu lo.

Nhớ xưa vào ngày chia tay nhau 
Mai trắng đầy trời đâu đợi xuân.
Hỏi chàng ngày nào về 
Chàng ước mùa đào sau.
Nay xuân đã qua, đào đã nở
Trên sông,mai rụng, phù dung sớm nở tối tàn.

Phụ Chú:
(1) Hoàng ly hay hoàng oanh là con chim oanh vàng hót vào mùa xuân. Đỗ quyên là chim quyên , chim quốc kêu vào mùa hạ. Ý nhi là chim én bay trong mùa xuân. Lúc ra đi vào mùa đông, hỏi chàng ngày về , chàng hẹn mùa hạ sau. Nay hạ đã về mà người vẫn chưa thấy.
(2) Tuyết mai là hoa mai nở vào mùa đông. Đông phong là gió mùa xuân. Hoa đào nở vào mùa xuân.  Hỏi chàng ngày về, chàng hẹn sẽ về để cùng ngắm hoa đào nở. Nay đào đã nở , cùng lúc mai tàn , phù dung nở ven sông , chàng có biết hay không?

Đoản Khúc 3 : Trữ Lập Không Thế Khấp

Nguyên Tác Hán Việt:
Đặng Trần Côn

Dữ ngã ước hà sở
Nãi ước Lũng Tây sầm
Nhật trung hề bất lai
Trụy diệp đâu ngã trâm
Trữ lập không thế khấp
Hoang thôn huyên ngọ cầm

Dữ quân ước hà sở
Nãi ước Hán Dương kiều
Nhật vãn hề bất lai
Cốc phong xuy ngã bào
Trữ lập không thế khấp
Hàn giang khởi mộ trào  

* * *
Diễn Nôm:
Đoàn Thị Điểm

Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy
Sớm đã trông nào thấy hơi tăm
Ngập ngừng lá rụng cành trâm
Đứng trông nghe dậy tiếng cầm xôn xao

Hẹn nơi nao Hán Dương cầu nọ
Chiều lại tìm nào có tiêu hao
Ngập ngừng gió thổi chéo bào
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông
Đứng Đợi Âm Thầm Khóc
PKT 05/01/2014

Cùng thiếp đã ước hẹn,
Gặp nhau đồi Lũng Tây.
Nửa ngày chờ không thấy 
Lá rụng vướng trâm cài.
Đứng đợi âm thầm khóc 
Xóm vắng chim gọi ai.

Cùng chàng đã ước hẹn
Gặp nhau cầu Hán Dương.
Hết ngày người không lại 
Gió tung vạt áo bay.
Đứng đợi âm thầm khóc 
Triều ngập lạnh sông dài.

Phụ Chú:
(1) Lũng Tây là tên lũng thuộc tỉnh Thiểm Tây. Trần Đào ,đời Đường, không rõ năm sinh năm mất, có làm bài Lũng Tây Hành, một bài thơ biên tái nổi tiếng: "Thệ tảo Hung Nô bất cố thân / Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần / Khả liên Vô Định hà biên cốt / Do thị xuân khuê mộng lý nhân ".Tạm dịch:" Thề diệt sạch Hung Nô chẳng tiếc thân / Năm nghìn tướng sĩ đã vùi thân nơi đất Hồ / Thương cho đống xương cốt bên bờ sông Vô Định / Trong khi người ở phòng khuê ngày đêm vẫn còn nuôi mộng người về ". Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng có câu "Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu ".
(2) Cầu Hán Dương ,trên sông Trường Giang , thuộc huyện Hán Dương , tỉnh Hồ Bắc. Thôi Hiệu (?- 756), đời Đường, trong danh tác Hoàng Hạc Lâu có câu: "Tình Xuyên lịch lịch Hán Dương thụ / Phương thảo thê thê Anh Vũ châu ". 
Tạm dịch :
"Cây bến Hán Dương soi bóng lung linh trên dòng sông quang tạnh / Cỏ thơm trên cồn Anh Vũ xanh tươi rậm rạp ngút ngàn ". Từ Lũng Tây đến Hán Dương, ước hẹn rồi ước hẹn, không gặp được nhau, đứng khóc lặng lẽ một mình.

Phạm Khắc Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét