Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Trên Đường

( Gợi nhớ theo bài thơ Tiếng Rao Đêm của tác giả Mai Lộc, và để tưởng nhớ lại thời gian mà Bà nội tôi còn khỏe mạnh, thương yêu tôi hết mực, nay bà đã ở đâu …)
(Ông Ngoại và bé Mãn Lộ - Ảnh Trương Văn Phú)

     Cứ mỗi khi ngồi trước thềm nhà, tôi có hơi ngại, bởi chỉ ngồi chút xíu thôi là con gái tôi thủng tha thủng thỉnh đến, rồi cháu ngoại hơn ba tháng tuổi cũng lon ton xà vào lòng mẹ của nó. Y như rằng, xịa bánh bò, bánh da lợn vừa qua cổng đã được mẹ nó móm cho cháu.
 - Lộ ăn không con?
      Đứa cháu gật gật, là có gói bánh lá chuối đến tay. Gánh bánh mặn, xe tàu hủ nóng cũng chung “ số phận”, các món sẽ vào bàn tay bé bé xinh xinh của cháu tôi. Tất cả đều gợi nhớ lại thời thơ ấu của tôi cũng trên con đường này. Năm thế hệ dần qua, con đường Nguyễn chí Thanh ngày nay mà xưa kia là đường Lê minh Thiệp, tên vị giáo, vị đốc học ngày xa xôi khi trước, có lẽ khoảng thời gian trước nội tôi cũng nên.

( Đường Lê Minh Thiêp -VĩnhLong - Ảnh Trương Văn Phú)

      Thuở đâu tôi bốn năm tuổi, mà nay tôi gần bảy bó. Buổi sáng sớm trên đường, ông lão vào thời đó, tóc bạc đều đầu, chòm râu dưới càm cũng như vậy.Ông với bước chân trần vội vã, quần là loại quần sọt vàng cũ, dường như là của quân đội Pháp. Chiếc quần quá rộng với thân thể thấp nhỏ. Ông rảo đôi chân gân guốc, nhăn nheo ốm đen, đi mà như chạy, vừa rao lớn:
-   Ai ăn bánh mì ba gết nóng dòn mới ra lò hôn…
-   Bánh mì.

      Ông dừng chân, chiếc bao vải trắng ngả màu xám ố, loại bao chứa bột làm bánh. Chiếc bao nằm vắt ngang vai phải được hạ xuống nằm gọn gàng giữa bàn chân với năm ngón chân xòe vảnh lên, phía sau là gót chân làm điểm tựa trên đường đá lồi lõm. Ông mở miệng bao được xoắn chặt. Bên trong là một bao giấy dầu dầy. Mở tiếp bao giấy, ái ui hơi ấm cùng mùi thơm đặc biệt của bánh mì nóng, cộng thêm bàn tay bóp nhẹ của ông lão như ngầm giới thiệu đây là bánh mới ra lò, tiếng kêu răng rắc giòn khứu…Ôi cái bụng buổi sáng sớm, không khí man mác sương mai, tạo một cảm giác thèm ăn và nước miếng muốn tuôn ra….Chiếc bao lại được đưa gọn gàng lên vai, ông tiếp tục rảo bước về hướng bến đò và đi tiếp vào cầu dài. Nơi đây dân cư khá đông đúc với nghề cá, buôn bán nơi chợ bên kia sông. Có lẽ bao bánh sẽ trống và những người mua sau sẽ mua được cũng bánh nóng với nhiều bàn tay bóp lựa bánh dòn hơn…
            
(Ảnh sưu tầm)
      Khoảng bảy giờ sáng, cũng cùng hướng phía đông, tức cầu Thiềng Đức. Có một cô bới tóc, khoảng trên ba mươi, vừa người, da hơi trắng, mặt phúc hậu. Đặc biệt cô luôn mặc áo bà ba với tay áo dài, vải ta trắng. Với đôi gánh trên vai, gióng phía trước chứa bánh mì nóng, gióng phía sau gồm một lò than nhỏ, trên đó là chiếc quánh nhôm bốc khói thơm phức. Mùi xíu mại cùng vị chua thanh của cà chua của nước xốt.
     Tôi đâu tha gánh này, bởi tôi cũng là bạn hàng ruột, khách hàng thân thiết mà.
- Cô ơi, bán cho con năm cắc bánh mì xíu mại, nữa ổ bánh nhỏ, một cục xíu mại chan nước.
Đến khoảng chín giờ sáng thì phải, không biết trong bụng đã trống chưa, nhưng tiếng leng keng và ông bán cà rem ôm bình thủy đựng cà rem trước mặt với dây chằng quàng tréo sau lưng.
 - Cà rem,
Tôi như người có bổn phận phải đóng thuế tiếp, đến nỗi Bà cô Hai,
là người quản gia chuyên chăn tôi phải kêu lên với giọng giận mà chìu...
 - Ăn gì mà hỏng cho miệng kéo da non vầy nè!
      Bà nói vậy chứ cũng vạch túi áo bà ba, móc ra gói giấy dầu, hai ngón tay của bà thò vô lấy tiền là tôi có cục cà rem. Miệng tôi tóp tép đi từ trước ra sau nhà và tiếp tục từ sau ra trước cho đến khi còn cái cọng tre của que kem. Hết ăn đến lục phá, ôi bà theo giữ tôi thuở đó quả là mệt mỏi…

       Đến lúc tôi học trung học, bàn học của tôi cạnh cừa sổ trước nhà. Bàn này khi trước không biết là của ông nội hay là của ba tôi. Trước bàn, ở giữa là khuôn kiếng soi mặt, hai bên là hai ô vuông đóng nổi với hai ngăn kéo phía trong. Không biết ngày xưa để chứa những gì, nhưng nay đến tay tôi thì được tận dụng với đủ thứ linh tinh mà giờ cố nhớ lại cũng không biết tôi nhồi nhét hổ lốn vào đó thứ nào nữa.
       Cứ vào chín giờ tối, thỉnh thoảng, ông lão khoảng chừng năm mươi, thân hơi thấp song chắc khỏe, gân guốc, nước da đen bóng dưới ánh đèn vàng của ngoại ô. Ông gánh hai thùng cây cao khi đặt xuống kể như ngang tầm lưng người. Thùng trước chứa thịt bò thái mỏng đựng trong một cái tượng đá lớn, rồi đậu phọng rang đâm sương, giá sống, nước chấm rau cùng mọi gia vị bày cả phía trên mặt thùng. Còn ngăn kéo phía dưới không biết chứa những gì, có lẽ là tiền. Thùng sau là lò than đang rực lửa, treo chung quanh là quánh, chào nhỏ rồi xạn để xào, ống đủa muổng vv…Lâu quá rồi nhớ hổng nổi để kể lể cùng các bạn, để mà thương mà nhớ về quê mình.
- Ai ăn bún thịt bò xào hô ông.

      Tiếng rao kéo dài, đều đặn theo chiếc gánh trĩu nặng như chính cuộc đời của ông. Ông gánh dài từ cầu Thiềng Đức, thuở xưa còn gọi là Cầu Sắt, gánh xuống bến đò lớn rồi cũng sang Cầu Dài. Khi đến ngang nhà, tôi cảm thấy học bài không vô, nên tôi có sáng kiến là phải gọi một tô hối lộ cho cái bụng họa may cái đầu mới chịu học. Ôi ăn dữ quá, nên thành ngu mãi đến giờ cũng còn ngu, tôi mau chơn bước ra và…
 - Bún bò.
(Quán Ven Đường - Ảnh Trương Văn Phú)

       Khoảng tám chín giờ khuya trở lên, bên kia sông là chợ Vĩnh Long. Đường phố vắng dần vì ngày xưa rất hiếm có xe gắn máy, nếu có chỉ là mô bi lét, người dùng thường là công chức lớn tuổi nên không mấy khi ra đường vào đêm. Tiếng cắc cắc cụp của hủ tiếu mì gỏ bắt đầu vang lên, bên này sông nghe tiếng gỏ di chuyển dài từ đầu này dần đến đầu kia của thành phố về khuya. Chiếc xe mì đậu ở đâu đó trên đường bán cho cư dân khuya và tiếng gỏ thay lời rao của bé trai khoảng mười lăm, Cậu chạy trên chiếc xe đạp không vành, không thắng, được lái bằng hông và mông người chạy. Hai tay thì gỏ đều theo vòng bành xe rảo khắp thành phố. Khi mối gọi ăn khuya nhiều, cậu bưng cả hai tay, nào tô còn nóng hổi, nào muổng đủa, vẫn chạy mà không cần cấm ghi đông.

      Cuộc đời tôi cũng vẫn trôi mà tôi không lái được, tuổi đời như chạy xe mà tôi vẫn lạng quạng khộng đổ đúng nơi theo ý mình, lạng quạng, lang thang, bất định… và có lẽ là cuộc sống của tôi như lục bình vẫn nở hoa trên sóng nước dập dềnh….

Trương Văn Phú
Vĩnh Long 10/2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét