Lư Luân 盧綸 (748-800) tự Doãn Ngôn 允言, người Hà Trung (nay là tỉnh Sơn Tây). Trong thời Đại Lịch, đời Đường Đại Tông, thi nhiều lần không đậu, sau có người tiến cử ra làm quan chức uý tại Văn Khanh, lần lần thăng đến chức Hộ bộ lang trung, giám sát ngự sử. Tham gia quân đội nhiều năm, thơ ông phóng khoáng, quan tâm nhiều đến đời sống nhân dân.
Lư Luân là một trong mười tài tử thời Đại Lịch (chín người kia là Cát Trung Phu, Hàn Hoành, Tiền Khởi, Tư Không Thự, Miêu Phát, Thôi Động, Cảnh Vi, Hạ Hầu Thẩm, Lư Đoan).
Nguyên tác Dịch âm
送韋判官得雨中山 Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn
前峰後嶺碧濛濛 Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông,
草擁驚泉樹帶風 Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong.
人語馬嘶聽不得 Nhân ngữ mã tê thính bất đắc,
更堪長路在雲中 Cánh kham trường lộ tại vân trung.
Chú giải
前峰後嶺 tiền phong hậu lĩnh: trước là núi (phong) sau cũng núi (lĩnh).
碧濛濛 bích mông mông: chữ bích nghĩa là xanh; mông mông là mờ mịt; cụm từ bích mông mông đặt sau cụm từ tiền phong hậu lĩnh ám chỉ (mưa bụi hoặc mây dầy) làm cho núi non trông mờ mịt.
擁 ủng: cầm, nâng lên, ủng hộ. 草擁 thảo ủng: ám chỉ cỏ cao.
Dịch nghĩa
Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi
Trước là núi (phong), sau là non (lĩnh), (trong màn mưa bụi) mờ mịt,
Cỏ cao, suối chảy gấp, cây bị gió lay động.
Không thể nghe tiếng người nói và tiếng ngựa hý (vì gió thổi bạt tai),
Còn phải chịu cảnh đường dài đi trong mây.
(Vi phán quan thân thế không rõ).
Dịch thơ
Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi
Sau non trước núi phủ mưa bay,
Suối gấp cỏ cao cây gió lay.
Người nói ngựa kêu nghe chẳng được,
Đường dài thăm thẳm ẩn trong mây.
Lời bàn
28 chữ của bài thất ngôn tứ tuyệt này tả rất rõ nét cái đầu đề Tiễn phán quan họ Vi gặp mưa núi:
Cuộc tiễn bạn của Lư Luân gian nan chưa từng thấy trên thế gian này. Lư đã đi theo bạn một chặng đường dài toàn là núi non (trước núi sau non). Cỏ trên đường mòn thì qúa cao. Suối chắn ngang đường thì chảy gấp. Lại còn gặp mưa bay và gió lớn nữa! (Ấy là chưa kể đến việc ông còn phải một mình đi ngược đoạn dường này để về nhà sau khi chia tay bạn).
Câu 3 còn tiếp thêm cái mức khó khăn trong cuộc tiễn đưa: tiếng ngựa hí còn không thể nào nghe được (vì gió thổi ù tai) cho nên Lư đã phải gào lên mà vị phán quan cũng vẫn không nghe được Lư kể lể những gì. (Thà đừng đi tiễn còn hơn!).
Còn một ẩn ý nữa: Không thấy nói vị phán quan họ Vi này là chỗ thân tình với Lư! Bạn sơ mà Lư còn hết lòng như vậy; nếu là bạn thân thì Lư sẽ như thế nào?
Càng dịch thất ngôn tứ tuyệt Con Cò càng thấy nó là một thể thơ vô địch của hành tinh này!
Con Cò
***
Tiễn Vi Tiên Sinh
Trùng điệp non xanh mưa bụi rây
Cỏ cao nước xiết gió lay cây
Tiếng người ngựa hý nào nghe thấy !!!
Khổ thật đường xa… mây lấp mây
Kiều Mộng Hà
Dec02nd2023
***
Tiễn Vi Phán Quan Đi Núi Vũ Trung.
Non sau núi trước khói sương dầy,
Suối động cỏ cao gió lộng cây.
Ngựa hí lời người nghe chẳng được,
Đường dài nhẫn nhục vượt trùng mây.
Mỹ Ngọc
Dec. 2/2023.
***
Như đã bàn trong kỳ trước, mình phải ghi LÔ hay LƯ?
Lời bàn của Đạo Mò có lẽ đúng, Vũ Trung là tên núi. Đắc là tới, đến, không phải là được (đắc, thất) như mình vẫn hiểu. Vũ không phải là mưa. Nếu tiễn bạn mà bị mưa trong núi thì phải viết là đắc trung sơn vũ chứ. Mưa trong bài này là 2 chữ Mông Mông, mưa nhỏ, mưa phùn, mưa bụi….
Ủng là giúp đỡ, ngăn trở, che lấp... (tuyết ủng lam quan, mã bất tiền của Hàn Dũ) Ở đây, thảo ủng có nghĩa là cỏ dầy, che lấp lối đi.
Kinh là kinh sợ. Kinh tuyền là suối nước chảy mạnh, đáng sợ.
Đới là cái đai, thắt lưng, mang, đeo, bao quanh, hộ, giùm, chịu đựng...
Chữ Thính trong câu 3 có lẽ phiên âm là Thinh mới đúng luật bằng trắc.
Bản dịch của ÔC hay quá, dùng vần bay, BS phải bắt chước. Mưa nhỏ nên bắt chước luôn chữ PHỚI của Vũ Hoàng Chương khi dịch bài thơ của Vương Ngư Dương. (Đậu bằng qua giá vũ như ti: Dây dưa, giàn đậu, phới tơ mưa).
Đúng như ÔC nói, họ Lư tiễn bạn vô cùng vất vả.
Tiễn Phán Quan Họ Vi Tới Núi Vũ Trung.
Non sau, núi trước phới mưa bay,
Suối xiết, cỏ dầy, cây gió lay,
Người nói, ngựa kêu, nghe chẳng được,
Đường về thăm thẳm giữa từng mây.
Bát Sách.
(Ngày 03/12/2023)
***
Tiễn Biệt Phán Quan
Núi non tiền hậu mịt mờ,
Trong màn mưa nhỏ, lặng lờ nước trôi.
Cỏ cao, suối chảy khôn ngơi,
Cuồng phong lay động bên trời muôn cây.
Tiếng người, vó ngựa chớ hay,
Lại thêm chịu cảnh ngợp mây đường dài.
Khánh-Hưng
***
Tiễn Vi Phán Quan Gặp Mưa Trong Núi
Trước núi, sau non mưa não nùng
Cỏ cao, suối gấp, gió cây rung
Tiếng người, ngựa hý nghe không rõ
Thêm nỗi đường mây tối mịt mùng!
Lộc Bắc
Nov23
***
Tiễn bạn qua núi gặp mưa
Núi non trùng điệp phất mưa bay
Rậm cỏ suối trong gió tốc cây
Ngựa hí tiếng người nghe loáng thoáng
Lộ trình xa thẳm mịt mù mây
Thanh Vân
***
Góp ý của Phí Minh Tâm:
Nguyên tác: Phiên âm:
送韋判官得雨中山 Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn
盧綸 Lư Luân
前峰後嶺碧濛濛 Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông
草擁驚泉樹帶風 Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong
人語馬嘶聽不得 Nhân ngữ mã tê thính bất đắc
更堪長路在雲中 Cánh kham trường lộ tại vân trung
Bài thơ có mộc bản trong sách:
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Ghi chú:
Sách của Hồng Ngoại cho tựa bài thơ đơn giản Tống Vi Phán Quan, dễ dịch là Tiễn Quan Phán Họ Vi. Với tựa dài như trên, ta có thể dịch là Tiễn Quan Phán Họ Vi Gặp Mưa Ở Trung Sơn (địa danh) hoặc Tiễn Quan Phán Họ Vi đến Vũ Trung Sơn.
Trung Sơn: địa danh ở huyện Trường Ninh, Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên 四川省宜賓市長寧縣境內的一座山峯. Ngày nay, Trung Sơn nằm trong khu du lịch Thất Đỗng Câu,Tứ Xuyên 四川七洞溝, được đặt tên là Trung Sơn vì nó nằm trong năm ngọn núi.
Vũ Trung Sơn: không có địa danh này thời Đường. Toàn Đường Thi có 4 bài thơ có dùng 3 chữ vũ trung sơn trong bài:
Thu Độc Dạ 秋夜獨坐 của Vương Duy, với câu 3 Vũ trung sơn quả lạc 雨中山果落 trái cây trên núi rụng trong mưa.
Đề Tu Thượng Nhân Viên 題岫上人院 của Hứa Hồn, với câu 4 Sơ khánh vũ trung sơn 疏磬雨中山 tiếng chuông thưa thớt trên núi trong cơn mưa.
Túc Nhất Công Tinh Xá 宿一公精舍 của Ôn Đình Quân. với câu 4 Vũ trung sơn điện đăng 雨中山殿燈 đèn cung điện trên núi sáng trong cơn mưa.
Đồ Trung Thi 途中詩 của Dương Kỳ Côn, với câu 2 Vũ trung sơn sắc tẩy hoàn thanh 雨中山色洗還青 cảnh vật núi trong mưa rửa sạch trở lại màu xanh.
Ngoài bài của Hứa Hồn, rõ ràng địa danh Vũ Trung Sơn không phù hợp cho 3 bài thơ còn lại bên trên. Tuy nhiên, ta có thể dịch vũ trung sơn theo nghĩa thông thường núi…trong mưa cho cả 4 bài thơ.
Ngày nay Google Maps có cho địa điểm của một ngọn Vũ Trung Sơn ở cách thành phố Du Lâm, Thiểm Tây 榆林陕西, hơn 50 km phía Tây Nam. Phán quan họ Vi đi nhậm chức phải đến nơi có dân cư, chắc không phải đi qua một nơi hoang vu mà ngày nay còn hẻo lánh này.
Khi tìm Vũ Trung Sơn 雨中山, máy xem như cụm từ thường, nên cho hình núi điển hình có mưa/mây mù, mà không cho hình của địa danh
雨中山 - Google Search
Dịch nghĩa:
Tống Vi Phán Quan Đắc Vũ Trung Sơn
Tiễn Quan Phán Họ Vi Gặp Mưa Ở Trung Sơn
Tiền phong hậu lĩnh bích mông mông
Khắp núi (đỉnh trước hông sau) một màu xanh bích, mưa nhẹ mịt mờ
Thảo ủng kinh tuyền thụ đới phong
Cỏ um tùm suối róc rách cây lay động trong gió.
Nhân ngữ mã tê thính bất đắc
Không nghe được tiếng người nói cũng như tiếng ngựa hý,
Cánh kham trường lộ tại vân trung
Còn phải đi đường dài trong sương mù (mây).
Dịch thơ:
Tiễn Quan Họ Vi Trong Mưa Ở Trung Sơn
Nơi nơi mưa nhẹ xanh xanh mờ,
Cỏ rậm suối reo cây lắc lơ.
Gió át tiếng người tiếng ngựa hý,
Đường dài mù mịt còn đang chờ.
Seeing Off Wei Magistrate in the Rain at Zhong Shan by Lu Lun
The entire mountain (the front top and the back side) is blueish and hazy with a light rain,
The grass is tall, the creek is noisy, and trees swing in the wind.
One cannot hear the human voice nor the horse neigh,
Furthermore, one has to walk a long way in the fog (clouds).
Phí Minh Tâm
***
Góp ý:
雨中山=vũ trung sơn nghĩa là gì? Chữ 得=đắc trong tựa đề có nghĩa là đến; khi tiễn nhau, người đưa và người đi ở đầu lộ trình dẫn đến một nơi nào đó; không ai tiễn người đi "đến" một cơn mưa; 4 chữ 前峰後嶺=tiền phong hậu lĩnh cho người đọc hiểu là cảnh tiễn đưa ở xảy ra giữa núi và 盧綸=mông mông cho biết trời đang mưa nhẹ, hay ít nhất mù sương. Vũ Trung phải là tên của một ngọn núi. Có lẽ núi không có tiếng tăm gì lắm nên không có trong Wikipedia hay các trang du lịch Hoa Lục, nhưng người ni cũng tìm ra là một bản thư pháp của họa sĩ Tề Bạch Thạch (齊白石, tk XIX-XX).
不教磨墨苦人 bất giáo ma mặc khổ nhân nan
一日挥毫十日闲 nhất nhật huy hào thập nhật nhàn
且喜杨枝慰愁寂 thả hỉ dương chi úy sầu tịch
一春家在雨中山 nhất xuân gia tại Vũ Trung san
và hình chụp tựa đề [雨中山雾=Vũ Trung San vụ mây mù núi Vũ Trung]
Bản đồ Google cho chúng ta Yu Zhongshan-雨中山 ở Thiểm Tây, 60 km hướng Nam của Yulin/Du Lâm.
Huỳnh Kim Giám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét