Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Những Giọt Lệ Cho Một Đóa Quỳnh

 


Có những sáng chủ nhật sớm bửng đang cuộn mình trong chăn lơ mơ nằm nướng thì điện thoại reo. Lần nào em cũng cười khúc khích: “reng giờ này họa may bắt được chị, để chậm lát nữa dễ dầu chi phải không?” Thủ thỉ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất xong em ra lệnh: “Thôi, dậy cho rồi bà chị ơi, nướng nữa coi chừng cháy mền cháy gối”. Mà quả thật nhìn ra cửa sổ mặt trời đã lên quá mấy ngọn thông cuối vườn.

Có những lần em nôn nóng không thể chờ đến cuối tuần mà phải gọi ngay vào sở để đọc cho tôi nghe Vô Đề của Giả Đảo hoặc Tử Khâm trong Kinh thi, và khi tôi trêu ghẹo: “Stop Quỳnh ơi, lộn địa chỉ rồi. Hán văn chị chỉ biết hai câu: “nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn”. Mặc kệ, đọc tôi không nghe thì em nhất định fax qua với lời chú giải rõ ràng khúc chiết: “thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm, túng ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm …”
Đêm không ngủ được em gọi: “Ở đây trăng sáng quá, đẹp lắm, bên chị có thấy trăng của em?”. 

Nhìn đồng hồ tôi giật mình la lên: “Quỳnh biết mấy giờ rồi không? Lại một đêm mất ngủ?” Em cười cười trấn an: “Em làm một giấc rồi, chi yên tâm, thức giờ này mới thấy trăng đẹp chứ”. Rồi em rủ rê: “Mình làm thơ chơi nghe chị”, vậy là “thi hào” và “thi bá” chúng tôi có được mấy câu thơ làm quà cho nhau:

Nguyên

Có một vầng trăng không xẻ đôi
từ em, bên ấy rất xa xôi,
dịu dàng rãi xuống trên vườn chị,
những mảnh tơ vàng lóng lánh rơi.
Vẫn một vầng trăng đầy rồi vơi,
là tâm an lạc giữa trần ai,
là con nước mãi, lên rồi xuống,
trần thế trong ta, một nụ cười.

Và em họa lại:

Hợp

Sáng mãi một vầng trăng lẻ loi,
thầm soi hình dáng kẻ xa xôi,
long lanh từng phím tơ vàng tỏa,
đọng khóe mi buồn giọt lệ rơi.
Vẫn một vầng trăng sáng chẳng vơi,
cùng em lưu lạc giữa trần ai,
an nhiên tự tại quên như nhớ,
để sáng trong nhau mãi nụ cười.

Dưới con mắt dí dỏm của em thơ đã trở thành hai con nguyên và hợp trong cỗ bài mã chược, cho đủ đôi trong cuộc cờ nhân thế, như em bảo.

Viết cho em nếu tôi ký Sông Hương em sẽ nghịch ngợm đáp lại với tên Núi Ngự, thư nào tôi ký Sư Tỷ thì em sẽ viết cho tôi ký tên tên Sư Muội. Khi trận lụt lịch sử năm 1999 tràn ngập miền Trung ốm yếu của chúng tôi, mọi người kêu gọi nhau đóng góp cứu lụt thì bên kia đại dương xa xôi đang lúc đau ốm em cũng nhất định phải chung tay góp sức. Dù là khi tổ chức xong bữa cơm văn nghệ gây quỹ thì em

cũng quỵ luôn, nằm bẹp dí một chỗ em ráng gọi qua đùa nghịch: “Chị là đại thủ quỹ bên nớ, gọi tắt là Đại Quỷ, còn em tiểu thủ quỹ bên ni tức là Tiểu Quỷ … ha ha”. Từ đó viết thư cho nhau tôi nghiễm nhiên được em khai sinh thêm với cái tên Đại Quỷ.

Những hôm em bịnh la liệt tôi gọi sang đùa cợt cho em đỡ buồn: “này, bà lang băm, em phải ráng mạnh để chữa cho thiên hạ, lương y đâu có quyền xìu xìu ển ển như Quỳnh vậy”, em đã gắng gượng cười: “Người ta lương y như từ mẫu, còn em lương y như kế mẫu thôi chị ơi. Mạnh hết nỗi rồi”. Nói vậy nhưng chỉ dăm ba bữa sau em phóng một bài thơ khác, thuờng thường em vẫn cho là thơ con cóc, để trấn an bà chị ở xa:

Nhớ chị nhiều ghê lắm chị ơi,
bữa nay em đã khỏe hơn rồi,
cám ơn thư chị luôn thăm hỏi,
đượm ngát thuơng yêu thắm nụ cười.

Cũng có hôm tôi không khỏe, mùa đông xứ tuyết lạnh lẽo cảm cúm mãi không dứt. Vừa nói chuyện với em vừa ho sù sụ, tôi đề nghị: “Kim Hoa bà bà này cứ sủa hoài bắt mệt, Tiểu Quỷ làm ơn chẩn mạch bốc cho chị một thang, hy vọng bữa sau nói chuyện song suốt hơn chăng” !!! Và em đã sốt sắng gởi cho tôi một toa thuốc, trên giấy có tiêu đề tên bác sĩ, địa chỉ, số điện thoại, ký tên và đóng dấu đầy đủ với chữ viết ngoằng ngoèo, đọc xong cái toa của em con mắt tôi cũng muốn mơ huyền:

Ôi Trời Đất quỷ thần ơi,
Sông Hương Đại Quỷ ho mời lão gia,
Tiểu đại phu đang què giò,
bốc đại toa thuốc bài thơ Nam Tào,
chữ tuy ngoáy giống cào cào,
bảo đảm tỷ tỷ bức nhào cơn ho.

Giữa những lời lẽ đùa nghịch rất tếu của em là cái tình cảm đậm đà trân quý em vẫn luôn dành riêng cho Huế, cho Trường và nhất là cho thầy cô, bạn bè. Em khoe với tôi, hớn hở: “Chị biết tên cô Giáng Châu mới đặt cho em chưa, Châu Quỳnh, có nghĩa em là một trong những Châu Thi, Châu Thúy, Châu Thiều của Me. Me còn dọa nếu em không lo ăn ngủ đàng hoàng thì Me sẽ đét roi vào đít” … Cũng như khi em nhận được gói ô mai cam thảo hay gói mứt gừng tôi gởi qua em cũng hớn hở, hồn nhiên: “Được quà của chị đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Có người cưng mình đã thiệt”. Em cho tôi cái cảm tưởng em là con cá bơi lội tung tăng trong giòng sông tình cảm của chúng tôi một cách hạnh phúc.

Ở cách muôn trùng em vẫn nhớ,
Thầy cô, bè bạn khắp nơi nơi,
dù ngày Phượng Vỹ không về được,
tình Huế trong em mãi tuyệt vời.

Nhớ lại buổi họp mặt Phượng Vỹ vào một ngày đầu thu năm nào. Gặp nhau lần  đầu sau bao nhiều năm nghe tên, nghe tiếng. Cái vẻ thông minh, dí dỏm, nghịch ngợm của em khi lăng xăng chỗ này chỗ kia, giúp dời cái bàn, đăt thêm cái ghế, giúp các chị sửa lại những bình hoa, ghé thăm bàn bán sách, ngồi với các chị ở bàn tiếp tân … em đã làm tôi chú ý. Vẻ thân thiết, hòa trộn với mọi người, vẻ tự nhiên như nhiên của em đã khiến tôi và nhiều người cứ nghĩ em là một thành viên lâu ngày của nhóm mà không phải là một khách phương xa chúng tôi phải đón tiếp, thù tạc theo phép xã giao thông thường. Cái vẻ hăng hái hồn nhiên đó. Tấm lòng tha thiết với mọi người mọi việc đó. Nhất là tha thiết với Huế, với Phượng Vỹ, với trường xưa, thầy cũ quả là những nét rất đặc biệt của em mà thoạt gặp ai cũng thấy và càng tiếp xúc càng đậm đà rõ rệt.

Dáng người mảnh khảnh, gầy gò lại đau yếu đủ thứ, thần kinh tọa một thời làm em điêu đứng, nằm ngồi không yên, chứng thấp khớp làm tay chân thêm nhức nhối, rồi Thyroid có vấn đề mỗi ngày phải “nạp” – chữ của em – nhiều thứ thuốc càng lảm em xuôi xị, đã vậy trái tim rất lãng mạn của em cứ chơi cái trò hững hờ, lúc muốn đập lúc muốn ngừng làm em thêm chới với. Vậy mà tất cả các thứ đó cọng thêm sức ép của công việc, của đời sống, của tình cảm riêng tư vẫn chưa hề ngắt được nụ cười trên môi em, vẫn chưa làm mờ được nguồn sáng long lanh trong đôi mắt thông minh đầy nghị lực của em, vẫn chưa tắt được tiếng hát véo von những khi em cao hứng muốn cho tôi nghe qua điện thoại viễn liên một bản nhạc vừa được em hoàn thành, bất luận lúc đó là 2 hay 3 giờ sáng từ nơi em ở.

Trong mắt tôi em như con sóc nhỏ lanh lợi, nhảy nhót, vui đùa trên từng phím nhạc, từng nét vẽ, từng lời thơ xuất từ khối óc đầy sáng tạo, từ trái tim nồng nàn tình cảm và từ đôi bàn tay rất đỗi tài hoa. Và trên tất cả những nét nghệ sĩ rất tài tử kia là tấm lòng thuơng yêu vô tận của em đối với những người bệnh, những con người đau yếu cần đến bàn tay chuyên khoa của em giúp đỡ. Những buổi đi khám bệnh xa trở về trong chiều tối lạnh lẽo, đói và mệt, nằm dài trên giường em bấm số gọi tôi và kể: “Chị ơi, em mệt đến nỗi muốn xỉu, đã định từ chối không đi nhưng nghĩ đến những người già vừa bịnh vừa cô đơn em không thể nào không đến với họ”.

Có hôm em bị đau chân không thể lái xe, đang đi bộ lết bết trên đường thì thấymột ông cụ liêu xiêu sắp ngã, quên phứt cái chân đau em co giò phóng tới, đỡ được ông cụ thì em vẹo luôn cẳng chân phải nằm một chỗ. Vậy mà em vẫn hăm hở: “Chị ơi, nằm một vài ngày nữa chắc em buồn mà chết, dù nằm ở nhà được đọc sách, được viết thư và làm thơ, nhưng ngày mai chắc em phải chuồn ra khỏi nhà thôi, nằm đây em nhớ … bệnh nhân của em” !!!

Giọng em, dù đang lúc “mệt muốn xỉu” hay “đói gần chết” vẫn luôn luôn mang cái âm hưởng ríu rít, reo vui và tràn đầy sức sống, yêu đời, yêu người, vì vậy khi em hát cho tôi nghe ca khúc mới sáng tác:

Tôi là người y sĩ,
lạc đường vào thi ca.
Tôi là người thi sĩ,
lạc dường vào y khoa …

thì tôi đã rất thành thật nói với em cảm nghĩ của mình: “đường nào coi bộ cũng là chính đạo, có thấy Quỳnh đi lạc chỗ nào đâu”.
Tháng ngày lặng lẽ qua mau. Cái thân tình bắt đầu từ ngày họp mặt Phượng Vỹ Toronto xứ lạnh năm nào đã mỗi lúc một thêm ràng buộc, khắng khít. Khi mà mỗi người trong chúng ta là một ốc đảo lẻ loi giữa biển đời thì sợi dây thân ái từ cái gốc trường xưa, thành phố cũ quả là những tiếng gọi thân yêu đầy quyến rũ.
Phương chi từ hằng hà sa số những ốc đảo đó có những tín hiệu được phát ra. Một nụ cười. Một cử chỉ. Một ánh mắt. Một câu nói. Một lá thư. Và khi tín hiệu của người này chạm vào người kia cùng một làn sóng, một từ trường. Lan tỏa và thấm dần vào tâm hồn nhau để hình thành những tình cảm mến thuơng, gắn bó. 

Từ nước Bỉ xa xôi em đã đến với chúng tôi bằng nụ cười tươi tắn, dù trên vầng trán em vương nhiều nét suy tư khắc khoải. Ánh mắt em nồng nàn, ấm áp dù mái tóc đã quá nhiều sợi bạc trước tuổi. Và ngày gặp nhau tín hiệu em gởi cho tôi là mấy câu thơ em đã tinh nghịch viết vội vàng trên một tấm khăn ăn bằng mực tím. Quả là đúng tần số. Thơ và mực tím. Màu tím dễ thuơng ngàn đời của những cô học trò xứ Huế. Và những giòng chữ em viết giữa tiệm ăn bỗng dưng làm tôi xúc động nhớ về những cuốn lưu bút gò gẫm trong biết bao mùa hè đầy hoa phượng đỏ giữa sân trường vang vang tiếng ve trên những tàng cây xanh đứng im dưới bầu trời chói chang nắng hạ. Và cũng thật tình cờ sáng hôm sau vào sở cây quỳnh nhỏ ở cửa sổ phòng làm việc của tôi bỗng trổ hoa lần đầu. Nghĩ đến em tôi nâng niu cắt nụ hoa quỳnh đã xuôi cánh nhưng vẫn còn mọng nước trắng ngần, cẩn trọng ép hoa vào giữa trang giấy tím cùng mấy dòng thơ làm quà tiễn em về Bỉ. Cũng từ đó những làn sóng giữa hai chị em mình đã dàn trãi và lan rộng ra mãi, êm đềm ràng buộc hai chúng ta lúc vui cũng như lúc buồn, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau yếu, giữa những tiếng cưới khúc khích quấn mình trong chăn ấm thì thầm nói chuyện hằng giờ, cũng như những đêm thao thức cùng nhìn qua cửa sổ tìm vầng trăng lặng lẽ vằng vặc giữa trời khuya. Đã nhiều lần em bảo: “Những lá thư của chị và của Me Giáng Châu em giữ hoài trên đầu giường để đọc đi đọc lại như những lá bùa an ủi mỗi khi em cảm thấy bơ vơ”.

Giữa những lo buồn nặng trĩu của cuộc sống hằng ngày lẫn những phiếm luận về văn chương thi phú, giữa những hệ lụy đời thuờng đến những điều hay lẽ phải tìm thấy trong kinh sách chúng ta đã gặp nhau và chia sẻ với nhau nhiều điểm. Thật nhiều điểm tương đồng. Chỉ duy nhất một điều chúng ta đã bất đồng ý kiến. Khi sức khỏe cũng như tinh thần của em ngày càng hao hụt, có lúc em bảo: “Em hết yêu đời, hết muốn sống rồi chị ơi. Em cảm thấy thật cô đơn và chán nản, tinh  thần cũng như thể xác quá mệt mỏi rã rời. Em chỉ muốn làm được như mấy ông thần ngày xưa, huơ cây gậy lên và hô biến rồi biến mất tiêu ra khỏi cuộc sống phiền não này”. Tôi đã kịch liệt phản đối bởi theo tôi em không hề cô đơn. Bởi quanh em, gần cũng như xa, có biết bao nhiêu người thuơng yêu, quý mến và cần em. Bên cạnh em còn có cháu QG, cô con gái cưng mà em đã dồn tất cả mọi thứ tình thuơng, vừa mẫu tử vừa phụ tử vừa là tình bạn thân thiết, gần gũi suốt 18 năm trời quấn quít giữa hai mẹ con. Và trí óc, trái tim và đôi bàn tay của em vẫn còn là nguồn an ủi vô biên cho biết bao nhiêu người đang cần đến sự giúp đỡ của em. Những bệnh nhân già yếu nếu vắng em họ sẽ lạc lõng bơ vơ biết mấy.

Em có nghe lời phản đối của tôi không? Có lẽ có. Cũng có lẽ không. Bởi có một thời gian em không nhắc đến những suy nghĩ tiêu cực này nữa. Cho đến một hôm, buổi chiều 12 tháng giêng, vào lúc 4 giờ, lúc tôi đang dở tay nấu nướng chuẩn bị cho buổi tối đãi khách, những người khách của tôi em đều quen và thân thiết, là Thầy Me, là Thầy Cô P. là Bùi X. N. đại ca và chị H., là cô Quỳnh lớn – toàn những tên do em đặt cho họ – thì em gọi. Tiếng em nghe thật xa, yếu ớt và rã rời: “Chị ơi, em biết chị đang làm bếp, cho em gởi lời chào tất cả mọi người. Em cảm thấy mệt và chán lắm không biết có qua khỏi con trăng này không”. Vừa đặt bánh vào nồi hấp tôi vừa hỏi: “Em đã ăn gì chưa, gần 10 giờ đêm rồi, em uống đủ thuốc chưa?” và khi nghe em nói em chưa ăn gì, đang còn nắm thuốc trong tay, tôi vội vã dục em: “Quỳnh ơi, tại đói nên mới mệt như vậy, ăn chút gì đi em, soup gói cũng được” và tôi dỗ dành em như dỗ dành em bé, không hề nghĩ là tôi đang nói với một bác sĩ: “Quỳnh ráng lên, ăn chút soup nóng, uống ly sữa nóng, rồi lên giường nằm, đừng suy nghĩ gì nữa, ngủ một giấc đến sáng mai sẽ hay nhe em,
giống như cô nàng Scarlett O’Hara, cứ tin ngày mai sẽ là một ngày khác tốt đẹp hơn ngày hôm nay”. Và em đã cười cười hứa với tôi em sẽ làm như vậy.

Tối hôm đó, đêm 12 tháng 1, 2001, trong không khí ấm áp của buổi họp mặt mọi người đã chia sẻ với nhau nỗi lo lắng về em, về bệnh tình, sự cô đơn và trầm cảm của em. Chia tay nhau chúng tôi mong mau đến sáng để có thể liên lạc với em, để nghe tiếng em dù vui dù buồn … nhưng đau đớn thay mong mỏi của chúng tôi đã trở thành vô vọng. Tin xấu đến với mọi người như một tia chớp, như tiếng sấm nổ giữa trời quang, như một cơn ác mộng và với tôi là một nỗi ám ảnh không rời.

Quỳnh ơi, hôm nay mọi người lại họp mặt, nhưng không phải họp ở nhà Thầy Me, cũng không phải ở nhà Thầy Cô P., nhà BXN đại ca hay nhà Sư Tỷ Sông Hương. Mọi người đang phải họp mặt ở chùa để nhìn em trên kia sau lớp khói hương lãng đãng. Qua màn nước mắt tôi nhìn thấy nụ cười của em lung linh giữa lời kinh tiếng kệ, giữa tiếng chuông tiếng mõ, giữa thực và ảo. Không thể nào tin là em đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống này một cách lẹ làng kỳ cục như vậy. Dường như em chỉ trêu ghẹo chúng tôi, dọa cho chúng tôi, những người yêu quý em, sợ chút chơi như bản tính nghịch ngợm của em vẫn vậy. Dường như em chỉ bỏ đi đâu đó một chốc. Rồi em sẽ trở về gọi điện thoại qua đây để được nói chuyện với tất cả mọi người khi em biết sẽ có một buổi họp Phượng Vỹ ở nhà ai đó. Gọi để cập nhật tin tức về thành tích “khổ khuyến” cho Phượng Vỹ của em bên Bỉ. Gọi để chọc ghẹo cho mọi người cười vui và nhớ em. Nhưng lần này thay vì chọc cho mọi người cười thì em lại làm cho chúng tôi rơi nước mắt.

Tiểu Quỷ ơi, rõ ràng chưa có ai chia tay mà làm cho mọi người khóc thuơng nhiều như em. Từ Âu Châu, xứ Bỉ thơ mộng xa xôi, mà tôi đã lỗi hẹn với em một lần chưa kịp tới, cho đến Cali. nơi các Thầy Cô và bạn bè tưởng nhớ em tại Chùa Liên Hoa. Rồi ở đây Toronto miền đất lạnh tình nồng mà em đã lưu nhiều dấu ấn. Ở Montreal nơi có nhiều sư huynh sư tỷ đồng môn của em. Cũng như ở quê nhà, xứ
Huế vô cùng thuơng yêu của chúng ta, nơi thầy cô và rất đông bạn bè họp nhau cùng cầu nguyện cho em ở Chùa Thuyền Lâm. Và có thể còn nhiều nơi khác mà tôi không được biết.

Tiểu Sư Muội thân yêu ơi. Từ nay những nỗi đau, những gánh nặng, những khắc khoải về gia đình, về xã hội đã hoàn toàn rời khỏi đôi vai gầy guộc của em. Hãy là con sóc nhỏ vui đùa trên những ngọn thông. Hãy là nốt nhạc vang lên thánh thót trong buổi sáng. Hãy là những giòng thơ viết vội trong những đêm trăng sáng lung linh. Hãy thật sự an nghỉ nghe em. Dù không bao giờ chúng ta còn nghe, còn thấy được nhau nhưng em biết rõ mà, giữa bao nhiêu sóng gió gập ghềnh trắc trở của cuộc sống em đã và mãi mãi có một chỗ đứng trong lòng chúng tôi, trong trái tim của tất cả mọi người có cơ duyên gặp gỡ và quen biết em trong cõi tạm này.

Dù biết nhiều hay ít, quen sơ hay thân, em đã để lại trong chúng tôi nỗi nhớ thuơng sâu đậm nhất. Và chân thành nhất.

Em bỏ đi rồi giữa cuộc chơi,
đóa tinh khôi đứt đoạn nửa đời,
hương Quỳnh vương lại ngàn thuơng tiếc
em chứa chan hoài giữa chúng tôi.

Sông Hương
Toronto, tháng 1, 2001.
Vô cùng thương nhớ Hoàng Ngọc Quỳnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét