Đêm Trăng Thu Phiêu Bồng Cùng Thiền Sư Tuệ Sỹ.....
“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” là một câu thơ của Thiền Sư Tuệ Sỹ mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi trên những chuyến phiêu bạt, giang hồ khắp đó đây. Ngày đi, tháng đi, năm đi và đời người cũng đang chuyển dịch đi qua. Đi như Thiền sư Tuệ Sỹ “Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng. Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.” một cuộc ngao du bằng tâm bềnh bồng chơi vơi giữa cuộc vô thường:
“Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Tồn sinh rụng cánh hồng”
“Nơi đây, sa mạc cứ vẫn thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan hết những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt.” Tuệ Sỹ đã nói như thế trong Vô Môn Quan giữa một chiều xa xưa bữa nọ và mãi đến bây giờ. Âm ba từ thiên thu vọng lại tiếng gọi của hư vô, leo lên trên tuyệt đỉnh cô phong, ngút ngàn ngoài ven trời vạn dặm giữa trùng khơi, hoang đảo sóng rạt rào:
Ngút tận mù khơi trời hoang đảo
Trèo lên tuyệt đỉnh núi lặng im
Im lặng lắng nghe mây ngàn hát
Vang vọng nghìn năm biết bao niềm
Nghìn năm sóng vỗ trào vô ngã
Rạt rào trên biển lớn mênh mông
Tứ đại phù du bèo bọt nổi
Sóng tan thành nước chảy theo dòng
Bùi Giáng đã nhận xét về Tuệ Sỹ “Bởi vì, cách điệu của Thi ca vốn dĩ phiêu hốt, khơi vơi, lãng đãng, nên bờ biếc bích ngạn chiêu hoa như một nơi chốn thong dong thánh thót. Thảm kịch khốn cùng dù có đổ ào lên Thi ca đến mấy đi nữa, Thi ca vẫn như điềm nhiên, ngao du theo ngày tháng, trong ngày tháng ngao du.” Ngao du trên phong vận tài hoa, nhập cuộc cùng buồn vui, mộng huyễn ta bà:
“Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao”
Thi ca là suối nguồn bất tận, chảy hoài từ thiên vạn cổ đến nay, như nhà thơ Saint John Perse tỏ bày trong dịp nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1960 :“Người thơ đã có trong con người ăn lông ở lỗ, người thơ vẫn sẽ có trong con người thời nguyên tử, vì người thơ là một phần tử bất khả phân của con người. Chính từ sự đòi hỏi của thơ, của tâm, làm phát sinh tôn giáo và nhờ duyên thơ mà tia lửa thiêng sống mãi trong khối đá người. Khi mọi thần thoại sụp đổ hết thì thơ là chỗ ẩn cuối cùng của cái tối linh.”
Tình yêu, tình thương là điệp khúc, là bản trường ca miên viễn, bất tuyệt của thơ mà sứ mệnh người thi sĩ sáng tạo phải giữ gìn, xiển dương, làm cho phục hồi, sống dậy mãnh liệt, ý lực bừng lên huy hoàng, sáng suốt, tuôn trào vô lượng vô biên. Hãy đốt hồn thơ thiêng liêng, cháy rực ngời ngọn lửa cảm xúc, rung động thiên thu, để nghe nhịp thở bồi hồi giữa bầu khí hậu thanh tân, phấn chấn, hân hoan yêu đời trong tiếng hát đại bi tâm. Tiếng hát đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả ấy mãi hoài ngân vọng trong lòng người từ muôn thuở đến muôn nơi, trên mặt đất trần gian vẫn còn thơ mộng này.
Tâm Nhiên (KTS Lê Văn Tâm)
Trong cái mênh mông của đêm Thu tôi cũng muốn ngao du từ cái tâm trăng sáng, lãng du về cõi trời vô lượng bàng bạc ánh mây hồng....
Phương trời viễn mộng, như là bầu trời thơ kết tinh từ tấm lòng vì quê hương, dân tộc, về một chặng đường lịch sử nguy nan, khốn khó mà con người phải mang nặng trên đôi vai sinh tử của thời đại. Phương trời viễn mộng đó, mênh mông những vần thơ mang tính tự tồn, độc lập, kiêu hùng của dòng lịch sử quê Cha, đất Tổ mà những đứa con của giống nòi, lênh đênh theo dòng sử mệnh quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét