Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Hạt Bụi Vai Người



Nhà cửa kiếng đóng kín quanh năm, sao toàn bụi là bụi. Bụi phủ mặt bàn, bụi phủ mặt sàn nhà lót thảm hay cả phần lót gỗ. Mỗi tuần hoặc lười hơn, bận rộn hơn, mỗi hai tuần là phải hút bụi, phải lau sàn gỗ. Nếu không, nhìn nghiêng, đâu đâu cũng thấy bụi. Tôi cằn nhằn, “Trong nhà, sao bụi ơi là bụi!”. Bà xã gọi người đến kiểm soát, hút sạch sẽ các đường ống dẫn hơi thổi và mua thêm các loại quạt có phần lọc không khí cho những phòng chính trong nhà.

Mỗi tháng đều thay hai màn lọc lớn cho hệ thống máy điều hòa, thay vì mỗi ba tháng. Không khí trở nên trong lành thấy rõ. Nhưng cũng chỉ được một vài tháng, rồi mọi sư tình trở lại như cũ. Vẫn đâu vào đó, bụi ơi là bụi. Bà xã “đầu hàng”, an ủi: “Bụi thì bụi, mình có bệnh hoạn gì đâu anh. Nhiều khi bụi còn giúp hệ thống miễn dịch (immune system) hoạt động tốt hơn! Anh cứ coi như không thấy, là nhà sẽ không có bụi”. Tôi thấy lý luận “bừa” của bà ấy cũng đáng suy nghĩ. Không hiểu tự bao giờ tôi chú ý đến bụi và đôi khi lại làm “lớn chuyện”. Thói quen của đời sống hay “trưởng giả học làm sang”? Nhớ lại những ngày nào, chừng như bụi chung quanh là cái không thể thiếu. Sống với bụi, ăn với bụi và ngủ cũng với bụi. Đã sao đâu? Vậy mà không hiểu sao bây giờ tôi lại xa rời với bụi, “phụ rẫy” người bạn tình chung của mình. Tôi đã đổi thay hay hoàn cảnh sống đưa đẩy chúng ta tách biệt với môi trường thiên nhiên? Hay cả hai nguyên nhân căn bản đó, hằn những nếp nhăn trong phản xạ của chúng ta? Một cuối tuần, bà xã đang cặm cụi lau sạch sàn nhà gỗ, từng mặt bàn phòng ăn bỗng dừng tay, bùi ngùi nói:

-Anh quá nhạy cảm, ngay cả những hạt bụi xứ này cũng xa lạ với anh. Hạt bụi xứ người, không phải hạt bụi quê nhà?

Có lẽ hay thật vậy? Chừng như bao nhiêu hạt bụi quanh tôi đang trĩu nặng, phủ kín mọi mặt đời. Bụi của thời gian chồng chất, bụi của cuộc đời hệ lụy vai mang. Và có cả hạt bụi nhỏ nhoi bay lận đận vào mắt tôi cay ướt, nhạt nhòa. 
***
Biết bao khuôn mặt mà ta đã gặp trong suốt một đời người. Biết bao ánh mắt đã làm ta bối rối, nhớ nhung. Biết bao bức thư mà ta đã thao thức, nắn nót gửi trao. Biết bao cuộc hẹn hò mà ta háo hức, đợi chờ. Biết bao bàn tay ấm áp, nhẹ run mà ta đã nắm giữ. Đã bao lần có nụ hôn vội vã, ngất ngây. Bao lần ta phải lòng nhau và đã bao nhiêu lần bạn cố tình lánh mặt? Bao nhiêu lần bạn đã yêu và bao nhiêu người đã yêu bạn? Không ai, và kể cả tôi đứng ngoài bao nhiêu vòng hệ lụy đó. Tôi đã yêu người và có người đã yêu tôi. Người tôi yêu đã phụ tôi và tôi cũng phụ người yêu dấu. Thời gian “tẩy xóa” dần dấu vết tuổi trẻ. Số phận, cơm áo đời người xây biết bao “mộ phần” của dĩ vãng trong ta. Năm tháng cứ ngỡ đã khuất lấp, vùi sâu. Vậy mà trong chuỗi dài của đời sống, chợt một lần nào đó hương phấn bụi đời kéo mọi ngõ ngách ký ức, khiến ta ngã quỵ vào một thời tưởng đã lãng quên...

Và chừng như trong mỗi người phụ nữ đẹp đều có chút “đàn ông”. Kinh nghiệm người khác thế nào tôi không biết. Nhưng với bản thân, bên trong người con gái đẹp tôi quen đều có ít nhiều tính “con trai”. Những người con gái đẹp tôi biết, đều được “cầu chứng” của đám đông. Cả khoa hóa sinh, ngoại ngữ, cả trường hay cả huyện. T.H mang một nửa dòng máu của xứ thần kinh, nửa dòng máu của mẹ, của một Công Tằng Tôn Nữ... Còn cha của T.H là công chức người Long Xuyên. Dáng dong dỏng cao, T.H mang tính tình cởi mở của vùng sông nước Cửu Long và cả tính dè dặt, “kiểu cách” của người con gái xứ Huế. Trong một buổi cắm trại ở Thủ Đức, tôi được nghe bạn bè cùng khoa trầm trồ về “người đẹp” của khoa hóa sinh, có tên Trương Thị T.H. Nghe qua, tôi cũng không mấy quan tâm. Có thể, mang chút tò mò về một người “đẹp”. Cuộc cắm trại nhiều khoa, trên dưới trăm người nên cũng không phải dễ gặp gỡ. Hơn nữa, tôi đã có người rồi, là em gái của một người bạn thời trung học. Buổi tối lửa trại có phần văn nghệ “bỏ túi” ngoài trời, tôi chợt nghe giới thiệu tên T.H trình bày nhạc phẩm mới “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, thơ Phạm Thiên Thư – nhạc Phạm Duy:

“… Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi…"

Tiếng hát T.H trầm đục, âm vực tỏa rộng, ngập ngừng chừng như hụt hẫng mà cuốn hút vô cùng. Trong ánh lửa chập chùng, T.H thật đẹp. Tiếng vỗ tay vang dội trong nụ cười hồn nhiên, nở rộ của đóa hoa T.H. Đám thanh niên vây quanh nàng suốt đêm hôm đó. Trong cái mùng dã chiến, tiếng muỗi vi vu, tôi thao thức trong tiếng hát ai lãng vãng bên tai. Anh hùng cũng khó qua nổi ải mỹ nhân, huống hồ chi kẻ “hạ nhân” như tôi!

Buổi họp ban báo chí gần kết thúc, tôi cảm giác có ai đó đang “theo dõi” mình. Quay lại, tôi chạm phải ánh mắt của “người đẹp” đang đứng phía sau. Lúng túng chưa kịp phản ứng, Duy lên tiếng giới thiệu T.H với tôi. Đọc bài tùy bút của tôi trong tạp san trường, T.H muốn làm quen với tác giả. Không còn nhớ tôi đã lí nhí những câu gì, nhưng chúng tôi quen nhau từ đó. Mãi sau, khi biết chuyện tình của T.H và tôi, Duy và đám bạn thầm thì “lù khù nó vác cả người đẹp của khoa mà chạy"! 

T. H ban hóa sinh đại học sư phạm có nét đẹp sắc, lộ diện. Nàng có thể thắp sáng cả căn phòng, đám đông khi bước vào. Nhưng đừng vì những bước chân sợ làm “đau sỏi đá” và giọng nói nhẹ tênh pha chút giọng Công Tằng Tôn Nữ của T. H mà bạn bị lừa. Nàng là một tay đánh cờ tướng cừ khôi. Lúc nhỏ cha T. H ghiền đánh cờ tướng, thiếu người, bèn dạy cô con gái “rượu” đánh cờ với mình. Từ tám, chín tuổi nàng đã ngồi hàng giờ bên bàn cờ với cha. Nhiều lần tôi phải ngồi “sòng” cả giờ coi T. H đấu với đám thanh niên, ông già tại hội quán Cây Tre. Bạn cứ tưởng tượng, bao quanh một cô gái đôi môi ươm ướt đỏ hồng, mắt long lanh sâu thẳm, tập trung vào bàn cờ quên hết chung quanh – quên cả tôi. Thú vị biết chừng nào. Sau cùng, tiếng reo hò, vỗ tay vang lên, T. H một tay quẩy chiếc túi vải, một tay choàng tay tôi: “Mình đi anh. Bù đấp anh một chầu bột chiên hột gà ngã Bảy”! 

Căn gác trọ của tôi nằm trong hẻm nhỏ, có thể đi vào từ cả hai phía đường. Mặt ngoài là đường Phan Đình Phùng rẽ vào và đi ngang qua chùa Phước Hòa. Mặt sau là đường Nguyễn Thiện Thuật, theo con hẻm đối diện cà phê Năm Dưỡng. Tôi thuận và thích đi ngõ chùa Phước Hòa hơn. Vừa đẹp, vừa yên bình. Để có những chiều, cũng một T. H "cao thủ cờ tướng" đưa tôi về, dừng trước cổng chùa đúng lúc từng hồi chuông ngân lên tĩnh vọng. Nàng chắp tay, cúi đầu khấn nguyện. Tôi hỏi, T. H nói nhỏ: “Hổng thèm cho anh biết”. Rồi nàng quẹt đuôi tóc vào má tôi: “Cho anh nợ em những hạt bụi và lời khấn nguyện”, cười khúc khích và quay xe chạy khuất quanh đầu ngõ. Nắng chiều rơi nhẹ, in bóng người bụi phấn sau lưng... Tôi không tin đời người sẽ về với cát bụi mà sẽ trở lại với nơi chốn bắt đầu. Sống và đi qua bao nhiêu nơi chốn bụi trần, T. H đã để lại trên má tôi những hạt bụi đời thương nhớ và lời khấn nguyện năm xưa. Hãy nằm yên nghỉ bụi ơi, ở một nơi quê nhà vời vợi...

"... Anh còn nợ em
Con tim bối rối
Con tim bối rối
Anh còn nợ em
Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Cuộc tình đã lỡ
Anh còn nợ em... " (1)


***
Từ lớp 8, K.H đã cao vượt trội bạn học cùng lớp. Đến lớp 9 thì K.Hoa biết thêm mình được mọi người chú ý. Mấy người bạn của anh mình, bên trường nam trung học thị xã. Mấy đứa con trai cùng xóm, chiều nào cũng lãng vãng trước nhà. Ngoài việc được chọn vào ban vũ trường, K.H còn được chọn vào ban tiếp tân mỗi dịp trường có phái đoàn thăm viếng hoặc làm dàn lễ tiếp cắt băng khánh thành của thị xã. Dáng cao thẳng, bước chân thong thả K.H dễ gây sự chú ý trong đám đông. Và cũng chính “chiều cao” nầy, K.H có “mặc cảm” vì cứ phải xếp ngồi cuối lớp và bị bạn học gọi bằng “chị”, dù cùng tuổi hoặc lớn hơn! 

Nhưng đừng vì dáng thong thả với những sợi lông măng mịn màng trên cánh tay trần và từng ngón tay thon dài mà bạn “lầm” to. Trong một "đêm không ngủ" sau phần trình diễn văn nghệ, đám học trò cùng các thầy làm buổi tiệc rượu cuối năm. Bên nồi cháo vịt nước nắm gừng, từng ly rượu nếp than, đế trắng đầy ly cạn chén. Thuộc trường phái phá mồi, tôi chỉ ngồi góp mặt nhấp môi có lệ. Nhưng đêm càng sâu, rượu mời trở thành rượu nài rượu ép. Từng ly xoay vòng đến tôi, đều được K.H: "Để em uống thế cho thầy H đêm nay!". Mọi người vỗ tay, hoan hô "khuyến khích" người đẹp! Tiệc tàn đêm hết, đám học trò nam cùng các thầy "vái tay" hàng cuộc, nằm lăn cuốn mền ngủ, K.H vẫn ngồi nói năng vui vẻ, tỉnh tươi. Tôi ngạc nhiên, hỏi K.H về tửu lượng? "Em có luyện lục-mạch-thần-chỉ trong "Thiên Long Bát Bộ" nên uống hoài không say đó thầy", K.H vừa cười cười, vừa nhìn tôi nói đùa.

Để gặp nhau, K.H phải hẹn và chạy tuốt ra tận bến xe Rạch Giá - Hà Tiên. Chung quanh Rạch Sỏi, Minh Lương, An Hòa... đến tận chợ Rạch Giá, đâu đâu cũng gặp “phe nhà”. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là đám học trò của tôi. Đúng là không sai dù chỉ là một cen-ti-mét. Hôm nào lỡ bị bắt gặp dọc đường, là hôm sau trong trường có chuyện kể “dưới cột cờ”. Ngồi phía sau thành “ôm eo ếch”. Còn lỡ bắt gặp “ôm eo ếch” là sẽ thành chuyện gì... chỉ có “trời biết”! Lúc đó bến xe Rạch Giá – Hà Tiên có mấy quán cà phê sinh tố và quán cơm lề đường vừa ngon vừa rẻ. Có điều bụi ơi là bụi. Ăn cơm tấm bì với bụi. Ăn bánh canh cá với bụi. Ngon nhất phải nhắc tới món bánh tằm bì chan nước cốt dừa, nước mắm ớt, cũng ăn với bụi. Ngon ơi là ngon. Chừng như bụi đường đóng góp phần không nhỏ cho ăn uống, đời sống quanh ta. Trên đường về, K.H nói: “Đầu tóc anh toàn là bụi. Ghé nhà, em gội đầu cho rồi hẳn về trường”. “Anh tự gội được mà”. “Anh hả, em không tin. Học trò nói, thầy H. 'làm biếng ở dơ', mặc một bộ đồ ba bốn ngày không thay!”, K.H cười nhỏ. Đành chịu. Thứ gì trên người, chung quanh tôi đều được tường trình theo chiều hướng không thể “kiểm soát”. Bao nhiêu “tờ rơi”, chị nào “thương” thầy H, rồi thầy H “để ý” ai đều truyền xa và thất thiệt. Vậy mà, những buổi cùng học trò cắm trại “bỏ túi” hát nhạc “đồi trụy” và đọc thơ “phản động” ngay trong lớp lại được “dấu kín” vô cùng... Gội xong đợt nhất với loại xà bông “đá”, chà hoài không thấy bọt, K.H dùng chanh vắt nước. Lúc đầu hơi rít rít, nhưng sau đó thì đầu tóc thơm thoang thoảng mùi chanh và rất dễ chịu. “Em vẫn còn để lại mấy hạt bụi trên tóc. Tối về trường sẽ nhớ em”, tay lau tóc K.H vừa nói vừa hát nhỏ: 

".. Thời gian âm thầm như nước về khơi
Lòng trót yêu người tình khó đổi thay
Hoa thắm rồi có khi tàn,
Tình ấy chỉ đến một lần
Tâm tư thương hoài ngàn năm..." (2)
***
Buổi sáng sẽ tầm thường, tẻ nhạt với người không chờ sáng. Cuộc sống sẽ hờ hững biết bao nếu ta không tha thiết, nâng niu từng giây phút bên người. Dòng sông nước lớn, nước ròng nhưng dòng thời gian trôi xuôi một lần không trở lại. Mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, người khác thì lo đi du lịch ngoạn cảnh quê hương hoặc tìm những món ăn ngon một thời để nhớ. Còn tôi thì góp nhặt những nắm bụi đất ven đường (bỏ vào những bao nilon nhỏ, bà xã mua sẵn) ở những nơi chốn đi qua, góc phố kỷ niệm hay cả những vùng lần đầu tôi đến. Trong tủ nhà hiện nay, tôi có cả mấy chục bọc chứa bụi đường trên nhiều vùng đất của quê hương. Bụi đường quê tôi có thể tìm lại được, nhưng bụi phấn hơi người chẳng tìm lại được bao giờ! 

Bụi vẫn bay bay, rơi xuống cuộc đời không dứt. Hạt bụi quê người vẫn xa lạ quanh tôi. Hạt bụi quê nhà, hạt bụi hương xưa xin hãy nhẹ bám vai người thương nhớ! 

"... Bao nhiêu năm làm kiếp con người 
Chợt một chiều tóc trắng như vôi 
Lá úa trên cao rụng đầy 
Cho trăm năm vào chết một ngày..." (3)

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

(1) Anh Còn Nợ Em - Nhạc Anh Bằng - thơ Phạm Thành Tài
(2) Thương Hoài Ngàn Năm - Phạm Mạnh Cương
(3) Cát Bụi - Trịnh Công Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét