Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Bát


BÁT 八, chữ Nho là số Tám, nhưng đối với bà con nông dân ghiền tứ sắc ở quê tôi thì Bát là số Ba! Vì " Bát Ra " là " Ba Rác ". Khi nhà cái chia bài xong, bắt bài lên, thấy chỉ có 3 con rác, đánh một con ra, còn lại đứt đầu Sĩ Tượng hoặc Xe Pháo Ngựa ... Nếu ai đánh ngay thì sẽ lại tới ngay ! Nhưng trong Văn Học Cổ thì BÁT còn phải có những bổ túc từ đi theo phía sau nữa, như ...


* BÁT ÂM 八音: là Tám loại âm thanh phát ra từ Tám loại nhạc cụ trong âm nhạc xưa. Đó là: 1. KIM là tiếng chuông bằng kim loại; 2. THẠCH là tiếng khánh làm bằng đá; 3. TI là tiếng đàn với các dây bằng tơ; 4. TRÚC là tiếng sáo của tre trúc; 5. BÀO là tiếng sanh do nhiều ống sáo ghép lại trong một cái bầu; 6. THỔ là tiếng huân do một loại nhạc cụ bằng đất thuở xưa; 7. CÁCH là da, là tiếng trống do các da trâu da bò phát ra; 8. MỘC là tiếng gỏ nhịp do một thứ nhạc cụ bằng gỗ hình như cái đấu vuông, trên rộng dưới hẹp, dùng dùi để gỏ.
Ta thấy âm nhạc ngày xưa cũng rất phong phú và đa dạng, hầu như lợi dụng hết tất cả các âm thanh do tất cả những vật liệu chung quanh cuộc sống của ta hòa hợp lại mà nên. Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh là " Hoa Điểu Tranh Năng " của ta, Hoa và Chim cùng khoe mình là hay là giỏi. Đoạn tả chim khoe tài có câu:

Bát Âm điệu mới rất hay,
Họa mi nổi tiếng xưa nay đã nhiều.

*BÁT ĐỒNG 八桐: là Tám cây ngô đồng được trồng trong sân, theo tích nhà họ Hàn có tám anh em đều hiển đạt. Nên người đời có lời truyền tụng ngợi khen là " Hàn Thị Bát Đồng ". Có nghĩa: " Tám cây ngô đồng ở trong sân nhà họ Hàn " để ca ngợi là một gia đình có phúc. Trong truyện Nôm Nhị Độ Mai của ta có câu :

Đông hàng long phượng gót lân,
Kìa nhà ngũ quế, nọ sân Bát Đồng.


Nói thêm: còn một từ BÁC ĐỒNG nữa trong văn học cổ sau đây :
BÁC ĐỒNG 礮銅 : BÁC ( C chớ không phải T ), BÁC 礮 nầy là Khẩu súng lớn dùng bắn đá để công thành ngày xưa, còn gọi là Đại Bác 大礮, vì súng được đúc bằng đồng nên gọi là BÁC ĐỒNG 礮銅. Khi mở tòa án để giúp Thúy Kiều báo ân báo oán, Từ Hải đã giàn giá chốn công đường có cả súng thần công để uy hiếp tinh thần phạm nhân:

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,
Bác Đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

... và khi Hồ Tôn Hiến gạt Từ Hải ra đầu hàng đã cho lễ binh đi trước để kéo cờ chiêu dụ, nhưng phía sau thì lại mai phục trọng binh có cả súng thần công để phá thành:

Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,
Lễ binh dàn trước, Bác Đồng phục sau.


* BÁT MÔN 八門 : là Bát Môn Kim Tỏa Trận 八門金鎖陣, một trận pháp ngày xưa thuộc Kỳ Môn Độn Giáp, được Khổng Minh Gia Cát Lượng tiến hành sửa đổi lại thành Bát Trận Đồ hoàn chỉnh sau nầy. Trận Bát Môn Kim Tỏa do Tào Nhân sai tướng là Lý Điển bày ra để thử tài của Lưu Bị, quân sư của Lưu Bị lúc bấy giờ là Từ Thứ lấy tên là Đơn Phước đã nhìn ra trận đồ gồm có tám cửa là : Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai.休、生、伤、杜、景、死、惊、开. và chỉ cho Lưu Bị cách phá trận.Trong truyện Nôm khuyết danh là Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng của ta có câu:

Trường sa bóng ác sang đoài,
Ngựa rong bách kỵ, trận bày Bát Môn.

* BÁT NHÃ 般若 : là từ chuyên dùng của Phật Giáo, là từ chuyển dịch từ Phạn Ngữ từ gốc của nó là : "Prajñāpāramitā 般若波罗蜜多 Bát Nhã Ba La Mật Đa”, viết gọn thành tiếng Anh Prajna, là BÁT NHÃ. Có nghĩa là Trí Tuệ. Trí Tuệ của Phật giáo có nghĩa là thấu đáo quán triệt đến nơi đến chốn một cách vô thượng, không phải là Trí Tuệ thông thường, nên mới gọi Trí Tuệ là BÁT NHÃ. Trong bài Lục bát Tư Dung Vãn của cụ Đào Duy Từ có lồng một bài thơ luật trong đó có 2 câu:

Ngày vắng vang reo chuông Bát Nhã,
Đêm thanh dóng dỏi kệ Di Đà.

Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho ông Sãi luận về tu hành có câu:
Dựa màu thuyền bát nhã; lần chuỗi hột bồ đề.
... và khi cho ông Sãi luận về chữ VUI, cụ cũng đã viết:

Lánh cõi tục, Sãi vui thuyền Bát Nhã;
Rửa bụi trần, Sãi vui nước Ma ha. 
- Nói thêm về từ Bát Nhã 般若: 
Hai chữ Hán được đọc là BÁT NHÃ ở đây, vốn là chữ BAN 般 và chữ NHƯỢC 若, vì dùng để dịch âm Prajñā (Pờ-ra-nha) nên mới đọc là BÁT NHÃ, Các dịch giả dịch truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung không am tường kinh Phật, nên mới dịch BÁT NHÃ CHƯỞNG 般若掌, một trong 72 tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm thành BAN NHƯỢC CHƯỞNG. Như trong truyện Thiên Long Bát Bộ 天龍八部, Bát Nhã Chưởng là một trong những tuyệt kỹ mà nhà sư Hư Trúc đã sử dụng để đấu với quốc sư của nước Thổ Phồn là Cưu Ma Trí.

* BÁT TIÊN 八仙: là Tám tiên nhân của Đạo giáo (Lão giáo). Họ đều là những người đến từ nhân gian với những câu chuyện đời thường của những người rất đời thường tu thành chánh qủa; khác với hẵn với các tiên ông có tiên phong đạo cốt, đạo mạo nghiêm trang xa rời cuộc sống thực tế. Họ đến từ các thành phần thực tế trong xã hội, gồm cả Phú, Qúy, Bần, Tiện, Nam, Nữ, Lão, Thiếu, trong đó có cả hoàng thân quốc thích, tướng quân, đạo sĩ, ăn mày ... tu đắc đạo thành tiên; nên hình ảnh Bát Tiên rất gần gũi với quần chúng và rất được quần chúng nhân dân yêu thích. Ta thử điểm sơ qua về gốc gác của Bát Tiên xem họ xuất thân như thế nào:

1. CHUNG LY QUYỀN 鍾離權 (phú): Còn gọi là Hán Chung ly 漢鐘離. Xuất thân con nhà tướng, giàu sang phú qúy, văn võ song toàn, từng là một võ tướng của triều đình. Sau bị người dèm pha vì bại trận, nên từ quan ẩn cư và tu hành đắc đạo thành tiên.

2. LỮ ĐỘNG TÂN 呂洞賓 (Nam): là đạo sĩ. Từng đỗ Tiến sĩ và làm Huyện lệnh. Sau vì chán cảnh quan trường, nên từ quan tu đạo, ẩn cư trong rừng núi. Sau gặp được Chung Ly Quyền ở Trường an. Qua mười lần thử thách, Chung truyền cho kim đơn và đắc đạo thành tiên.

3. TRƯƠNG QỦA LÃO 張果老 (Lão) Râu tóc bạc phơ, nhưng mặt mày hồng hào tươi trẻ, thường cởi ngược một con lừa đi trong phố tràng an, có thuật trường sinh. Đường Thái Tôn, Cao Tôn... đều rất hâm mộ. Sau giả chết ở trước miếu Đố Nữ để tránh lời mời của Võ Tắc Thiên.

4. HÀN TƯƠNG TỬ 韓湘子 (Thiếu): Là người trẻ nhất trong Bát Tiên, cháu của đại văn hào Hàn Dũ. Thích thổi sáo, tương truyền khúc sáo "Thiên Hoa Dẫn 天花引" là do Hàn Tương Tử sáng tác. Ông được Lữ Động Tân độ cho thành tiên. Ông lại muốn độ cho chú mình là Hàn Dũ cùng tu tiên, nhưng Dũ là nhà Nho chính thống nên không theo.

5. LÝ THIẾT QUẢI 李鐵拐 (Tiện): Còn gọi là Thiết Quải Lý. Ông vốn là Lý Chân Nhân, học trò của Thái Thượng Lão Quân (Ông Tổ của Đạo Giáo). Nhưng vì phải xuất hồn đi dự đại hội của Lão Quân ở Hoa Sơn, mới dặn đồ đệ là nếu trong vòng 7 ngày mà không thấy hồn nhập trở về thân xác, thì mới được thiêu hóa. Không ngờ tên đồ đệ của ông nhằm lúc bà mẹ bệnh nặng, nóng lòng muốn về thăm, đã cố gắng đợi hết ngày thứ sáu mới thiêu xác ông để về thăm mẹ. Ngày thứ bảy, hồn ông về đến thì thân xác đã thành tro bụi rồi, hồn vất va vất vưởng mới nhập vào một cái xác ăn mày vừa mới chết để mượn xác hoàn hồn. Vì là ăn xin nên áo quần lam lũ, đầu bù tóc rối, lại què quặc nên phải chống một cây gậy sắt, và vì thế mới có tên là LÝ THIẾT QUẢI (Ông gậy sắt họ Lý).

6. HÀ TIÊN CÔ 何仙姑 (Nữ): Vốn là con gái nhà họ Hà, lúc nhỏ đã có cơ duyên gặp được dị nhân cho uống linh đan diệu dược, nên giỏi về thuật phi hành, âm dương bói toán, biết được qúa khứ vị lai; được Lữ Động Tân độ cho thành tiên, là phái nữ duy nhất trong bát tiên.

7. LAM THÁI HÒA 藍采和 (Bần): là Học trò nghèo. Sống vào những năm Khai Nguyên Thiên Bảo đời Đường. Ăn mặc mong manh, hay ca hát nghêu ngao trên đường phố trường an, lời ca ẩn chứa các ý nghĩa về thân tiên. Có người lúc còn trẻ đã gặp ông ca hát, đến khi già gặp lại thì thấy ông vẫn trẻ trung và ca hát như cũ. Sau được Hán Chung Ly độ ở quán rượu rồi cởi hạc lên tiên

8. TÀO QUỐC CỰU 曹國舅 (Qúy): Vốn là em trai lớn của Tào Thái Hậu đời vua Tống Nhân Tông. Vì là cậu của nhà vua, nên mới gọi là Quốc Cựu. Tuy là hoàng thân quốc thích nhưng tánh tình giản dị bình dân, không thích công danh lợi lộc. Ông thích nghiên cứu về lịch sử và triết lý về nhân sinh, cho rằng ở đời mọi việc đều do nhân qủa tuần hoàn mà ra cả. Sau khi nghe tin ông em (tiểu Quốc Cựu) vì ỷ quyền cậy thế, ức hiếp dân lành mà bị lưu đày, ông bèn xuất gia tu đạo và thành chánh qủa lên tiên.
Ta thấy, BÁT TIÊN là đại diện của Nam Nữ lão Ấu, Phú Qúy Bần Tiện, nên chi rất được dân chúng ngưỡng mộ và tôn thờ. Hầu như tất cả đình chùa miếu mạo đều có bàn thờ thờ Bát Tiên cả.

Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho ông Sãi luận về chữ VUI có câu:

Non Bồng Lai bước tới, sãi vui với BÁT TIÊN;
Núi Thương lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.

Trong Truyện Kiều, khi Từ hải chuộc Kiều từ lầu xanh ra cũng đã :

Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo, vây màn BÁT TIÊN.


Ngoài ra, ta còn có các thành ngữ có chữ BÁT như:

- TỨ DIỆN BÁT PHƯƠNG 四面八方: Ta nói là "Bốn Phương Tám Hướng". như trong bài hát Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ của Minh Kỳ và Hoài Linh :

Tám hướng Bốn phương trời mây,
Thôi nhé, anh đi từ đây ...

- BÁN CÂN BÁT LƯỢNG 半斤八两 : Ta nói là "Nửa Cân Tám Lượng" hay "Kẻ Tám lạng , Người nửa cân" để chỉ Hai lực lượng hoặc hai thế lực ngang bằng nhau, hoặc dùng để so sánh hai người, hai sự việc, hai tính toán, hai âm mưu ... sít soát như nhau, không ai chịu nhường ai như câu :

Kẻ kia tám lượng, người thì nửa cân!

- THẤT ĐIÊN BÁT ĐẢO 七顛八倒: Ta cũng nói y chang là "Thất điên bát đão", để chỉ sự việc gì đó đến một cách dồn dập khó lòng ứng phó chống đỡ cho nổi hay sự việc gì đó làm cho lao đao khốn khó; tương đương với một thành ngữ bình dân của đồng bằng Nam bộ là "Xất bất sang bang".

- TỨ THỜI BÁT TIẾT 四時八節 : Tứ Thời là bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bát Tiết chỉ tám cái tiết lớn trong năm là : Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông và Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí, Đông Chí. Nên Tứ Thời Bát Tiết thường dùng để chỉ thời gian hoặc mùa màng trong một năm. 


Để kết thúc cho bài viết hôm nay, xin được nhắc lại câu đối của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến làm để tặng cho bà góa phụ bán thịt lợn trong dịp Tết, bà nầy đã đem tặng cho cụ một bát tiết canh và đôi bồ dục, câu đối như sau :

四時八節更終始, Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
岸柳堆蒲欲點装. Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang. 

Có nghĩa:
Quanh năm suốt tháng (Tứ thời bát tiết) lại càng (tỏ lòng) chung thủy hơn,
Cỏ bồ và nhành liễu bên bờ sông như muốn trang điểm (thêm cho người tiết phụ vậy).

Đây là câu đối CHỮ (làm toàn bằng chữ Nho), để ca ngợi tiết hạnh của bà hàng thịt, nhưng cụ Tam Nguyên nhà ta đã rất khéo léo lồng vào hai từ NÔM để tỏ lòng Cám Ơn bà hàng thịt đã có hảo ý tặng cho "Bát Tiết Canh và Đôi Bồ Dục". Tinh ý một chút ta sẽ thấy:
* Chữ thứ 3,4,5 của vế trên là : BÁT TIẾT CANH và ...
* Chữ thứ 3,4,5 của vế dưới là : ĐÔI BỒ DỤC.

Không phải tài hoa như Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến thì sẽ không thể làm được câu đối hay, lắc léo và lý thú thế nầy!

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét