Y HỌC THƯỜNG THỨC
Mất Ngủ
Đại cương
Việt Nam mình có câu: “Ăn đươc, ngủ được là tiên, Không ăn, không ngủ mất tiền thêm lo”. Ăn ngon, ngủ yên cho ta sức khỏe thể chất tốt và một tâm hồn vui vẻ. Sau một ngày làm việc, ai cũng cần ngủ. Thời gian ngủ mỗi đêm thay đổi theo tuổi và giới tính: người lớn tuổi ngủ ít hơn người trẻ, đàn ông ngủ ngắn hơn đàn bà. Trung bình mỗi đêm người lớn cần ngủ từ 7 tới 9 giờ. Tuy nhiên, có một số ít người chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm và một số khác ngủ nhiều tới 11 giờ. Cả hai nhóm này đều cho biết họ không có gì trở ngại trong công việc hàng ngày. Họ có sức khỏe bình thường, làm việc tốt, nên không xếp loại là mất ngủ hay ngủ quá nhiều.
Dấu hiệu và triệu chứng Mất ngủ có thể xảy ra khi lên giường ngủ, khởi đầu giấc ngủ khó khăn, phải trằn trọc hàng giờ. Giấc ngủ không yên, chập chờn, tỉnh giấc trong đêm, khó ngủ lại. Dậy sớm. Sáng dậy hay ngáp, óc không tỉnh táo, khó tập trung vào công việc, dễ bực bội, gắt gỏng, năng suất công việc kém. Mất ngủ lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tâm thần.
Nguyên nhân
Có những nguyên nhân gây mất ngủ ngắn hạn và một số bệnh lý gây mất ngủ lâu dài:
Mất ngủ ngắn hạn, trong vòng ba tháng.
-Xúc động tình cảm: mất người thân, bất hòa trong gia đình.
-Thay đổi tạm thời trong cuộc sống: ngủ nơi lạ, nhiều tiếng động, thời tiết không thích hợp, thay đổi giờ làm việc, căng thẳng tâm thần trong công việc.
-Đau, ốm, lo lắng về căn bệnh cần giải phẫu.
-Dùng các chất kích thích thần kinh vào chiều tối: rượu, trà, cà phê, kẹo xô-cô-la.
-Do hút thuốc lá, nhai kẹo có chất nicotin.
-Dùng màn hình Ipad, Iphone. Mất ngủ mạn tính, lâu hơn ba tháng, thường liên quan tới bệnh cơ thể, bệnh tâm thần.
Bệnh mạn tính: đau bắp thịt, đau khớp, bệnh suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loét dạ dày, bệnh tim mạch...
Bệnh tâm thần: trầm cảm, lo âu.
Phản ứng phụ của thuốc dùng chữa bệnh trầm cảm.
Trị liệu Những yếu tố giúp dễ ngủ:
-Hàng ngày giữ đều đặn giờ đi ngủ và giờ dậy.
Vào chiều tối:
-Tránh làm công việc nặng hay công việc khó giải quyết, cần phải suy tính.
-Tránh thức ăn khó tiêu, nhiều chất béo.
-Tránh dùng chất kích thích thần kinh: rượu, cà-phê, thuốc lá, nicotin dưới dạng kẹo nhai hay thuốc dán.
-Tránh dùng Ipad, Iphone.
-Tránh giấc ngủ buổi trưa, nếu ngủ trưa nên giới hạn trong nửa giờ.
-Giữ nơi ngủ yên lặng, tối, giường ngủ thoải mái.
-Tập thư giãn. Nếu giấc ngủ không tới tự nhiên, nên ngồi dậy, ra khỏi giường, làm ít việc nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc, đi bộ chậm chạp cho tới khi buồn ngủ mới trở lại giường. Có thể dùng ngắn hạn loại thuốc ngủ mua không cần toa, bào chế dưới dạng thuốc nước hay viên. Những thuốc này thường chứa chất chống dị ứng như Benadryl.
Tránh dùng lâu dài vì như vậy thuốc sẽ giảm hiệu nghiệm, ngoài ra còn khiến ngái ngủ ngày hôm sau, gây nguy hiểm khi phải sử dụng máy móc, lái xe. Khi cần gặp bác sĩ Mất ngủ kinh niên Kèm theo bệnh thể chất về tim mạch, phổi, dạ dày...
Kèm theo bệnh tâm thần. Ngoài thuốc ngủ cần toa, bác sĩ cấp toa mua các loại thuốc chữa bệnh thể chất hay tâm thần. Những thuốc này có thể có nhiều phản ứng phụ, nên cần theo đúng lời chỉ dẫn và giữ đúng hẹn tái khám để trị liệu cho tới mục tiêu.
Tóm tắt
Giấc ngủ là nhu cầu tự nhiên của cơ thể. Tính trung bình, thời gian ngủ mỗi đêm của người lớn là từ 7 giờ tới 9 giờ. Người lớn tuổi ngủ ít hơn người trẻ. Đàn ông ngủ ít hơn đàn bà. Mất ngủ khiến đầu óc không tỉnh táo, khó tập trung vào công việc thường ngày. Mất ngủ lâu dài có hại cho sức khỏe.
Mất ngủ liên tiếp trên 3 tháng thường do bệnh lý thể chất hoặc tâm thần.
Tự chữa mất ngủ:
-Lên giường ngủ và trở dậy đúng giờ.
-Buổi tối tránh công việc phải suy nghĩ, tránh thức ăn nặng, tránh chất kích thích.
-Tập thư giãn.
-Dùng thuốc giúp giấc ngủ không cần toa, dùng ngắn hạn.
Khi nghi ngờ có bệnh lý gây khó ngủ, cần đi khám bệnh để trị liệu nguyên nhân.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Mất ngủ Insomnia
Ngủ quá ít Hyposomnia
Ngủ quá nhiều Hypersomnia
Xúc động tình cảm Emotional upset
Giờ đi ngủ Bed time
Giờ dậy Waking time
Thư giãn Relaxation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét