Những nẻo đường mà Lý Bạch tưởng rằng khó đi thực ra chỉ vì không biết lựa chọn. Đã không biết lựa chọn mà tính tình lại cao ngạo thì khó đi là đúng rồi. Ông xếp chúng vào 3 nhóm (3 kỳ)
- Kỳ nhất gồm những nẻo đường dốc ngược, qúa sức leo trèo của ông như lội qua Hoàng Hà, leo lên núi Thái, bơi thuyền tới mặt trời…
- Kỳ nhị gồm những nẻo đường đi tới công danh sáng lạn và nguy hiểm mà ông không có gan theo như đường đi của Hàn Tín, Giả Nghị, Quách Ngỗi… cho nên ông đành chịu thất nghiệp, quanh năm rong chơi, ve gái và uống rượu rồi than rằng “đường đầy ma quái khó đi”.
- Kỳ Tam thuộc những nẻo đường mà Lý Tư, Khuất Nguyên… đã bỏ mình thì ông chê.
Mời thưởng thức Hành Lộ Nan kỳ nhị:
Nguyên tác Dịch âm
行路難其二 Hành Lộ Nan Kỳ Nhị
大道如青天 Đại đạo như thanh thiên,
我猶不得出 Ngã do bất đắc xuất.
羞逐長安社中兒 Tu trục Trường An xã trung nhi,
赤雞白狗賭梨栗 Xích kê bạch cẩu đổ lê, lật*.
彈劍作歌奏苦聲 Đàn kiếm tác ca tấu khổ thanh,
曳裾王門不稱情 Duệ cứ vương môn bất xứng tình.
淮陰巿省笑韓信 Hoài Âm thị tỉnh tiếu Hàn Tín,
漢朝公鄉忌賈生 Hán triều công khanh kỵ Giả sinh.
君不見 Quân bất kiến:
昔時燕家重郭隗 Tích thì Yên gia trọng Quách Ngỗi,
擁篲折節無嫌猜 Ủng tuệ chiết tiết vô hiềm sai.
劇辛樂毅感恩分 Kịch Tân, Nhạc Nghị cảm ân phận,
輸肝剖膽效英才 Thâu can phẫu đảm hiệu anh tài.
昭王白骨縈蔓草 Chiêu vương bạch cốt oanh mạn thảo,
誰人更掃黃金臺 Thùy nhân cánh tảo Hoàng Kim đài?
行路難,歸去來 Hành lộ nan! Qui khứ lai….
Chú giải:
Đạo: đường cái.
Tu: thẹn, xấu hổ.
Trục: đuổi theo.
Xã: tập hợp nhiều người.
Đố: đánh bạc.
Lê, lật: cây lê, cây lật.
Duệ: dẫn dắt.
Kiết cứ: vừa tay vừa mồm cùng làm việc, bận rộn làm.
Tỉnh: giếng.
Kỵ: ganh ghét.
Tích thì: thời xưa.
Ủng: ôm, giữ lấy.
Tuệ: cái chổi, quyét.
Chiết tiết: tự hạ mình.
Hiềm: ngờ.
Sai: hiềm nghi.
Phân: chia ra.
Thâu: nộp, đem gan mật ra.
Hiệu: ra sức.
Anh tài: xuất sắc.
Oanh: vòng quanh.
Mạn: cỏ bò dưới đất.
Man: cành cây bò lan ra.
Cánh: lại lần nữa.
Táo: quét.
Hoài Âm: Giờ là huyện Hoài Âm tỉnh Giang Tô. Hàn Tín Được phong Hoài Âm Hầu là dùng tên của nơi đây.
Hàn Tín: người dất Hoài Âm, thời Hán Sở tranh hùng, thuở nhỏ bị nhục phải chui qua háng người hàng thịt, lớn lên làm đại tướng cho Lưu Bang
Gỉa Sinh: là Gỉa Nghị, người Lạc Dương thời Hán, hồi nhỏ nhiều tài, làm quan đến chức Trung đại phu.
Quách Ngỗi: Người nước Yên thời Chiến Quốc, Chiếu vương xây đài tôn làm thày. Nhạc Nghị, Kịch Tân nghe vậy bèn tới giúp sức, nước Yên đại trị.
Kịch Tân: Người Chiến Quốc, Yên Chiêu vương chiêu hiền, Kịch Tân từ Triệu qua, được giữ chức quốc chính.
Nhạc Nghị: Người thời Chiến Quốc, làm công khanh nước Yên, dẫn quân 5 nước phạt Tề, hạ 70 thành của Tề.
Chiêu vương: là Yên Chiêu vương thời Chiến Quốc, xây Hoàng Kim đài, đem ngàn vàng để trên đài để đãi thiên hạ anh hùng. Đài bây giờ còn ở đông nam Bắc Bình.
Dịch thơ
Đường Đi Khó Kỳ Nhì
Đường rộng như trời xanh
Làm sao ta đi nổi?
Thua cả Trường An lũ hậu sanh,
Đá gà đấu chó chung lê ổi(*).
Vỗ kiếm thay đàn hát khổ sầu.
Về triều dâng biểu đã không cầu.
Hoài Âm kẻ chợ chê Hàn Tín.
Giả Nghị công khanh uất hận sâu.
Anh chẳng thấy:
Yên gia thuở nào tôn Quách Ngỗi,
Tự cầm chổi quét Hoàng Kim Đài.
Kịch Tân Nhạc Nghị hoàng ân đội,
Phơi gan rút ruột dốc chân tài.
Chiêu vương xương trắng vùi cỏ rối,
Còn ai để quét Hoàng Kim Đài?
Đường đi khó! Về đi thôi!
(*)Lê, lật: quả lê, quả lật; dịch là lê, ổi cho hợp vần (ý thì tương đương, vẫn là chung được thua trong trò chơi đá gà bằng trái cây).
Lời Bàn:
Kỳ nhì có 16 câu, văn phong thuần túy bác học với 7 điển tích.
- Bốn câu đầu nói sơ qua về sự bất cập của mình.
- Hai câu 5 & 6 tỏ ý chí quyết tâm từ bỏ con đường công danh (không thèm về triều cầu cạnh), chỉ rong chơi, ca hát cho qua ngày.
- 10 câu kế tiếp, dùng 7 điển tích để nói lên những lý do khiến mình né tránh những chức vụ của triều đình. Không bắt chước Hàn Tín để người đời chê khi bị Lữ hậu chém đầu. Không theo Gỉa Nghị để sau này uất hận. Coi thường Quách Ngỗi, Kịch Tân, Nhạc Nghị đã phơi gan rút ruột phò chúa nhưng sau này cũng không được yêu chuộng nữa.
- Câu chót quyết tâm quy ẩn.
Họ Lý đã rất kín đáo lồng tính cao ngạo của mình trong cái áo khiêm nhượng làm cho bài thơ đễ được yêu thích. Trong bài này ông nêu lên 7 điển tích để giải thích sự coi thường danh lợi của mình (thực ra thì ông đã thất bại trong chủ trương cầu cạnh nó). Tuy nhiên bài thơ đã chứng tỏ tài văn thơ siêu việt của ông.
Con Cò
***
Đường Đi Khó Kỳ 2
Đường rộng như trời xanh
Chỉ ta đi không được
Hùa theo lũ trẻ chốn Trường An
Gà tía, chó cò, lê, dẻ cược!
Búng kiếm, hát lên, khổ giọng thanh
Xắn áo cửa vua chẳng xứng tình
Phố chợ Hoài Âm cười Hàn Tín
Hán triều quan tướng kỵ Giả sinh
Anh không thấy?
Thuở trước nhà Yên trọng Quách Ngổi
Ôm chổi, khom lưng chẳng dám sai
Kịch Tân, Nhạc Nghị cảm ân nghì
Phanh gan, mổ mật tỏ anh tài
Chiêu vương xương trắng đầy cỏ dại
Ai người thay quét Hoàng Kim đài?
Đường gian nan, về đi ngay…
Lộc Bắc
Juil21
***
Đường Đi Khó Kỳ 2
Đường lớn như trời xanh,
Lên đường ta không thể.
Thẹn theo lũ trẻ Trường An thành,
Gà điều chó trắng đặt lê, dẻ.
Lấy kiếm đàn ca dẫu thảm thương,
Tấu sớ triều đình chẳng đáng cương,
Hoài Âm phố chợ cười Hàn Tín,
Giả Sinh bị Hán quan coi thường.
Anh đâu biết,
Thủa ấy Nhà Yên quý Quách Ngỗi,
Cầm chổi hạ mình dám ngại sao!!
Kích Tân, Nhạc Nghị vì ân sủng,
Phơi gan rút ruột hiến tài cao.
Chiêu Vương xương trắng vùi trong cỏ,
Quét Hoàng Kim thế chỗ ai vào.
Đường đi kho ́!! về đi nào...
Mỹ Ngọc
May 8/2022.
Góp ý cho bài Hành Lộ Nan Kỳ Hai.
ÔC chọn mấy bài Hành Lộ Nan rất trúc trắc, làm BS cũng khốn khổ,
cũng “ hành lộ nan “ như tác giả.. Sau khi gồng mình làm bài kỳ nhất,
đang tính bỏ cuộc thì thấy bài hai toàn điển tích, trúng ngay tủ của
mình nên BS mới
còn chút hứng thú mà tiếp tục. Và ba hoa một chút về điển tích để ACE đọc chơi cho vui.
Hàn Tín: Người quận Hoài Âm, nước Sở. Tín mồ côi, nhà nghèo,
kiếm ăn bằng nghề câu cá, nhưng lại hay mang kiếm đi lại trong chợ, nên
có lần, một gã bán thịt thấy ngứa mắt, thách Tín đâm hắn, nếu không
giám thì chui qua háng của hắn mà đi. Tín chịu
nhục, chọn cách sau, làm mọi người đều chê cười. Có lần đói quá, Tín
được bà giặt áo ( phiếu mẫu ) cho ăn chén cơm. Tín cảm tạ, hứa sau này
sẽ trả ơn ngàn vàng. Mới đầu, Tín theo Hạng Võ, không được trọng dụng,
chỉ làm chấp kích lang, là lính hầu. Tín chán
quá, bỏ Sở, theo Hán, cũng không khá hơn. Trương Lương biết tài của
Tín, đem tặng thanh Can Tương, là nguyên nhung kiếm, nhưng chỉ đến khi
Hạ Hầu Anh và Tiêu Hà tiến cử, Lưu Bang mới miễn cưỡng phong Tín làm Đại
tướng. Quả nhiên, Tín giúp Lưu Bang, diệt Hạng
Võ, lập nên nhà Hán, được phong là Hoài Âm Hầu. Lưu Bang vẫn nghi Tín
làm phản, nên bầy kế “ ngụy du Vân Mộng “bắt Tín, tước hết binh quyền,
nhưng không nỡ giết. Khi Bang thân chinh đi đánh Hung Nô, ở nhà, hoàng
hậu Lã Trĩ mới tìm cớ để giết Tín. Câu “ Hoài
Âm thị tỉnh tiếu Hàn Tín “ là để chê Tín chui qua háng.
Giả Sinh: Tức là Giả Nghị, làm chức bác sĩ đời Hán Văn Đế,
vì đồng liêu ghen tài, xàm tấu, bị biếm tới Trường Sa. Sau vua triệu về
triều, cho vào chầu ban đêm, không hỏi về kế an dân, lại hỏi chuyện tào
lao, như bài thơ Giả Sinh của Lý Thương Ẩn:
Khả liên dạ bán hư tiền tích,
Bất vấn thương sinh, vấn quỷ thần .
Thương thay, nửa đêm vua để ghế trống cho ngồi trước mặt,
Không hỏi chuyện nhân dân, mà hỏi chuyện quỷ thần.
Giả đau buồn mà chết khi 33 tuổi.
Khi ở Trường Sa, Giả có căn nhà còn được giữ lại như một di tích
lịch sử, nên sau này có bài Trường Sa Quá Giả Nghị Trạch của Lưu Trường
Khanh
và Quá Giả Nghị Cựu Cư của Đái Thúc Luân.
Quách Ngỗi: Là một viên quan nhỏ nước Yên, đời Chiêu Vương. Vua muốn
tìm nhân tài để giúp cho nước hùng mạnh, hỏi ý các quan, thì Quách tâu :
ngày xưa, một vị hoàng đế, muốn có thiên lý mã, nên sai người đem
ngàn vàng đi mua, nhưng khi tới nơi thì nó đã chết. Người sứ thần đó
liền bỏ 500 vàng, mua bộ xương đem về dâng vua và trả lại 500. Vua giận
quá, tính chém đầu, thì sứ thần tâu: xin bệ hạ
bớt giận. Nếu thiên hạ biết nhà vua bỏ 500 vàng để mua xương của thiên
lý mã, thì họ sẽ đem thiên lý mã tới kinh đô mà bán, không cần đi tìm.
Quả nhiên, vị hoàng đế đó mua được rất nhiều ngựa tốt. Xin bệ hạ coi
Ngỗi này như bộ xương ngựa, thì nhân tài khắp
nơi sẽ về phò tá. Chiêu Vương bèn xây phủ đệ cho Quách Ngỗi, cung kính
như bực thầy, lại xây Hoàng Kim Đài để tiếp đón những bậc hào kiệt. Quả
nhiên, có nhiều người tới đầu quân, làm quan nước Yên như Kịch Tân, Nhạc
Nghị.
Kịch Tân: Người nước Triệu, bạn của Bàng Noãn, vốn cùng Lý
Mục là danh tướng của Triệu. Khi Yên Chiêu Vương xây Hoàng Kim Đài để
cầu hiền, Kịch Tân qua làm quan nước Yên. Kịch là tay học vấn uyên bác,
viết nhiều sách, nhưng không giỏi về quân sự.
Khi ông đang làm tướng quốc thì bị vua Chiêu Vương sai đi đánh Triệu,
nhân lúc danh tướng của Triệu là
Liêm Pha vừa bỏ đi. Ngờ đâu, Bàng Noãn chẳng kém gì Liêm Pha, khi
đối trận, không vì tình bạn với Kịch Tân mà nương tay, nên quân Yên đại
bại,
Kịch Tân phải tự tử mà chết, vì ta còn mặt mũi nào mà gặp nhà vua.
Nhạc Nghị: Người nước Nguỵ, sau mới qua Yên theo lời chiêu
hiền của Chiêu Vương. Nghị là hậu duệ của Nhạc Dương, người đánh Trung
Sơn, ăn thịt con là Nhạc Thư, mà mình đã kể trên diễn đàn trước đây.
Chiêu Vương phong Nghị là Á Khánh, cử làm tướng,
thống lãnh quân của liên minh Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ và Sở để đánh Tề.
Khi hạ được kinh đô Lâm Tri, các nước rút quân, Nghị chiếm gần hết nước
Tề, chỉ còn 2 thành là Cử và Tức Mặc. Năm 279 TCN, Chiêu Vương chết, Huệ
Vương lên thay, bị kế phản gián của Điền
Đan nước Tề, cách chức Nghị, triệu về triều, sai Kỵ Kiếp ra thay. Nghị
vừa nản, vừa sợ, bỏ qua Triệu. Kỵ Kiếp thua, bị giết, Điền Đan khôi phục
lại được nước Tề. Huệ Vương hối hận, viết thư xin lỗi, gọi về Yên. Nghị
trả lời rất cung kính, nhưng từ chối lời
mời. Vua Yên thương tình, phong cho con Nghị là Nhạc Gian, làm Xương
Quốc Quân.
Kịch Tân và Nhạc Nghị đúng là thâu can, phẫu đảm: người thì
tự tử để đền ơn tri ngộ, người thì đã ra công hết sức, mà khi bị cách
chức, vẫn cung kính, không oán hận, không phản bội.
Những chữ khó, ÔC đã giảng rồi, BS không ghi thêm cho dài dòng.
Đàn kiếm, BS dịch là vỗ gươm cho ra vẻ Việt Nam.
Bất xứng tình, dịch là chẳng hạ mình, theo cách hiểu của BS, là Lý không muốn hạ mình trước sân rồng để cầu quan tước.
ĐƯỜNG ĐI KHÓ, KỲ HAI.
Đường rộng tựa trời xanh,
Mà ta đi không xuể,
Thẹn vì theo đám nhỏ Trường An,
Đấu gà chó cá bằng lê, dẻ.
Vỗ gươm mà hát, nghe đắng cay,
Lê áo sân vua chẳng hạ mình,
Chợ tỉnh Hoài Âm cười Hàn Tín,
Công khanh triều Hán ghét Giả Sinh.
Anh chẳng thấy:
Thủa trước nhà Yên quý Quách Ngỗi,
Cầm chổi, khom lưng không ái ngại,
Kịch Tân, Nhạc Nghị cảm ơn vua,
Dâng gan, mổ mật trổ kỳ tài,
Xương trắng Chiêu Vương vùi cỏ dại,
Ai người đến dọn Hoàng Kim Đài,
Đường đi khó, về đi thôi.
Bát Sách.
( 09/05/2022 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét