Dù trở lại Hilo đã mấy tuần, đầu óc tôi vẫn còn bịn rịn quyến luyến bên kia bờ Thái Bình. Lúc thì ở bên mẹ, lúc thì bên các con, lúc thì bên các em, lúc thì bên các chú cô, bạn hữu. Một người rất vui từ hôm được choàng lên cổ vợ một vòng hoa khi nàng vừa rời khỏi con chim sắt khổng lồ chật cứng người. Chàng của tôi cười tươi như nụ Phong Lan mới nở. Lần này chàng xa vợ có ba tuần, không dài đằng đẵng như năm ngoái.
Lúc đợi lấy hành lý tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó, tại phi trường LAX một nhân viên an ninh đã tốn thì giờ qúy báu của công để khám xét một túi xách nhỏ của tôi. Lý do là vì qua máy X-Ray họ trông thấy một điều gì vi luật. Tôi mang về một lọ trái cây có hơn 4 oz. nước đường của Trader Joe’s (bên Hilo không có tiệm này.) “Bà không thể mang theo hơn 4 oz. chất lỏng,” viên an ninh giải thích. Anh ta không hề hay biết là trong tôi có một hành lý vô hình, ngập sũng nhớ thương.
Rời khỏi phi trường Hilo, trời lất phất mưa trong không khí mát dịu của vùng hải đảo vào lúc chạng vạng, khi mặt trời đang chìm dần dưới mặt biển tím. Tôi bồi hồi gặp lại chàng sau 21 ngày xa cách. Nhưng chỉ trong chốc lát, không kiềm chế được cảm xúc, tôi đã yếu lòng cho phép chiếc vali vô hình mở toang và như một cơn lốc, đẩy ngược tâm trí tôi trở lại Quận Cam, nơi tôi mới rời xa sáu tiếng đồng hồ trước đó.
Mới đây nhất là hình ảnh đứa con đầu lòng đưa tôi ra phi trường. Nguyên một ngày hai mẹ con bên nhau, nhắc về những kỷ niệm ngày xưa khi con còn bé, chia sẻ những kinh nghiệm khi con giờ đã trưởng thành. Luật mới từ sau biến cố 9 tháng 11 năm nào đã không cho phép ai đưa thân nhân vào tận cửa máy bay. Đứa con vội vã ôm mẹ hôn từ biệt. Còn tôi từ từ tiến tới cánh cửa để vào bên trong hãng hàng không, tay xách nách mang, mắt còn cố dõi nhìn theo xe con, như muốn ghi lại trong tim hình ảnh con mình. Chưa gì đã nhớ con rồi. Cố dấu đôi mắt ưót, tôi bước nhanh qua khung cửa chia cách người ở và người đi.
Hai mươi mốt ngày trước, đứa con út đã phải lái chung quanh vòng đai phi trường sáu, bẩy lần vì không được phép đậu xe lại để chờ mẹ. Rồi cũng tới lúc tôi xuất hiện bên lề đường. Hai mẹ con ôm nhau, nỗi mừng niềm vui hiện rõ trong ánh mắt vì hơn một năm hai mẹ con mới gặp lại nhau.
Trở về thực tại. Trên đường về lại căn phòng hai đứa thuê đã gần hai năm, chàng huyên thuyên kể những chuyện xẩy ra khi tôi vắng nhà. Quay kính xuống để hít gió biển trong lành, tôi nghe tiếng dế, tiếng ếch coqui dọc hai bên đường. Đây là những tiếng động quen thuộc của vùng nhà quê, xa phố thị mà ở Quận Cam không có. Nhìn ra ngoài, tôi bất chợt thấy mầu trời sao qúa xám. Lòng người xám cũng không thua gì. Tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi nhớ những buổi tối nằm trên chiếc giường nhỏ, chỉ cách giường mẹ một tấm bình phong để nghe mẹ kể lại chuyện ngày xưa. Dù đã nhiều lần nghe mẹ nhắc về những kỷ niệm thời xa xôi, tôi vẫn hân hoan cùng mẹ đi ngược dòng thời gian, trở về Hưng Yên quê mẹ và Hải Dương quê Bố. Lúc mẹ trượt cành ổi, rơi tõm xuống sông quê ngoại, suýt chết đuối; lúc trốn lính Tây, phải bôi nhọ nồi lên mặt lem luốc; lúc Bố theo đuổi mẹ, nhờ đứa cháu “đưa hàng trăm lá thơ”; lúc Bố làm cây sáo bé bằng gang tay, thổi bài “Trương Chi, Mỵ Nương,” từ đầu làng đến cuối làng ai cũng nghe. Mẹ thì nghe “đến thuộc lòng.” Mỉm cười khi nghe mẹ tả cảnh bà ngoại lấy chân dí bẹp cây sáo Bố tặng, chiếc sáo của người con rể tương lai mà bà hết lòng thương yêu.
Tôi tưởng tượng mình như con bướm, bay tung tăng theo Bố mẹ trên đường tới nhà thờ làm đám cưới. Tôi hình dung mẹ là một cô dâu thẹn thùng vì những lời chọc ghẹo của đám trẻ con. Tôi hỏi mẹ mầu áo dài mẹ mặc hôm đó là mầu gì, vì hình trắng đen không tỏ rõ. Mẹ kể đám cưới vội vàng vào mồng ba Tết, ngày cuối cùng trước khi Bố hết phép, cho nên không kịp giờ may áo cưới. Mẹ đã chọn chiếc áo dài nhung mầu vỏ đỗ, may sẵn cho các dịp lễ lớn để diện vào dịp này. Mẹ không quên kể về đôi hài cườm đen lóng lánh. Đôi hài đã bị lấm bụi trần, vì xe đón dâu đã không bao giờ đến. Mẹ kể chuyện đi vào Nam bằng tàu há mồm, khi tôi mới hai tuổi và thằng em mới sanh, còn đỏ hỏn. Những chuyện không đầu, không đuôi, lúc ở Nha Trang, lúc ra lại Hải Phòng, lúc vào Sài Gòn, lúc ra Huế, lúc chạy trốn khỏi móng vuốt cộng sản lần thứ hai …. Nhớ gì tôi hỏi nấy. Tôi nhủ thầm, không biết mẹ còn sống khi lần tới mình về thăm. Biết đâu chừng, đây là lần cuối nằm bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện đời xưa. Chưa chắc tôi nhớ hết những chi tiết, những cảm nghĩ mẹ chia sẻ. Tôi chỉ muốn sống những giây phút hạnh phúc nằm gần giường mẹ, nghe mẹ nhắc lại những gì mẹ còn ghi nhớ trong tim, những gì mẹ ôm ấp trong lòng hơn ba phần tư thế kỷ.
Không biết điềm gì mà lần này tôi khóc nhiều khi chia tay. Ôm các em, ôm mẹ, ôm con, tôi khóc. Khóc không ai dỗ được. Khóc đến mỗi mẹ phải khuyên, “Thôi, con đừng khóc nữa, mắt sưng người ta cười cho.” Rồi có lần mẹ tôi hỏi, “Khi nào mẹ đau nặng con có về không?” Tôi không nhớ mẹ hỏi lúc nào? Khi tôi nằm trong phòng mẹ hay lúc chở mẹ đi nhà Thờ, đi bác sĩ khám mắt, đi châm cứu hay đi massage? Tôi làm tỉnh trả lời, “Con sẽ về chứ.” Rồi thêm, “con không biết Chúa có cho con về kịp để nhìn mẹ lần cuối.” Giận mình ghê gớm vì nói những lời qúa buồn thảm này. Có ích gì đâu! Nói ra rồi, tôi ngậm ngùi và không dằn được lòng, bật khóc thành tiếng.
Phải chăng vì vài ngày trước khi trở lại Hawaii mẹ đề nghị, “cho mẹ đi với” mà tôi buồn sầu quá đỗi? Năm ngoái, trước khi sửa soạn dọn sang đây chàng và tôi có mời mẹ sang sống với chúng tôi. Mẹ từ chối, lý do là vì mộ Bố chúng tôi ở Quận Cam và bẩy người con khác đang sống quây quần gần mẹ. Sang bên này, chỉ có hai đứa tôi, chắc chắn mẹ sẽ buồn lắm. Hôm đó, mẹ lại ngỏ lời. Tôi trả lời là để tôi về trước, lo giấy tờ cho mẹ rồi mời mẹ sang. Ngay lập tức, mẹ cho biết “Nói thế chứ, làm sao mà mẹ đi được!”
Mẹ tôi là người can đảm. Năm năm trước đã tiễn người chồng hơn 60 mươi năm ra nghĩa trang. Chín tháng sau lại đưa người con trai trưởng ra “làng vĩnh cửu.” Mẹ luôn nâng đỡ tinh thần các con, khi các con đối diện với bệnh tật hay với những thử thách dồn dập của cuộc đời. Mẹ tôi không than thân trách phận, không trách Trời, trách đất, không thắc mắc tại sao, không đổ lỗi cho số phần, không so sánh với người ta. Mẹ tôi chỉ biết khuyên các con vâng theo Thánh Ý Chúa. Mẹ đọc kinh lần hạt, xin Chúa gìn giữ hồn xác các con và cháu chắt. Còn lại tám đứa con. Bốn trai, bốn gái. Mười tám đứa cháu nội ngoại và một chắt. Tháng ba sang năm, mẹ tôi sẽ có thêm một chắt nữa. Gia tài mẹ tôi hiện có thật là vô giá. Ba chục người. Vừa con, vừa cháu, vừa chắt. Từ sau ngày Bố mất, mẹ là cái neo cho chiếc tầu gia đình trên đại dương đời nhiều sóng gió, dù bề ngoài mẹ nhìn bé tí bé ti, bé hơn đứa cháu ngoại nhỏ nhất trong nhà.
Trời Hilo năm nay sao lạnh? Năm ngoái tôi đâu có phải giở những thùng nhựa lớn nhỏ để tìm áo len và bít tất đem ra mặc, để đầu mình chân tay đỡ cóng như năm nay. Hỏi chàng tại sao Hawaii mà cũng lạnh như bên đất liền? Chàng trả lời, tại vì năm ngoái El Niño hay La Niña gì đó, cho nên thời tiết đâm ra phân vân loạng quạng, không biết rõ là mình đang vào mùa gì. Nên mưa hay nên nắng? Vì thế cho nên, khi tôi đi vắng sáu tuần và sau khi tôi trở lại, trời Hilo vẫn nắng chang chang, nắng như muốn thiêu cháy da người, cái nóng hình như thêm nồng độ, vì lòng tôi bồn chồn như lửa đốt vì nhớ nhà. Năm nay, trời mưa đúng mùa. Mưa từ hôm chàng đưa tôi ra phi trường, mưa khi tôi vắng nhà, mưa hôm chàng đón tôi trở lại và mưa mỗi ngày từ hôm ấy.
Từ hôm về lại Hilo, ngày nào tôi cũng gọi nói chuyện với mẹ cho đỡ nhớ. Nhờ lời khuyên của một ngưòi em tinh thần, tôi không nói những gì buồn khiến mẹ thương nhớ mình hơn. Chỉ kể về những sinh hoạt của chàng và tôi bên Đảo Lớn để mẹ quên đi nỗi nhớ đứa con gái cả, hiện đã xa ngàn dặm. Tôi hỏi mẹ đang làm gì? Có khi mẹ đang dự Thánh Lễ qua TV, có khi mẹ vừa ăn sáng, có lúc mẹ đang ngồi trong phòng mạch, đợi vào khám. Có lúc hai mẹ con đang nói chuyện thì trời mưa lớn, đường giây bị cắt đứt. Tôi phải ngừng. Tôi text mẹ. Cho mẹ biết là trời bên này đang vào mùa mưa cho nên khi nói chuyện có thể bị đứt quãng. Mẹ text trở lại, “OK, con.”
Mới mấy tuần trước tôi còn ôm mẹ, ôm con. Giờ, hơn hai ngàn dặm cách biệt, tôi trở về với một người, tạm bỏ lại bên kia bờ đại dương 30 người thân yêu. Từ hôm nay, tôi bắt đầu đếm từng ngày để trở về thăm mẹ, các em và các con cháu. Ước gì thân này xẻ làm đôi để tôi được cùng lúc vừa ở bên ấy, vừa ở bên này. Tôi tự an ủi: 365 ngày qua rất mau. Tôi sẽ trở về thăm mẹ, thăm con, thăm em. Tôi mong sao 365 ngày tới mẹ tôi vẫn còn ở trên trần gian này để tôi được ôm tấm thân gầy của mẹ.
Khổng thị Thanh-Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét