Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Bên Kia Sông

 
Phà Thủ Thiêm

Hè năm đó, vừa thi Đại Học xong, tôi liền ghi danh hai khoá học ngắn hạn về nghề may và làm bánh (nữ công gia chánh) tại trường Sư Phạm Kỹ Thuật trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Tuần học ba buổi, học luôn hai lớp từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều, dần dần quen biết một nhóm bạn cùng lớp, cùng lứa tuổi, nên dễ kết thân. Nhóm đó có tôi, có Quỳnh nhà ở đường Trương Định sau vườn Tao Đàn, và Hoa nhà ở Thủ Thiêm. Tan học, chiều Sài Gòn thật dễ chịu, chúng tôi hay đi ăn gỏi khô bò ngay trước cổng Chùa Xá Lợi gần đó, ghé nhà Quỳnh chơi, và nhiều lần đạp xe, lên ghe qua sông, đến Thủ Thiêm ăn uống ở nhà Hoa đến 6-7 giờ tối mới chia tay.

Một sáng chúa nhật, chúng tôi rủ nhau đi từ sớm, hẹn gặp nhau tại phà Thủ Thiêm, đến nhà Hoa ăn giỗ. Cũng giống như An Phú Đông gần xóm tôi, Thủ Thiêm thuở đó rợp một màu xanh bạt ngàn vì ruộng đồng cây trái đẹp tươi, mát rượi. Người dân chất phát đơn sơ, bao đời bám đất dù còn trong khó khăn nghèo khổ. Chúng tôi đi dạo khắp xóm, khám phá một góc Thủ Thiêm hoang sơ, đầy tình người.

Có lần khác, Hoa dẫn chúng tôi đi tìm một thằng bạn học cũ, tìm hoài ngoài ruộng mênh mông mới gặp được hắn đang tưới nước hoa màu, chân tay còn lấm lem bùn đất. Thấy con gái thành phố, hắn mắc cỡ chỉ cười cười, khuôn mặt chân quê thật thà làm sao. Hoa giới thiệu:

- Đây là Huỳnh Gia Tài, bạn thân nhứt xóm của tui đó.
Tôi và Quỳnh bật cười:
- Cái tên vừa đẹp vừa lạ, vừa …dễ nhớ à nghen!
Tài đỏ mặt, Hoa nhanh nhẩu:
- Nhà hắn có 3 chị gái, nên khi sanh ra hắn, ba má hắn mừng húm vì có con nối dõi tông đường, nên đặt tên hắn vậy đó!
Tôi trêu Tài:
- Vậy Tài là cục vàng cục bạc cục kim cương của ba má!
Trên đường ruộng gập ghềnh về nhà Hoa, tôi đi cạnh Tài nói chuyện bâng quơ. Tài hỏi:
- Nhà Loan ở đâu vậy ?
- Ở Gò Vấp, bạn đến đó bao giờ chưa?
Tài lại cười mắc cỡ, Hoa đi phía trước cùng Quỳnh, quay lại trả lời:
- Hắn quanh năm làm ruộng vườn, cùng lắm chỉ qua sông, đến chợ Bến Thành mua sắm mỗi dịp Lễ Tết, rồi về, Gò Vấp ở đâu tui còn chưa biết nữa nà!!!

Tôi chỉ đường:
- Khi qua sông, thấy tượng Trần Hưng Đạo, là bắt đầu đường Hai Bà Trưng nhé, Tài cứ đi tiếp, đi hoài suốt con đường này, sẽ tới Cầu Kiệu quận Phú Nhuận, đường sẽ chuyển qua tên Võ Di Nguy, cứ tiếp tục đi thẳng hoài sẽ đến Ngã Năm Gò Vấp của mình!

Tài nghe tới đâu gật đầu tới đó, nhìn tôi mỉm cười với ánh mắt thân thương và …ái mộ vì đoạn đường rất xa mà tôi đã đạp xe đến vùng đất này thăm bạn bè.
Khi đi ngang qua nhà Tài, là một căn nhà gạch đơn sơ nhưng khá rộng, bao quanh bởi vườn cây ăn trái sum suê, là nguồn thu nhập chính của gia đình Tài cùng với mảnh ruộng ngoài kia.
Nhà Hoa cũng chẳng khá giả gì, nhưng cũng không nghèo, vì mẹ Hoa có hùn hạp bán sạp trái cây và xoài cóc ổi ngâm tại vỉa hè chợ Bến Thành nên cũng có chút đồng ra đồng vào, cộng với bản tính hiếu khách, lần nào chúng tôi cũng được mời cơm, và còn mang bọc trái cây về nhà.

Mỗi lần chuẩn bị lên ghe, lên phà về thành phố, tôi đều có cảm giác man mác buồn bã xen lẫn thương yêu lạ kỳ, vì chỉ cách nhau một bờ sông, đứng bên này nhìn qua thấy cả đèn Sài Gòn “ngọn xanh ngọn đỏ”, phố xá cao tầng, và bên đây là ruộng vườn, dân quê, bữa đói bữa no, mà ánh đèn văn minh đô thị chưa vươn tới.
Sau khoá học nghề đó, chúng tôi chia tay, chẳng có phone hay facebook như ngày nay để hẹn gặp lại, mà thăm nhau thì xa quá, trong khi tôi lại bận rộn với việc học hành.

Tôi đã từng có ý định sáng tác một câu chuyện mộng mơ như gió thoảng của tuổi 18, hoặc lãng mạn hơn, kiểu như truyện Trống Mái của Khái Hưng, về một anh chàng miệt vườn đem lòng yêu thương cô gái thành thị, nhưng vì khoảng cách địa lý, người bên này sông, kẻ bên kia sông, cũng như khoảng cách môi trường xã hội, nên cuối cùng chỉ là một kỷ niệm đẹp trong lòng anh chàng nông dân Thủ Thiêm thật thà. Còn cô gái kia cũng đã vô tình, đâu biết rằng mình đã gieo thương nhớ cho người con trai "nửa chợ nửa quê" mới biết rung động lần đầu!! Rồi giòng thời gian trôi nhanh với những biến cố bất ngờ, thay đổi cuộc sống, giờ nhìn lại đã là dĩ vãng xa xôi.

Thủ Thiêm ngày nay đã thay da đổi thịt, trở thành miếng mồi béo bở cho nhà cầm quyền giành giựt chia chác nhau, vỡ đất dự định xây Nhà Hát Giao Hưởng. Sông Thủ Thiêm, có bến phà và những chuyến phà qua lại, nơi tôi đã từng đứng bâng khuâng nhìn lại bên kia sông trước khi hoà vào dòng xe cộ của Sài Gòn sôi động, nay không còn nữa!

Gia đình Hoa, Tài và những người tôi đã gặp, số phận ra sao? Ngậm ngùi ở những chung cư chật hẹp hay đang vật vờ ngoài Hà Nội đợi chờ đối thoại trong vô vọng với đám quan tham, mặt mũi tối tăm ngu dốt, và trái tim lãnh cảm không lương tri?
Bên Kia Sông, xưa ngổn ngang những nỗi buồn, nay lại cõng thêm nỗi căm hờn, uất hận.
Hai cái chứng chỉ học may và làm bánh cũng thất lạc đâu đó trên con đường đời, cho nênbây giờ tôi vẫn...không biết may và cũng chẳng thể làm bánh!

Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét