Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Tìm Ba Trong Bông Giấy

        ( Kỷ niệm 16 năm Giỗ Ba 1997-2013)

      Úc Châu đang bước vào tuần lễ đầu của mùa xuân. Xuân của đất trời và xuân trong lòng người. Những cánh hoa Anh Đào, rộn ràng, náo nức như đua nở trong khí trời còn lạnh buốt và đội mưa dầm khi chưa hết đông. Cánh hoa dù mong manh, nhưng đầy hấp lực để tạo nên bức tranh xuân tươi đẹp.

        Màu hoa hồng thắm mời gọi gió xuân nơi sân trước, sắc trắng buốt quyến rũ bầy chim muông hót ríu rít ở cuối sau vườn. Đó! Xuân của đất trời. Những nụ Anh Đào trong sân nhà cho đến những cành Đào ngoài phố, dọc dài theo những con đường, có sức quyến rũ, vừa lôi cuốn người thả hồn mộng mơ trên tàng cây, lây sang các bậc Từ phụ trong ngày Nhớ Ơn Ba. Xuân vui trong Ba và nhớ trong lòng Con!


        Thế nhưng Ba tôi không còn nữa, Những cánh hoa Anh Đào lay lay trên cành, nhẹ rơi trong gió chỉ đủ làm tôi mơ mộng viễn vong. Chỉ có một loài hoa duy nhất gợi tôi nhớ về ba là Bông Giấy. Bông hay Hoa, gọi cách nào cũng được cả. Người bình dân kêu là Bông. Mỹ từ hóa một chút gọi là Hoa, nhưng với tôi, Bông Giấy, chỉ có từ “Bông” dễ động lòng người và tỏ rõ được tính đơn thuần, giản dị về cách sống và sự tồn tại của nó.
 “ Trong các loài hoa, Ta ghét nhất là Bông Giấy!” Đó là câu nói của những bông hoa biết nói trong giảng đường Đại Học Cần Thơ, sau giờ học Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ.
        Câu nói trên phải chăng ngầm biện minh, đánh bóng cho con gái Khoa Học. Những bông hoa biết nói này được cho là không tươi mát, mặn mà, chỉ tổ cằn cỗi, khô khan, dưới cặp mắt các chàng Văn Khoa, Luật Khoa và hình như…hình như luôn cả những  anh Khoa Học đồng môn cũng cho là thế. Ý gì ẩn dụ trong câu nói trên!?

       “ Ghét Bông Giấy”! Không ưa cũng phải! Qua lời thầy, hoa này có tên Khoa học là Bougainvillea  bresiliensis thuộc Họ Nactaginaceae. Người Hoa gọi là Cửu Trọng Cát hay Qui Hoa. Người Việt kêu là Bông Giấy hay Hoa Biện Lý. Bọn con gái chúng tôi ghét, vì tính “không thành thật” của loài hoa, cũng như yêu, ai lại yêu sự dối trá của các chàng bao giờ. Bông “thiệt” mà bảo bông “giấy”! Đã vậy hoa còn mà mắt người, những cánh màu sặc sỡ, dưới con mắt nhân gian, cứ ngỡ là hoa nhưng trước mắt nhà Thực vật học, thật ra đó chỉ là lá hoa. Hoa đứng một mình mới xinh, lay lay trước gió mới thu hút cánh bướm đa tình. Đàng này ba cái hoa xếp chụm lại tưởng lầm là một, được tổng bao bằng ba chiếc lá có màu tạo thành chùm. Rồi từ chùm ba cái nho nhỏ, lại kết thành một chùm to hơn, thì mỹ miều làm sao chứ.  Những cánh hoa trang trọng “trao em” , phải là một cánh hoa Hồng hay Uất Kim Hương. Thương em nhiều thì cho nhiều, kết thành đóa…như chín mươi chín đóa Hồng tỏ lòng. Tiện chân đi qua ngang giàn Biện lý, thương em chỉ “ngắt một cái làm tin”, thương em nhiều cho mấy, hái một chùm Bông Giấy trao em, trong mơ cũng chẳng dám làm.


       Tôi chẳng những ghét Bông Giấy mà không ưa luôn sắc màu tím hồng sặc sỡ nữa, nhưng Ba tôi đã chiếc nhánh từ một cây to trước sân nhà Ba, bảo “để dành cho con Phượng”. Ba để dành thì tôi để cho Ba cất. Dù cây con đã “bắt rễ”, tươi lá, dù được Ba nhắc nhở “đem về trồng đi con”, nhưng tôi cứ dạ ậm ừ hoài. Không trồng thì phụ lòng Ba, nhưng trồng rồi, suốt đời phải nhìn thứ mình không thích, cũng tội nghiệp đôi mắt và cả con tim, nên tôi luôn viện cớ. Hôm Ba đến thăm con gái, người ra sau nhà tìm kiếm dao cuốc. Cái lỗ đất được thành hình và cây Bông Giấy đứng ngang nhiên nơi góc nhà cạnh mái hiên. “ Nhớ tưới nước nghe con, ba cột nó lại cho không lung lay, nó bén rễ nhanh lắm!” Đó là lời Ba dặn dò trước khi Người ra về.

         Đã ghét rồi, dễ gì tôi chăm sóc, tưới nước. Tôi cứ bỏ mặc nó trơ gan cùng tuế nguyệt. Tôi đã nhổ bỏ cọc, chẳng tưới nước mà lâu lâu “lắc gốc”, cho cây chết cho rồi. Vì nhổ bỏ đi thì biết ăn nói sao với Ba. Lần sau Ba đến thăm: “ Con có tưới nước không mà nó èo ọt quá vậy. Ba cho mấy đứa kia, cây Bông Giấy của đứa nào cũng tốt hết.” Rồi Ba đi tìm cây cọc đóng xuống, cột dây lại cho vững. Lần này Ba chọn cọc sắt, có lẽ cho chắc chắn, nhưng cây Bông Giấy của tôi vẫn đèo, không tốt. Vì có tưới nước đâu mà tốt. Cây lớn lên như trẻ mồ côi, thiếu ăn và thiếu cả người. Khi Ba không còn nữa, di vật cuối cùng tôi còn giữ lại là cây Bông Giấy này. Lạ thật, từ lúc Ba qua đời, cây Bông Giấy bỗng dưng vượt cao hẳn lên, bám sát vào cọc sắt và như có linh hồn. Chiều đi làm về, qua ngã rẻ vào nhà, rực sắc màu hoa. Cây lớn rất nhanh, trổ  hoa gần như suốt năm. Tôi không dùng đến phân bón mà chỉ thì thầm với nó khi tưới nước, tỉa cành. Nói như cho đủ mình Ba nghe. Có lần chậm cắt bỏ cành thừa, cây vươn nhánh mới, dài gần đến hai thước, chắn lối. Tôi kể cho các em nghe và tinh nghịch bảo… “ Hình như Ba chặn đường khiêu chiến với chị vì cái tội ai biểu ngày xưa con lắc gốc”.

         Người đời thường bảo đất lành chim đậu. Có lẽ vì tâm lành của người trồng, nên chim thường kéo về cây Bông Giấy làm tổ. Những con chim lặng lẽ tha từng cọng cỏ dại, nhành cây khô để tạo mái ấm. Nhìn chim mẹ đang ấp trứng, tôi tò mò đến gần, rướn người nhìn vào những chiếc mỏ nhỏ kêu chip chíp, đôi mắt chim mẹ nhìn tôi chòng chọc, với tư thế bảo vệ những giọt máu đã tượng hình, khiến tôi lặng người trước hình ảnh này.
    Để tăng thêm vẻ cho cây, tôi gắn thêm cái phong linh. Đêm về tiếng kêu leng  keng của phong linh, như tiếng bước chân Ba về thăm con gái, trước hiên nhà. Lòng tôi ấm lại.


    Cây Bông Giấy, thân to, nhánh mọc leo, khỏe, có vỏ sáng. Gai dù không nhiều, nhưng khoảng hai centimet chiều dài, cũng đủ bảo vệ chính mình, nếu ai không cẩn thận chạm đến. Rễ, có thể dùng làm thuốc trị liệu. Vỏ, ngày xưa dùng dệt thành vải. Đây là loại cây có điều tiện lợi là có thể trồng trên đất cát, dễ thích hợp nơi đất cằn cỗi hoặc chỉ cần một phần đất nhỏ trong chậu củng đủ sức sống. Nếu được tưới nước hoặc bón phân đầy đủ, được chiếu sáng là trổ đầy hoa lá.  Bằng ngược lại thì biến thành loại cây Bonsai. Muốn nhân giống, chỉ đơn giản là giâm cành. Cây có ưu điểm là bông có quanh năm, những bông hoa mộc mạc nhưng đủ khoe sắc thắm cùng tấm lòng son dưới nắng trời đổ lửa. Những ai muốn, những nơi cần , cây Bông Giấy luôn cận kề che bóng mát cho đời.

      Ba đã nằm xuống, vĩnh viễn, ngồi ngắm cây Bông Giấy, đời Ba cũng đơn sơ, mộc mạc, chịu đựng nắng mưa, gian truân, những ai muốn, nơi nào cần đến, Ba luôn sẳn sàng . Đời Ba như đời cây Bông Giấy!
        Ngoài trời đang tí tách… gió đang ngẫn ngơ trước hoa…mưa đang thì thầm với lá và tôi gọi khẽ… Ba ơi, con sẽ nhớ lời Ba “ Nhớ tưới nước nghe con”.

Kim Phượng 
5/9/2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét