Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Giai Thoại Văn Chương: Thi Phật Vương Duy


一生幾許傷心事, Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự,
不向空門何處銷 ? Bất hướng không môn hà xứ tiêu?

Có nghĩa: 
Biết bao nhiêu chuyện thương tâm,
Chẳng nhờ cửa Phật biết trông nơi nào?!

Đó là hai câu thơ tiêu biểu cho Thi Phật Vương Duy trong bài thất ngôn tứ tuyệt Thán Bạch Phát 嘆白髮 của ông làm khi đã về già.

VƯƠNG DUY 王維(701-761)tự là Ma Cật, hiệu là Ma Cật Cư Sĩ, vốn người đất Kỳ Huyện Sơn Tây, sau cha ông thuyên về Bồ Châu (nay là thành phố Vĩnh Tế). Ông cùng với Mạnh Hạo Nhiên hình thành thi phái "Điền Viên Sơn Thủy". Người đời hợp xưng là VƯƠNG MẠNH 王孟. Ông còn là ông Tổ của Họa Phái Sơn Thủy Nam Tông chuyên vẽ tranh thủy mặc. Ông là nhà thơ, nhà hội họa đời Thịnh Đường, xưng hiệu là THI PHẬT, còn lưu lại trên 400 bài thơ đủ loại.
Vương Duy được sinh ra trong một gia đình qúy tộc, cha mất sớm nên chịu ảnh hưởng của mẹ vốn là một người tinh thông Phật học. Ngay cả tên DUY 維 và Tự là MA CẬT cũng từ DUY MA CẬT KINH 維摩詰經 của Phật giáo mà ra. Ông thông minh dĩnh ngộ, nổi tiếng là thần đồng. Năm Công nguyên 715, mới 15 tuổi, ông đã đến kinh thành để tìm chữ công danh. Ở đây ông đã viết 4 bài thất ngôn tứ tuyệt "Thiếu Niên hành" được truyền tụng và nổi tiếng khắp kinh thành.Bài thứ nhất như sau :

新豐美酒斗十千, Tân Phong mỹ tửu đẩu thập thiên,
咸陽遊俠多少年。 Hàm Dương du hiệp đa thiếu niên.
相逢意氣為君飲, Tương phùng ý khí vị quân ẩm,
系馬高樓垂柳邊。 Hệ mã cao lâu thùy liễu biên.

Có nghĩa:

Tân Phong rượu đáng muôn tiền,
Hàm Dương hiệp khách thiếu niên hào hùng.
Gặp nhau ý chí tương đồng,
Cùng say buộc ngựa lầu đông liễu thùy.

Bài thơ đã khắc họa nên hình ảnh rất trung thực của các thiếu niên hiệp khách ý chí tương đồng nên gặp nhau là cứ uống thoải mái buông thả đến say khước mới thôi, thật hào hùng và sảng khoái ! Vương Duy đã nổi tiếng với bài thơ tả thực nầy.
Ngoài thi từ ca phú ra, Vương còn tinh thông thư pháp, hội họa và âm nhạc nữa, lại rất đẹp trai, quả là tài mạo song toàn, nên kết giao với hầu hết những quan viên qúy tộc ở chốn kinh thành. Tiết Trùng Cửu năm 17 tuổi, Vương nhớ đến thân nhân đang ở quê nhà đã cảm khái mà viết nên bài "Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ 九月九日憶山東兄弟" được lưu truyền thiên cổ:

獨在異鄉為異客, Độc tại dị hương vi dị khách,
每逢佳節倍思親。 Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
遙知兄弟登高處, Diêu tri huynh đệ đăng cao xứ,
遍插茱萸少一人。 Thiên tháp thu du thiểu nhất nhân!

Có nghĩa:

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người !

Lục bát:

Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta!

Năm 721, Vương Duy 21 tuổi, ứng tuyển Trạng Nguyên. Tương truyền, lẽ ra Trạng Nguyên khoa đó đã dự trù là em trai của danh sĩ Trương Cửu Linh là Trương Cửu Cao, một tài tử đương thời, sẽ trúng tuyển, nhưng vì Kỳ Vương Lý Phạm đã đem bài tỳ bà khúc là "Úc Luân Bào" của Vương Duy cho Ngọc Chơn Công Chúa xem. Công chúa vừa mến mộ tài hoa vừa nễ tình ông em là Kỳ Vương, nên hết lòng tiến cử cho Vương Duy, vì thế mà Vương đậu ngay Trạng Nguyên khoa đó. Tuổi trẻ tài cao lại thanh vân đắc chí. Lãnh ngay chức Lễ Bộ Thái Lạc Thừa lên đến tận đỉnh vinh quang. Trong khoảng thời gian nầy, những văn thi sĩ ra vào Kỳ Vương phủ như Cao Thích, Lý Qui Niên... hay cùng nhau đàn hát bài ngũ ngôn tuyệt cú TƯƠNG TƯ 相思 của Vương Duy: 

紅豆生南國, Hồng đậu sanh Nam quốc,
春來發幾枝。 Xuân lai phát kỷ chi.
願君多採擷, Nguyện quân đa thái hiệt,
此物最相思。 Thử vật tối tương tư.

Có nghĩa:

Nước Nam có đậu hồng,
Xuân về trổ mấy bông,
Mong người bẻ lấy cất trong...
Áo Xiêm xao xuyến cho lòng nhớ thương !...

Kỳ Vương Lý Phạm 岐王李范 vốn là em trai của Đường Huyền Tông, ông thích kết giao với các văn thi sĩ đương thời. Một lần, khi đã uống say, ông yêu cầu các nghệ nhân biểu diễn "Khúc múa Sư Tử vàng"(Hoàng Sư Tử Vũ 黃獅子舞) là khúc múa chỉ dành riêng cho vua xem, các nghệ nhân bị ông bức ép quá phải biểu diễn khúc múa nầy. Sau đó, chuyện bị đổ bể, ngoài Kỳ Vương ra, tất cả những quan viên có tham gia buổi tiệc hôm đó đều bị tội liên can, và dĩ nhiên là trong đó có cả Vương Duy. 
Từ tột cùng của đỉnh vinh quang, trong chớp mắt đã rơi xuống tận cùng đáy cốc. Vương Duy bị đày đến Tế Châu đất Sơn Đông. Từ Trường An đến Sơn Đông đường xa diệu vợi, vừa đi vừa nghỉ, ngắm phong cảnh sơn thủy trên đường để giải sầu. Khi đi ngang qua Vận Thành của xứ Sơn Tây, cảm hứng vì cảnh trí nơi đây, ông đã làm một bài thơ ngũ ngôn "Đăng Hà Bắc Thành Lâu Tác 登河北城樓作" như sau :

井邑傅岩上, Tĩnh ấp phó nham thượng,
客亭雲霧間。 Khách đình vân vụ gian.
高城眺落日, Cao thành thiếu lạc nhật,
極浦映蒼山。 Cực phố ánh thương san.
岸火孤舟宿, Ngạn hỏa cô chu túc,
漁家夕鳥還。 Ngư gia tịch điểu hoàn.
寂寥天地暮, Tịch liêu thiên địc mộ,
心與廣川閑。 Tâm dữ quảng xuyên nhàn.

Có nghĩa:

Nhà trên vách đá cheo leo,
Khách đình quán dịch sương theo mây mù.
Thành cao ngắm nắng chiều thu,
Xa xa bến nước mịt mù núi xanh.
Thuyền côi leo lét mong manh,
Đèn chài chim tối bay nhanh về đàn.
Tịch liêu trời đất chiều tàn,
Lòng theo sông nước thanh nhàn chảy xuôi. 

Đây có thể xem là bài thơ mở đầu về chủ đề Sơn Thủy đầu tiên của ông trong một loạt thơ SƠN THỦY THI 山水詩 sau nầy. Nhà thơ Tô Đông Pha đời Tống đã khen rằng :" Thơ Sơn Thủy của Ma Cật, trong thơ có họa và trong họa có thơ". 
Sau khi đến Tế Châu, Vương Duy càng cảm thấy buồn bã cô độc hơn, vì công việc mới chẳng qua chỉ tương đương như một người coi kho mà thôi. Từ Trường An nơi phồn hoa đô hội, bị chuyển đến nơi khỉ ho cò gáy. Từ tột đỉnh vinh quang xuống thành một quan sai coi kho, bảo sao Vương nuốt cho trôi. Khó khăn lắm mới qua được 4 năm. Rời khỏi Tế Châu, lại bị thuyên chuyển đến Hà Nam nhậm chức quan ở Kỳ Thượng, và lại phải chịu đựng thêm 2 năm nữa. 

Năm 729, Vương Duy mới được về lại Trường An và bắt đầu học Phật pháp, đồng thời cũng kết giao được với bạn thơ tri kỷ Mạnh Hạo Nhiên. Hai người chính là hai nhân tố chính cho phái thơ "Điền Viên Sơn Thủy" sau nầy. Nhưng Mạnh vì đường công danh trắc trở, thi mãi không đậu, nên quyết định trở về Tương Dương. Lúc chia tay, Vương Duy đã làm bài thơ "Tống Biệt 送別" sau đây :

下馬飲君酒, Hạ mã ẩm quân tửu,
問君何所之 ? Vấn quân hà sở chi ?
君言不得意, Quân ngôn bất đắc ý,
歸卧南山陲。 Qui ngọa nam sơn thùy.
但去莫復問, Đản khứ mạc phục vấn,
白雲無盡時。 Bạch vân vô tận thì !

Có nghĩa:

Xuống ngựa uống rượu bạn,
Hỏi xem bạn đi đâu ?
Bạn rằng bất đắc chí,
Về Nam sơn ẩn cư.
Cứ đi thôi chẳng hỏi,
Mây trắng mãi du du!.

Bạn "Bất đắc chí" về ở ẩn là điều tốt rồi, tôi cũng "Bất đắc chí" mà chưa về ở ẩn được đây. Thôi thì bạn hãy cứ vui với cái thời gian quy ẩn của mình đi, vì nó sẽ thảnh thơi như mây trắng bay mãi ngàn đời... Không như công danh lợi lộc ở trên đời đến một lúc nào đó rồi cũng sẽ chẳng còn chi !

Sau khi đưa tiễn Mạnh Hạo Nhiên, hai năm sau Vương Duy lại gặp phải một đả kích lớn về tinh thần, người vợ đầu ấp tay gối và là thanh mai trúc mã với nhau từ nhỏ, qua đời vì khó sanh. Từ đó ông ở vậy luôn suốt ba mươi năm cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Năm 733, Trương Cửu Linh đảm nhiệm chức Tể Tướng, đã tiến cử cho Vương Duy lãnh chức Hữu Thập Di. Nhưng chỉ ba năm sau, năm 736, Trương bị bãi chức, nên Vương cũng chịu họa lây. Năm 737, Vương Duy bị khiển đi sứ đất Hà Tây, tiếng là thay mặt triều đình duyệt xét và khao thưởng ba quân, nhưng thực chất là bị trục xuất đi khỏi Trường An.

Trên đường ra đại mạc tây bắc, trước cảnh sa mạc mênh mông, Vương Duy đã cảm khái viết nên bài thơ "Sứ Chí Tái Thượng 使至塞上" như sau :

單車欲問邊, Đơn xa dục vấn biên,
屬國過居延。 Thuộc quốc quá cư diên.
征蓬出漢塞, Chinh bồng xuất Hán tái,
歸雁入胡天。 Quy nhạn nhập Hồ thiên.
大漠孤煙直, Đại mạc cô yên trực,
長河落日圓。 Trường hà lạc nhựt viên.
蕭關逢候騎, Tiêu quan phùng hầu kỵ,
都護在燕然。 Đô Hộ tại Yên Nhiên !

Có nghĩa:

Xe đơn ra chốn ải biên,
Qua bao thuộc quốc đến miền hoang sơ.
Cỏ bồng vượt Hán cõi bờ,
Trên trời chim nhạn đất Hồ thẳng bay.
Khói trên sa mạc thẳng ngay,
Trường hà mặt nhựt tròn quay nắng chiều.
Tương phùng thiết kỵ ải Tiêu,
Báo tin Đô Hộ đã điều Yên Nhiên!

Bài thơ tả lại quang cảnh tiêu sơ hoang vắng của sa mạc mênh mông, với những làn khói lam chiều lên thẳng, và mặt trời đỏ rực to tròn trên sa mạc lúc nắng chiều, nêu bật được cái hùng tráng nhưng tịch liêu của vùng biên tái. Vì bài thơ nầy mà ông còn được người đời sau xếp vào hàng những nhà thơ biên tái của đời Đường.

Năm 740, Trương Cửu Linh ta thế, bạn thân Mạnh Hạo Nhiên lại qua đời. Liên tiếp hai ba đả kích, tinh thần và tâm lý của Vương Duy chịu ảnh hưởng và hướng về đạo Phật càng nhiều hơn. Cũng trong năm nầy trên đường xuất sai vì công vụ, khi đi ngang qua Tương Dương, Vương đã làm một bài thơ mang đậm ý thiền "Hán Giang Lâm Phiếm 漢江臨泛" sau đây: 

楚塞三湘接, Sở tái tam Tương tiếp,
荊門九派通。 Kinh Môn cửu phái thông.
江流天地外, Giang lưu thiên địa ngoại,
山色有無中。 Sơn sắc hữu vô trung.
郡邑浮前浦, Quận ấp phù tiền phố,
波瀾動遠空。 Ba lan động viễn không.
襄陽好風日, Tương Dương hảo phong nhựt,
留醉與山翁。 Lưu túy dữ sơn ông.

Có nghĩa:

Biên tái Sở, nối ba Tương,
Kinh môn chín khúc thông thương một dòng.
Đất trời sông chảy ngoài không,
Tựa không tựa có mênh mông núi đồi.
Thành trì như nổi bờ khơi,
Sóng xô lay động đất trời xa xa.
Tương Dương cảnh đẹp nắng tà,
Muốn cùng sơn lão la cà say sưa!

Bài thơ là một bức tranh thủy mặc tuyệt tác mang đậm ý thiền, nhất là hai câu "Giang lưu thiên địa ngoại, Sơn sắc hữu vô trung 江流天地外,山色有無中". Có nghĩa : Dòng sông như chảy ra ngoài cả trời đất, và núi non thì ẩn hiện như có như không. Thành trì thôn ấp như nổi như trôi trên bờ sóng, và cả trời nước cũng như đang lay động trước sóng nước mênh mông (Quận ấp phù tiền phố, Ba lan động viễn không 郡邑浮前浦,波瀾動遠空). Cảnh vật chung quanh như chìm như nổi như có như không, không tức thị sắc và sắc tức thị không !

Sau lần công vụ đó trở về, đường công danh của Vương Duy cũng nhạt dần, ông tậu một biệt thự dưới chân núi Chung Nam Sơn nằm ở ngoại ô của Trường An, để sống những ngày nửa đang làm quan và nửa như đang ở ẩn. Gởi lòng cho núi non sông nước, sống tiêu diêu tự tại. Ta hãy nghe ông kể trong bài Chung Nam Biệt Nghiệp 終南別業 sau đây: 

中歲頗好道, Trung tuế phả hiếu đạo,
晚家南山陲。 Vãn gia Nam sơn thùy.
興來每獨往, Hứng lai mỗi độc vãng,
勝事空自知。 Thắng sự không tự tri.
行到水窮處, Hành đáo thủy cùng xứ,
坐看雲起時。 Tọa khan vân khởi thì.
偶然值林叟, Ngẫu nhiên trực lâm tẩu,
談笑無還期。 Đàm tiếu vô hoàn kỳ!

Có nghĩa:

Trung niên đã mộ đạo rồi,
Tuổi già vời đến dưới đồi Nam Sơn.
Đi về tùy hứng tùy cơn,
Vui buồn cảnh đẹp chi sờn lòng ta.
Thủy cùng dạo bước gần xa,
Ngồi xem sương khói tạo ra mây trời.
Ngẫu nhiên gặp lão ông ngồi,
Cười vui thế sự thảnh thơi quên về! 

Hai câu "行到水窮處, 坐看雲起時 Hành đáo thủy cùng xứ, Tọa khan vân khởi thì " Cứ đi đi mãi đi đến nơi tận cùng của dòng nước, rồi ngồi ở đó mà xem mây trời tan hợp, để thấy rằng công danh lợi lộc rồi cũng sẽ có một ngày "sơn cùng thủy tận". Rốt cuộc cũng chỉ là sắc sắc không không như mây nổi tụ rồi lại tan, sao bằng cứ sống theo tự nhiên nhàn nhã như đám mây trắng phiêu diêu bay về tận cuối chân trời.
Những năm cuối đời Đường Huyền Tông, vua thì hôn mê, chính sự đen tối, gian thần chuyên quyền. Vương Duy càng nguội lạnh với quan trường, nên đến năm 744 Vương bán đi biệt thự Chung Nam Sơn mà mua lại Võng Xuyên Biệt Nghiệp lớn hơn ở Lam Điền ngoại ô của thành Trường An. Chính ở nơi nầy Vương Duy đã viết nên rất nhiều bài thơ nhàn nhã mang hơi hướm của thanh tịnh vô vi và cũng thể hiện thế giới sắc không thuần thành của nhà Phật. Ta hãy lần lượt đọc những bài thơ sau đây sẽ rõ :

空山不見人, Không sơn bất kiến nhân,
但聞人語響。 Đản văn nhân ngữ hưởng.
返影入深林, Phản ảnh nhập thâm lâm,
復照青苔上。 Phục chiếu thanh đài thượng.
《鹿柴》 "Lộc Trại"

Có nghĩa:
Núi không chẳng thấy ai,
Nhưng nghe tiếng vọng dài. 
Bóng nắng xuyên rừng thẳm,
Chiếu lên rêu xanh đài.

Cảnh núi non thật vắng lặng, chỉ nghe tiếng vọng mà không thấy người và chỉ có bóng nắng phản chiếu lên các bậc rêu xanh không dấu chân người lai vãng . Yên tĩnh như trong cõi vĩnh hằng ! Ta hãy đọc thêm bài "Điểu Minh Giản 鳥鳴澗" sau đây:

人閑桂花落, Nhân nhàn quế hoa lạc,
夜靜春山空。 Dạ tịnh xuân sơn không.
月出驚山鳥, Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
時鳴春澗中。 Thời minh xuân giản trung.

Có nghĩa:
Người nhàn hoa quế rụng,
Đêm lặng núi xuân không.
Trăng mọc chim choàng tỉnh,
Kêu giữa núi khe xuân!

Lục bát:
Nhẹ nhàng hoa quế rụng rơi,
Núi xuân vắng lặng khắp nơi im lìm.
Giật mình trăng mọc tiếng chim,
Oang oang suối vắng lặng im như tờ!

Cảnh đêm yên tĩnh đến độ nghe cả được tiếng hoa quế rụng trong núi xuân vắng vẻ, và ánh trăng dịu dàng mọc lên cũng làm giật mình những con chim núi đang ngủ gà ngủ gật bay vội lên kêu oang oác làm vang động khe núi trong đêm.

Ta thấy trong thơ Vương Duy hay có chữ KHÔNG 空, như "KHÔNG sơn bất kiến nhân", hay "Dạ tĩnh xuân sơn KHÔNG"... KHÔNG là trống không, không có gì cả, là VÔ 無, Vô dục nên vô cầu, vô hận nên vô sầu... con người trở thành một phần tử của thiên nhiên, và vì tâm KHÔNG nên vạn vật cũng KHÔNG!

Những tưởng có thể sống yên thân nhàn tản ở Võng Xuyên Biệt nghiệp suốt đời, nào ngờ năm 755, khi An Lộc Sơn làm loạn ông không kịp chạy theo vua ra đất Thục; bị kẹt lại ở Trường An nên bị ép làm quan cho loạn tướng An Lộc Sơn. Đến khi An Lộc Sơn thất bại, ông bị khép tội phản loạn, may mà nhờ em trai giúp vua dẹp loạn có công nên mới xin cho khỏi tội. Trải qua cơn biến động lớn nầy, lòng Vương Duy lại càng nguội lạnh hơn xưa; ông nhìn nhân sinh bằng ánh mắt vô thường của nhà Phật, và một lòng một dạ hướng về cửa không, như trong bài "Thán bạch Phát 嘆白髮" sau đây:

宿昔朱顏成暮齒, Túc tích chu nhan thành mộ xỉ,
須臾白髮變垂髫。 Tu du bạch phát biến thùy thiều.
一生幾許傷心事, Nhất sanh kỷ hử thương tâm sự,
不向空門何處銷。 Bất hướng không môn hà xứ tiêu?!

Có nghĩa:
Má hồng răng trắng xưa đâu,
Chốc đà lốm đốm mái đầu hoa râm.
Biết bao nhiêu chuyện thương tâm,
Chẳng nhờ cửa Phật biết trông nơi nào?! 

Đó là lý do vì sao Thi Phật Vương Duy một lòng hướng Phật lúc tuổi đã già. Chỉ có cửa Phật mới giải thoát được những ẩn ức của lòng trần, chỉ có giọt nước cành dương mới tưới tắt được mọi đường trần duyên. 

Sau loạn An Lộc Sơn, nhà Đường cũng bắt đầu suy vi, nhất là các vùng biên giới tây vực, loạn quân nổi dậy khắp nơi. Triều đình không ngớt trưng binh và tìm tướng giỏi trấn áp các vùng biên tái. Bài thơ cuối cùng hôm nay cũng là bài thơ đưa tiễn người đi ra vùng giới tuyến xa xôi "Tống Nguyên Nhị Sứ An Tây 送元二使安西", bài nầy còn có tên là "Vị Thành Khúc 渭城曲":

渭城朝雨浥輕塵, Vị thành triêu vũ ấp khinh trần,
客舍青青柳色新。 Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
勸君更盡一杯酒, Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu,
西出陽關無故人。 Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.

Có nghĩa:

Vị Thành mưa sớm bụi đường
Xanh xanh quán khách liễu dương buông dài.
Khuyên người hãy cạn chén say,
Dương Quan nơi ấy chẳng ai bạn cùng! 

"Tây xuất Dương Quan vô cố nhân" như là một lời trăn trối, tiếng là tiễn bạn mà cũng là để tiễn mình, vì sau lần tiễn biệt nầy rồi, e rằng sẽ không còn có ngày gặp lại nữa : Một người đi chinh chiến và một người thì sức yếu tuổi già, biết còn có thời gian và không gian để gặp lại hay chăng ?! Vì...

Năm Công Nguyên 761, Thi Phật Vương Duy về cõi niết bàn khi vừa đúng 60 tuổi, cũng là tuổi thọ của thời bấy giờ. Ông còn lưu lại tên 400 bài thơ gồm đủ các thể loại, là một trong những thi nhân sáng tác mạnh mẽ nhất của buổi Thịnh Đường.

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét