Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Immigration Museum, Melbourne - Viện Bảo Tàng Di Dân. Melbourne, Úc Châu

(Hình Ảnh: Sưu tầm)

Viện Bảo Tàng Di Dân được thành lập từ năm 1998, tại số 400 Flinders St. ngay trung tâm thành phố Melbourne, Tiểu Bang Victoria, nên phương tiện công cộng di chuyển rất tiện lợi, nhất là cho du khách từ khắp nơi đến viếng thăm.

Nơi đây được trưng bày lịch sử của những sắc tộc di dân đến Úc nhập cư, nơi được tổ chức nhiều cuộc triển lãm khác nhau, cung cấp tài liệu các chương trình giáo dục. 
Ở tầng trệt là một quán cà phê nhỏ nhắn, chúng ta vừa giải lao, có thể ngắm hay mua những món quà lưu niệm. Ngoài ra còn có một phòng tham khảo để nghiên cứu thêm.
Hai tầng lầu trên, những di tích của những người di dân mang từ nước họ trên đường đi tìm tự do được trưng bày, cũng như trình chiếu lại những câu chuyện của lịch sử qua màn ảnh. 
Theo tài liêu cho biết, sân của Viện Bảo Tàng được sử dụng để tổ chức các lễ hội của các cộng đồng bao gồm âm nhạc, ẩm thực và văn hóa. Khu vườn Tribute, nơi tôn vinh những người nhập cư từ hơn 90 quốc gia khác nhau.

Khi bắt đầu thành lập, họ có thông báo, nếu những gia đình di dân nào muốn ghi tên, chi tiết cùng phương tiện nhập cư đến Úc. Họ sẽ khắc tên lên vách 150 đô. khắc dưới nền gạch 100 đô. Tôi đã ghi tên cho ba má tôi. Ngày 16 tháng 7 năm 1998, họ gửi thư xác nhận, nếu tôi không thay đổi ý định xem như họ tiến hành. Tôi muốn khắc tên ba má tôi xem như một cách tri ân công đức của đấng sinh thành, một mặt lưu giữ  về sau cho con cháu có thể tìm lại cội nguồn của mình. 


Sau khi được khánh thành, khoảng vài chục gia đình được khắc tên, nhìn dòng nước chảy êm đềm từ trên vách chảy xuống dọc theo tên khắc. Phía dưới như một dòng sông hai bên có hai lối đi. Nước nhẹ nhàng êm trôi lên tên khắc. Thật là tuyệt vời! Đưa gia đình đến đây, tôi nhìn gương mặt má tôi ánh lên niềm vui, mỉm cười sung sướng lắm.

Có những dịp anh em từ ngoại quốc sang Úc, tôi đưa anh chị, đến thăm. Ai nấy lăng xăng đi tìm tên ba má, trông thật hồn nhiên.

Những năm nước Úc thiếu nước, để giới hạn nước, trên vách tường không có nước chảy. Nhưng tên khắc phía dưới nền gạch con nước vẫn lung linh bóng cây, ánh mặt trời phản chiếu…Chỉ vài giờ dừng lại nơi này nhưng chúng ta có thể tìm được sự thanh thản tâm hồn, lắng lòng để ôn lại kỷ niệm ngày xưa, cảm như đang cận kề bên người thương yêu của mình. 

(Hình Ảnh: Hoàng Dan)

Hai năm trước, con trai tôi từ bên Anh về thăm nhà, cháu muốn cùng tôi đi viếng thăm Ông Bà. Lần đầu cháu đến còn nhỏ tuổi. Sau mấy mươi năm trở lại, tên khắc đã đầy cả vách, lẫn dưới nền gạch. Hai mẹ con tôi chia nhau hai lối đi tìm. Ngày xưa tên ngưòi Việt rất dễ nhận, nhưng giờ quá đông. 
Cháu nói: “ Mẹ ơi con tìm không ra Ngoại”. Tôi thầm khấn nguyện Ba Má:” Ba Má ơi, có linh thiêng, ba má cho Hoàng Đan thấy ba má nha ba má”. Vừa dứt lời khấn, cháu mừng rỡ: “Mẹ ơi, con thấy Ngoại rồi”. Tôi bồi hồi xúc động. Nhìn con trai hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt, y hệt gương mặt  má tôi lần đầu tiên đến đây.


Ba má biết không, Khu vườn Tribute ngày nay cây cao che mát, có những băng ghế ngồi nghỉ ngơi, ăn trưa, chim hót líu lo, chim đáp xuống dòng nước trong mát tìm mồi thật nên thơ ba má ơi..Con và cháu ngoại của Má vừa ăn vừa nhắc chuyện ngày xưa.


Chắc ba má cũng còn nhớ, chính Viện Bảo Tàng này, đứa con trai Út của Ba Má đã vinh dự có hợp đồng vẽ tranh và triển lãm. Những bức tranh vẽ về cuộc hành trình của người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do sau biến cố 1975. Tất cả đã được lưu giữ nơi đây.


Má ơi, hôm nay ngày Giỗ Má lần thứ 18, vì nạn dịch Covid19 hoành hành, anh em, con cháu chúng con không được tề tụ để nhắc chuyện xưa. Nơi đây tạm thời đóng cửa, con cũng không đến thăm ba má được. Nhưng trong lòng chúng con vẫn có ba má hiện hữu. Ánh mắt, nụ cười, hình dáng ba má đã khắc sâu trong tim chúng con, dòng nước mắt cũng nhẹ nhàng rơi nhớ Má.. nhớ Ba….
 
Một lịch sử sống mãi tồn tại trong Viện Bảo Tàng Di Dân này, trên đất nước Tự Do, Đa Văn Hóa này,  là nơi tuyệt vời nhất để khởi đầu!

Thương nhớ về Ba Má

Melbourne 24/9/2020 
Kim Oanh
(Hình ảnh: Hoàng Đan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét