Hình như ở vào lứa tuổi mùa đông của cuộc đời, mọi sở thích của bà Hương đã thay đổi. Sự thay đổi rõ rệt nhất là sở thích về màu sắc, các mùa và giấc ngủ.Thời còn trẻ, bà Hương thường mặc các áo màu xậm như màu đen, màu nâu, màu ve chai hoặc màu dưa cải úa. Bởi vì bà có một nước da trắng và khuôn mặt luôn luôn trông trẻ hơn so với số tuổi nên bà muốn mình già hơn một tí, đậm đà thêm một tí. Bây giờ thì bà lại muốn trẻ hơn một tí, sáng sủa thêm một tí. Do đó bà thường mặc những màu nhạt. Bà cũng không còn say mê ngắm cảnh chiều thu với những cụm mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh lơ và những chiếc lá vàng rơi nghiêng theo cơn gió nhẹ.
Niềm vui của bà bây giờ là những buổi sáng mùa xuân, nắng ấm trải chan hòa khắp nơi nơi, là tiếng chim hót líu lo trên cành, là những cơn gió thoảng ngoài hiên mơn man những chậu hoa, chậu lá đủ loại mà bà đã vun trồng. Bà cũng thường đứng ngoài ban công, phóng tầm mắt về khu rừng phía sau cao ốc này, ngẩn ngơ ngắm những lộc non vừa trẩy lá xanh mướt sau một trận mưa xuân. Bà không ngủ nhiều như xưa. Không phải vì bà mất ngủ như những người già khác mà vì bà muốn như thế. Bà có một ý nghĩ lẩn thẩn “ Có một lúc mình sẽ ngủ luôn không thức dậy nữa, bây giờ mà ngủ nhiều thì uổng quá!”
Thấm thoát bà Hương đã vào ở trong khu nhà già này được một năm. Bà đã quen dần với đời sống ở đây. Quen dần với những bữa cơm chiều cùng các cụ già tóc bạc phơ, ngồi bên nhau, hồi tưởng lại dĩ vãng xa xưa hoặc nói về các con, các cháu với sự yêu thương, hờn giận. Bà Hương đã hội nhập với thế giới này. Bà đã tìm được một niềm vui, sự ấm áp bên những người bạn mới. Bà cũng không còn cảm thấy khó chịu mỗi lần gặp bà Thủy với bộ mặt trét đầy phấn và đôi tay đeo bốn cái vòng và bốn cái nhẫn bằng cẩm thạch xanh biếc. Duy có một điều mà bà chưa quen là mỗi buổi sáng xuống ăn điểm tâm, được tin một cụ nào đã qua đời, bà lại suy nghĩ vẩn vơ suốt mấy ngày sau đó. Không phải vì bà liên tưởng đến cái chết của chính mình mà sợ sệt. Bà vẫn nhớ đến những tàu lá chuối héo khô sau khi thân chuối cho đời những trái chín ngọt ngào ở vườn sau nơi quê cũ.
Hình như có một dao động nào đó trong tâm hồn bà. Những lúc đó, hình ảnh Hoa, con gái bà và ba đứa cháu ngoại, thằng Trường, con Nga, con Hằng, đến với bà thật rõ, thật gần và thật ấm áp. Bà muốn trở về ngay ngôi nhà rộng mênh mông, nguy nga như một lâu đài ấy, để nhìn thật lâu vào khuôn mặt con gái, để ôm ghì ba đứa cháu vào lòng. Bà biết, bà chỉ cần nhấc điện thoại lên, là bà có thể thực hiện được điều mong ước đó. Một cái xe sẽ đưa bà đến tận nhà của Hoa. Bà sẽ dẫm chân lạo xạo trên sỏi, trên lối đi nhỏ hẹp được ôm ấp bởi hai luống hoa Pensée tím vào mùa xuân, hoa cúc vàng vào mùa thu. Bà sẽ không vào phòng khách mà đi thẳng vào nhà bếp, mở tủ lạnh, lấy những thứ cần thiết ra để nấu cho con gái, con rể và các cháu một món ăn đặc biệt
Rồi bà sẽ vào phòng của thằng Trường, con Nga, con Hằng dọn dẹp giùm chúng nó cho ngăn nắp vì phòng của ba đứa thường bề bộn. Lại còn cái bàn trang điểm của Hoa trong phòng ngủ nàng nữa. Cứ như một cái cửa hàng phấn son vậy, đồ vật lại để lung tung không có thứ tự gì hết. Rồi bà sẽ ra thăm bụi tre, xem nó có lan ra nhiều không, và thân của nó bao lớn rồi? Bà cũng ra vườn hoa để xem mùa xuân năm nay Hoa có trồng thêm loại nào không? Phải nói là Hoa có thuê người trồng mới đúng. Vì chẳng bao giờ Hoa có thời giờ rảnh rỗi để làm vườn. Vợ chồng Hoa làm chủ một tiệm ăn nổi tiếng là đông khách nên bận rộn suốt từ sáng sớm cho tới nửa khuya. Hoa không có cả thời giờ với các con và thưởng thức vườn hoa ngạt ngào sắc hương thì còn nói chi đến việc săn sóc cây cảnh. Bà Hương không hiểu nổi con! Bà cứ thắc mắc hoài tại sao Hoa phải làm việc vất vả quá như thế để có tiền mua một căn nhà to lớn, đẹp đẽ một cách không cần thiết?
Khi vợ chồng Hoa mua ngôi nhà đó, bà rất vui. Bà vui không phải vì ngôi nhà nguy nga, đồ sộ, nằm trên ngọn đồi và hai mẫu đất phía sau với rừng cây cao bóng mát. Bà vui vì bụi tre ở góc vườn đã cho bà cảm giác như được nương bóng lũy tre làng nơi quê cũ. Lối đi có lót sỏi đã nhắc nhở bà nhớ tới những người bạn thuở ấu thơ đã cùng bà chơi ô ăn quan, chơi rải ranh với những hòn sỏi trắng tinh, xinh xắn. Những người bạn thuở ấu thơ, cái Chính, cái Chổng, cái Khuy…bây giờ cũng đã là những cụ già nhăn nheo, móm mém, đang ở một nơi nào đó, hoặc đã về đất, về trời!
Nhưng bà thật không hài lòng vì căn nhà quá rộng ấy! Căn nhà đã cho bà một cảm giác cô đơn, quạnh quẽ. Cô đơn quạnh quẽ ngay cả những lúc con cháu có mặt ở nhà với những cánh cửa các phòng đóng im ỉm. Mỗi người một phòng, mỗi người một thế giới riêng! Thỉnh thoảng mới có một bữa cơm cả gia đình cùng ăn với nhau một cách vội vã. Bà Hương không muốn nhai mấy chục lần một hột nho khô như lời một thiền sư đã khuyên các thiền sinh trong một buổi tu học. Nhưng quả thật, bà không thấy ngon miệng trong những bữa cơm như thế.
Bà biết rằng nếu bà nói bà không thích căn nhà đẹp đẽ và khang trang này thì nhiều người sẽ cho là bà điên! Mà có lẽ bà điên thật! Vì bà vẫn ao ước được ở trong những ngôi nhà nhỏ hẹp để đi ra đi vào bà lại được nhìn thấy con, thấy cháu. Con vui thì bà vui, cháu buồn thì bà an ủi. Con cháu ốm đau thì bà lo lắng. Bây giờ, cuộc đời của bà nhạt nhẽo và vô tích sự. Ngay cả việc bếp núc bà cũng không giúp gì được cho con vì gia đình Hoa không thích ăn cơm Việt Nam. Hoa thường nói :” Ăn thức ăn Mỹ vừa bổ vừa nấu nướng nhanh mà lại không dơ bếp. Tội gì mà ăn cơm Việt Nam cho lách cách!”
Hoa lại thường mang thức ăn từ tiệm về nên căn bếp lúc nào cũng bóng lộng, không có một hạt bụi. Cả phòng khách và phòng ăn cũng thế. Sạch sẽ, ngăn nắp như một cái phòng triển lãm đồ đạc. Sự bừa bãi dễ thương chỉ thấy nơi các phòng ngủ. Bà cho là sự bừa bãi dễ thương vì chỉ nơi đó bà mới thấy bóng dáng của sự sống, của các con, các cháu. Bà vẫn thèm ăn cơm Việt Nam với dưa chua, cá kho, mực tươi xào cà chua, bắp cải. Bà vẫn thèm những bát bún thanh, bún riêu, bún ốc…Nhưng thấy con bận rộn, bà không muốn con phải thắc mắc và lo cho bà. Bà cũng không muốn làm dơ bếp nên bà vẫn cười vui khen Humberger ngon, tấm tắc khi ăn những đĩa cơm rau được khui từ hộp ra, hâm nóng trong Microwave vài phút. Bà khen thức ăn Mỹ như khi xưa bà khen con gái đàn hay trong những ngày đầu học nhạc. Như bà đã khen những bức vẽ nguệch ngoạc nhiều màu sắc khi Hoa học lớp mẫu giáo.
Bà Hương đi đi lại lại trong phòng thật lâu. Ý nghĩ về thăm con cháu cứ loay hoay trong đầu bà. Cuối cùng, bài lắc lắc cái đầu như một con vịt muốn rũ bỏ nước ướt trên mình khi lên đến bờ ao. Giờ này vợ chồng Hoa còn ở ngoài tiệm. Các cháu bà còn đi chơi banh, chơi bóng. Thôi thì ở lại đây nghe nhạc, xem phim Tàu, Đại Hàn hoặc xuống phòng khách gặp những người bạn già nói chuyện xưa sau. Hay là sang gặp bà Thủy, nghe bà ấy khoe về con, về cháu cho bà ấy vui, cho bà ấy hạnh phúc. Thời gian mới vào khu nhà già này, bà Hương thấy bà Thủy kiêu kỳ và phách lối thấy dễ ghét. Mỗi tuần, bà được con cháu đón về, bà ta rất hãnh diện. Trước khi về với con, thế nào bà cũng phải ghé vào các phòng chào bạn bè, hoặc nhìn trước nhìn sau xem có ai thấy mình không, rồi bà phân trần:
Ấy, tôi cũng muốn ở đây với các cụ cuối tuần cho vui mà các cháu cứ bắt tôi về. Tuần này chúng làm chả cá cho tôi ăn, không về chúng nó lại giận.
Lúc đầu bà Hương rất khó chịu vì bà Thủy vui trên nỗi buồn của người khác và nhất là ánh mắt thương hại mà bà Thủy dành riêng cho bà. Sau này thì bà Hương cũng quen đi, nhất là từ khi bà Thủy được xem hình ngôi nhà của Hoa và mỗi tuần bà Hương được xe đón vào sáng thứ Bẩy từ chín giờ tới chiều mới thả về thì bà Thủy kính nể bà lắm. Mỗi thứ Hai bà Hương lại được con gái gửi cho một bình hoa tươi do tiệm hoa mang đến khiến bà Thủy không còn dám khoe khoang nhiều về con cháu nữa. Mỗi lần nhận được hoa, bà Hương lại cắm ra làm ba bình. Bà vốn không thích những bình hoa cắm theo kiểu Mỹ, trông giống như một mâm xôi đủ màu sắc. Bà bày một bình trên bàn thờ Phật, một bình trên bàn thờ các cụ và bố mẹ còn một bình, bà bày trên cái bàn viết nhỏ kê ở góc phòng phía cửa sổ, cái góc thân mật, bà vẫn gọi như thế.
Bà Thủy thường nói với bà Hương:
Hôm nào bà phải cho tôi gặp cô Hoa mới được. Thời nay sao lại có người con hiếu hạnh đến như thế cơ chứ, thật là quý hóa quá!
Bà Hương than:
- Ối chào, cháu nó bận lắm, thành ra tôi cứ phải sửa soạn sẵn, cháu nó tới là tôi đi ngay.
Nhiều hôm bà Hương còn tản bộ ở con đường nhỏ dẫn vào cao ốc để chờ xe đến nên bà Thủy chưa hề có dịp gặp người con hiếu thảo ấy. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc của bà Hương chỉ do bà Thủy loan truyền đi trong khu nhà dưỡng lão này. Còn bà Hương thì ít khi nói về mình và các con, các cháu. Bà Hương thường rất kiên nhẫn ngồi nghe các cụ khoe hoặc than thở về con cháu. Bà thường an ủi các cụ:
Con nào mà chẳng thương cha mẹ. Nhưng cuộc sống ở đây vất vả quá nên nhiều người không có thời giờ để ý đến cha mẹ đó thôi. Đừng trách chúng mà mình cũng mất vui đi.
Đây là ý nghĩ thật hay không thật của bà Hương nào ai biết được? Nhưng cũng nhờ những câu nói đại loại như thế mà nỗi buồn bị con cháu bỏ rơi của các cụ cũng vơi đi được phần nào. Bà Hương luôn luôn tươi cười vui vẻ với tất cả mọi người, nên ai cũng quý, cũng thương, cũng coi bà như một người tri kỷ. Và điều mà mọi người thích nhất ở bà là biết lắng nghe và không đưa chuyện, gây xích mích giữa người này với người kia. Mỗi khi có cuốn truyện hoặc tờ báo mới bà lại sẵn sàng cho người khác mượn. Trong túi áo hay trong ví, bà Hương thường có kẹo để mời bạn bè như ngày xưa người ta mời nhau ăn trầu mỗi khi gặp gỡ. Ngoài ra bà còn có thuốc nhức đầu, sâm thái sẵn từng miếng mỏng, một ít tăm xỉa răng để trong cái hộp đựng son xinh xinh. Dĩ nhiên trong ví bà cũng không thiếu hộp phấn hồng, thỏi son và lọ kem lót da mặt. Ba thứ mà bà cho là người phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi không thể không có, không thể không dùng mỗi buổi sáng khi thức dậy.
Sáng nay, một biến cố đã xảy ra trong khu nhà dưỡng lão này. Cái tin bà Hương bị ngất xỉu và nằm mê man trong phòng tắm từ lúc nào không ai hay biết đã được loan đi thật nhanh, thật sớm. Nói là biến cố vì bà Hương còn trẻ so với đa số các cụ ở đây, và thường ngày bà rất ít đau ốm. Mà cũng chẳng nghe ai nói bà bệnh tim hoặc bệnh cao áp huyết, nên không ai có thể ngờ được sự việc lại xảy ra. Hơn nữa, bà Hương lại là người được nhiều người yêu mến, nên ai cũng xúc động, thương cảm.
Nếu không có việc bà Thủy gõ cửa hỏi mượn bà Hương mấy con tem để gửi thư về Việt Nam thì có lẽ cũng chẳng có ai biết bà Hương đã bị mê man bất tỉnh để mà gọi xe cứu thương. Lúc tám giờ sáng, bà Thủy gõ cửa rất lâu mà vẫn không thấy bà Hương ra mở cửa. Bà nghĩ thầm: “ Bà này chúa là đi ngủ muộn thành ra giờ này mà còn ngủ say như chết vậy. Mình đập cửa ầm ầm như vậy mà cũng không nghe.” Bà Thủy quay về phòng. Rồi không hiểu sao, bà lại chạy sang phòng bà Hương, đập cửa thêm một lúc nữa. Vẫn không thấy động tĩnh gì, bà Thủy đâm lo. Bà chạy vội xuống văn phòng báo tin cho bà Rachel, quản lý khu nhà dưỡng lão này. Bà Rachel nhanh nhẹn lên mở khóa, vào phòng bà Hương. Khoảng năm phút sau, một xe cứu thương và hai xe cảnh sát đã hú còi inh ỏi tới nơi chở bà Hương vào bệnh viện. Bà Thủy khóc sụt sùi đi xuống phòng ăn, bà năn nỉ ông Phong:
Ông có xe, ông làm ơn chở chúng tôi vào nhà thương với bà ấy đi ông!
Không đợi bà Thủy nói lần thứ hai, ông Phong bỏ dở bữa ăn điểm tâm, nói:
Cụ nào xong rồi thì đi ngay. Xe tôi chở được bốn cụ thôi. Tôi đi một chuyến trước rồi sẽ về đón thêm mấy cụ nữa.
Một cụ đề nhị:
Nhiều lắm là mình đi hai chuyến, không lẽ mình vào chật cả nhà thương à?
Các cụ bàn nhau, nhường nhau để vào nhà thương, các cụ còn lại, họp tại phòng bà Ngọc để tụng kinh cầu an cho bà Hương hoặc tại phòng cụ Vũ để đọc kinh cầu Chúa.Trên gương mặt các cụ, hằn lên nỗi đau buồn, những giọt nước mắt lăn dài trên những gò má hom hem. Những món ăn điểm tâm đã được quăng vào thùng rác nơi góc phòng. Bình hoa hồng trên cái bàn nhỏ nơi cửa ra vào cũng đã có một vài bông héo khô, gục đầu buồn bã, những cái lá cũng đã ngả sang màu vàng úa.
Bà Thủy và các cụ già khác đi đi lại lại hoặc ngồi yên trong phòng đợi của bệnh viện, ai nấy đều có vẻ nôn nóng lắm! Tất cả đều cầu cho bà Hương được cứu chữa kịp thời. Họ hy vọng bà Hương chưa bị mê man quá lâu. Họ hy vọng vào những bác sĩ tài giỏi ở bệnh viện nổi tiếng này. Ba Thủy vẫn khóc sụt sùi. Bà nhìn những vị bác sĩ như nhìn những vị thiên thần. Bà nhớ đến những củ sâm ngàn năm trong các phim Tàu đã chữa lành những bệnh nan y. Bà muốn ở đây chờ tin tức của bà Hương, nhưng bà cũng muốn về phòng bà Ngọc để tụng kinh cầu an. Bà loay hoay nghĩ ngợi mãi không biết nên về hay nên ở?
Một người đàn bà Việt Nam còn trẻ, chạy hấp tấp vào phòng đợi, rồi đến bên cái bàn hỏi tin tức, nói bằng tiếng Mỹ với người ngồi ở đó. Bà Thủy đoán ngày đó là cô Hoa, con gái của bà Hương. Bà Thủy chạy đến bên cô Hoa nói:
Cô là cô Hoa phải không? Tôi là bà Thủy. Bà cụ đã được đưa vào phòng cấp cứu rồi, chúng tôi chờ từ nãy mà chưa có tin tức gì cả.
Nước mắt rưng rưng, cô Hoa nghẹn ngào:
Vâng, thưa cụ cháu là Hoa, cháu cảm ơn các cụ đã lo lắng và giúp đỡ mẹ cháu.
Cô Hoa được vào phòng phía trong để thăm mẹ. Dù chỉ mới thoáng gặp, bà Thủy cũng thấy là cô Hoa rất đẹp và ăn nói lễ phép. Bà chép miệng nói với các cụ đứng bên cạnh khi nhìn theo bóng Hoa khuất dần phía hành lang bệnh viện:
Gớm, người đâu mà lại được cả người lẫn nết!
Bà Thủy và các cụ vẫn kiên nhẫn ngồi ở phòng đợi. Không ai nói với ai một lời. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Những người Mỹ to lớn cũng ngồi, đứng chờ tin tức thân nhân hoặc chờ tới lượt để được bác sĩ khám ở quanh đó nên các cụ giữ ý không nói tiếng Việt Nam, gây sự chú ý của họ. Hai cây kim dài ngắn của cái đồng hồ lớn treo trên tường vẫn nhúc nhích đều đặn. Chẳng một ai quan tâm đến thời gian. Nào có ai bận rộn gì đâu ! Bây giờ, lòng dạ nào mà xem phim Tầu, nghe nhạc. Lòng dạ nào mà xoa mạt chược, tứ sắc hoặc ngồi nói chuyện gẫu với nhau. Mãi mười hai giờ cô Hoa mới ra báo tin :
Mẹ cháu bị đứt gân máu, bây giờ vẫn còn mê man, không biết bao giờ mới tỉnh. Cháu xin cảm ơn các cụ và xin các cụ về nhà nghỉ ngơi, có tin gì cháu sẽ báo để các cụ biết ngay.
Bà Thủy nói với cô Hoa:
Bây giờ có cô ở đây là chúng tôi yên tâm rồi. Gớm, sáng nay tôi sợ quá!
Cô Hoa Cảm ơn bà Thủy một lần nữa :
Cũng may nhờ có bà phát hiện ra sớm chứ không thì chẳng cứu nổi mẹ cháu đâu. Cháu cảm ơn bà nhiều lắm.
Bà Thủy thành thật:
Cô đừng khách sáo. Chúng tôi ai cũng quý bà nhà cả. Ở trong khu nhà dưỡng lão, chúng tôi coi nhau như ruột thịt vậy.
Buổi chiều, bà Thủy lại đi xe buýt vào thăm bà Hương. Bà được cô Hoa cho biết bệnh tình của bà Hương không thuyên giảm. Bác sĩ phải dùng máy để giúp sự sống cho bà Hương. Cô Hoa khóc, bà Thủy cũng rưng rưng nước mắt, rồi an ủi :
Cô cũng đừng buồn lo quá ! Thế nào rồi bà cũng qua khỏi. Có nhiều người mê man đến cả tuần rồi cũng vẫn tỉnh lại đấy cô ạ.
Cô Hoa buồn rầu:
Cháu cũng cầu cho mẹ cháu khỏi bệnh. Mẹ cháu hãy còn trẻ quá mà!
Bà Thủy nói cái ý nghĩ mà bà ấp ủ bấy lâu trong lòng:
Cô thật là một người con có hiếu quá ! Thời nay, những người con như cô thật hiếm hoi.
Cô Hoa thoáng ngạc nhiên và thẹn thùng về lời khen ấy. Cô không hiểu mẹ đã nói gì về cô với bà Thủy ? Suốt đời, cô đã làm được gì cho mẹ?
Khi bà Thủy tỏ ý muốn về, cô Hoa nói:
Cháu cũng phải về phòng mẹ cháu để lấy giấy tờ và mấy thứ lặt vặt. Để cháu đưa bà về luôn thể.
Bà Thủy mừng rỡ:
Thế thì tốt quá. Tôi khỏi phải đi xe buýt.
Cô Hoa và bà Thủy đi ra bãi đậu xe, tới bên một cái xe màu trắng thật lộng lẫy, cô Hoa mở cửa cho bà Thủy rồi đi vòng sang phía bên kia, ngồi trước tay lái. Bà Thủy vừa thắt dây an toàn vừa nói:
Cô mua xe mới hồi nào vậy ? Xe đẹp quá!
Cô Hoa ngạc nhiên: ‘’ Tại sao bà ấy lại hỏi vậy ? xe này mình mua lâu rồi mà!’’
Cô chưa kịp trả lời bà Thủy đã tiếp:
Mọi lần tôi thấy cô đón bà bằng cái xe màu xanh xanh. Xe đó cũng đẹp và mới lắm mà cô đã lại đổi xe rồi.
Cô Hoa luống cuống làm sao mà khi lùi xe ra, cô đụng vào cái xe bên cạnh. Cô ghi một mảnh giấy, cài vào cái xe mà cô đã đụng, rồi lái xe ra khỏi bệnh viện, chạy thẳng về khu nhà dưỡng lão. Trên xe, bà Thủy vẫn nói chuyện đều đều nhưng tai cô Hoa như ù đi, cô nghe câu được, câu mất.
Ở trong khu dưỡng lão này cụ nào cũng khen cô là người con hiếu thảo, lại làm ăn buôn bán giỏi.Mỗi thứ bảy, cô đến đón bà là chúng tôi cứ để ý để xem mặt cô mà chẳng bao giờ gặp, bà cứ bảo cô bận lắm nên chỉ ghé đón là đi ngay. Mỗi thứ hai cô gửi hoa cho bà, bà vui lắm mặc dù cái ban công của bà đã như là một vườn hoa rồi. Nhưng bà không để y nguyên cái bình hoa đó đâu. Bà cắm làm ba bình. Bà bảo cắm hoa mà chen chúc chật chội thì không đẹp mà lại tốn hoa.
Cô Hoa chào bà Thủy rồi mở cửa vào phòng mẹ. Ba bình hoa trên bàn thờ Phật, bàn thờ các cụ và trên cái bàn ở góc phòng hãy còn tươi tốt. Quyển nhật ký của mẹ để trên bàn hãy còn mở ra, mẹ đang viết dở một trang.
Đọc xong quyển nhật ký, cô gấp lại, để vào ngăn kéo.
Cô Hoa gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Cô thì thầm « Mẹ ơi con có ngờ đâu con chiều mẹ, đưa mẹ vào đây để có bạn già trò chuyện như mẹ mong muốn mà lại ra nông nỗi này. Mẹ ơi, mẹ phải sống với con thêm một ít năm nữa. Mẹ cho con đi lại từ đầu. Mẹ cho con một cơ hội, một cơ hội để làm mẹ vui. Bây giờ thì con hiểu mẹ rồi.
Mẹ ơi! Mẹ ở lại với con, mẹ đừng bỏ con mà đi. Con sẽ đón mẹ mỗi chiều thứ bảy, nhất định không phải là cô Cheng mà mẹ đã thuê để làm công việc này. Chính tay con sẽ cắm những bình hoa đơn sơ nhưng có hồn để tặng mẹ. Mẹ sẽ không phải đặt từ tiệm những bình hoa như mâm xôi với nhiều màu sắc để tặng chính mình. Con sẽ đẻ thêm cho mẹ một đứa cháu để mẹ bồng ẵm, để mẹ thương yêu. Mẹ sẽ chỉ đến viện mồ côi khi lòng mẹ dâng lên một nỗi xót thương cho những đứa trẻ không may mắn. Con sẽ tập cho các cháu biết ăn mắm tôm, cá kho, dưa chua, bún thang có thêm giọt cà cuống…để cùng bà ăn những bữa cơm gia đình đầm ấm.
Mẹ ơi ! Mẹ ơi, cho con làm lại từ đầu mẹ nhé.
Lê Thị Nhị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét